Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Nếu giỏi giang thế, sao phải về làm lãnh đạo với bố?


Cập nhật lúc 07:19   

Dư luận có thể hoài nghi những người được xem là “có năng lực” mà lại thích vào làm lãnh đạo với bố!
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Nội vụ kiểm tra thông tin “bổ nhiệm người nhà”, tiến hành thanh tra công vụ, báo cáo trước ngày 30/10.  Chỉ đạo được đưa ra sau khi báo chí phản ánh lãnh đạo một số địa phương tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà vào các đơn vị do mình phụ trách, quản lý, gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của người dân đối với nền công vụ.
Có thể nói một lần nữa người đứng đầu Chính phủ thể hiện quyết tâm trong vấn đề “tìm người tài, không tìm người nhà”. Còn nhớ, dư luận từng xôn xao trước những vụ việc như “cả họ làm quan” ở một huyện của Thừa thiên Huế hay Hà Tây. “Khó coi” hơn nữa là những chuyện như bố chi cục trưởng bổ nhiệm con làm chi cục phó, hay chồng cục trưởng quy hoạch vợ làm cục phó.
Trong tất cả các trường hợp này, “bài” quen thuộc được đưa ra là “đúng quy trình” hay không có văn bản hay quy định hiện hành nào cấm. Như lời vị chi cục trưởng nọ là: “Tôi đã chỉ đạo bộ phận tham mưu tham khảo ý kiến của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ tỉnh. Qua kiểm tra và tham khảo thì thấy không có văn bản nào cấm việc cha hay mẹ làm thủ trưởng, còn con làm cấp phó trong cùng cơ quan”. 

 Con ông cháu cha, hậu duệ, Giám đốc Sở tuổi 30, Cả họ làm quan, tham nhũng, Đúng quy trình, Bố bổ nhiệm con, chồng quy hoạch vợ
Ảnh minh họa
Luật không cấm thì rất khó kiểm soát
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng từng nêu quan điểm, các cơ quan có thẩm quyền “sẽ có nghiên cứu để chỉ rõ điểm nào là sơ hở, dễ bị lợi dụng nhằm khẳng định đúng quy trình nhưng lại để lọt vào những người không đủ đức, đủ tài, gây ra tình trạng dễ dẫn đến “gia đình trị” và vấn đề lợi ích nhóm, bè phái, làm mất niềm tin của nhân dân, làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”.
Có thể nói, việc bổ nhiệm người thân vào bộ máy chính quyền, trước hết trong cảm xúc của người dân là một việc làm  phản cảm  mang tính tư lợi. Không phải lúc nào cảm xúc của số đông cũng đúng, nhưng sự thật là việc làm này mang đến nhiều nguy cơ cho hệ thống chính quyền. Trước hết, đó là nguy cơ của bè phái, lợi ích nhóm rất có khả năng hình thành.  
Sâu xa hơn, đó là chiều hướng cô lập những “người ngoại tộc” làm việc một cách độc lập. Ngoài ra, những “người nội tộc” làm việc cùng nhau cũng đồng thời làm suy yếu khả năng tự kiểm soát, giám sát của bộ máy chính quyền. Cuối cùng, đấu đá họ tộc có nguy cơ xảy ra ngay trong bộ máy chính quyền. 
Khác với “đúng quy trình” dễ trở thành cái cớ mang tính ngụy biện, “pháp luật không cấm” trở thành một gợi mở đúng hướng hơn rất nhiều. “Quy trình” đang bị hoài nghi về khía cạnh hợp lý, chặt chẽ; đạo đức mà chúng ta vẫn hằng tin tưởng chưa đủ sức mạnh ràng buộc, thậm chí ngày càng yếu thế trước “xu hướng” chung. Vậy nếu pháp luật không cấm thì chúng ta có ngăn chặn nổi nguy cơ nêu trên? 
Phải cấm để bảo vệ chính quyền 
Để ngăn chặn những nguy cơ cho hệ thống như đã nêu ở trên, rõ ràng cần có những quy định chặt chẽ hơn nữa. Cụ thể, ở đây pháp luật hoàn toàn có thể phải cấm các cán bộ bổ nhiệm người thân vào bất kỳ vị trí nào nằm trong thẩm quyền hoặc khả năng tác động của họ.  
Sẽ có những ý kiến cho rằng cấm như vậy là cực đoan, rằng con lãnh đạo có năng lực tại sao lại không được bổ nhiệm? 
Thứ nhất, dư luận có thể hoài nghi những người được xem là “có năng lực” mà lại thích vào làm lãnh đạo với bố! Đơn giản, càng giỏi, càng có năng lực thì tự trọng càng cao, và cái việc phải để cho bố bổ nhiệm mình có khác nào tự chứng minh điều ngược lại. Thứ hai, nếu thực sự giỏi thì ở đâu cũng sẽ làm tốt, cớ gì phải làm với bố thì con mới giỏi? 
Quan trọng hơn, trước những nguy cơ như đã nêu ở phần trên, bổ nhiệm người thân vào cơ quan nhà nước tiềm ẩn nguy cơ làm yếu đi chính hệ thống chính quyền. Yếu đi không chỉ bởi bè phái, lợi ích nhóm, tranh đấu dòng tộc, mà lớn nhất là nó xói mòn niềm tin của nhân dân với chính quyền.  
Và nếu còn nghi ngại thì hãy nhìn sang Hoa Kỳ, một trong những đất nước có bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh nhất thế giới. Hoa Kỳ đã cấm việc bổ nhiệm người thân của mình từ những năm 1960 trong luật Liên bang (Điều 3110: Tuyển dụng người thân – những hành vi bị cấm). Trong đó người thân được liệt kê ra bao gồm toàn bộ: vợ chồng, con cái (con đẻ, con nuôi, con riêng), bố mẹ, ông bà, anh em (em ruột, em họ, em vợ, em chồng), cháu chắt, dì cậu, bố vợ, mẹ vợ, mẹ kế - bố dượng,...  
Theo đó, hành vi bị cấm bao gồm: bổ nhiệm, tuyển dụng, đề bạt, hoặc hành vi giới thiệu với tư cách cá nhân để bổ nhiệm, tuyển dụng; hoặc tiến hành các liên hệ cá nhân trong việc tuyển dụng. Đồng thời, các bang cũng có quy định riêng của mình về hạn chế tuyển dụng người thân và coi đó như một phần của việc chống lạm dụng chức quyền trong bộ máy. 
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết, Luật hiện hành chưa quy định về việc cấm  người đứng đầu bổ nhiệm người thân thích vào vị trí lãnh đạo trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý.
“Dẫn đến thời gian qua, cử tri bức xúc phản ánh tại một số địa phương có hiện tượng “cả họ làm quan” nhưng vẫn đúng quy trình” – bà Nga nói và cho biết một số cử tri đề nghị Nhà nước cũng cần tổ chức nghiên cứu, tham khảo và có quy định nhằm ngăn chặn tình trạng những người trong một đại gia đình cùng làm quan trong một địa phương dẫn đến dễ câu kết nhau để tham ô, nhũng nhiễu.
Luật chưa cấm nên “cả họ làm quan” vẫn đúng quy trình, VOV, 28/10/2016.
(Theo VietNamNet) Bùi Phú Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét