Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

Đại dịch!


Nền điện ảnh của chúng ta có quá ít những phim truyện dành cho thiếu nhi vậy mà trong số ấy, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thuộc hàng kỷ lục về doanh thu với hơn 78 tỉ đồng chỉ sau một tháng công chiếu đầu tiên hồi cuối năm 2015.
Nội dung phim được đạo diễn Việt Linh chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Nhật Ánh và với tài năng của đạo diễn Việt kiều Victor Vũ, qua đó câu chuyện tình cảm trong trẻo của những đứa trẻ ở vùng quê xa xôi đã để lại ấn tượng sâu đậm trong hàng triệu khán giả.
Gần đây Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được các đài truyền hình chiếu lại nhiều lần mà sức thu hút vẫn còn. Người lớn tìm thấy bóng dáng của mình trong một không gian của tuổi học trò, ở đó những kỷ niệm sâu đậm một thời cùng bạn bè như được sống lại. Khán giả nhí không chỉ có cảm giác hòa mình cùng thiên nhiên của một vùng quê thanh bình mà còn là những thứ đồ chơi đơn giản tự làm lấy, điều mà nay đang trở thành xa lạ đối với trẻ con trong thời đại công nghệ thông tin.
Xin mạo muội đánh cắp tên truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, để nói lên vài ba suy nghĩ tản mạn vượt ra ngoài những câu chuyện hồn nhiên trẻ con và hoài niệm của người lớn, nhân xem lại bộ phim này.
*  *  *
Nhiều bậc cha mẹ vào hàng trung niên thường than phiền rằng trẻ con nay ngày càng ít thân thiện với thiên nhiên và gần như thiếu kết nối với cộng đồng trong khi đó lại bị thu hút vào trò chơi điện tử, một sản phẩm giải trí thời thượng. Mặt tốt của các trò chơi này là kích thích sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề, nhưng đồng thời cũng dẫn con cháu chúng ta vào một thế giới ảo xa rời thực tế.
Kết quả hình ảnh cho nghiên game
Một doanh nhân thành đạt nói rằng, dù bận rộn với công việc đến đâu thì ít nhất mỗi tháng một lần vợ chồng anh cũng để chút ít thời gian đưa hai cậu con trai cưng đi đây đi đó, mục đích đơn giản chỉ là để tìm sự hài hòa trong cuộc sống và nuôi dưỡng sự kết nối tình cảm con cái vợ chồng. Đúng là một gia đình lý tưởng cho đến ngày con trai anh vào tuổi mới lớn, chiếc iPad mini xuất hiện và trở thành người bạn đồng hành của con. 
Anh kể: bây giờ thì khó kéo tụi nhỏ ra khỏi nhà. Tổ chức mấy chuyến dã ngoại, con nói không muốn đi vì ở nhà vui hơn. Đưa đi du lịch nước ngoài để mở tầm nhìn, con bảo trên Google thì cảnh đẹp nơi nào mà chẳng có.
Những buổi cơm gia đình vốn là chất kết nối tình cảm thì nay trở nên lạnh nhạt và ngắn ngủi bọn trẻ chỉ mong kết thúc nhanh chóng để trở về với thế giới riêng tư là trò chơi điện tử. Vợ chồng anh gần đây không có nhiều cơ hội tâm tình với các con và hình như chúng cũng không có nhu cầu. Cha mẹ có việc đi xa thì chúng vui mừng. Anh nói: “Trong nhà có hai người đi chơi mà có đến bốn người vui”. 
Ai bảo căn nhà là tổ ấm nhưng đối với các con anh tổ ấm chính là căn phòng riêng với chiếc máy chơi game trên tay. Hai đứa con lại học giỏi vậy thì lấy lý do gì khuyên răn con cái bây giờ. Ban đầu vợ chồng anh cũng hụt hẫng nhưng quen dần rồi một ngày nào đó xuất hiện cảm giác đang thỏa hiệp với con.
Nhìn lại quanh mình, gia đình nào con cái cũng vậy.Bạn bè anh ở bên Tây bên Mỹ cũng từng than vãn rằng game điện tử đang tấn công từng tổ ấm. Trẻ em ba tuổi không biết tại sao lại có thể tải về từ Internet những trò chơi rồi say mê đến mức bỏ cả ăn uống. Năm tuổi đã biết tìm xem những phim hoạt họa trong YouTube đến phát ghiền. Đi cùng cha mẹ trên xe thì chỉ cần bấm chiếc máy chơi game là trở nên ngoan một cách bất ngờ.
Phải chăng đây là một đại dịch toàn cầu.
Kết quả hình ảnh cho nghiên game
Có đúng như vậy không khi mà con cháu của chúng ta bị cuốn hút vào vòng xoáy của thế giới ảo khiến chúng mất đi một thói quen giao tiếp giữa con người với con người mà chỉ còn là sự giao tiếp giữa máy và máy. Kể cả trong những trò chơi tương tác cũng là sự nô lệ máy móc mà chúng không nhận ra đó thôi. Giao tiếp xã hội là một hành vi văn hóa, không giao tiếp thì làm sao nghe và biết phản ứng, làm sao biết phát biểu, biết phản biện. Hóa ra mặt trái của một sản phẩm tốt là điều rất xấu khi bị lạm dụng.
Kahlil Gibran, nhà văn người Lebanon trong tác phẩm nổi tiếng Nhà tiên tri đã cho rằng tiện nghi khi mới rón rén vào nhà của chúng ta thì là khách, sau đó là chủ rồi trở thành chúa tể, biến chủ nhân của nó thành kẻ thuần phục lúc nào không hay. Theo ông máu tham tiện nghi sẽ giết chết cái đam mê của tâm hồn. 
Trong thời đại công nghệ thông tin đã có nhiều biểu hiện cho thấy đúng là chiếc máy chơi game cầm tay đã cướp đi khả năng suy nghĩ, sáng tạo, đồng thời làm mất dần độ rung cảm với cuộc sống ở lớp con cháu sau này. 
Không ít người đã mê tín đến mức xem các sản phẩm của Internet là cuốn bách khoa từ điển vĩ đại dẫn đến việc lười biếng trong suy nghĩ, một xã hội mất thói quen suy nghĩ thì sẽ đi về đâu trong tương lai? Lòng tin giữa con người với nhau bị thử thách, tâm hồn bị vôi hóa khiến cuộc sống bị vẩn đục, thông tin bị đánh lừa... và những gì sau đó?
Để trên thảm cỏ xanh được kết từ tri thức của con người ngày càng có thêm những cụm hoa vàng nở rộ một cách hồn nhiên thì phải bắt đầu từ việc giáo dục của từng gia đình. Những lời báo động cần được vang lên trên bình diện xã hội để con cháu của chúng ta không trở thành những công dân toàn cầu quá sớm... 
(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn) Trần Trọng Thức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét