Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Dự án quốc lộ 1 qua tỉnh Quảng Trị: Làm trái chỉ đạo, đội vốn hàng chục tỉ đồng

Cập nhật lúc 08:03                  

Dự án quốc lộ 1 qua tỉnh Quảng Trị: Làm trái chỉ đạo, đội vốn hàng chục tỉ đồng 
Quốc lộ 1 đang tiếp tục được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: Đặng Tiến

Thanh tra Bộ Tài chính ngày 15.7 có kết luận thanh tra công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng dự án mở rộng quốc lộ 1 (QL1) thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị do Ban quản lý (BQL) dự án 6 thuộc Bộ GTVT thực hiện. Theo đó, việc làm trái quy định trong việc quản lý vốn và khảo sát thiết kế, lập, phê duyệt dự toán làm “đội vốn” lên tới 21,9 tỉ đồng.

Cố tình làm trái chỉ đạo
Để cải tạo đoạn QL1 đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị với tổng chiều dài thiết kế khoảng 41,94km, Bộ GTVT đã giao cho BQL dự án 6 thực hiện với tổng mức đầu tư lên tới 2.789 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Quá trình thi công, BQL dự án 6 đã có nhiều việc làm trái quy định, trong đó điển hình là việc bổ sung các hạng mục xây dựng tăng cường mặt đường, cải tạo, mở rộng nút giao và dự án không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định về sử dụng vốn trái phiếu chính phủ với số tiền trên 186,9 tỉ đồng.
Tại thông báo số 55/TB-VPCP ngày 21.2.2012 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về đề án mở rộng QL1 giai đoạn 2012 - 2020 đã nêu rõ: “Riêng các đoạn đã mở rộng, một số đoạn qua đô thị đã có quy mô 4 làn cho xe cơ giới hoặc tuyến tránh sẽ xem xét ở bước sau”. Mặc dù đã được Thủ tướng chỉ đạo, nhắc nhở, nhưng BQL dự án vẫn cho thi công vào các hạng mục mà Thủ tướng đã nhắc nhở. 
Cụ thể là việc tăng cường mặt đường đoạn đi qua thị trấn Hồ Xá (km724+466 - Km727+535,59) với trị giá trên 46 tỉ đồng; qua khu di tích Hiền Lương (Km729+680 - Km741+170) trị giá trên 110 tỉ đồng; mở rộng đoạn tuyến qua thị trấn Hải Lăng (Km779+162 - 780+100) với kinh phí trên 25 tỉ đồng... dù ở những vị trí này đã được xây dựng và khai thác với quy mô 4 làn xe, cường độ mặt đường và nền đường còn khá tốt.
Tùy tiện “đội vốn” dự án
Tại dự án nêu trên, đã xảy ra hàng loạt sai phạm dẫn đến việc đội vốn của dự án. Cụ thể, có 7 gói thầu giá trị ký kết đã tăng không đúng quy định với số tiền làm “đội” chi phí lên tới trên 6,5 tỉ đồng. Để “đẩy vốn” dự toán lên cao, tại gói thầu số 11 đơn giá khoan cọc nhồi cầu vượt đường sắt đã được nâng thêm hơn 2,1 tỉ đồng. 
Ngoài ra còn có việc phê duyệt thiếu căn cứ pháp lý khoản phụ cấp không ổn định 10% đơn giá nhân công xây dựng công trình với số tiền trên 15 tỉ đồng, trong khi đó không có quy định áp dụng khoản phụ cấp không ổn định sản xuất.
Còn tại gói thầu số 8 đã xảy ra vấn đề thời hạn bảo lãnh tiền tạm ứng và đối tượng nộp bảo lãnh tạm ứng không đúng quy định. Được biết, theo quy định trước khi bên giao thầu thực hiện việc tạm ứng hợp đồng cho bên nhận thầu, bên nhận thầu phải nộp cho bên giao thầu bảo lãnh tạm ứng hợp đồng với giá trị tương đương khoản tiền tạm ứng; trường hợp bên nhận thầu là liên doanh các nhà thầu, từng thành viên trong liên danh phải nộp cho bên giao thầu bảo lãnh tạm ứng hợp đồng với giá trị tương đương tiền tạm ứng cho từng thành viên… 
Ngoài ra, còn nhiều vấn đề tồn tại đã được cơ quan chức năng chỉ ra như tỉ lệ phụ gia phối trộn không đúng tiêu chuẩn dự án; dự toán phê duyệt tăng không đúng khối lượng đắp cát; tính sai tỉ lệ khấu hao cọc neo, cọc ván thép; tính không đúng khối lượng cống dọc...
(Theo Lao động) Đặng Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét