Tiêu 8.000 tỉ đồng và dân chờ quy hoạch
"treo"
Cập nhật lúc 08:13
8.000 tỉ đồng rót vào
làm quy hoạch nhưng thực tế nhiều quy hoạch không dùng được, gây lãng phí.
Phần lớn nằm lì trên giấy hoặc kéo dài hàng chục năm chưa đủ hình hài.
Số liệu thống kê mới đây của Bộ Kế hoạch - đầu tư cho
thấy cả nước hiện có gần 20.000 bản quy hoạch các loại. Chi phí làm quy
hoạch riêng giai đoạn 2011-2020 đã lên tới gần 8.000 tỉ đồng.
Công tác quy hoạch với 8.000 tỉ đồng không mang lại
hiệu quả.
Nhỏ như cái chợ đầu mối, lớn hơn như quy hoạch ngành sản xuất
ôtô, sau vài chục năm loay hoay quyết tâm làm kế hoạch, kết quả vẫn là những
con số không tròn trĩnh (điều đó đã được chính ông vụ trưởng Vụ Quản lý quy
hoạch của Bộ Kế hoạch - đầu tư thừa nhận trên Tuổi Trẻ mới
đây).
Anh Hữu Đồng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bức xúc:
“Quy hoạch kiểu gì không biết, chỉ thấy người dân phải chịu cảnh nằm trong
quy hoạch, khổ trăm bề. Cứ vài năm lại sửa quy hoạch một lần”.
“Tiền đầu tư cho quy hoạch đến khi sửa đổi bị mất ai sẽ bù vào?
Quy hoạch xong nhưng không làm rốt ráo, tốn tiền dân” - ông Tuấn
(63 tuổi, TP.HCM) nói.
Hàng chục năm long đong quy hoạch
Các tỉnh thành trên cả nước có hàng trăm khu quy hoạch, sau nhiều
giai đoạn, nhiều năm trôi qua vẫn nằm trên giấy.
Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có
quy mô hơn 426ha là một trong những dự án treo “tiêu biểu” của TP.HCM.
Tính đến năm 2015, quy hoạch này đã “thăng trầm” qua 23 năm. Năm
1992, dự án được quy hoạch là “khu văn hóa, thể thao, du lịch, nghỉ ngơi,
giải trí”. Tuy nhiên, 12 năm sau (năm 2004), TP đã thu hồi và giao đất cho
Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn làm chủ đầu tư.
Năm 2010, TP hủy quyết định giao đất cho đơn vị này đồng thời
ngưng dự án. Năm 2013, Tập đoàn Bitexco được chỉ định là chủ đầu tư mới của
dự án. Hiện tại, dự án đang được xem xét thẩm định đồ án quy hoạch phân khu
1/2000.
Khu liên hợp thể thao (KLHTT) Rạch Chiếc (Q.2, TP.HCM) được kỳ
vọng là nơi tổ chức đại hội thể dục thể thao cấp khu vực, quốc tế tại TP.HCM,
triển khai công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng đội ngũ vận động viên góp
phần phấn đấu đưa thể thao VN xếp vào những nước hàng đầu trong khu
vực. Tuy nhiên, sau 21 năm, KLHTT Rạch Chiếc với quy mô 466ha vẫn
nằm trên giấy.
Được quy hoạch từ tháng 2-1994 nhưng kể từ đó đến nay, KLHTT Rạch
Chiếc vẫn chỉ là bãi đất trống cỏ mọc um tùm xen lẫn nhà dân. Điều đáng nói,
từ quy mô 466ha ban đầu, sau 21 năm “quy hoạch”, giờ đây KLHTT này trên giấy
giờ đã teo tóp còn 180,731ha.
Dự kiến hoàn thành vào năm 2025, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm
đã được quy hoạch từ năm 2005. Hiện nay, công tác đền bù giải phóng mặt
bằng vẫn chưa hoàn tất, nhiều dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật của đô thị
mới Thủ Thiêm còn trong giai đoạn chuẩn bị...
Con đường
trục chính vào KLHTT Rạch Chiếc đang được xây dựng - Ảnh: N.K.
Có bao nhiêu bản quy hoạch thành công?
Đó là câu hỏi mà tiến sĩ Huỳnh Thế Du - giảng viên Chương trình
giảng dạy kinh tế Fulbright - đặt ra khi nói về vấn đề quy hoạch hiện nay.
Theo ông Du, số quy hoạch mang tính thực tế đếm không quá đầu
ngón tay. Ngay cả đô thị Phú Mỹ Hưng - nơi mọi người vẫn xem là điển
hình cho quy hoạch hiệu quả - nhưng quy hoạch của khu này thực tế là 2.600ha
chứ không phải là 409ha như hiện nay.
“Chúng ta đang trục trặc từ quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị đến
quy hoạch không gian” - ông Du cho biết.
Theo nghiên cứu của ông Du, mục tiêu của quy hoạch ở VN là để địa
phương cấp dưới xin ngân sách từ cấp trên nên quy hoạch thường bị... phồng.
Trục trặc trong quy hoạch của đất nước ta là chúng ta đang quy hoạch
cứng (quy hoạch theo bản vẽ). Các nhà quy hoạch hình dung các đô thị trong 20
năm, 30 năm rồi chỗ này họ vẽ đặt cái này, chỗ kia đặt cái kia trong khi sự
vận động của đô thị, thị trường không ai có thể biết chắc chắn.
Quy hoạch đô thị vẫn còn tư duy theo kiểu “đầu nào mua mắm, đầu
nào mua dưa”. Quy hoạch ngành thì đặt từng nhà máy, dự án vào một vị trí thì
không thể được. Quy hoạch phải mang tính định hướng chứ không phải định ra
từng chi tiết cụ thể.
“Chúng ta đang hiểu sai và làm sai khái niệm quy hoạch”
- ông Du nói.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp - nguyên phó giám đốc Sở Xây
dựng TP.HCM, giảng viên khoa xây dựng ĐH Bách khoa TP.HCM - chỉ ra các
bất cập cơ bản trong quy hoạch hiện nay là không có đấu thầu mà chỉ định thầu
nên đa số đều do cơ quan nhà nước nhận.
Vì vậy, nhiều người hay nói “đuối tầm” khi các đơn vị này cứ quy
hoạch hoài chưa có tầm nhìn lớn, giá trị thấp nhưng giá cả cao.
Song song đó, khi “đuối tầm” theo thời gian, các đơn vị này phải
liên tục điều chỉnh cho hợp lý, làm tốn thời gian và tiền bạc vì khâu phê
duyệt điều chỉnh quy hoạch.
Nên bỏ tư duy quy hoạch hiện có?
Trên thực tế, có không ít lĩnh vực chỉ cần xây dựng các đề án
hoặc tiêu chí để quản lý nhưng hiện nay nhiều bộ ngành và địa phương vẫn lập
hẳn thành quy hoạch gây lãng phí nguồn lực, hạn chế người dân đầu tư kinh
doanh.
Ông Vũ Quang Các - vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch -
đầu tư) - cho rằng: “Đơn giá bản quy hoạch phụ thuộc vào quy mô quy hoạch.
Nếu chuyên gia nước ngoài tư vấn thì vài chục tỉ hoặc chuyên gia VN là
vài tỉ. Chi phí tư vấn lớn nhưng vấn đề là quy hoạch không dùng được, gây lãng
phí”.
“Có thể định hướng sự phát triển một số sản phẩm hay ngành nghề
bằng cách quy định điều kiện chặt chẽ” - ông Các nói.
Ông Huỳnh Thế Du phân tích: “Chúng ta đang quy hoạch quá mức chứ
không phải thiếu quy hoạch".
Theo ông Du, nếu để thị trường tự vận hành với sự can thiệp vừa
phải của Nhà nước thì hình hài đô thị, một ngành nào đó sẽ tận dụng được lợi
thế lớn nhất. Quy hoạch "treo" thì dù điều kiện thuận lợi
nhất, bỏ bao nhiêu tiền vào cũng không hiệu quả.
“Thà không có quy hoạch còn tốt hơn là quy hoạch treo, gây thiệt
hại cho kinh tế” - ông Du nhấn mạnh.
(Theo Tuổi trẻ) VÕ HƯƠNG - C.V.KÌNH - MẠNH
KHANG - TÀI PHONG
|
Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét