Nhiệt
điện than không còn rẻ, năng lượng tái tạo không còn đắt
Cập
nhật lúc 09:01
Trong
khi quan ngại về tác động tiêu cực đối với môi trường của nhiệt điện than
ngày càng tăng, câu hỏi đặt ra là đã đến... thời của năng lượng tái tạo hay
chưa, xét trên cả tính kinh tế của vấn đề. TBKTSG phỏng vấn bà Ngụy Thị
Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) - tổ chức đã
thực hiện nhiều nghiên cứu về bài toán năng lượng của Việt Nam.
TBKTSG: Theo
Quy hoạch điện VII, đến năm 2030, nhiệt điện than chiếm tỷ lệ áp đảo về tổng
công suất điện và sản lượng so với năng lượng tái tạo. Bà bình luận gì về cơ
cấu nguồn điện này, nhất là khi tác động tiêu cực của nhiệt điện than đến môi
trường ngày càng bộc lộ trên thực tế?
- Bà Ngụy Thị Khanh: Theo
Quy hoạch điện VII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, vào năm 2030,
nhiệt điện than chiếm 51,6% tổng công suất và 56,4% về điện lượng (sản lượng)
trong khi điện từ năng lượng tái tạo chiếm 9,4% về công suất và 6% về điện
lượng. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thủ tướng phê duyệt tháng
3-2016, vào năm 2030, nhiệt điện đốt than chiếm 42,6% về công suất và 53,2%
về điện lượng và điện từ năng lượng tái tạo tăng lên 21% (khoảng 27.200MW) về
công suất và 10,7% về điện lượng (khoảng 61 tỉ kWh).
Như vậy, nhiệt điện đốt than vẫn chiếm hơn một nửa trong
cán cân năng lượng Việt Nam trong khi điện từ năng lượng tái tạo vẫn chưa
được khai thác hết tiềm năng.
Nhiệt điện đốt than gây ra ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất,
nước như ta đã biết. Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, từ nay đến năm 2030,
chúng ta phải xây thêm rất nhiều nhà máy nhiệt điện than nữa. Nhu cầu than
vào năm 2030 khoảng 120 triệu tấn, trong đó hai phần ba phải nhập từ bên
ngoài, ảnh hưởng rất lớn đến an ninh năng lượng của Việt Nam.
Cơ cấu nguồn điện theo Quy hoạch điện VII đang gây quan
ngại lớn về hệ lụy môi trường của nhiệt điện than, nhất là sau sự cố môi
trường tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận).
Cùng lúc, có một văn bản chính sách khác là “Chiến lược
phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ
tướng phê duyệt tháng 11-2015. Theo đó, vào năm 2030, điện từ mặt trời, gió
và sinh khối đã là 88 tỉ kWh và đến năm 2050 lên đến 348 tỉ kWh, nhiều hơn
gấp đôi điện từ các nguồn này sản xuất trong năm 2015. Nếu theo văn bản này
thì Việt Nam có thể giảm các nhà máy điện đốt than nhờ sử dụng năng lượng tái
tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tức là nên cân nhắc và
nghiên cứu các phương án thay thế khác để cân bằng giữa mục tiêu phát triển năng
lượng và phát triển bền vững.
Theo một nghiên cứu do GreenID thực hiện năm 2015, khi
đánh giá lại nhu cầu tăng trưởng điện, nếu chọn kịch bản tăng trưởng GPD
7%/năm và xem xét tiềm năng sử dụng tiết kiệm và hiệu quả của Việt Nam vào
năm 2030 khoảng 47 tỉ kWh, có thể giảm nhu cầu điện khoảng 30% so với kịch
bản quy hoạch của Quy hoạch điện VII. Điều này đồng nghĩa với việc có thể
chưa cần thiết phải xây mới khoảng 30.000 MW nhiệt điện đốt than, tương đương
với vốn đầu tư khoảng 45 tỉ đô la Mỹ và thay vào đó đầu tư vào công nghệ sử
dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ ít tác động xấu tới môi trường.
TBKTSG: Khi xây
dựng Quy hoạch điện VII, có phải lý do chính khiến nhiệt điện than chiếm tỷ
trọng áp đảo trong cơ cấu nguồn điện là vì thủy điện đã được phát triển “tới
hạn” và nhiệt điện than được cho là rẻ hơn so với năng lượng tái tạo? Đến
nay, khi chính sách giá đối với than nhiên liệu đã thay đổi, nhiệt điện than
không còn rẻ nữa?
- Trong Quy hoạch điện VII, do nhu cầu điện được dự báo
rất lớn, mà nguồn năng lượng sơ cấp (than trong nước), dầu, khí và thủy điện
đều hạn chế, nên buộc phải phát triển nhiệt điện. Trong thời kỳ lập Quy hoạch
điện VII, giá điện, đặc biệt là nhiệt điện, còn được bao cấp đầu vào là than
nhiên liệu (chỉ 40-50% giá thành) do đó vẫn còn rất thấp. Vì vậy, muốn đưa
năng lượng tái tạo, chủ yếu năng lượng gió và mặt trời, vào thay thế cho
nhiệt điện than vào thời điểm đó rất khó khả thi vì giá năng lượng tái tạo còn
kém cạnh tranh, cho dù Nhà nước đã có nhiều biện pháp trợ giá nhưng cũng
không thể cạnh tranh được.
Theo nghiên cứu của GreenID, cơ chế bù giá cho nhiên liệu
hóa thạch hiện đã chấm dứt. Từ tháng 7-2014, than cấp cho nhiệt điện than đã
theo giá thị trường. Giá than nhiên liệu cho điện tăng cao hơn nhiều do không
còn bù giá.
TBKTSG: Như
vậy, nếu tính đúng, tính đủ cả chi phí môi trường của việc sản xuất nhiệt
điện than thì giá thành sẽ như thế nào?
- Cũng theo nghiên cứu trên của GreenID, giá thành của một
số nhà máy nhiệt điện than đã vận hành như Mạo Khê, Cẩm Phả, Quảng Ninh 1 và
Quảng Ninh 2, trước khi giá than được tính theo giá thị trường, giao động từ
3,7-4,2 xu Mỹ/kWh. Sau khi giá than được tính theo giá thị trường, giá thành
đã tăng lên tới 5,5-6,5 xu Mỹ/kWh. Một số nhà máy sử dụng than nhập khẩu như
Long Phú 1, Sông Hậu 2, giá thành đã tăng tới 8,38 xu Mỹ/kWh. Nếu tính giá
than hàng năm tăng lên 2% và có tính tới khả năng đánh thuế carbon cho nhiệt
điện thì giá thành quy đổi của nhiệt điện than sẽ tăng lên nhiều, có nhà máy
nhiệt điện than giá thành lên tới 10,4 ±1 xu Mỹ/kWh. Giá tính trên chưa bao
gồm chi phí về tác động tới sức khỏe mà theo một nghiên cứu của Mỹ năm 2015
thì chi phí sức khỏe được tính cho một kwh điện là 14 xu Mỹ. Thậm chí cao gần
gấp đôi so với giá mua điện gió hiện nay ở Việt Nam.
Như vậy thực tế giá điện đốt than sẽ không còn rẻ nữa và
càng ngày sẽ càng cao.
TBKTSG: Khi bàn
đến năng lượng tái tạo, những ưu điểm vượt trội của nó đối với sự phát triển
bền vững, tâm lý nhiều người theo kiểu “ biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng mà
nó... đắt lắm. Nếu nhiệt điện than không thực sẽ rẻ như vừa nói trên thì năng
lượng tái tạo có còn quá đắt, đặt trong sự so sánh tương đối với nhiệt điện
than về chi phí sản xuất. Diễn biến thị trường thế giới đang cho thấy suất
đầu tư cho năng lượng tái tạo theo xu hướng nào?
- Năng lượng tái tạo gồm có năng lượng gió, mặt trời, sinh
khối, địa nhiệt, thủy triều và thủy điện nhỏ, trong đó ở Việt Nam năng lượng
mặt trời, sinh khối và gió là có tiềm năng lớn nhất.
Như đã nói trên, trong khi giá điện đốt than ngày càng có
xu hướng tăng thì giá điện năng lượng tái tạo có xu hướng ngày càng giảm.
Năng lượng mặt trời ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Là
một nước nhiệt đới, nguồn năng lượng mặt trời có được hầu như quanh năm, đặc
biệt từ vùng Thừa Thiên - Huế trở vào. Mật độ năng lượng trong khoảng từ
3.000-5.000 kcal/mét vuông/ngày và số giờ nắng từ 1.500 giờ tại đồng bằng
sông Hồng đến 2.700 giờ tại Nam Trung bộ.
Trên thế giới, giá các tấm pin mặt trời đã giảm rất nhanh
trong những năm gần đây. Từ năm 2010-2014, suất vốn đầu tư đã giảm từ 29-65%
tùy theo khu vực. Giá 1 kWh tại nhiều khu vực đã giảm xuống dưới 10 xu Mỹ.
Thậm chí, tại Dubai, có nhà máy đã ký hợp đồng với giá bán điện khoảng 3 xu
Mỹ/kWh.
Tiềm năng điện gió ở Việt nam ở những nơi tốc độ gió trung
bình >6,0m/s được đánh giá từ 22.400-27.000 MW. Suất vốn đầu tư điện gió
cũng giảm theo thời gian. Nếu như năm 2014, suất vốn đầu tư trên bờ khoảng
1.300 đô la Mỹ/kW thì năm 2020 dự báo chỉ còn 1.172 đô la Mỹ/kW.
Giá 1 kWh của điện gió trên bờ tại Việt Nam vào năm 2014
khoảng 7,8 xu Mỹ/kWh nhưng sẽ giảm xuống 7,1 xu Mỹ/kWh vào năm 2020.
Tiềm năng sinh khối của Việt Nam vào năm 2030 được đánh
giá khoảng 70 triệu tấn dầu quy ước. Giá điện sinh khối tại các dự án đồng phát
được Chính phủ quy định 5,8 xu Mỹ/kWh, đối với điện phát từ đốt chất thải rắn
là 10,05 xu Mỹ/kWh. Giá điện sinh khối ít biến động theo thời gian.
TBKTSG: Thật
ra, mức độ đắt của năng lượng tái tạo có thể giảm xuống, không chỉ vì chi phí
trực tiếp để sản xuất ra nó mà còn có thể dựa vào chính sách? Chúng ta có thể
làm được gì hơn nữa để phát triển năng lượng tái tạo?
- Giá điện từ năng lượng tái tạo sẽ giảm nếu được có chính
sách ưu đãi về giá bán (hay feed-in-tariff), về thuế, về đất đai, cơ chế đấu
thầu, cải cách thị trường điện theo hướng cạnh tranh... Nhiều nước đã áp dụng
cơ chế này và điện từ năng lượng tái tạo đã phát triển rất nhanh như ở Tây
Ban Nha...
Như trên đã nói, trong Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, điện
từ năng lượng tái tạo đã được đưa vào cao hơn nhiều so với Quy hoạch điện VII
cũ, lên 21% về công suất so với 9,4% và 10,7% về điện lượng so với 6%. Trong
khi đó nhiệt điện đốt than vẫn chiếm khoảng 50% trong Quy hoạch điện VII hiệu
chỉnh và chưa chú trọng đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Nhiều nước trên thế giới vẫn tăng trưởng kinh tế trong khi
tiêu thụ điện giảm. Vì vậy cần thiết xem xét các phương án khác ngoài việc
phụ thuộc vào nhiệt điện than bằng cách xem xét lại nhu cầu sử dụng điện,
tính toán lại mức tăng trưởng, đặt ưu tiên trước hết cho các giải pháp sử
dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, chuyển đổi nhanh mô hình tăng trưởng
kinh tế sang sử dụng ít năng lượng như khai thác lợi thế của các ngành dịch
vụ, du lịch, hạn chế các ngành sử dụng nhiều năng lượng và tạo áp lực lớn cho
môi trường như thép, xi măng, khoáng sản, nhiệt điện.
Đồng thời, có chính sách phù hợp để khai thông và tạo điều
kiện huy động các nguồn lực trong xã hội, cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào
phát triển điện từ nguồn năng lượng tái tạo để bổ sung vào hệ thống điện quốc
gia.
(Theo Thời báo KTSG) Mỹ Lệ
|
Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét