Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

Sự tích Táo quân và ý nghĩa của việc cúng lễ vua Bếp
Cập nhật lúc 10:16

Tục thờ cúng Táo quân bắt nguồn từ 3 cơ sở: một là tín ngưỡng phồn thực; hai là dựa trên cơ sở sản xuất của nông nghiệp lúa nước; ba là tín ngưỡng thờ đa thần.

Thần Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc.
Nhưng được Việt hóa thành sự tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc ông Táo.

Theo văn hóa truyền thống dân tộc, ngày 23 tháng chạp hằng năm, các gia đình đều chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn để tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời.

Các vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp, biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu trong nhà sẽ lên báo cáo tình hình của gia chủ năm qua với Ngọc Hoàng.

Phong tục thờ cúng ông Công ông Táo mang nhiều ý nghĩa nhân văn, hướng con người ta tích cực làm việc tốt, sống lương thiện.

Sự tích ông Công ông Táo bắt nguồn từ xa xưa từ những câu chuyện mà dân gian lưu truyền từ đời này qua đời khác.
 
Sự tích Táo quân trược dân gian lưu truyền từ đời này sang đời khác. (Ảnh minh họa: Vietq.vn)
Sự tích ông Công ông Táo

Theo người Việt Nam, Táo quân là chức Ngọc Hoàng thượng đế trao cho ba người có mối tình thâm nghĩa nặng: nàng Thị Nhi và hai chàng Trọng Cao, Phạm Lang. Thị Nhi có chồng là Trọng Cao.

Tuy ăn ở mặn nồng tha thiết với nhau, nhưng mãi không có con. Vì vậy, dần dà Cao hay kiếm chuyện xô xát dằn vặt vợ.

Một hôm, chỉ vì một chuyện nhỏ, Cao gây thành chuyện lớn, đánh Thị Nhi và đuổi đi. Nhi bỏ nhà, lang thang đến một xứ khác và sau đó gặp Phạm Lang. Phải lòng nhau, hai người kết thành vợ chồng.

Phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận thì quá ân hận, nhưng vợ đã bỏ đi xa rồi. Ray rứt và nhớ quay quắt, Cao lên đường tìm kiếm vợ.

Ngày này qua tháng nọ, tìm mãi, hết gạo hết tiền, Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Cuối cùng, may cho Cao, tình cờ tìm xin ăn đúng nhà của Nhi, nhằm lúc Phạm Lang đi vắng.

Nhi sớm nhận ra người hành khất thân tàn ma dại đúng là người chồng cũ của mình. Nàng mời vào nhà, nấu cơm mời Cao.

Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về. Nhi sợ chồng nghi oan, nên giấu Cao dưới đống rạ sau vườn.

Chẳng may, đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, biết Cao ở trong đó, Nhi lao mình vào tính cứu Cao ra.
Thấy Nhi nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo. Cả ba đều chết trong đám lửa.
Thượng đế thương tình thấy 3 người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo Quân và giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.

Không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.

Trên cao Ngọc Hoàng thượng đế, đã chứng kiến hết câu chuyện nên phong cho 3 người mỗi người một chức vụ khác nhau:

Phạm Lang là Thổ Công trông lo việc bếp.
Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà.
Thị Nhi là Thổ Kỳ trong nom việc chợ búa.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, truyền thuyết về ba ông đầu rau của Việt Nam là một sáng tạo độc đáo. Từ ý nghĩa của những cái tên cũng nhiều ẩn ý thú vị. 
Nàng Thị Nhi (Nhi ẩn nghĩa từ Hán Việt là nấu chín, nấu nhừ) lấy chàng Trọng Cao (Cao ẩn nghĩa là tinh bột, bánh bột, cơm). 
Còn Phạm Lang thì Lang, còn âm đọc khách là Canh, nghĩa là món canh, người ta nấu chín thức ăn với nhiều nước. 
Chỉ có thế, Cơm - Canh - Nấu chín, thật đơn giản và rất Việt Nam. Nhưng nó ẩn chứa một triết lí: Bếp lửa có thể nuôi chúng ta sống như lầm lẫn sơ suất cũng có thể tạo ra những bi kịch.

Ý nghĩa của việc cúng lễ ông Công ông Táo
Trao đổi về việc cúng lễ ông Công ông Táo trên Zing.vn, Tiến sĩ Văn hóa học Nguyễn Thị Hồng cho biết, lễ nghi, cúng tế không cần quá rườm rà nhưng phải chỉn chu và cần sự tôn kính, thành tâm. 
Để không hiểu sai về tục cúng ông Công ông Táo, trước hết, người dân phải biết về nguồn gốc của tục lệ này của dân tộc.
Theo Tiến sĩ Văn hóa học Nguyễn Thị Hồng, tục thờ cúng Táo quân của người Việt bắt nguồn từ 3 cơ sở:
Một là tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi phát triển; hai là dựa trên cơ sở sản xuất của nông nghiệp lúa nước; ba là tín ngưỡng thờ đa thần, thờ cúng Táo quân thực chất là thờ cúng Thần Lửa.
 
Cúng Táo quân không quá rườm rà nhưng cũng phải chỉn chu. (Ảnh minh họa: Vietq.vn)

Vì nguồn gốc là thờ thần lửa nên người Việt thường thờ ông Công ông Táo ở 2 nơi, trên bàn thờ và trong bếp. Cũng vì nguồn gốc này mà người miền Nam khi cúng thường đốt lửa thật to, bật bếp gas hết cỡ”, Tiến sĩ Hồng cho biết.
Từ nguồn gốc là thờ thần lửa, về sau, phân hóa thành 3 vị thần gồm: Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ. Đây là 3 vị thần quan trọng, giữ trách nhiệm trông coi chuyện bếp núc, đất đai và các công việc trong gia đình.

Phóng sinh cá chép
Theo truyền thuyết kể lại rằng, hằng năm, Táo quân được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm thiện - ác của loài người.
Sau đó, cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người.
Người dân thường chuẩn bị một đôi hoặc 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem "phóng sinh" ở sông, ao, hồ, nghĩa là để đưa ông Táo về trời.

Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng" còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp. 
Ngoài ra, tục thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt.
Thả cá chép ngày Tết ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa tâm linh, mà còn góp phần tái tạo nguồn lợi ngoài tự nhiên.  
Chính vì vậy mà việc thả cá chép phải được tiến hành đúng cách và khi thả phải nhẹ nhàng để tránh va chạm mạnh làm cá chết.

Tuyệt đối không được thả cả túi nilong vì cá không thoát ra để kiếm ăn thì sẽ không sống sót, như vậy không thể gọi là phóng sinh.
Hơn nữa, túi nilong còn gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Chính vì vậy, mỗi người trong chúng ta hãy thật sự có ý thức khi thực hiện những phong tục cổ truyền để những phong tục này thực sự đẹp, ý nghĩa và mãi lưu truyền.
(Theo Giáo dục VN) Hồ Thu sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét