Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Gần 300.000 cử nhân đang thất nghiệp

Cập nhật lúc 09:59

Những tháng đầu năm nay, trong khi nền kinh tế, lao động sản xuất đã có dấu hiệu phục hồi thì tình trạng lao động thất nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng, báo động ở tất cả các nhóm ngành nghề, trình độ. Thống kê cho thấy trong hơn 1.159.800 lao động đang thất nghiệp, có đến gần 300.000 người tốt nghiệp đại học, trên đại học và cao đẳng chuyên nghiệp.
                                  
Lao động tìm việc tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội

Tăng 114.200 người thất nghiệp

Tại buổi công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý I-2015, tổ chức sáng 20-7, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, số lao động trên cả nước có việc làm là 52,43 triệu người, giảm hơn 1 triệu người so với 2014. Riêng 3 tháng đầu năm, cả nước có 1.159.800 người thất nghiệp, tăng 114.200 người so với cùng kỳ 2014.

 Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, điểm đáng chú ý là nếu như mọi năm tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp nhức nhối nhất thì năm nay, nhóm thất nghiệp nhiều nhất rơi vào lực lượng lao động tốt nghiệp các trường cao đẳng và lao động không có bằng cấp, chứng chỉ. 

Cụ thể, so với quý IV-2014, số lao động tốt nghiệp đại học, trên đại học thất nghiệp ở quý I năm nay tăng từ 165.600 người lên 177.700 người; số lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp tăng từ 74.700 người lên 100.600 người; số lao động không có bằng cấp, chứng chỉ thất nghiệp tăng từ 600.500 người lên 726.100 người.  Ngoài ra, nhóm lao động tốt nghiệp các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề bị thất nghiệp ở quý I năm nay cũng tăng. 

Thị trường lao động đang sáng lên?

Sự phát triển của thị trường lao động luôn gắn chặt và có tương tác lớn với sự phát triển chung của nền kinh tế. Vậy nhưng những tháng đầu năm nay, trong khi nền kinh tế, sản xuất của đất nước đang có dấu hiệu phục hồi thì số lao động thất nghiệp vẫn gia tăng. Đó là chưa kể số thất nghiệp tăng trong bối cảnh tổng lực lượng tham gia thị trường lao động đang giảm (từ 77,7% năm 2014 xuống 77,4% trong quý I năm 2015) do sự già hóa và tốc độ tăng trưởng dân số chậm lại. 

Tại sao lại tồn tại nghịch lý như vậy? Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp lý giải bằng 2 nguyên nhân: một là do phương pháp tính, đo đạc có sự điều chỉnh; hai là tỷ lệ lao động thất nghiệp không phản ánh, nói lên toàn bộ bức tranh của thị trường lao động trong nước.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phân tích, bên cạnh chỉ số về số lao động thất nghiệp, thiếu việc làm thì điều quan trọng không kém là chỉ số về số giờ lao động trung bình của người lao động có việc làm trong 1 tuần. So với cùng kỳ năm 2014, chỉ số này tăng 2,2 giờ, cho thấy một tín hiệu khởi sắc hơn song vẫn rất đáng lo ngại. 

Ở các nước, có thể tỷ lệ thất nghiệp của họ lên đến 9-10% nhưng 90% có việc làm còn lại đều có thời gian làm việc trung bình rất cao theo quy định, còn ở nước ta dù tỷ lệ thất nghiệp nhiều năm nay duy trì chỉ 2-3% song thời gian làm việc trung bình của số lao động có việc làm rất thấp. Số giờ làm việc bình quân của nhóm “lao động thiếu việc làm” chỉ đạt 24,46 giờ/tuần, tức bình quân mỗi tuần 1 lao động chỉ làm việc trong 3 ngày (mỗi ngày làm 8 tiếng), bằng 50% tổng số giờ làm việc bình quân của lao động cả nước. 

Cũng theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, bên cạnh những khó khăn thì bức tranh thị trường lao động cũng đang có những điểm sáng lên. Đó là số lao động làm công ăn lương, đóng bảo hiểm xã hội gia tăng, thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương tăng, chuyển dịch cơ cấu lao động theo chiều hướng tích cực, tỷ lệ lao động qua đào tạo cao hơn.

Dự báo những tháng cuối năm nay, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, thị trường lao động cũng “ấm” hơn. Những ngành nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng mạnh trong nửa cuối năm nay bao gồm: sản xuất trang phục, sản xuất đồ uống, sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, sửa chữa bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị…


Lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước có lương cao nhất
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, thu nhập bình quân tháng trong quý I năm nay của hầu hết các nhóm nghề đều tăng so với cuối năm 2014, khoảng cách thu nhập giữa các nhóm nghề cũng đã thu hẹp. Lao động làm việc trong các doanh nghiệp Nhà nước có mức tiền lương bình quân cao nhất (6,9 triệu đồng/tháng), nhóm lao động giản đơn có mức thu nhập trung bình thấp nhất (3,5 triệu đồng/tháng). Đặc biệt, vẫn còn 15,7% lao động làm công hưởng lương thuộc nhóm thu nhập thấp (dưới 2,7 triệu đồng/tháng).
(Theo An ninh Thủ đô) Duy Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét