Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

'Chúng ta đang bỏ quên một cánh rừng đầy sâu'

Cập nhật lúc 09:11                 

Chúng ta cứ mãi loay hoay khắc phục những thứ bên rìa theo hướng “chữa bệnh cho mấy cái cây đang bị sâu” mà quên mất rằng đây chỉ là một phần nhỏ bé của cả một cánh rừng vốn đang bị sâu bệnh đe dọa.
Tính từ lúc cụ Phan Chu Trinh “điểm tên chỉ mặt” mười điều bi ai của dân tộc Việt đến giờ, chúng ta đã có được những thay đổi đáng khích lệ. Tuy nhiên để có thể có được một xã hội với những giá trị xứng tầm hòng “sánh vai với các cường quốc năm châu” thì vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Phải thừa nhận rằng dân ta có đức tính chịu khó học hỏi và có chút tố chất trong tiếp thu những gì mình chưa biết, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên để có thể làm tốt bất kỳ công việc gì hoặc cao hơn là thực hiện chiến lược gì, cần phải có phương pháp đúng đắn và nguồn lực đầy đủ. Vậy, nguyên nhân nào đã và đang khiến chúng ta học hỏi chậm chạp cũng như tiếp thu không đầy đủ những thứ ưu việt và tiên tiến đến từ các nước phát triển?
“Thầy bói xem voi”
Khi nói về phương pháp, về cơ bản có hai yếu tố quan trong cần xem xét đó là (i) cách tiếp cận – việc này sẽ được làm theo cách nào và qua các bước nào, và (ii) công cụ nào sẽ được sử dụng?
Cách tiếp cận giúp chỉ ra con đường cần phải đi và ai là tác nhân thay đổi trên con đường đó. Một tầm nhìn xa và rộng với các quan sát phối cảnh luôn tạo ra những cách tiếp cận tích cực và hợp lý.
Trong rất nhiều lĩnh vực, mà đặc biệt là giáo dục (GD), trong suốt những năm qua, do bị hạn chế về tầm nhìn, nên thay vì cần tiếp cận theo hướng từ “tổng quan đến chi tiết”, từ “tổng thể đến cụ thể”, hoặc từ “xa đến gần” thì chúng ta lại làm ngược lại, nghĩa là sai chỗ nào thì khắc phục chỗ ấy, giải quyết vấn đề theo sự vụ và đa phần chỉ can thiệp vào phần ngọn (vốn dễ nhìn thấy) thay vì tìm cách giải quyết gốc rễ của vấn đề. Đây có thể gọi là cách tiếp cận theo kiểu “thầy bói xem voi”.
Việc chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng đã khiến cho đất nước cứ lo khắc phục những thứ bên rìa khi đưa ra các can thiệp cụ thể cho từng công đoạn hay giải pháp theo hướng “chữa bệnh cho mấy cái cây đang bị sâu” mà quên mất rằng đây chỉ là một phần nhỏ bé của cả một cánh rừng vốn đang bị sâu bệnh đe dọa.
Các cải cách gần đây của ngành GD như thay đổi cách nét chữ cái, cách phát âm bảng chữ cái (a bờ cờ rồi a bê xê) hay thay “y” bằng “i” và thậm chỉ thay “lớp trưởng” bằng “chủ tịch”,v,v… chính là một điển hình của lối tư duy và cách tiếp cận kiểu này.
Bên cạnh đó, do không có được khả năng quan sát phối cảnh – nhìn một vấn đề trong mối tương quan với các vấn đề và chủ thể khác, đã tạo nên một bức tường vô hình ngăn cản người học tiếp cận được những gì gọi là “tinh hoa” hay “triết lý” của vấn đề.
Một khi chưa hiểu được cái hồn phách của những cái mới mà mình vừa học hỏi, việc vội vàng ứng dụng vào thực tiễn như cái cách mà chúng ta đã làm lâu nay có thể gây nên nhiều tác động tiêu cực và lãng phí nguồn lực đất nước, như một số mô hình kinh tế mà Việt Nam từng theo đuổi!
 giáo dục, phương pháp, đất nước, người Việt, doanh nghiệp, kỳ thi quốc gia,
Việc chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng đã khiến cho đất nước cứ mãi lo khắc phục những thứ bên rìa... Ảnh minh họa

Nhân tố thay đổi
Trên bước đường học hỏi để đi lên đó, cần xác định ai sẽ tham gia và đóng vai trò then chốt dẫn dắt hoặc tạo động lực làm nên các thay đổi theo hướng tích cực. Trong GD, lâu nay chúng ta hay phàn nàn về nội dung và kiến thức trong sách giáo khoa, chất lượng của đội ngũ giáo viên và phương pháp giảng dạy, cũng như đầu tư cho giáo dục. Không sai! Tuy nhiên để nâng tầm giáo dục nước nhà thì trước hết nhân tố thay đổi lại không nằm ở những yếu tố nêu trên, mà chính là những người đi học.
Một khi triết lý giáo dục giúp định hướng và tạo dựng được một môi trường giáo dục.  Học viên có thể làm chủ được tiến trình học tập của bản thân cùng mục đích học tập rõ ràng, tính độc lập trong suy nghĩ và lối tư duy phản biện tích cực.  Họ sẽ biết cách cần phải làm gì, thay đổi như thế nào để đạt được kết quả tốt nhất. Lúc đó vai trò của nhà trường, nhà nước và xã hội sẽ chỉ đóng vai trò tạo dựng nền tảng kiến thức ban đầu và hỗ trợ quá trình tự học hỏi và xác thực thành quả và sự trưởng thành của mỗi học viên.
Tương tự, trong lĩnh vực kinh tế, các chính sách của nhà nước, nền tảng hạ tầng và các nguồn lực xã hội chỉ nên được xem là chất xúc tác giúp các thành phần kinh tế khác nhau có điều kiện phát triển. Việc tạo dựng một môi trường thể chế minh bạch và bình đẳng với cơ hội được chia đều cho mọi người với trọng tâm là doanh nghiệp (chủ yếu là ngoài quốc doanh, vừa và nhỏ) sẽ khiến họ tự biết mình cần phải làm gì để đạt được thành công, thay đổi vị thế bản thân nói riêng và đất nước nói chung.
Kỹ trị & công cụ
Bên cạnh cách tiếp cận, công cụ đóng vai trò quan trọng giúp tạo nên các thay đổi ở mọi cấp độ. Lựa chọn công cụ phù hơp sẽ giúp rút ngắn con đường tạo dựng thay đổi cho đất nước.
Trong bối cảnh ngày hôm nay, mọi quyết sách được đưa ra cần phải dựa trên nền tảng kỹ trị, trong đó công cụ trước hết được sử dụng để thu thập, phân tích thông tin và đưa ra các kết quả mang tính khoa học làm tham chiếu cho quá trình ra quyết định ở các cấp khác nhau.
Thiếu thốn công cụ, không có khả năng sử dụng, không muốn hoặc lười sử dụng công cụ trong quản trị là một trong những nguyên nhân then chốt khiến cho nhiều quyết sách trong kinh tế, GD và các lĩnh vực khác ở nước ta bị trật hướng hay “trở về dĩ vãng” một cách nhanh chóng!
Chọn hướng đi nào, con đường nào và công cụ nào tất cả đều phụ thuộc vào yếu tố con người, trong đó vai trò của giáo dục mang tính then chốt. Khát vọng học hỏi, vươn lên , làm chủ bản thân mình, đất nước mình và thu hẹp khoảng cách phát triển có thành công hay không, nhanh hay chậm đều phần lớn trông chờ vào nền giáo dục của chúng ta có kịp thời thay đổi để bắt kịp xu thế của thời đại.
Trên con đường thay đổi đó, cách tiếp cận, nhân tố thay đổi và công cụ thay đổi chỉ có thể vận hành tốt khi chúng được lựa chọn và hỗ trợ bởi những quyết định đúng đắn vì quyền lợi của đất nước, trên nền tảng xã hội cởi mở, công bằng và phương pháp kỹ trị.
Điều này đòi nhiều nỗ lực và hy sinh (về quyền lợi) của nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội Việt Nam, trong đó có sự nỗ lực về học tập để có thể tiếp cận và nắm bắt tốt hơn các kiến thức, thành tựu bên ngoài.
Liệu chúng ta và thế hệ tương lai có thể làm được? Có thể! nhưng có lẽ chúng ta vẫn phải tiếp tục cố gắng và chờ đợi hơi lâu một chút khi nhìn vào kết quả môn ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2015 vừa công bố!
(Theo TuanVietNam) Trần Văn Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét