Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

Chật vật sống với đồng lương công nhân: Hãy xem người công nhân đi chợ

Cập nhật lúc 07:40                 
 
Với mức lương tối thiểu vùng quá thấp, công nhân đi chợ phải đắn đo từng đồng (chụp tại chợ tạm Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Kỳ Anh

Năm 2015, Tổng LĐLĐVN đề xuất mức tăng lương tối thiểu cho các vùng I, II, III, IV lên lần lượt 3,2 triệu đồng, 2,85 triệu đồng, 2,52 triệu đồng và 2,3 triệu đồng. Kết quả được tăng lên ở mức lần lượt là 3,1 triệu đồng, 2,7 triệu đồng, 2,4 triệu đồng và 2,2 triệu đồng (mức tăng bình quân 15,1%).

Từ khi mức lương tối thiểu vùng mới được áp dụng để tính lương công nhân cho đến nay, người lao động vẫn sống rất chật vật.
Dễ dàng nhận thấy mức lương tối thiểu (LTT) vùng hiện nay đang được áp dụng vẫn chưa đủ đáp ứng mức sống tối thiểu của CNLĐ. Các khảo sát thực tế cũng cho thấy, các CNLĐ vẫn đang phải sống rất chật vật với đồng lương còm cõi của mình.
Chia vùng chưa hợp lý
Tại Thái Bình, TP.Thái Bình được áp dụng LTT ở vùng III (2,4 triệu đồng/tháng), các huyện áp dụng LTT vùng IV (2,15 triệu đồng/tháng). Một CN đang làm việc tại Cty Ivory Việt Nam (huyện Vũ Thư) cho biết, sau khi điều chỉnh LTT vùng vào đầu năm 2015, lương cơ bản của chị dùng để tính đóng BHXH được tăng lên mức là 2,367 triệu đồng/tháng. Cộng với các khoản tiền khác, như tiền ăn, tiền thâm niên, chuyên cần…, tổng thu nhập một tháng của chị là 4,3 triệu đồng.
“Mức lương hiện nay mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Nếu một mình thì đỡ vất vả, nhưng có gia đình, nhất là khi có con cái thì rất khó sống. Như gia đình tôi, nuôi 2 đưa con, tính ra một tháng ít nhất cũng phải 3 triệu đồng. Đấy là đã chi tiêu tiết kiệm nhất rồi” - chị chia sẻ.
Chị kiến nghị: “Theo tôi, Chính phủ chia LTT thành mấy vùng như vậy là không hợp lý. Như tôi ở huyện Vũ Thư, giá cả không khác gì thành phố (vùng III) mà lại chịu lương vùng IV. Nhà nước cần cải cách về vấn đề tiền lương để CNLĐ đỡ thiệt thòi”.
Anh Đỗ Trường Giang - CN Cty Jupiter Pacific (KCN Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) - chia sẻ: Qua theo dõi, được biết năm 2014, Tổng LĐLĐVN có đề xuất mức LTT áp dụng vào thời điểm 1.1.2015 ở mức 3,4 triệu đồng/vùng I, tăng 18% so với thời gian trước đó. Tuy nhiên, Hội đồng lương Quốc gia chỉ chấp thuận điều chỉnh mức LTT vùng I là 3,1 triệu đồng/người/tháng.
“Theo tôi, mức LTT vùng được áp dụng hiện nay chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của NLĐ, nhất là những CN làm việc trong KCN tại các đô thị lớn - nơi có mặt bằng giá cả sinh hoạt rất cao. Bởi họ phải trả tiền thuê nhà mất khoảng 800.000-1.000.000 đồng/tháng; chi phí điện, nước khoảng 200.000 đồng/tháng; tiền ăn khoảng 40.000 đồng/bữa và các khoản chi phát sinh... Để đảm bảo sinh hoạt, NLĐ đã phải đăng ký làm tăng ca để có thêm thu nhập, do đó họ có rất ít thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức LĐ”.

 
 Các khảo sát thực tế cho thấy, CNLĐ hiện nay không đủ sống với mức lương tối thiểu vùng. Ảnh: T.L
Lương chưa tăng, giá đã tăng
“Mỗi lần dự tính tăng LTT, tôi thấy các bên tranh luận quyết liệt lắm, nhưng cuối cùng LTT đưa ra vẫn không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Tôi chỉ mong các vị trước khi đưa ra ý kiến, đề xuất về LTT, hãy đến những chợ tự phát ở các KCN, KCX xem CN ngần ngừ, đắn đo khi mua từng mớ rau, con cá, lạng thịt rồi về san sẻ cho bữa ăn như thế nào rồi hãy quyết định” - anh Quốc - CN Cty Đức Bổn (KCX Tân Thuận, TPHCM) - rầu rĩ nói.
Không chỉ riêng anh Quốc, nhiều CNLĐ cũng rất quan tâm khi đến hẹn lại lên, các cơ quan chức năng đang chuẩn bị đề xuất về tăng LTT. Chị Hồng Lan - CN may KCN Tân Bình (TPHCM) - chia sẻ: LTT tăng 15% mà giá tăng 20%, thì mỗi kỳ tăng lương trở thành nỗi ám ảnh, chứ hết vui nổi.
Đơn giản nhất là tiền nhà trọ. Mỗi năm LTT tăng 200.000 đồng, các chủ nhà trọ vội vàng tăng lên 250.000 đồng/tháng. Ngay cả bó rau muống ngoài chợ, trước khi tăng lương thì 3.000 đồng/bó, sau khi lương tăng thì cũng bó rau muống đó được chia làm đôi rồi bán 2.000 đồng/bó, vậy là phải mất 4.000 đồng mới mua được. Khi LTT chưa đảm bảo được cuộc sống tối thiểu thì chỉ mong Nhà nước hãy kìm được giá cả”.
Chị Hồng Nhung - CN may, nhà ở P.8, Q.Gò Vấp - tỏ ra rành rẽ, phân tích: “Năm nay, nghe nói có ý kiến đề xuất chỉ tăng LTT 10%, mức tăng như thế này là thụt lùi, trong khi đó, nhiều báo cáo của cơ quan chức năng đều khẳng định kinh tế phát triển. Nếu vậy, chăm lo của Nhà nước cho NLĐ là chưa tương xứng”.
 (Theo Lao động) Nhóm PV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét