Dân bị oan 35 năm, VKS cứ như
vô can!
Cập nhật lúc 11:32
Hai người bị oan suốt 35 năm qua ở Khánh Hòa nhưng không
được xin lỗi, bồi thường, thậm chí khi kiện còn bị tòa từ chối giải
quyết vì VKS - cơ quan làm oan - chưa thương lượng việc này.
Ngày 30-10, một nguồn tin xác
nhận TAND thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa vừa ra thông báo trả lại đơn khởi kiện
của ông Trần Bê (59 tuổi, ngụ phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) yêu cầu
VKSND tỉnh này bồi thường oan. Lý do trả đơn là ông Bê chưa đủ điều kiện khởi
kiện theo quy định tại Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật
TNBTNN).
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,
một thẩm phán TAND thị xã Ninh Hòa giải thích thêm: Theo quy định, trước hết,
VKSND tỉnh và ông Bê phải tiến hành thương lượng bồi thường. Nếu thương lượng
không thành thì ông Bê mới được khởi kiện đòi bồi thường. Trên cơ sở đó, tòa
sẽ xem xét thụ lý”.
Viện chưa
thương lượng nên không được kiện!
Ông Trần Bê cho
biết ông đang yêu cầu VKSND tỉnh Khánh Hòa tiến hành thương lượng việc bồi
thường theo yêu cầu của tòa án. “Nếu VKSND tỉnh vẫn từ chối thương lượng hay
không chấp nhận bồi thường, tôi yêu cầu họ phải có văn bản để tôi có cơ sở
tiếp tục khởi kiện ra tòa” - ông Bê nói.
Ông Trần Bê kể lại nơi xảy ra vụ án mà ông bị bắt giam oan từ 35 năm
về trước. Ảnh: TẤN LỘC
Trước đó, ông
Bê có đơn yêu cầu VKSND tỉnh tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường oan cho
ông gần 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, viện này cho rằng đã hết thời hiệu nên không
xin lỗi, bồi thường oan cho ông Bê. Sau khi ông Bê khiếu nại, Cục Bồi thường
nhà nước - Bộ Tư pháp có công văn đề nghị Vụ Thực hành quyền công tố - kiểm
sát xét xử VKSND Tối cao tham mưu cho lãnh đạo VKSND Tối cao xem xét, chỉ đạo
VKSND tỉnh Khánh Hòa giải quyết theo thẩm quyền. Ban Nội chính Tỉnh ủy Khánh
Hòa cũng có văn bản trả lời trường hợp của ông Bê thuộc thẩm quyền giải quyết
của VKSND tỉnh này; nếu viện giải quyết không thỏa đáng thì ông có quyền kiện
ra tòa yêu cầu VKS phải xin lỗi, bồi thường.
Tương tự, hiện
gia đình ông Huỳnh Chiếm Phái (sinh năm 1931, người bị oan, đã mất, ở phường
Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) cũng đã có đơn yêu cầu VKSND tỉnh Khánh Hòa
thương lượng việc bồi thường. Trước đó, sau hơn hai năm rưỡi thụ lý, ngày
1-8, TAND thị xã Ninh Hòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ kiện của ông
Phái yêu cầu VKSND tỉnh bồi thường oan. Tòa đình chỉ với lý do chưa đủ điều
kiện khởi kiện, mà điều kiện này chính là cơ quan có trách nhiệm bồi thường
oan chưa thực hiện thủ tục thương lượng việc bồi thường.
Tại phiên họp
phúc thẩm ngày 19-9, TAND tỉnh cũng cho rằng ông Phái và VKSND tỉnh chưa tiến
hành thương lượng nên chưa đủ điều kiện để khởi kiện. Tại phiên họp phúc thẩm
này, VKSND tỉnh (vừa là bị đơn vừa là cơ quan tiến hành tố tụng) thừa nhận viện
này có nhận đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông Phái nhưng hai bên chưa
tiến hành thương lượng việc bồi thường. Vì vậy, viện không xác định được ngày
kết thúc việc thương lượng để tính thời hạn ra quyết định bồi thường nhà nước
theo quy định. Từ đó, đại diện VKS cho rằng ông Phái chưa đủ điều kiện khởi
kiện VKSND tỉnh.
Cơ quan làm
oan: Vừa đá bóng vừa thổi còi
Ông Huỳnh Chiếm
Hoạnh (con ông Phái) khẳng định gia đình ông sẽ yêu cầu VKSND tỉnh thực hiện
đúng Luật TNBTNN cũng như kết luận của tòa phúc thẩm. “Nếu viện trưởng VKSND
tỉnh tiếp tục từ chối thương lượng, làm cho gia đình tôi không thể khởi kiện,
chúng tôi sẽ khiếu nại, tố cáo ông viện trưởng” - ông Hoạnh nói.
Theo luật sư
(LS) Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa, các quy định về
thủ tục tiền tố tụng trong vụ kiện đòi bồi thường oan là quy định về nghĩa
vụ, trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường, không phải nghĩa vụ của
người bị oan. Khi người bị oan yêu cầu bồi thường thiệt hại, cơ quan có trách
nhiệm bồi thường phải chủ động thụ lý, tiến hành các bước thương lượng theo
luật định.
“Trong vụ này,
VKSND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan có trách nhiệm bồi thường nhưng đã không thụ
lý, không thương lượng, có văn bản từ chối với lý do hết thời hiệu. Khi VKSND
tỉnh không thực hiện đúng luật về các điều kiện tiền tố tụng, người dân buộc
phải đưa vụ việc ra tòa án giải quyết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người
bị oan. Tòa từ chối với lý do chưa có thủ tục tiền tố tụng là từ chối thực
thi nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người” - LS Hà bình luận.
Cũng theo LS
Hà, thực tiễn thi hành Luật TNBTNN cho thấy các cơ quan có trách nhiệm giải
quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan không thực hiện đúng luật nhưng
lại là người “cầm cân nảy mực” để xử chính mình. “Điều này giống như vừa đá
bóng vừa thổi còi, thể hiện sự bất bình đẳng trong quan hệ giữa công dân với
cơ quan tố tụng và là nguyên nhân gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài. Vấn đề này
cần phải khắc phục khi sửa đổi, bổ sung trong xây dựng dự án Luật TNBTNN” -
LS Hà đề xuất.
(Theo Pháp luật TP HCM) TẤN LỘC
|
Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét