Đắk Lắk
Ly kỳ “phiên tòa chạy án” quá bất thường
Cập nhật lúc 15:10
TAND
tỉnh Đắk Lắk vừa đưa vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo là
Nguyễn Thị Hằng ra xử sơ thẩm lần thứ hai. Sau 4 ngày xét xử, Tòa đành tuyên
trả hồ sơ, điều tra lại thêm một lần nữa vì diễn biến đầy kịch tính suốt
phiên xử đã cho thấy hành vi phạm tội của bị cáo Hằng liên quan đến nhiều cán
bộ tư pháp trong “đường dây chạy án”.
Bị
cáo Hằng khóc, kêu oan tại Tòa.
Bí mật về
chiếc thẻ nhớ có “những cảnh nóng”
Theo cáo trạng, ngày 28/10/2011, Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện 2 tiếp
viên Hằng và Gái bán dâm tại nhà nghỉ do bà Phạm Thị Lán (SN 1960, ngụ huyện
Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) và chồng là ông Triệu Đức Nhật làm chủ, nên bắt tạm
giam bà Lán. Biết tin, bà Phụng chị của Gái gặp ông Nhật, bàn cách lo cho bà
Lán được tại ngoại, hưởng án treo, còn Hằng và Gái được giảm thời hạn giáo
dục.
Thông qua bà Phụng, ông Nhật làm quen với “cò chạy án” Nguyễn Thị Hằng
(SN 1961, ngụ xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông), đưa tổng cộng 200
triệu đồng cho bà Hằng để “chạy án”. Tuy nhiên, sau đó bà Lán vẫn bị xử phạt
5 năm tù nên ông Nhật làm đơn tố cáo bà Hằng lừa đảo.
Tại phiên xử sơ thẩm lần thứ nhất ngày 12/11/2014 tại TAND huyện Ea
Kar, bị cáo Hằng (bị tuyên 8 năm tù) khai nhận đã đưa phần lớn trong số tiền
200 triệu đồng cho nhiều lãnh đạo, cán bộ công an và kiểm sát huyện Ea Kar để
“chạy án”. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng những người bị tố cáo không thừa nhận lấy
tiền của bà Hằng, nên vẫn kết án bị cáo Hằng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài
sản.
Tại phiên Tòa sơ thẩm lần thứ hai tại TAND tỉnh Đắk Lắk, bị cáo Hằng
liên tục khóc kêu oan, xin được nhờ luật sư bào chữa. Để chứng minh đây là vụ
“chạy án” chứ không phải là lừa đảo, bị cáo Hằng đề nghị Tòa cho người áp
giải về trại giam để lấy một chiếc thẻ nhớ chứa nhiều nội dung, hình ảnh liên
quan đến những vụ “chạy án” mà bà từng hợp tác thực hiện cùng ông Lê Quang
Loan, nguyên cán bộ Viện KSND tỉnh Đắk Nông từ năm 2009-2012.
“Việc bị cáo từng khai lừa ông Nhật lấy 200 triệu tiêu xài cá nhân chỉ
để nhận tội thay người tình của bị cáo là ông Loan. Bị cáo có chứng cứ nhưng
trước đây đã không cung cấp cho cơ quan điều tra vì trong thẻ có những “cảnh
nóng” giữa bị cáo và ông Loan. Giờ bị cáo sẽ cung cấp cho Hội đồng xét xử
(HĐXX) và luật sư bào chữa cho bị cáo” – Bị cáo Hằng khai.
Lời khai bất ngờ của bị cáo Hằng đã khiến cả phiên tòa chấn động. Điều
bất thường, là lời cầu xin đáng chú ý này của bị cáo Hằng đã không được HĐXX
chấp nhận, còn đại diện VKS vẫn cho rằng lời khai của bị cáo là không có căn
cứ và giữ nguyên quan điểm truy tố.
Không cho bị
cáo mời luật sư bào chữa
Suốt 4 ngày diễn ra phiên xử sơ thẩm lần 2 ( từ ngày 10-13/10/2016),
có 3 luật sư của Đoàn Luật sư Đắk Lắk ngồi chờ sẵn để được bào chữa miễn phí
cho bị cáo Hằng, nhưng đều không được HĐXX chấp nhận.
Toàn bộ diễn biến tại Tòa cho thấy rất rõ việc từng có các hành vi
“đưa - nhận hối lộ” trong khoản tiền 200 triệu đồng mà bị hại Nhật đưa cho bị
cáo Hằng, chứ không phải toàn bộ do bị cáo Hằng lừa đảo chiếm đoạt.
Nhiều lời khai rất chi tiết của bị cáo phù hợp với lời khai của những
cán bộ có trong hồ sơ vụ án về đường dây “chạy án”, kèm chứng cứ cán bộ nhận
tiền rất cụ thể, nhưng Viện và Tòa vẫn cho rằng “chứng cứ đó không có giá trị”.
Trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP Hồ
Chí Minh) phẫn nộ: Cách giải quyết vụ án thời gian vừa qua của HĐXX có dấu
hiệu của sự làm sai lệch hồ sơ vụ án và hành vi không truy cứu trách nhiệm
hình sự người có tội.
Ngay khi mở phiên Tòa, cả phía Kiểm sát và HĐXX đều vi phạm rất nghiêm
trọng thủ tục tố tụng khi không cho bị cáo mời luật sư bào chữa dù bị cáo kêu
oan. Bị cáo xin cung cấp chiếc thẻ nhớ chứa toàn bộ nội dung chạy án với ông
Loan từ năm 2009-2012 cũng không được Tòa chấp nhận với định kiến suy đoán có
tội, kiểu “án bỏ túi” đã định sẵn.
Bị cáo nhiều lần xin được đối chất lời khai với những người có liên
quan nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không lần nào cho bị cáo đối
chất với ai, dù những lời khai luôn mâu thuẫn, mà chỉ dùng lời khai của bị
cáo để chống lại bị cáo.
Đại diện VKS chỉ sử dụng phần hồ sơ tài liệu của giai đoạn sau, là
giai đoạn điều tra của công an tỉnh Đắk Lắk, mà không sử dụng các chứng cứ
tài liệu của cơ quan điều tra VKSND Tối cao, là không khách quan, toàn diện,
đầy đủ.
Đây là lần thứ 3 TAND tỉnh Đắk Lắk đưa vụ án này ra xét xử, 2 lần xử
trước vào tháng 3 và tháng 5/2015, Tòa tỉnh là cấp phúc thẩm xem xét lại bản
án sơ thẩm do Tòa huyện Ea Kar “vừa đá bóng vừa thổi còi” xử.
Điều hiếm thấy, là tại bản án phúc thẩm số 295 ra ngày 15/7/2015, Tòa
án tỉnh đã “dám” khẳng định ngay cả cơ quan Điều tra Viện KSND Tối cao cũng
đã “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” vì không yêu cầu Viện KSND tỉnh
tiếp tục điều tra, mà lại giao quyền truy tố bị cáo Hằng cho chính các cán bộ
huyện Ea Kar đã bị bà Hằng tố cáo nhận tiền hối lộ, khiến việc tố tụng thiếu
vô tư khách quan. Vì vậy, Tòa tỉnh đã hủy toàn bộ bản án của Tòa huyện, giao
hồ sơ cho Viện KSND tỉnh Đắk Lắk điều tra, truy tố lại theo đúng thẩm quyền.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh
(Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định: Diễn biến tại Tòa cho thấy các cơ quan tố
tụng đã không xem xét khách quan, toàn diện vụ án thậm chí còn có dấu hiệu
bao che, định tội không đúng với bản chất chứng cứ. Chúng tôi sẽ kiến nghị các
cơ quan tư pháp trung ương vào cuộc, kiến nghị Quốc Hội đưa vụ án này vào
chương trình giám sát, nhằm đưa vụ án về đúng bản chất của nó, đúng sự thật
khách quan, tránh sót người lọt tội, gieo rắc oan sai.
(Theo Tiền phong) Lê Hà
|
Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét