Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

 Truyền thông có bị “mượn tay”?
Cập nhật lúc 15:52 
                
Câu chuyện nước mắm đang như sôi lên trong dư luận cả nước.
Người tiêu dùng bừng tỉnh khi ngày 10/10 một tờ báo đăng bài viết khá chi tiết về thực chất của nước chấm công nghiệp đang được nhiều người theo nhau tin dùng. Rõ ràng loại nước chấm này đạt được những yếu tố mà nhiều bà nội trợ mong muốn là vừa rẻ vừa ngon lại giữ được lâu không chuyển mùi như nước mắm cá. Bài báo cũng đưa ra sự thật của nước chấm công nghiệp chính là công thức: Nước + hóa chất, trong đó có 17 loại hóa chất khác nhau. Loại nước chấm chỉ việc pha chế như trên đã rút ngắn thời gian sản xuất, hạ giá thành sản phẩm nên nước mắm truyền thống khó lòng cạnh tranh. Từ chỗ “tay không”, nước chấm công nghiệp đã chiếm lĩnh 76% thị phần trong nước với hàng nghìn tỉ đồng doanh thu mỗi năm.
Hãy xem quy trình làm nước mắm cá của cha ông ta từ ngàn xưa:
Từ sản phẩm nguyên liệu cá tươi, việc làm mắm gồm các bước: 1/Làm chượp (cá được trộn muối) với công thức 3 cá + 1 muối (tỉ lệ muối 25-30%). 2/Vào chượp: Nạp từng lớp cá vào thùng chứa (gỗ), xả nước vừa đủ. Trên cùng phủ lên mặt chượp một lớp muối; 3/Nén chượp: Dùng thanh dằn, đá dằn nén làm cho cá ép thành một khối, rút ra nước bổi. Sau khi đã chằn chượp, đổ lại nước bổi vào phủ mặt chượp. Trong 15 ngày đầu kéo rút liên tục để trao đổi nước bổi trong và ngoài; 4/Chàm soi chượp: Sau 15 ngày kéo rút, để chượp nguyên trạng, nước bổi thừa cho vào thùng chứa riêng không đậy kín. Thùng hoặc bể mắm đặt khô ráo, thông thoáng và có ánh sáng trời. Duy trì chượp đến cuối tháng thứ ba; 5/Kéo rút: Trong 3 tháng đầu định kì kéo rút không để nước tràn, cũng tránh rút kiệt nước trơ mặt chượp; 6/Ra thành phẩm: Thành phẩm là nước mắm các loại được rút ra từ chượp chín (cuối tháng thứ 4 đến tháng thứ 6), gồm: Nước mắm cốt là loại nước mắm thượng hạng có màu vàng rơm đến cánh gián, hương thơm, vị ngọt dịu đậm, độ đạm cao (25 g/l), càng để lâu càng thơm ngon và có màu u đen lại, làm gia vị cho thức ăn cao cấp; Nước mắm loại 1: Do nước chan kéo qua chượp đã rút 90% cốt, hàm lượng đạm 15 g/l, dùng làm nước chấm; Nước mắm loại 2: Nước chan kéo qua bã chượp đã rút 90% loại 1, hàm lượng đạm 10 g/l, dùng nấu, nêm; Nước mắm loại 3: Đã rút 90% loại 2, hàm lượng đạm thấp, dùng làm nước chan chượp cho mùa mắm sau.  
Với quy trình công phu, tỉ mỉ, tốn thời gian, công sức như trên nên người Việt mới tạo được loại nước chấm dùng hằng ngày, nay đã nổi tiếng thế giới. Nước mắm Việt đã hiện diện trên thị trường châu Á, châu Úc, châu Mỹ và cả thị trường khó tính nhất là châu Âu.
Kì lạ thay, chỉ sau mấy ngày nước chấm công nghiệp bị “vạch mặt, chỉ tên” thì Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) lại hăng hái tự đi lấy mẫu xét nghiệm nước mắm cá (dù không phải hội khoa học và không có chức năng, quyền hạn) rồi nhanh chóng tung ra một khái niệm mập mờ “asen tổng” (thực chất là asen hữu cơ vô hại) trong nước mắm truyền thống! Tiếc rằng thông tin của VINASTAS đã nhanh chóng được nhiều tờ báo đăng tải, cùng với mạng xã hội lan truyền tạo thành “trận đòn hội đồng” với một sản phẩm đặc sản lâu đời!
Trong “cuộc chiến” này, liệu truyền thông có bị “mượn tay”? Các cơ quan chức năng đã và đang vào cuộc làm rõ để xử lí nghiêm vi phạm. Cần trả lại giá trị đích thực, chỗ đứng tin cậy của nước mắm Việt Nam trong niềm tin của người tiêu dùng.
(Theo blog Dòng quan họ) Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét