Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

Năm 2017 chưa điều chỉnh giá điện


Cập nhật lúc 14:31   

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, do chưa xây dựng xong giá điện cơ sở, do đó năm 2017 hiện tại chưa điều chỉnh giá điện.
Tại cuộc họp Công bố kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Bộ Công Thương tổ chức ngày 20.1, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết: Việc điều chỉnh giá điện được thực hiện theo Quyết định 69 của Thủ tướng Chính phủ. Hàng năm, Bộ Công Thương xây dựng giá điện cơ sở. Ví dụ với giá điện 2017 căn cứ vào tính toán  qua kết quả kiểm tra của 2015 và kết quả ước thực hiện 2016, kế hoạch sản xuất điện 2017. Tuy nhiên, muốn biết có tăng giá điện trong năm 2017 hay không cần căn cứ vào các yếu tố như: có biến động đầu vào như chi phí nhiên liệu, biến động tỉ giá, biến động tỷ lệ nguồn điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện trên thị trường điện. Nếu các chi phí này cao hơn 7% trở lên trong năm 2017 thì sẽ tiến hành điều chỉnh giá điện.  “Hiện chưa có đầy đủ giữ liệu giá cơ sở nên chưa điều chỉnh giá điện trong năm 2017”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, trong năm 2015, Bộ KHCN có ban hành quyết định thay đổi tiêu chuẩn về than, nhưng giá than thì cơ bản ổn định so với 2014; giá khí, có khí Nam Côn Sơn theo Quy định của Chính phủ mỗi năm tăng 2%; giá dầu 2015 có biến động giảm nên chi phí mua điện cũng giảm. Năm 2015, chi phí mua nhiên liệu của nhà máy Cà Mau cũng giảm; Giá dầu 2015 cơ bản cũng giảm.
Năm 2015, các nhà máy thủy điện không đạt được sản lượng như kế hoạch đề ra, lý do là thủy văn không thuận lợi, các nhà máy không tích đủ nước nên sản lượng điện giảm. Do đó, EVN phải bù lại bằng nhiệt điện than và khí nên chi phí cao hơn thủy điện.
Trả lời câu hỏi giá thành điện có đưa vào chi phí biệt thự, hồ bơi, sân tenis.., ông Tuấn cho biết, theo quy định các công trình này đều sử dụng từ nguồn quỹ phúc lợi của EVN nên trong sản xuất kinh doanh tuyệt đối không có chi phí này.
Liên quan tới khoản lỗ gần 10.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá, ông Tuấn cũng giải thích thêm, trong năm 2015, tỷ giá USD với VND bình quân là 21.948 đồng/1USD, tăng 3,42% (21.222 đồng 2014). Trong hệ thống, EVN phải trả chi phí nhiên liệu cho nhà cung cấp khí bằng USD, ngoài ra trả tiền nhập điện từ Trung Quốc, Lào bằng USD và một số nhà máy điện thực hiện theo giá thị trường khi thanh toán cũng tính theo tỷ giá USD nên phát sinh do phải trả khoản này bằng USD trong năm 2015 là gần 10.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Tổ công tác, năm 2015, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện là 234.736,14 tỷ đồng (thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh điện); giá thành sản xuất kinh doan điện năm 2015 là 1.633,74 đồng/kWh.
Giải thích thêm về vấn đề này, ông Đinh Quang Tri – Phó tổng EVN cho biết: Năm 2015 có biến động về giá như giá than một năm tăng thêm khoảng 200 tỷ chi phí; ngoài ra, giá dầu, giá khí lại giảm với tổng chi phí cả giá khí và giá dầu giảm được 5.000 tỷ làm cho EVN bớt căng thẳng. Tuy nhiên, chỉ riêng chênh lệch tỷ giá mất 9.800 tỷ, gây ra căng thẳng hơn cho EVN. “Năm 2015 cũng đã xử lý được 3.500 tỷ nhờ tối ưu hóa chi phí từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Phần còn lại từ chênh lệch tỷ giá thì phải để lại vào số dư. Theo chế độ kế toán, EVN phải hạch toán hết trong năm, tuy nhiên EVN nếu đưa hết vào sẽ đẩy giá điện lên cao. Trong khi đó, nếu giá điện không tăng thì EVN sẽ bị lỗ. Do đó, EVN đề xuất cho hạch toán dần trong 5 năm khoảng lỗ từ chênh lệch tỷ giá để giảm sức ép cho EVN”, ông Tri nói.
Ông Tri cũng cho biết, vay vốn bảo lãnh cho EVN đầu tư trong thời gian tới cũng là thách thức lớn. Mỗi năm EVN vay 5-6 tỷ USD. Từ 2017, Chính phủ đã chỉ đạo doanh nghiệp tự thu xếp vốn để giảm nợ công. Do đó, EVN sẽ tự thu xếp vốn với các dự án không cần bảo lãnh chính phủ và hi vọng phần không cần bảo lãnh của Chính phủ ngày càng tăng lên. Phần thứ 2 là vẫn vay ODA để xây dựng công trình, đường dây để nợ dài hạn, còn nếu vay lãi suất thương mại 10%/ năm đầu tư cho các vùng khó khăn sẽ rất căng thẳng cho EVN.
Cũng Theo ông Tri, căn cứ vào Sơ đồ điện 7 đã bổ sung sửa đổi, tỷ lệ nhiệt điện từ than trong thời gian tới rất cao trên 50%, có năm nhập khẩu có thể lên tới trên 100 triệu tấn than/năm nên áp lực giá than tăng lên giá điện là có thực. Sau khi nhà máy điện hạt nhân đã dừng nên Bộ Công Thương cũng đang tính lại Sơ đồ điện 7. Hiện Bộ Công Thương giao lại  cho EVN Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch và nhiệt điện than Tân Phước đều 2.400 MW. “Riêng Tân Phước, chúng tôi đang chuyển sang làm nhiệt điện khí hóa lỏng, không làm nhiệt điện than nữa để chuyển sang nhập khẩu khí vì nhiều khi nhập khẩu khí còn rẻ hơn do khí trong nước xa và chi phí thu gom còn tốn kém. Ngoài ra, EVN cũng đề xuất tới đây phải tăng cường nhiệt điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời”, ông Tri nhấn mạnh. 
(Theo Dân Viêt) Thanh Xuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét