DN nước
ngoài kiện Việt Nam đòi đền bù 3 tỷ USD
Cập nhật lúc 08:36
"Chúng ta đã từng bị doanh nghiệp nước
ngoài kiện ra toà án quốc tế, đòi đền bù tới 3 tỷ USD vì quy hoạch", Thứ
trưởng Bộ KH-ĐT, ông Đặng Huy Đông, cho hay. Luật Quy hoạch ra đời cần khắc
phục tình trạng này.
Gặp nạn vì quy hoạch “đá nhau”
Chia sẻ với báo chí mới đây nhân nói về Dự thảo Luật Quy
hoạch, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, tiết lộ: "Chúng ta đã
từng bị kiện ra toà án quốc tế vì những vấn đề liên quan đến quy hoạch".
Ông Đông kể, có trường hợp địa phương cấp phép đầu tư cho
một doanh nghiệp nước ngoài nhưng sau đó xảy ra tranh chấp, vì lãnh đạo địa
phương trước căn cứ theo quy hoạch về du lịch, còn lãnh đạo sau lại căn cứ
theo quy hoạch khoáng sản, khiến dự án của doanh nghiệp bị tổn thất.
"Hệ quả là, doanh nghiệp kiện chúng ta ra toà án quốc
tế. Vốn ban đầu doanh nghiệp bỏ ra chỉ có 70 nghìn USD nhưng họ đòi chúng ta
đền bù tới 3 tỷ USD. Vì đó là con số lợi nhuận kỳ vọng họ có được từ dự
án", ông Đông kể.
Ông cho biết, cuối cùng, được sự đồng ý của Thủ tướng,
“chúng tôi đã tìm luật sư giỏi nhất và may mắn thắng kiện”.
"Đây là câu chuyện của quy hoạch không tích hợp với
nhau. Ông du lịch chỉ biết làm du lịch, ông khoáng sản chỉ biết làm khoáng
sản", Thứ trưởng Đông nhìn nhận.
Cũng theo các chuyên gia của Bộ KH-ĐT, đã có không ít
doanh nghiệp chết dở sống dở, gặp nạn vì quy hoạch.
Chẳng hạn gần đây, có một trường hợp doanh nghiệp đã đầu
tư tới vài tỷ đồng để làm nhà máy chế biến chè. Nhưng sau đó, chính quyền địa
phương không cho làm vì cho rằng không phù hợp với quy hoạch ngành chè. Thậm
chí, lãnh đạo tỉnh này còn chỉ đạo không cung cấp điện cho nhà máy của doanh
nghiệp chè nọ. Kết quả là, doanh nghiệp buộc phải chịu phá sản, giải thể và
mất trắng mấy tỷ đồng đầu tư.
"Khi xem lại thì không thấy có vấn đề gì với quy
hoạch của ngành chè. Quy hoạch chỉ ghi là ưu tiên đầu tư chế biến sản phẩm
chè cao cấp, xuất khẩu,... Đến khi hỏi chủ tịch tỉnh thì mới biết, lý do thực
sự là họ sợ xảy ra tranh mua, tranh bán với các doanh nghiệp quốc
doanh", vị chuyên gia này nói.
Gần đây nhất, dư luận xôn xao về quy hoạch mạng lưới chợ
của Bộ Công Thương đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035, khi quy hoạch này nêu rõ
xoá bỏ chợ đầu mối Long Biên, chợ phía Nam Hà Nội trong khi đó, Sở Công
Thương Hà Nội bức xúc khẳng định không hề có chuyện như vậy.
Bộ Công Thương sau đó có thông cáo "đính chính",
khẳng định sự tồn tại của hai khu chợ trên, sau đó thì lờ đi, không giải
thích về sự khác biệt ở danh mục xây mới, xoá bỏ hay nâng cấp các chợ khác
hoàn toàn với danh mục chợ nằm trong quy hoạch địa phương ban hành từ 4 năm
nay.
Trước thực tế như vậy, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh:
"Đó chính là lý do phải cấp thiết làm Luật Quy hoạch".
Theo ông Đông, quy hoạch là của Nhà nước. Nhà nước vẽ ra
như thế nào thì doanh nghiệp bỏ tiền ra làm như thế, đến khi quy hoạch của
Nhà nước thay đổi, doanh nghiệp chịu thiệt. Luật Quy hoạch ra đời cần khắc
phục tình trạng này, nhất là tình trạng quy hoạch sau đá quy hoạch trước, quy
hoạch này phủ nhận quy hoạch kia.
Lạm dụng "quy hoạch"
Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ
KH-ĐT, cho biết, ngân sách đã tốn 8.000 tỷ đồng để làm ra 19.285 quy hoạch.
Như vậy là quá nhiều, vừa không hiệu quả, chất lượng lại kém. Việc lập và sử
dụng quy hoạch còn có tư tưởng chủ nghĩa bình quân, căn bệnh thành tích, phối
hợp kém hiệu quả của các ngành, khiến quy hoạch thiếu khách quan, không khả
thi, điều chỉnh tuỳ tiện.
Dự kiến, với dự thảo Luật Quy hoạch, Bộ KH-ĐT sẽ rút xuống
chỉ còn 21 bản quy hoạch.
Đặc biệt, Bộ đề nghị xoá bỏ toàn bộ các quy hoạch sản phẩm
ngành nghề cụ thể. Với những ngành có tính liên kết vùng, không gian thì sẽ
lập quy hoạch ngành quốc gia. Chính phủ sẽ quyết định danh mục các ngành cần
lập quy hoạch.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông nhìn nhận: "Khái
niệm quy hoạch đang bị lạm dụng. Nhiều quy hoạch lập ra không có cơ sở, không
phù hợp với kinh tế thị trường".
"Ví dụ, những vấn đề như nuôi bao nhiêu cá, cần bao
nhiêu ha tôm thì không làm quy hoạch nữa, bởi giờ nuôi bao nhiêu là nhu cầu
thị trường quyết", ông Đông giải thích.
Hay, việc kinh doanh các nhà hàng karaoke. Tại sao lại bảo
chỗ này được hai quán, chỗ kia không? Những quy hoạch như vậy không có cơ sở.
Nếu ở khu đó chưa có điểm karaoke nào, dân lại không phản đối thì doanh nghiệp
được mở. Điều kiện ở đây có thể là đảm bảo trật tự an ninh xã hội, có bãi gửi
xe,...
"Với phát triển mạng lưới chợ cũng thế. Tôi không nói
Bộ Công Thương sai, nhưng không thể có chuyện ông địa phương vẽ chợ địa
phương, ông trung ương vẽ chợ trung ương. Chỗ nào mở được chợ là do các vấn
đề phân bổ dân cư, nhu cầu dân cư,... mà lãnh đạo địa phương sẽ hiểu rõ nhất
nhu cầu địa bàn mình", ông Đông bình luận.
Theo ông Đông, nếu xoá quy hoạch ngành, sản phẩm thì khi
đó, cơ quan Nhà nước sẽ chuyển sang quản lý bằng điều kiện, tiêu chuẩn một
cách công khai, minh bạch.
"Theo nguyên tắc này, chúng ta sẽ loại bỏ được hàng
trăm quy hoạch. Kéo theo đó, cũng không phải chạy vạy xin cho, phải nới khung
giới hạn để được mở thêm nhà máy này, nhập thêm sản phẩm kia", ông Đông
nói.
(Theo Vef.vn) Phạm Huyền
Ta đang tự mâu thuẫn, muốn thế giới công nhận nền kinh tế thị
trường nhưng cái gì cũng đòi quy hoạch, cấp nào cũng có thể ra quy hoạch. Lẽ
ra quy hoạch chỉ nên có ở một số lĩnh vực then chốt do Nhà nước điều hành, có
tính chiến lược. Với tốc độ KHKT và công nghệ phát triển như hiện nay, nhất
là công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới... có khi chỉ 5 năm sau đã có
nhiều cái quá mới ra đời, vậy mà quy hoạch của ta đòi đóng khung 10 đến 20
năm? Một sự tụt hậu, phá sản có thể nhìn thấy ngay từ khi quy hoạch được “đẻ”
ra! Đây là hệ quả, tồn dư của lối tư duy thời bao cấp, của nền kinh tế kế hoạch hóa.
Thương Giang
|
Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét