1 lít xăng gánh 8.000đ thuế môi trường: Sao chỉ nhằm xăng?
Cập nhật lúc 16:47
(Bảo vệ người tiêu
dùng) - “Xăng chỉ là một nạn nhân. Tại sao cứ nhè vào để tăng lên
trong khi những lĩnh vực khác thì không đánh hoặc đánh hời hợt?”.
Căn cứ vào đâu để đề xuất?
Tiếp tục chia sẻ về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng
tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường vừa được Bộ Tài
chính công bố, trao đổi với Đất Việt, TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư
vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON cho rằng cần phải xem xét
toàn diện vấn đề trước khi đưa ra quyết định.
Theo TS Phúc, việc thu thuế môi trường đối với xăng dầu là một chủ
trương đúng. Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác trong khu vực và trên thế
giới đều triển khai quy định này.
“Vấn đề môi trường rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và
cả xã hội nên thu thuế môi trường là đúng. Việt Nam đã triển khai việc này
rồi nên bây giờ nếu tiếp tục triển khai thì không có gì đáng ngại cả”, TS
Phúc nói.
Tuy nhiên điều ông Phúc băn khoăn đó là Bộ Tài chính dựa trên cơ sở
nào để đưa ra đề xuất tăng 8.000 đồng đối với xăng hay 4.000 đồng đối mặt dầu
diezel, dầu nhờn, mỡ nhờn.
“Việc bỗng nhiên quy định 8.000 đồng hay 4.000 đồng/lít là hết sức vô
căn cứ, hết sức chủ quan và duy ý chí. Để đưa ra quy định đó cần phải có 1
nghiên cứu khoa học hết sức cụ thể. Cần phải làm rõ căn cứ vào đâu để đưa ra
yêu cầu như vậy. Phải có tính toán khoa học xăng gây ảnh hưởng ra sao, tai
hại cho đất nước, nền kinh tế và sức khỏe con người như thế nào?
Chúng ta sẽ dựa vào mức độ ô nhiễm để có thuế suất tương ứng. Chẳng
hạn, với cùng một mặt hàng, cũng phải có nhiều suất thuế.
Tôi lấy ví dụ đơn giản, xăng máy bay bay trên trời hay tàu thủy bơi
ngoài biển có ảnh hưởng gì đâu. Xăng honda chạy ở trung tâm Sài Gòn hay các
quận, huyện cũng khác nhau, gây ô nhiễm không giống nhau. Xăng chạy ở quận I,
ở những đường lớn thì có thể gây nghẹt mũi, chứ xăng ra huyện ngoại thành
không bao giờ gây ô nhiễm, về nông thôn lại càng ít hơn nữa. Thuế bao nhiêu
thì phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố”, TS Phúc nhấn mạnh.
Trước dự thảo của Bộ Tài chính, vị chuyên gia khẳng định cần phải trả
lời rõ 2 câu hỏi: thu thuế đối với những sản phẩm nào và thu thuế của ai?
TS Phúc khẳng định, đây là vấn đề hết sức quan trọng. Trước hết thu
thuế môi trường thì phải tập trung vào những người sản xuất ra các sản phẩm
gây ảnh hưởng đến môi trường. Ở đây là các nhà máy hóa chất, boxit, các ngành
khai thác tài nguyên như khai thác dầu khí, than, vàng, quặng mỏ, các nhà máy
hóa chất, các nhà máy thép, xi măng...
Tiếp theo là đánh mạnh vào những cá nhân và những đơn vị sử dụng sản
phẩm, mà khi tiêu dùng sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường, như phân hóa học,
thuốc trừ sâu... Một ví dụ điển hình sử dụng hóa chất độc hại với khối lượng
rất lớn là các sân Golf. Xăng chỉ gây ô nhiễm ở các trung tâm đô thị lớn như
TP.HCM, Hà Nội…
“Tôi cho rằng, kẻ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
không phải chỉ là xăng. Nó được người ta sản xuất, bán ra thị trường và khi
sử dụng thì gây ra ô nhiễm môi trường chỉ ở vùng trung tâm các đô thị lớn,
nhưng cuối cùng nó là nạn nhân của sắc thuế mới với một thuế suất rất cao.
Trong khi những kẻ gây ô nhiễm môi trường ghê gớm thì lại vô can.
Tại sao cứ nhè vào xăng để tăng thuế, trong khi những lĩnh vực khác
thì không đánh hoặc đánh hời hợt”, TS Phúc đặt câu hỏi
Phí môi trường được sử dụng ra sao?
Một vấn đề khác được TS Nguyễn Bách Phúc quan tâm, đó là mục đích sử
dụng tiền thuế môi trường thu được từ xăng.
Theo TS Phúc, từ trước đến nay các cơ quan nhà nước chưa hề công bố
một cơ chế, Luật hay Nghị định nào quy định phương thức sử dụng thuế môi
trường. Bản thân ông cũng chưa từng được đọc một văn bản hướng dẫn nào nói về
khoản tiền thu được từ thuế môi trường đối với xăng. Cho nên người dân hay
các chuyên gia, nhà khoa học đều không ai biết số tiền đó chạy đi đâu, được
sử dụng vào việc gì?
“Điều bức xúc của mọi người tôi rất hiểu và thông cảm. Bản thân tôi
cũng thấy thế. Cho nên trước khi đưa ra phương án thu thêm bao nhiêu tiền/lít
xăng thì phải có luật, hoặc Nghị định về việc sử dụng tiền thu thuế môi
trường. Nếu không rõ ràng thì có thu 4.000 đồng, 8.000 đồng hay 16.000 đồng,
thậm chí 32.000 đồng thì mọi việc vẫn như cũ. Bởi lẽ không hề có một cơ chế
nào sử dụng số tiền đó để cải thiện môi trường. Những tồn tại thời gian
qua là một sai lầm. Cho nên việc người dân thắc mắc là hoàn toàn đúng”, TS
Phúc khẳng định.
Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON
cũng nhắc đến yêu cầu công khai minh bạch khoản phí môi trường được nhiều
chuyên gia đề cập. Tuy nhiên theo quan điểm của ông Phúc, công khai ở đây
không phải là những liệt kê số tiền đã được sử dụng mà quan trọng hơn đó là
pháp luật.
“Không phải công khai là Bộ Tài chính ra một thông báo chi và sử dụng
tiền thuế môi trường ra sao. Hay như thống kê chi 90% để bảo vệ môi trường
còn 10% để tặng, thưởng cho các cá nhân bảo vệ môi trường.
Như vậy không phải là minh bạch. Minh bạch là phải có luật pháp. Tất
cả phải có luật. Nhà nước pháp quyền thì phải có luật và phải sống theo luật.
Ai sai luật thì đưa ra xử lý”, ông Phúc nêu quan điểm.
Lấy ví dụ từ các quốc gia văn minh, vị chuyên gia khẳng định, tiền
thuế môi trường thu từ xăng được sử dụng hết sức hiệu quả và rõ ràng do những
nước này có hệ thống pháp luật rõ ràng, chặt chẽ.
“Ở các nước văn minh thì tất cả đều được luật hóa, luật pháp quy định
chặt chẽ từng ly từng tí một. Ở các nước văn minh, từ lãnh đạo nhà nước đến
người dân đều phải theo. Trong khi Việt Nam lại hoàn toàn khác. Chúng
ta, sau khi Quốc hội thông qua luật, còn phải chờ mấy tháng, thậm chí mấy năm
mới có Nghị định giải thích của Chính phủ. Sau khi có Nghị định lại phải chờ
Thông tư hướng dẫn của các Bộ. Điều đó khiến cho luật pháp không rõ ràng và
hiểu theo cách nào cũng được”, TS Phúc chia sẻ.
(Theo
Đất Việt) Nguyễn
Hoàn
|
Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét