Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Xin đừng kê khai hình thức thế này!

Cập nhật lúc 09:45      
 Vừa qua, Thanh tra Chính phủ công bố báo cáo cho biết, tính đến ngày 31/5/2015, trong số 995.383 người thuộc diện phải kê khai tài sản, chỉ phát hiện 4 người kê khai không trung thực.
Một kết quả thật ngoài sức tưởng tượng của mọi người và có lẽ dân nhà văn là những người quen hư cấu, sống bằng trí tưởng tượng cũng không thể nào tưởng tượng ra một con số “đẹp” đến thế này.

 
Vậy là chỉ có 4 trên gần 1 triệu người có dấu hiệu không minh bạch về tài sản, nếu thế này thì quả thật độ tinh khiết của cán bộ ta có lẽ chắc chắn là nhất thế giới. Tỷ lệ 4/1.000.000 quả thật hiếm có một thứ vật chất nào lại có thể tinh khiết đến mức như vậy.
Với độ “tinh khiết” như thế thì làm gì có tham nhũng.
Những kẻ tham nhũng, chúng kiếm được tiền thì chúng phải mua nhà cửa, xe cộ, giấu vàng bạc châu báu ở đâu đó. Chứ không thể có chuyện chúng mang tiền về đi làm... từ thiện?
Chúng ta không thể không suy nghĩ về con số này và nên nói một cách thẳng thắn rằng, đây là con số ảo, không thật và là sự lừa dối nhân dân một cách trắng trợn nhất.
Bởi lẽ bấy lâu nay Đảng, Chính phủ đã phải quyết liệt ra tay chống tham nhũng, Tổng bí thư đã phải nói đến: “Có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất”. Nhiều lãnh đạo đã phải nói đến tham nhũng là thứ giặc nội xâm làm ảnh hưởng đến niềm tin vào Đảng, làm xói mòn lòng tin của nhân dân, cản trở công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế đất nước.
Ấy vậy mà chỉ có 4/1.000.000 cán bộ là có dấu hiệu nghi vấn, thế thì rõ ràng, hoặc là các cơ quan nội chính của Đảng sai khi quá thổi phồng nguy cơ tham nhũng của cán bộ, đảng viên, hoặc là do cách làm về kê khai tài sản của chúng ta quá hình thức, hay nói một cách khác là chẳng có một chút giá trị gì.
Về hai lý do này, thì chắc chắn Đảng không sai bởi khi các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước phát ngôn về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam thì đã có những số liệu minh chứng cụ thể và đã có những cảm nhận về tình trạng này qua dư luận, báo chí, qua đơn thư kiện cáo và qua những vụ án tham nhũng đã được phát giác.
Tình trạng tham nhũng ở Việt Nam là có, là nghiêm trọng.
Chỉ có điều cách chúng ta phòng ngừa và chống tham nhũng như hiện nay - mà trong đó có việc những người có chức sắc kê khai tài sản là không ổn.
Có một tờ báo đã làm một phép tính thống kê cơ học như thế này: “Làm vài phép tính đơn giản, số giấy phải sử dụng cho 1 triệu người kê khai là khoảng 5 triệu tờ, nghĩa là khoảng 10.000 ram giấy. Giá tiền một ram giấy Bãi Bằng là 44.000 đồng, giấy Thái Lan là 55.000 đồng. Bình quân là 50.000 đồng, như vậy chỉ tiền mua giấy đã là khoảng 500 triệu đồng, nếu tính thêm tiền điện, mực in, khấu hao thiết bị… có lẽ một tỉ đồng chưa chắc đã đủ. Để khai hết 5 trang mẫu, mỗi người chắc phải suy nghĩ nhiều ngày trước khi đặt bút viết, cứ cho là chỉ cần một buổi tức là 4 giờ thì thời gian cần cho 1 triệu người kê khai là 4 triệu giờ, tương đương 500.000 ngày làm việc (mỗi ngày làm 8 giờ).
Một tính toán đã công bố cho biết một năm, cán bộ, công chức làm việc 240 ngày. Như vậy, thời gian tương đương 2.083 năm, nói cách khác thời gian này tương đương với 2.083 người ngồi suốt một năm chỉ để kê khai tài sản?
Giả thiết lương của họ là 10 triệu đồng/tháng (lương Bộ trưởng là 14 triệu/tháng) thì số ngày ngồi kê khai kể trên quy ra lương sẽ tương đương khoảng 250 tỉ đồng.
Sau phần kê khai của cá nhân là tổng hợp của cơ quan, của Thanh tra Chính phủ, rồi còn thẩm tra, xử lý, phương tiện đi lại… tất cả đều có thể quy ra thời gian và tiền bạc”.
Vậy nếu như sự không chính xác ở việc kê khai tài sản thì bắt kê khai làm gì. Và cuối cùng, không những chẳng được gì, chỉ tốn thời gian, giấy mực mà chuyện kê khai tài sản trở thành trò đùa và mục tiêu cho người dân đàm tiếu.
Kê khai tài sản và minh bạch con số này là một biện pháp tốt để phòng và chống tham nhũng. Nhưng quan trọng là kê khai xong có ai dám truy nguyên nguồn gốc tài sản này không? Có ai dám đặt vấn đề rằng, tại sao ông kia lương tháng 10 triệu đồng, hoặc thậm chí là 20 triệu đồng thì lấy đâu ra tiền để mua ôtô, lấy đâu ra tiền cho con đi học nước ngoài, lấy đâu tiền ra nước ngoài khám bệnh, lấy đâu tiền mua đất xây nhà cao cửa rộng, thậm chí là trang trại v.v…
Một khi đã không “dám” truy nguyên nguồn gốc tài sản thì mọi thứ kê khai đều trở nên vô nghĩa và không có tác dụng gì.
Một vấn đề nữa mà cũng trở thành trò đùa trong việc kê khai tài sản đó là, vì không “dám” truy nguyên nguồn gốc cho nên người ta sẵn sàng chuyển tài sản ấy hoặc khai với lý do tài sản có được là do vợ con tôi làm ra, mà người ta biết mười mươi rằng, vợ không làm được ra đồng nào và con cái cũng vậy.
Đã coi tham nhũng là một thứ giặc nội xâm và nguy cơ rõ ràng quá lớn rồi nhưng với cách chống tham nhũng như hiện nay và với cách kê khai tài sản mang nặng tính hình thức thì rõ ràng thà không làm còn hơn. 
Theo Năng lượng Mới ) Như Thổ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét