Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt xin từ chức


Cập nhật lúc 07:11

Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết đã có đơn xin từ chức và nghỉ hưu sớm 4 năm so với chế độ với lý do cá nhân.
Theo nguồn tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, vừa có đơn gửi tới Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để xin từ chức Chủ tịch cũng như xin nghỉ chế độ sớm 4 năm so với quy định của Bộ luật Lao động.
 TỔNG CÔNG TY ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM, ÔNG TRẦN NGỌC THÀNH
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, ông Trần Ngọc Thành, cho biết việc xin từ chức là vì lý do cá nhân
Trước đó, từ giữa tháng 10 này, Bộ GTVT đã có kế hoạch luân chuyển, điều động ông Thành giữ chức Vụ trưởng - Phó trưởng ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ GTVT.
Người được dự kiến luân chuyển giữ chức vụ thay ông Thành tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ GTVT.
Chiều 24-10, trao đổi với -PV, ông Trần Ngọc Thành xác nhận ông đã có đơn xin từ chức cũng như xin nghỉ chế độ sớm. "Tôi chỉ xin nói thế này, việc tôi xin nghỉ chế độ cũng như xin từ chức hoàn toàn là lý do cá nhân. Mọi chuyện khác tôi không bình luận"- ông Thành cho hay.
Ông Thành không trả lời cũng như không bình luận về việc ông sẽ được luân chuyển, bổ nhiệm ông vào chức vụ Vụ trưởng - Phó trưởng ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ GTVT.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt cũng xin không bình luận về người được dự tính sẽ kế nhiệm mình.
Ông Trần Ngọc Thành sinh năm 1960, được Bộ GTVT điều động, bổ nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ tháng 4-2013. Trước khi được điều động, bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Trần Ngọc Thành là Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT.
Trong hơn 3 năm công tác tại Tổng công ty Đường sắt, ông Thành được đánh giá là đã góp phần đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh bằng việc triển khai hệ thống bán vé tàu điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ một số đoàn tàu, tái cơ cấu hoạt động vận tải.
Tuy nhiên, ngành đường sắt cũng có nhiều dự án gây tranh cãi như mua tàu cũ của Trung Quốc; góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu. Các nội dung này đã được Bộ chủ quản và Thanh tra Chính phủ đánh giá sai phạm và yêu cầu kiểm điểm lãnh đạo doanh nghiệp này
Theo Người lao động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét