Xăng gánh 8.000đ thuế môi trường cho... bằng các nước: Hỏi thật!
Cập
nhật lúc 14:17
(Tài chính) - Bộ Tài
chính cân nhắc và xem xét toàn diện các vấn đề chứ không nên đưa ra những lời
giải thích chung chung về việc tăng thuế môi trường.
Giải thích chưa thuyết phục
Việc nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên tối đa 8.000
đồng/lít của Bộ Tài chính đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Mới đây, ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài
chính) đã lên tiếng giải thích về việc này với báo chí.
Theo ông Liêm, việc đưa ra đề xuất này nhằm ứng phó với việc thuế nhập
khẩu xăng dầu giảm, không thể để giá xăng thấp hơn các nước đồng thời tránh
tình trạng buôn lậu.
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, ông Bùi Văn Xuyền, ĐBQH tỉnh Thái
Bình khẳng định phải xem xét toàn diện vấn đề chứ không thể dựa
vào một yếu tố nào đó để đề xuất tăng thuế môi trường.
“Việc tăng thuế môi trường để chống buôn lậu hay để giá xăng của Việt
Nam ngang bằng với các nước là lời giải thích chưa phù hợp. Mỗi nước có 1
điều kiện khác, không nước nào giống nước nào nên phải căn cứ toàn diện.
Nếu nâng quá cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế cũng như người
tiêu dùng. Việc tăng thuế này còn nâng vào giá thành của các sản phẩm và ảnh
hưởng ngay đến sản xuất và tiêu dùng, công ăn việc làm chứ không đơn giản chỉ
là câu chuyện chống buôn lậu xăng dầu. Do đó phải đánh giá phải đầy đủ, cụ
thể và có lộ trình”, ông Xuyền khẳng định.
Trong trường hợp bắt buộc phải tăng thuế để đảm cân bằng chung với giá
xăng của thế giới hoặc khu vực, vị ĐBQH đề nghị phải tính toán rất kỹ, đảm
bảo ổn định sản xuất, giá cả, không gây sốc cho người tiêu dùng và thị
trường, nhất là trong dịp cuối năm.
"Vấn đề hiện nay chúng ta đang lo giá cả tăng cao, chỉ số về lạm
phát tăng, trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của người thu nhập thấp.
Một loạt sản xuất kinh doanh của công nghiệp, nông nghiệp tăng giá
thành lên, cạnh tranh sản xuất không được. Nhất là trong điều kiện hiện nay,
doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn, năm nay cực kỳ khó khăn chứ không phải
gì cả", ông Xuyền khẳng định.
Cùng đưa ra quan điểm, bà Mai Thị Ánh Tuyết – ĐBQH An Giang cho rằng
đối với xăng dầu là những mặt hàng độc hại, có ảnh hưởng lớn đến môi trường
nên việc thu thuế là cần thiết.
Tuy nhiên xăng là một mặt hàng nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp và cấu
thành vào giá thành của sản phẩm nên cần phải hết sức thận trọng. Nếu tiếp
tục tăng thuế môi trường vào thời điểm này sẽ tạo ra một sự cạnh tranh rất
khó khăn các sản phẩm của Việt Nam với các nước.
“Hiện nay chúng ta đã gặp khó khăn rồi cộng thêm vấn đề tăng thuế môi
trường trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng đến cân đối chung về điều hành vĩ mô.
Đặc biệt, trong thị trường nội địa, doanh nghiệp trong nước hiện nay cũng rất
non yếu và cạnh tranh cũng rất khó khăn. Vì vậy, chúng ta cũng cần phải bảo
vệ doanh nghiệp trong nước.
Do đó trong vấn đề đề xuất của Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ
trình Quốc hội, tôi cho rằng giải trình của Bộ Tài chính cũng cần làm rõ ra.
Trước đây thuế xăng dầu đã thu đến 4.000 đồng/lít. Khung này cũng đã khá cao
rồi.
Tăng giá này nếu như Bộ Tài chính trình Chính phủ theo lý do để tạo ra
mức thuế cân bằng với các nước khác hoặc chống buôn lậu thì tôi thấy chưa
thuyết phục và có thể Quốc hội và các ĐBQH sẽ không đồng ý với giải thích
trên”, bà Tuyết nhấn mạnh.
Xăng gánh nhiều loại thuế
Một vấn đề khác được nữ ĐBQH An Giang nhắc đến đó là hiện nay xăng dầu
đang chịu nhiều loại thuế như: thuế suất thuế nhập khẩu, thuế suất thuế tiêu
thụ đặc biệt, thuế GTGT, phí bảo vệ môi trường.
Vì vậy theo bà Mai, việc tăng giá xăng vào thời điểm này theo đề xuất
của Bộ Tài chính là chưa hợp lý.
“Vấn đề đánh thuế xăng rất nhạy cảm nên báo cáo của Chính phủ phải làm
rõ ra số tiền thuế thu được thời gian qua được sử dụng như thế nào, vào mục
đích gì? Sắp tới lý do chúng ta tăng thuế lên phải mang tính thuyết phục và
đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Phải
có một sự hài hòa và đứng trên góc độ tổng thể chung và phải thận trọng chứ
không phải như những lý do mà Bộ Tài chính đưa ra”, bà Mai Ánh
Tuyết nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Xuyền nhắc lại lời giải thích của vị đại
diện Vụ Chính sách thuế về việc chi tiêu các khoản tiền thu được từ thuế môi
trường thời gian qua.
Theo như lời của ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế,
hiện nay chúng ta không thể tính toán được hàng năm Nhà nước đầu tư cho môi
trường là bao nhiêu cả. Đặc biệt, theo ông Liêm thuế môi trường là để góp
phần bảo vệ môi trường tuy nhiên không thể nói Thuế bảo vệ môi trường là trực
tiếp chi cho môi trường.
Ông Bùi Văn Xuyền cho rằng, câu trả lời của Bộ Tài chính đã cho thấy
những bất cập trong cơ chế của chúng ta hiện nay. Các khoản thu chi đều chưa
thật sự rõ ràng nên không khuyến khích và tạo được sự tin tưởng trong người
dân. Vì vậy theo ông Xuyền, chuyện nhiều người bức xúc cho rằng dù phải đóng
thêm thuế môi trường nhưng môi trường không được cải thiện nhiều so với trước
đây cũng là điều dễ hiểu.
“Chúng ta đóng thuế môi trường nhưng không biết dùng vào việc gì. Việc
này ngành chuyên môn, ngành tài chính hiện nay chưa giải đáp và chưa làm rõ
được. Cái này là hạn chế của chúng ta. Tất cả mọi loại thuế, các khoản thu
đều hòa vào ngân sách cả nước và khi chi tiêu cũng là chi tiêu chung nên
không rõ ràng, không minh bạch, không thể hiện được mục tiêu của chính sách
thuế đó.
Rõ ràng khi thu thuế môi trường thì chúng ta phải đảm bảo dùng cho môi
trường thì người đóng mới phấn khởi. Tuy nhiên những cơ quan có chịu trách
nhiệm lại không trả lời được những điều này. Cho nên người đóng thuế rất băn
khoăn và không biết tiền thuế tiêu vào mục đích gì”, ông Xuyền nêu quan điểm.
Phải công khai, minh bạch thuế môi trường
Để giải quyết những nghi ngại của người dân, bà Mai Thị Ánh Tuyết
khẳng định, không còn cách nào khác là công khai minh bạch các khoản tiền
thuế môi trường thu được từ xăng. Cần phải làm rõ việc này sau đó mới cân
nhắc đến việc tăng thêm phí môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
“Vấn đề thu thuế môi trường tôi nghĩ Chính phủ nên làm rõ tỷ lệ bao
nhiêu % sử dụng cho vấn đề bảo vệ môi trường, bao nhiêu % dành để điều
hòa chung, chứ không phải như cách làm hiện nay chúng ta điều hòa chung hết
rồi sau đó lấy lại. Nhiều khi cân đối không đủ để xử lý vấn đề mang đề mang
tính cần thiết và nguy cấp trong vấn đề môi trường hiện nay. Nếu cứ nói chung
chung như Bộ Tài chính thì không thuyết phục.
Nhiều quốc gia rõ ràng và minh bạch trong thu thuế, chúng ta cần phải
học tập. Người ta thu thuế nào thì sẽ giữ lại sử dụng đúng mục đích. Chẳng
hạn thu thuế môi trường với xăng thì sẽ dùng để xử lý những vấn đề gây hại về
môi trường, xử lý cho giảm đi tác hại đối với cộng đồng. Cho nên người dân
rất yên tâm khi đóng thuế”, bà Tuyết chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Xuyền đề nghị cơ quan tham mưu cho nhà
nước cần xem xét lại, học tập kinh nghiệm của thế giới để công khai, minh
bạch hơn trong việc chi tiêu các khoản thuế.
“Nhiều nước trên thế giới rất minh bạch. Người dân đóng thuế xong và
tiền thuế được sử dụng vào mục đích gì là nhà nước công khai để người đóng
thuế biết. Cái gì công khai minh bạch thì người dân sẽ hào hứng tham gia. Thu
thuế môi trường thì họ cũng ưu tiên sử dụng nhiều vào việc bảo vệ môi
trường”, ông Xuyền nhấn mạnh.
(Theo
Đất Việt) Hoàng
Nam
|
Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét