Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

Xóa "chức nguyên" của ông Vũ Huy Hoàng và khoảng trống luật pháp

Cập nhật lúc 08:34

(Tin tức thời sự) - ''Thực ra trên thế giới, các nước không có khái niệm 'nguyên', người ta cũng không giới thiệu chức vụ 'nguyên'''

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ra Nghị quyết về việc xử lý kỷ luật với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Công Thương.
Cụ thể, ông Hoàng bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương, do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng. Ban bí thư cũng đã thi hành kỷ luật cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương (nhiệm kỳ 2011-2016) đối với ông Hoàng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thủ tướng ra quyết định xử lý kỷ luật, đồng thời giao Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội quyết định việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định của Luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Đây sẽ là cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng, nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi bộ máy nhà nước.
 Xoa
Ông Vũ Huy Hoàng
Trao đổi với Đất Việt về việc này, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia cho rằng:
Thực ra trên thế giới, các nước không có khái niệm ''nguyên'', người ta cũng không giới thiệu chức vụ ''nguyên''.
Luật hồi tố các nước đều có, đó là Luật. Đã là Luật thì phải chịu trách nhiệm trước tư pháp, còn trong nội bộ thì không cần. Tất cả đều phải ra tòa, anh là công dân, anh phạm luật mà luật là tối thượng thì khi ấy, tôi gọi anh ra tòa và hạ hồi phân giải tại đó''.
Ngoài ra, ông Tri cho rằng, việc UBTVQH xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương đối với ông Vũ Huy Hoàng có thể hiểu là xử lý về mặt nhà nước để cân bằng với việc xử lý về mặt Đảng trước đó. Những chế độ liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó có chế độ lương hưu của ông Vũ Huy Hoàng thì không có gì thay đổi.
Để không ''hạ cánh an toàn''
Hiện tại, có rất nhiều luồng ý kiến cho rằng, trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng là xưa nay chưa từng có. Một khi ông Hoàng đã nghỉ hưu mà sử dụng Luật công chức, viên chức sẽ không còn phù hợp nữa. Trong khi đó, hiện tại chúng ta không có quy định nào để xử lý cán bộ ''nguyên''.
Kỷ luật về Đảng cũng đã kỷ luật, về mặt nhà nước thì cũng xóa chức nguyên Bộ trưởng Công thương của ông Vũ Huy Hoàng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn rằng, với khuyết điểm của ông Vũ Huy Hoàng thì việc xử lý như vậy là quá nhẹ.
Về việc này, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, chính bởi Việt Nam chưa đưa được luật hồi tố một cách rõ ràng, nên không có cơ sở để xử lý thêm đối với trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng.
''Trước sau gì cũng nên đưa luật hồi tố vào một cách cụ thể hơn. Quan điểm của tôi, trên thế giới người ta dùng từ ''kiềm chế tham nhũng'' thay vì ''chống tham nhũng''.
Nếu xét từ trước cho tới nay, nước nào cũng có tham nhũng, thời nào cũng có tham nhũng. Nếu xác định ''chống'' thì sẽ xảy ra hiện tượng ''đỡ'', nhưng nếu người ''chống'' có quyền lực thấp hơn thì rất dễ phản tác dụng.
Do đó, để kiềm chế người ta không dám tham nhũng, thì phải có luật hồi tố. Nếu có luật hồi tố thì sẽ khắc phục ngay hai hiện tượng thường xuất hiện ở Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất là hạ cánh an toàn, thứ hai là hi sinh đời bố củng cố đời con. Một khi đã có luật hồi tố thì sẽ không có khái niệm hạ cánh an toàn nữa. Vì khi anh về hưu vài năm mà tôi phát hiện ra trên báo chí hoặc xã hội phát hiện ra chuyện lúc đương thời anh làm thì vẫn có thể gọi anh ra hầu tòa.
Trung Quốc người ta làm rất tốt được việc này, riêng trong thời gian vừa qua, ông Tập Cận Bình đã xử lý rất nhiều cán bộ nhà nước là nguyên Ủy viên Bộ Chính trị'', TS. Tri nêu quan điểm.
Từ việc của ông Vũ Huy Hoàng, ông Tri cũng băn khoăn trước hiện tượng nhiều cán bộ mắc khuyết điểm sau đó trốn ra nước ngoài và không trở về Việt Nam, điển hình là Trịnh Xuân Thanh.
''Về mặt pháp lý, nếu muốn bắt Trịnh Xuân Thanh thì phải có cơ sở nào cụ thể, không tự nhiên mà các nước họ tới họ bắt người được. Bản thân các nước khác cũng không thể cho Việt Nam vào nước họ để bắt người. Nếu những người trốn sang nước ngoài không vi phạm pháp luật ở nước sở tại thì họ cũng không xử lý được, đó là cái rất bất cập'', PGS.TS Nguyễn Hữu Tri phân tích.
(Theo Dân trí) Hoàng Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét