Libya hỗn loạn, EU ngấm lời nguyền
của Gaddafi
Cập nhật lúc 14:58
(Quan hệ quốc tế) - Gaddafi từng cảnh báo nếu ông ta bị NATO
lật đổ thì sẽ có rất nhiều người châu Phi di cư đến châu Âu, gây hỗn loạn cho
EU...
The Guardian
ngày 30/1/2017 đưa tin, trong báo cáo gửi tới Bộ Ngoại giao Đức, Đại sứ quán
Đức tại Niger đã đánh giá điều kiện sống của người di cư và người tị nạn ở
Libya là vô cùng tồi tệ, trong đó các vụ hành quyết, tra tấn và lạm dụng nhân
quyền có hệ thống diễn ra thường xuyên trong các trại tị nạn ở đất nước Bắc
Phi này.
"Hàng loạt những vụ hành quyết người di cư đã được thực
hiện, hoặc nhẹ hơn là tra tấn, hãm hiếp, hối lộ và lưu đày đến sa mạc diễn ra
hàng ngày", báo cáo ghi rõ. Cơ quan ngoại giao Đức đưa ra báo cáo trong
bối cảnh các nhà lãnh đạo EU đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh tại Malta
để tìm cách giảm áp lực cho Italia bởi người di cư châu Phi vượt Địa
Trung Hải tràn vào nước này.
Có lẽ không ai có thể tưởng tượng nổi một xã hội Libya thời hậu
Gaddafi lại hỗn loạn và mất phương hướng như hiện nay. Đã gần 6 năm trôi qua,
kể từ khi nổ ra cuộc nội chiến, rồi chế độ của Tổng thống Muammar Gaddafi bị
lật đổ, đất nước và người dân Libya vẫn chưa thể định hình được một chế độ
chính trị cho mình. Cho đến nay, quốc gia Châu Phi này vẫn bị xâu xé bởi các
phe phái, bộ tộc, xã hội Libya thì bất ổn và đầy bạo lực.
Cùng với đó là sự hoành hành của lực lượng khủng bố, từ đó khiến
cho sự tồn vong của đất nước Libya luôn bị đe doạ. Cho đến giờ phút này, không
ai có thể hiểu được mục đích thực sự của việc NATO và các lực lượng nổi dậy
tại Libya lật đổ chế độ Gaddafi là gì?
Lật đổ một chế độ chỉ để đánh đổi cho một giấc mơ hoang
Vì bất bình với cách điều hành và quản lý đất nước của Gaddafi,
một số bộ tộc ở miền Nam Libya đã nổi dậy chống lại chính quyền trung ương,
gây ra những cuộc xung đột vũ trang, rồi dẫn đến một cuộc nội chiến. Họ hy
vọng rằng sau khi lật đổ được chế độ Gaddafi thì quyền lợi của cá nhân họ,
của bộ tộc họ sẽ được bảo đảm bình đẳng trong một đất nước tự do.
Còn với các nước phương Tây, vốn đã không ưa gì Gaddafi khi xem
ông ta như là một “lãnh chúa Châu Phi”, vì vậy khi thấy Gaddafi đàn áp lực
lượng nổi dậy, NATO đã nhanh chóng hành động lật đổ Gaddafi để dựng lên một
chính quyền dễ thao túng hơn. Phương Tây hy vọng sẽ tạo dựng được ở Libya một
chế độ dân chủ thời hậu Gaddafi.
Trước sự sức mạnh của cả hai lực lượng “nội công, ngoại kích”,
chế độ Gaddafi nhanh chóng sụp đổ và chính thức khép lại một triều đại bằng
cái chết của Đại tá Gaddafi vào một buổi chiều buồn, cuối tháng 10/2011, tại
thị trấn Sirte.
BBC ngày 6/12/2015 đã viết : Khi Muammar Gaddafi bị lật đổ, đã có
những cảnh hân hoan tại đất nước Libya. Tuy nhiên, sự mừng vui ấy chỉ diễn ra
trong vòng chưa đầy một tháng, khi dư âm của hào khí chiến thắng qua đi, cuộc
sống thiếu thốn ập đến mà không biết dựa vào đâu, chờ đợi ai và sẽ có được
cái gì, người dân Libya mới giật mình khi nghĩ về quá khứ.
Với các thành viên NATO đã ném bom vào các căn cứ quân sự của chế
độ Gaddafi để hỗ trợ cho phe nổi dậy ở Libya, thì đã phải thất vọng khi đặt
ra hàng loạt những câu hỏi mà không thể có câu trả lời : Tại sao Libya lại
hỗn loạn như vậy? Ai đang kiểm soát Libya?
Và trong khi đi tìm câu trả lời cho tình trạng bất ổn tại Libya,
phương Tây phải trả giá bằng cái chết của Đại sứ Mỹ tại Libya Ohn Christopher
Stevens, khi Đại sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya bị tấn công bởi các chiến binh
Hồi giáo vào ngày 11/12/2012, theo Wall Street Journal.
Cay đắng là Mỹ không thể có hành động trừng phạt nào với Libya
trong tình huống này bởi không biết trừng phạt ai trong một đất nước gần như
không có chủ và phương Tây là tác nhân quan trọng góp phần tạo nên sự vô chủ
ấy. Hiện nay tại Libya có hai chính phủ đối lập, một chính phủ đóng tại thủ
đô Tripoli và một chính phủ đóng đô tại thành phố cảng Tobruk.
Với kết cục cay đắng cho cả người trong cuộc – lực lượng nổi dậy
chống lại chế độ Gaddafi – và người trợ giúp – lực lượng NATO, có thể thấy
rằng kỳ vọng sau khi lật đổ Gaddafi và chế độ của ông ta, sẽ xây dựng một chế
độ tốt hơn tại Libya chỉ là một giấc mơ hoang với nhiều cơn ác mộng.
Hậu quả của việc chà đạp chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc và
lời nguyền Gaddafi
Khi lực lượng nổi dậy tại Libya lựa chọn giải quyết xung đột bằng
vũ lực, đối đầu với quân đội của nhà nước Libya lúc đó, với sự trợ giúp bằng
bom đạn của NATO, khi đó lực lượng nổi dậy đã xem lợi ích của cá nhân, phe
phái lớn hơn lợi ích của toàn dân tộc Libya. Vì vậy, đến giờ này họ vẫn không
thể làm chủ được tình hình dù chế độ Gaddafi đã bị xóa xổ.
Khi NATO ném bom vào lực lượng của chế độ Gaddafi với mong muốn
giúp cho lực lượng nổi dậy nhanh chóng chiến thắng cả trên chiến trường và
chính trường Libya, lúc đó chủ quyền quốc gia của Libya đã bị họ tước bỏ - vì
chế độ của Gaddafi là chế độ hợp hiến duy nhất tại Libya lúc bấy giờ - và lợi
ích của dân tộc Libya thì bị họ bỏ quên.
Chính vì vậy, cho đến bây giờ phương Tây không thể nắm
được bất cứ cái gì trong một đất nước Libya hỗn độn, chứ nói gì đến việc định
hình một chế độ theo ý muốn của họ.
Có thể thấy rằng, cả hai lực lượng
quyết định chấm dứt sự tồn tại chế độ của Gaddafi đều không xuất phát từ ý
nguyện của người dân Libya là mong muốn đất nước Libya phát triển, xã hội
Libya ổn định. Người ta nêu cao khẩu hiệu vì nhân dân Libya nhưng lại không
mang đến một nền hòa bình cho đất nước Libya, vậy thì làm sao tạo điều kiện
cho người dân Libya được sống tự do, làm sao nuôi dưỡng cho xã hội Libya
một nền dân chủ?
Đối mặt với cuộc sống thiếu thốn và xã
hội bất ổn, cái nghèo luôn đeo đuổi và cái chết luôn rình rập, người dân
Libya thất vọng và bế tắc. Một số người có tư tưởng cực đoan đã chọn bạo lực
làm lẽ sống và súng đạn làm phương tiện kiếm sống, từ đó họ trở thành những
kẻ khủng bố đang hoành hành trên đất nước họ và cả ở các nơi khác trên thế
giới.
Đối với những người không thể tự đổi
thay thì đành phải chờ đợi sự đổi từ vòng xoay số phận. Và trong tâm trạng
khắc khoải họ hoài niệm về cái xã hội được “cai trị bằng chế độ độc tài
Gaddafi”. Ông Karim Mohamed, một thợ may nói với BBC rằng, ở Libya trước đây
mọi người đều có công việc và có tiền. Ở Mỹ có người ngủ dưới gầm cầu, nhưng
ở Libya thời Gaddafi không có điều ấy.
Đối với những người dân Libya không thể
sống với hoài niệm và cũng không thể gia nhập lực lượng khủng bố, rồi chĩa
súng vào đồng loại, thì họ quyết định rời bỏ quê hương để đì tìm miền đất hứa
nơi phương trời xa với một hy vọng mong manh cho sự đổi đời trong một hành
trình gian nan và đầy nguy hiểm.
BBC dẫn lời Mustafa Abdel Momin, một
công nhân xây dựng : "Sau khi Gaddafi bị lật đổ, chúng tôi có đầy đủ các
cuộc khủng hoảng. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao ngất trời và không có gì
cho chúng tôi làm. Hoặc là chúng tôi kết thúc bằng một cuộc sống phạm pháp vì
đó là cách duy nhất để kiếm tiền, hay là chúng tôi cố gắng đến châu Âu để
kiếm sống".
Và thực tế đó đã góp phần tạo nên làn
sóng người di cư châu Phi tràn vào châu Âu, tạo nên vấn nạn dân nhập cư, đe
doạ bất ổn chính trị – xã hội tại nhiều nước thành viên EU. Chỉ tính riêng
năm 2016 đã có 181.000 người vượt biển từ Libya tới Italia, tạo ra áp lực
khủng khiếp với chính quyền nước này và ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của
người dân đất nước hình chiếc ủng.
Rõ ràng, cuộc xung đột giữa chế
độ Gaddafi với các lực lượng nổi dậy tại Libya không hề được giải quyết
như người ta mong muốn, sau khi thực hiện việc xóa sổ chế độ ấy một cách
tàn bạo. Cuộc xung đột xã hội ở Libya còn kéo dài và sâu sắc hơn khi có quá
nhiều lực lượng, phe phái xâu xé đất nước Libya, đưa người dân vào thảm cảnh
mà quyền sống của họ có thể bị tước bỏ bất cứ lúc nào bởi luật pháp dường như
không còn là công cụ quản lý xã hội.
Theo BBC cho biết, trước khi bị lật đổ,
ông Gaddafi đã chính thức cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) rằng nếu NATO lật
đổ chế độ của ông ta thì sẽ có rất nhiều người di cư đến châu Âu, gây ra sự
hỗn loạn và bất ổn cho EU. Với thực tế vấn nạn dân nhập cư hiện nay, có lẽ
lời nguyền đó của Gaddafi đã và đang ứng nghiệm với EU.
(Theo Đất Việt)
Ngọc Việt
|
Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét