Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

Cán bộ 'đúng quy trình' và những 'gót chân' ngàn tỷ


Cập nhật lúc 14:36

Một nền kinh tế phát triển lành mạnh hơn, tất yếu kích thích thể chế chính trị, kích thích nền quản trị quốc gia phải đổi mới…
“Không phải bay lên mà là xuống hố”?
Xin được mượn ý câu nói của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016 tổ chức tại Hà Nội sáng 12/10 mới đây, cảnh báo tâm lý và hệ lụy phát triển của nền kinh tế nước Việt hiện nay- nếu cứ mải mê huy động nguồn lực đang ở mức rất cao, tới 400 tỷ USD nằm trong khu vực kinh tế Nhà nước, nhưng lại không được sử dụng hiệu quả.
Trong bối cảnh năm nay tròn 30 năm Đổi mới cơ chế- từ bao cấp sang quản lý kinh tế thị trường.
Những hay dở được mất, những thăng trầm ấm lạnh của đất nước 30 năm qua rồi sẽ được các chuyên gia nghiên cứu tổng kết như một mốc son đầy gian truân của lịch sử nước Việt. Nhưng người viết chú ý đến bài bàn về Đổi mới chính trị của ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng đăng trên Tuần Việt Nam ngày 11/10 mới đây. Vì vô tình, nó đặt ra những bước đi thực tiễn trong thìtương lai.

Doanh nghiệp nhà nước, Nguyễn Đình Cung, Lọc dầu Dung Quất, 30 năm đổi mới, FDI, GDP 
Ảnh chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương. Ảnh: Dân trí
Như một sự nhìn nhận ngắn gọn đặc điểm riêng biệt của Việt Nam- chọn lựa ưu tiên đổi mới kinh tế trước. Bởi khi đó, năm 1986, kinh tế lạm phát tới 800%. Một con số khủng biết nói… đáng sợ. Đổi mới hay là chết?
Đó là quyết định đúng đắn. Sự đúng đắn trong chọn lựa ưu tiên đã đem lại những thành quả nhất định cho đất nước. Thể hiện ở diện mạo phát triển các tỉnh, t/p, tập trung nhất ở các đô thị; ở mức sống chung- từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, đến năm 2016 này,  Việt Nam là nước có thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.200 USD (50 triệu đồng). Đây là số liệu cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (công ty dịch vụ tài chính có uy tín đóng tại Mỹ) công bố tháng 05/2016 mới đây. 
Tuy nhiên, ca dao xưa có tổng kết thấm thía: Ở nhà nhất mẹ nhì con/ Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta. Quy luật đời sống nhân loại cho thấy không phải lúc nào sự ưu tiên cũng đem lại kết quả duy nhất đúng. 
Đó là để nói về dự báo của các chuyên gia lo ngại Việt Nam, sau 30 năm đổi mới, vẫn có thể thua cả Lào, Campuchia nếu với hiện trạng hiện nay- thấp về năng lực sáng tạo, tăng trưởng nền kinh tế, thu hút FDI, công nghiệp ô tô, năng suất lúa gạo… 
Đó là để nói về một hiện tượng đã trở thành nỗi lo nhức nhối- sự phát triển trì trệ, thua lỗ triền miên của kinh tế doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trải qua bao thăng trầm biến cố, vẫn luôn được ưu tiên đầu tư hơn tất cả các thành phần kinh tế khác về các nguồn lực, được xác định là kinh tế chủ đạo nhưng đang trong trạng thái…. đi trước về sau. 
Không muốn nói mãi tới con số mà các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần đề cập- DNNN chiếm tới 60% nguồn lực nhưng lại chỉ đóng góp có 40% GDP. Ngược lại, các DN ngoài nhà nước chỉ chiếm 40% nguồn lực nhưng lại đóng góp tới 60% tổng GDP.  
Hơn nhau mỗi chữ “trong” hay “ngoài” mà tỷ lệ phản chiếu tài năng kinh bang tế thế hoán vị đến trớ trêu.  
Nhưng liệu nền kinh tế sẽ ra răng, sẽ có thể đi lên vững chãi được không với “cây gậy con trưởng” mà cứ “Gặp cú sốc, tập đoàn nhà nước viết đơn xin hỗ trợ” (VietNamNet, ngày 11/10). 
Số đơn từ kiểu này không ít. Mà toàn thua lỗ nghìn tỷ cả. Làm ăn lớn nên thua lỗ cũng… lớn? 
Theo bài báo, Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) lỗ lũy kế gần 1.000 tỷ đồng, với hàng trăm tỷ đồng nợ khó đòi. Doanh nghiệp này đang thành một 'cục nợ' và bị đưa vào diện giám sát đặc biệt. Như Lọc dầu Dung Quất- suốt từ 2015 cho đến giữa 2016, khi thuế nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường ASEAN, Hàn Quốc giảm mạnh, Dung Quất không bán được hàng do giá cao hơn hàng nhập khẩu. Như Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam – Vinacomin, từ 2015 đến nay, giá xuất khẩu giảm, lượng than tồn kho tính đến tháng 6/2016 đã gần 10 triệu tấn.
 Doanh nghiệp nhà nước, Nguyễn Đình Cung, Lọc dầu Dung Quất, 30 năm đổi mới, FDI, GDP
Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Zing News
Như Tổng công ty cơ khí xây dựng (COMA), trong 10 công ty con có tới 06 công ty thua lỗ với 04 công ty mất vốn chủ sở hữu. Như Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có 15/19 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế hơn 94 tỷ đồng; 3/12 khoản đầu tư dài hạn khác lỗ lũy kế gần 70 tỷ đồng v.v.. và v.v.
Đúng là buôn có bạn lỗ có phường.
Chưa kể biết bao dự án ngàn tỷ đắp chiếu thành “tượng đài lãng phí” (VietNamNet, ngày 10/10) 
Kết thúc sứ mệnh lịch sử?
Thật ra, chuyện thua lỗ của kinh doanh buôn bán trên thương trường (trong nước và nước ngoài) luôn biến động là chuyện bình thường, và kinh doanh là chuyện của tài năng tính toán, nhạy bén thương trường, đổ mồ hôi sôi nước mắt. Nhưng nếu DNNN cứ thua lỗ triền miên không gượng lại được, chắc chắn người ta phải xem lại cái tài kinh bang tế thế của con người, xem lại chính sự chọn lựa ưu tiên đó.
Rất có lý khi các chuyên gia kinh tế như Bùi Kiến Thành, Đinh Tuấn Minh chỉ ra nguyên nhân, cách thức quản trị theo kiểu hành chính dẫn đến bộ máy cồng kềnh, ra quyết định chậm chạp, khả năng chớp cơ hội khó khăn của các DNNN này.
Nhưng theo người viết bài, và trong một số bài viết về kinh tế trước đây vẫn cho rằng, chính tư duy kinh tế “có vấn đề” mới là nguyên nhân căn cốt.
Kinh doanh, bản chất là tuân thủ quy luật cung- cầu, quy luật hàng hóa thị trường, khó có thể dựa vào sự duy ý chí của con người, nhất là một khi nhà nước, với chức năng chính là xây dựng thể chế, ban hành chính sách và kiểm soát việc thực hiện, lại can thiệp quá sâu vào kinh doanh.
Nhất là một khi môi trường kinh doanh luôn tồn tại sự bất bình đẳng- con đẻ con nuôi- thì nền kinh tế đó luôn chứa đựng những bất ổn trong chính nó. Con đẻ được ưu tiên, chiều chuộng thì không giỏi. Con nuôi lại quá vất vả để có thể lớn. Rút cục đều … khó phát triển.
Mặt khác, bản chất của khu vực kinh tế được ưu tiên- DNNN vẫn là cơ chế bao cấp xin- cho, gắn với tuyển chọn nhân sự kinh doanh không minh bạch, sòng phẳng. Vì thế lợi ích nhóm dung dưỡng ở đó, mà tham nhũng cũng đương nhiên nảy chồi đơm hoa kết trái ở đó. Những vụ việc tiêu cực đang bị phanh phui cho thấy sự bổ nhiệm “đúng quy trình” những cán bộ năng lực yếu, làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế nhân dân phản chiếu sâu sắc cái gót chân Asin của DNNN, con đẻ của tư duy kinh tế một thời cuộc lịch sử .
Nhưng cứu DNNN thua lỗ như thế nào, nếu bản chất cứu giúp này, nói như TS Võ Trí Hảo sẽ là xén bớt miếng bánh của người nghèo? Khi đổ vào gần 10.000 tỉ đồng để cứu một dự án thép trùm mền, là đã lấy đi của học sinh nghèo ở Tây Bắc, Tây Nam 10.000 ngôi trường tiểu học. Âm vốn hơn 30%, khoản lỗ lũy kế 1,25 tỉ đô la Mỹ của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có thể làm giàu cho ai đó, nhưng phúc lợi của nhân dân miền Trung không có phần trong đó; cả tin, đã nghèo họ lại nghèo hơn (TBKTSG, ngày 17/5).
Liệu nền kinh tế Việt Nam khập khiễng như vậy có thể chạy nhanh trên đường ray hội nhập?
30 năm Đổi mới đã qua, tư duy kinh tế nhà nước là chủ đạo dường như đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của nó - để sớm muộn phải sinh nở một tư duy kinh tế khoa học, phù hợp quy luật thị trường, thực tiễn và văn minh hơn. Mở ra một môi trường kinh doanh thật sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, ngăn ngừa và hạn chế ung nhọt lợi ích nhóm, tham nhũng lũng đoạn. Mà không ít nhà nghiên cứu đã cảnh báo hiện tượng “tư bản thân hữu”. 
Thể chế chính trị nào, nền kinh tế ấy và ngược lại… Một nền kinh tế phát triển lành mạnh hơn, tất yếu kích thích thể chế chính trị, kích thích nền quản trị quốc gia phải đổi mới - phải công khai, minh bạch, với pháp luật thượng tôn. Một nhà nước quản trị theo hướng kiến tạo và phát triển sớm muộn phải ra đời, thay thế cho nhà nước cai trị kiểu xin - cho, ban phát. 
Bài học 30 năm Đổi mới chính trị, với tư duy mới, vẫn nguyên giá trị, và có thể khai sáng nâng cao hơn ở thì tương lai?
(Theo TuanVietNam) Kỳ Duyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét