NGẠI CHẾT ĐI ĐƯỢC!
Cập nhật lúc
09:00
Nó
cũng là hồi chuông báo động ông bà nào đã trót “vay”, “mượn” hay “nhờ cậy”
nhập nhèm gì gì đó sớm “dự liệu” bởi “cái kim trong bọc lâu ngày cũng ra”.
Khi đó nếu còn biết xấu hổ thì… ngại chết đi được…
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Vâng, một thông
tin làm “lạnh gáy” những ai đang khuất tất trong hồ sơ, lý lịch mà cụ thể ở
đây là sử dụng bằng cấp giả.
Đó là ngày
30/9, Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, cơ quan này đã làm việc với ông Lê Thành
Nhân - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy về việc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ
(nơi cấp bằng THPT cho ông Nhân) đã có quyết định thu hồi, hủy bỏ bằng cấp 3
của vị cán bộ này.
Như vậy đồng
nghĩa với việc thời gian tới, Thành ủy Vị Thanh sẽ phải xin ý kiến của Thường
trực Tỉnh ủy Hậu Giang để bố trí lại công việc cho ông Nhân. Lý do, sau khi
thu hồi, hủy bỏ bằng cấp 3, ông Nhân không còn đủ tiêu chuẩn là cán bộ công
chức.
Câu chuyện từ
cách đây nửa năm (4/2016), ông Lê Thành Nhân - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vị
Xuyên bị tố cáo đã “mượn tạm” cái bằng Trung học cơ sở (cấp II) của người
cùng họ, cùng tên, chỉ khác mỗi tên đệm (Lê Thành Nhân &Lê Hoàng Nhân) để
theo học hệ Bổ túc phổ thông nhằm “nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn
nghiệp vụ”.
Cụ thể, từ năm
1979 đến năm 1987, ông Nhân đi học tại trường THCS xã Vị Đông (lớp 1 đến lớp
8). Từ năm 1987-1988 chuyển về học lớp 9 tại trường THCS xã Vị Bình nhưng
không được thi tốt nghiệp THCS.
Năm 1996, ông
Nhân đã mượn bằng tốt nghiệp THCS của bạn là Lê Hoàng Nhân để theo học lớp
Trung cấp chính trị. Năm 2001, ông Nhân được UBND thị xã Vị Thanh cử đi học
lớp Trung cấp hành chính. Kết thúc khóa học, ông Nhân chưa được cấp bằng vì
không có bằng tốt nghiệp THPT.
Ngày 20/7/2001,
khi đi học bổ túc văn hóa, ông Nhân đã photo bằng THCS của bạn để đưa vào hồ
sơ của mình. Tháng 6/2003, ông Nhân tốt nghiệp THPT và cùng năm đó ông Nhân
được nhận bằng Trung cấp hành chính.
Sau khi nhận
tốt nghiệp THPT, ông Nhân tiếp tục theo học các lớp Đại học Luật (2005-2010),
Cao cấp Chính trị - Hành chính (2013-2015).
Vụ việc bị phát
giác, Ông Nhân đã giải trình với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang “do suy
nghĩ chưa đến nơi đến chốn, cứ nghĩ “mượn” bằng cấp 2 là đơn giản”.
Chỉ riêng việc
giải thích này, đã thấy ông Trưởng ban Tổ chức Nhân rất khéo léo trong việc
“qui hoạch” chữ nghĩa cũng như rất “biến hóa” khi sử dụng từ “mượn”. Nói
“mượn” tức là phải trả nhưng ông Nhân lại… sử dụng đến tận khi bị phát hiện.
Nói trắng ra,
việc lấy của người khác về dùng, tức gian dối lý lịch với tổ chức, đừng ngụy
biện rằng bởi… “suy nghĩ chưa đến nơi, đến chốn”. Với lại ai nói “suy nghĩ
chưa đến nơi, đến chốn” thì có thể còn thể tất chứ ông Trưởng ban Tổ chức
Thành ủy mà nói thế thì… ngượng chết.
Song, có một
điều “quan ngại” không chỉ cho cá nhân mà cho cả cái hệ thống tổ chức của địa
phương này. Lý do, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy là một chức rất to, rất quan
trọng. Đây là nơi có quyền quyết định cho các việc về tổ chức như đề bạt, bổ
nhiệm, cất nhắc, điều chuyển cán bộ, xem xét việc phát triển Đảng trong địa
bàn phụ trách...
Đây là một chức
vụ có trách nhiệm “sàng lọc” nên rất cần sự trung thực. Tuyệt nhiên không có
chuyện gian dối dù là rất nhỏ bởi nó không chỉ có tác động đến các công việc
trên mà còn ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức.
Một khi vị
Trưởng ban Tổ chức xài bằng giả, giả sử gặp trường hợp tương tự được đề nghị
cất nhắc, bổ nhiệm chẳng hạn, liệu ông Trưởng ban có đủ “can đảm” để gạch bỏ
họ? Nếu gạch bỏ họ thì ông có … “áy náy” bởi như các cụ nói “Chân mình có…
lại đem bó đuốc mà rê chân người”.
Giờ thì việc
“mượn” của ông Nhân đã không được tổ chức chấp nhận và cũng có nghĩa là ông
Nhân không là Trưởng Ban Tổ chức nữa. Đây là quyết định đúng, dù nó hơi… chậm.
Song, nó cũng
là hồi chuông báo động ông bà nào đã trót “vay”, “mượn” hay “nhờ cậy” nhập
nhèm gì gì đó sớm “dự liệu” bởi “cái kim trong bọc lâu ngày cũng ra”. Khi đó
nếu còn biết xấu hổ thì… ngại chết đi được!
(Theo
Dân trí) Bùi Hoàng Tám
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét