Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Xử hình sự lãnh đạo về hưu để răn đe

Cập nhật lúc 08:43
 Xử hình sự lãnh đạo về hưu để răn đe
Gần đây, cơ quan Thanh tra Chính phủ, một đơn vị có vai trò rất quan trọng để thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong phạm vi toàn quốc, có những điều tiếng về công tác cán bộ khiến chúng ta phải suy nghĩ.
 Vẫn còn đó dư luận về cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trước đây trong việc bổ nhiệm hàng loạt cán bộ trước khi về hưu. Thì nay người kế nhiệm ông Truyền là ông Huỳnh Phong Tranh trước khi về hưu cũng bổ nhiệm 35 cán bộ cấp vụ và cấp phòng, trong đó có nhiều trường hợp bổ nhiệm không phù hợp. Ví dụ việc bổ nhiệm ông Nguyễn Minh Mẫn, Phó Vụ trưởng Vụ III, phụ trách vụ này trong khi ông Nguyễn Văn Cao đương chức vụ trưởng Vụ III vẫn chưa nghỉ hưu. Việc làm đó không những không phù hợp với quy định về công tác cán bộ (khi cấp trưởng đang điều hành nhiệm vụ thì lại cử cấp phó phụ trách công việc của cấp trưởng) mà lại còn có nguy cơ tạo ra sự mất đoàn kết, làm rối ren trong nội bộ cơ quan, tổ chức. Và đặc biệt, việc làm đó tạo ra dư luận không tốt trong nhân dân.
Trường hợp của nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng để con trai của mình là Vũ Quang Hải ngồi vào nhiều vị trí quan trọng trực thuộc Bộ Công Thương dưới quyền quản lý của cha cũng tạo nên những điều tiếng xấu khôn lường.
Ngoài hai trường hợp trên, thực tiễn còn không ít hiện tượng người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đã tìm mọi cách lách quy trình để đưa con, cháu và người thân vào các vị trí lãnh đạo. Điều này không chỉ tạo ra phe cánh mà nó còn làm thui chột những cán bộ có đủ tài đức nhưng thẳng thắn đấu tranh với những sai trái của người đứng đầu.
Trong công tác lãnh đạo, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để giới thiệu người ưu tú, có uy tín nắm giữ các vị trí trong các cơ quan nhà nước là vô cùng quan trọng. Bởi những người có năng lực, có đạo đức và có uy tín mới thực sự hiệu triệu được lòng dân và điều hành công tác tốt. Ngược lại, nếu để những phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất nắm giữ chức vụ quan trọng thì sẽ tạo cơ hội cho họ lợi dụng chức vụ được giao để trục lợi cá nhân, gây tổn hại cho đất nước.
Bên cạnh việc biểu dương, khen thưởng những cán bộ ưu tú để nêu gương thì việc xử lý nghiêm minh những cán bộ sai phạm sẽ có tác dụng răn đe và phòng ngừa trong xã hội. Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền phải hết sức quan tâm đến nội dung này, mọi trường hợp dung túng, bao che hoặc xử lý sai phạm không nghiêm minh đều không phát huy được tác dụng răn đe và phòng ngừa.
Ví dụ như trường hợp nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng có nhiều sai phạm khi đương chức, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận: “... Thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động con trai làm kiểm soát viên Tổng Công ty Thuốc lá VN, tham gia HĐQT và giữ chức phó tổng giám đốc Sabeco...; thực hiện không đúng các quy định của Đảng và Nhà nước trong việc cho chủ trương tiếp nhận, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh...”. Sai phạm nghiêm trọng như thế nhưng ông Hoàng chỉ bị xử lý kỷ luật mức cảnh cáo thì liệu đã tương xứng với hậu quả của hành vi sai phạm gây ra cho xã hội?!
Mặt khác, hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với người đương chức thì còn có tác dụng răn đe vì nó có thể đe dọa đến cái ghế của họ; còn với một người đã nghỉ hưu, mức kỷ luật cảnh cáo liệu có tác dụng trừng phạt, răn đe có phát huy?
Thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét lại nội dung này để ngoài hình thức kỷ luật đảng nói trên, nếu người vi phạm có dấu hiệu phạm tội hình sự thì cần phải chuyển cơ quan điều tra để khởi tố, truy tố và xét xử nghiêm. Có như thế mới đủ sức răn đe và phòng ngừa chung cho xã hội, như câu nói thường có ở nhiều bản án hình sự trong phần luận tội trước khi đưa ra mức án.
(Theo Pháp luật TP HCM) Luật sư PHẠM CÔNG HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét