Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

TS Bùi Kiến Thành: Không phải cứ thiếu tiền thì đi vay

Cập nhật lúc 08:13  

               

(Tài chính) - Việt Nam nên thận trọng trước các con số nợ và tìm cách giải quyết chứ không nên quên đi thực tế bằng những con số không xác thực.

TS Bùi Kiến Thành, một chuyên gia uy tín về tài chính tỏ ra lo ngại khi nợ công của Việt Nam được các tổ chức quốc tế liên tục cảnh báo về con số đã vượt mức trong khi con số thực của Bộ Tài chính lại cho rằng vẫn trong giới hạn an toàn.
Báo động nợ công
PV: -Thưa ông, Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của WB vừa được công bố trong đó có đề cập đến những cảnh báo đáng ngại về nợ công của Việt Nam với số nợ đang là110 tỉ USD vượt xa con số mà Bộ Tài chính đã từng công bố. Không chỉ WB mà nhiều tổ chức khác như JICA, VinaCapital… cũng đưa ra những cảnh báo về con số nợ đã vượt ngưỡng. Theo ông sự cảnh báo liên tiếp của các tổ chức này đang thể hiện điều gì và chúng có mối tương quan như thế nào với sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam?
TS Bùi Kiến Thành: - Trước tiên có thể thấy chúng ta đang tạo ra một hình ảnh không được tốt lắm đối với bạn bè thế giới và các nước, các tổ chức quốc tế đã cho Việt Nam vay vốn.
Ngay cả với Ngân hàng thế giới (WB) họ nói ra con số như vậy ngầm nói về sự thiếu minh bạch trong ở đây.
Vậy thì phải làm sao để làm rõ vấn đề chứ không thể nào che giấu được mãi. Chuyện này các chuyên gia cũng đã góp ý rất nhiều lần rồi.
Kể cả các chuyên gia trong nước, ngoài nước và các tổ chức quốc tế cũng đều khuyến cáo Việt Nam nên thận trọng trước các con số nợ và tìm cách giải quyết chứ không nên quên đi thực tế bằng những con số không xác thực.
Hai nữa việc các tổ chức quốc tế liên tục cảnh báo như vậy cũng phần nào họ nhìn nhận và lo ngại khả năng trả nợ của chúng ta đang trong lúc khó khăn .

TS Bui Kien Thanh: Khong phai cu thieu tien thi di vay
Ảnh minh họa
PV: Trên thực tế, các chuyên gia trong nước cũng đã đưa ra nhiều cảnh báo về vấn đề nợ công ở Việt Nam, đặc biệt, sau khi có thông tin chính thức từ các cơ quan chức năng về việc Việt Nam đã phải đi vay để trả nợ. Theo quan sát của ông, những cảnh báo của giới chuyên gia đã được lắng nghe như thế nào? Thêm những tín hiệu từ phía quốc tế, Việt Nam sẽ có cách tiếp cận như thế nào về vấn đề nợ công?
TS Bùi Kiến Thành: - Tất cả chuyên gia và tổ chức quốc tế đã cảnh báo như thế nhưng cách làm của chúng ta lại chưa thể hiện được điều đó.
Tham nhũng, lãng phí đang làm dẫn tới các vấn đề khó kiềm chế được chi tiêu ngân sách.
Không phải cứ cần là đi vay
PV: - Theo đánh giá của ông, nhu cầu vay để đầu tư phát triển của Việt Nam hiện còn lớn hay không? Với những quan ngại như hiện nay, việc Việt Nam tiếp cận những khoản vay mới để đầu tư phát triển có gặp trở ngại gì không, thưa ông? Xin ông phân tích cụ thể?.
TS Bùi Kiến Thành: - Thực tế nhu cầu vẫn còn lớn đối với đầu tư phát triển của Việt Nam nhưng do thiếu tiền nên phải đi vay. Thế nhưng đã phải đi vay về lại không tiết kiệm mà phung phí đầu tư tràn lan thì sẽ không kiểm soát được.
Đến thời điểm này dù là nhu cầu của chúng ta vẫn lớn nhưng phải tuy theo sức và năng lực của mình để đầu tư chứ không phải cứ nói có nhu cầu thì phải ra chợ mua, không có tiền thì lại chạy sang hàng xóm vay.
Quản lý nhà nước phải biết cân đối và có kỷ luật. Giống như trong các gia đình cũng vậy đều phải tuân theo nguyên tắc này. Nhưng thực tế thời gian qua chúng ta đang buông lỏng chuyện này.
Đương nhiên khi chúng ta nợ quá nhiều và khả năng trả khó khăn thì khó có ai muốn cho vay nữa. Việc Việt Nam đang gặp khó khăn trong trả nợ thế giới đều biết và họ đã đưa ra những cảnh báo rồi. Trước những cảnh báo này mà không nghiêm túc chấn chỉnh và vẫn tiếp tục đi vay nữa thì sau này một là họ không cho vay, hai là họ cho vay nặng lãi.
PV: - Có thể chúng ta vẫn đi vay được nhưng các điều kiện sẽ phải khắt khe hơn và không được ưu đãi về lãi suất như trước kia nữa. Có ý kiến cho rằng, ở những nước có nền kinh tế phát triển, khuyến khích đầu tư, lãi suất gửi ngân hàng chỉ ở mức dưới 1%, nghĩa là chúng ta vay vốn ODA không phải là “món hời” như người ta vẫn nghĩ. Ý kiến của ông như thế nào? Liệu có khả năng, trong cái khó ló cái kiên cường, Việt Nam sẽ kiên quyết không vay nước ngoài mà sẽ tự lực như Nhật Bản, Singapore đã từng làm không và vì sao, thưa ông?
TS Bùi Kiến Thành: Trên thực tế mấy chục năm qua các nước và tổ chức quốc tế họ ưu đãi cho Việt Nam cũng nhiều để xây dựng cơ sở hạ tầng rồi chứ không phải chuyện mới.
Nhưng thực tế ODA cũng có rất nhiều chuyện để nói. Rõ ràng ODA không phải là một món quà cho không. Họ giúp cho Việt Nam thực tế là giải ngân và để mua hàng của họ theo các chỉ tiêu do họ đặt ra.
Tức là họ bán hàng cao hơn so với giá thị trường. Ví dụ ODA họ giúp cho nhưng phải thuê tư vấn, rồi mua hàng theo danh mục họ quy định với giá cao hơn thị trường tới 20-30%.
Như vậy ngay từ khi vào cuộc mình đã mất 20-30% đó còn chưa kể đến vấn đề lãi suất. Dù lãi suất có thấp nhưng họ đã ăn chặn đầu rồi. Nếu không tỉnh táo thì ODA là một cái bẫy.
Chúng ta cứ nhìn Nhật Bản nợ công đầm đìa như vậy mười mấy năm nay ngóc đầu dậy không nổi mà họ vẫn dành ODA cho Việt Nam. Điều này khiến chúng ta cần phải suy nghĩ thật kỹ. Họ làm như vậy là để bán hàng cho mình để phát triển xuất khẩu cho doanh nghiệp của họ. Có thể nhiều người cũng nhìn ra điều này nhưng cố tình làm ngơ.
Một điều quan trọng là chúng ta thiếu tiền, ngân sách thì khó khăn. Mà sức khỏe nền kinh tế lại đang ốm yếu, doanh nghiệp khó khăn và thuế, phí cao thì khó có thể nghĩ đến phát triển.
Cho nên hiện tại Việt Nam phải giảm sự lãng phí, giảm biên chế, tiết kiệm chi tiêu... Cứ cho là thiếu hụt ngân sách nhưng không thể chỉ ép doanh nghiệp ra thu được.
Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
(Theo Đất Việt) Bích Ngọc thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét