Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

Giáo sư Úc: “Putin rất thông minh”

 Cập nhật lúc 09:31

 "Putin rat thong minh" 
Một động tác tay của Tổng thống Putin

"Putin rất thông minh" là lời khen của giáo sư Úc dạy ngôn ngữ cơ thể Allan Pease - người nổi tiếng thế giới, được gọi là “Ông ngôn ngữ cơ thể” và có nhiều đầu sách hướng dẫn bán rất chạy.
Giáo sư Pease khen Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Putin rất thông minh và có khả năng", rồi kể ông gặp vị lãnh đạo Nga hồi năm 1991, khi cựu điệp viên KGB Putin - lúc đó 39 tuổi - là một cán bộ Tòa thị chính thành phố St Petersburg, chịu trách nhiệm quảng bá quan hệ đối ngoại và đầu tư.
Học viên Nga đi học mang súng
Lúc đó, Giáo sư Pease được mời đến Điện Kremlin tổ chức một khóa học ngôn ngữ cơ thể cho các cán bộ trẻ Nga, gồm ông Putin và “thủ trưởng” của ông, Thị trưởng Anatoly Sobchak của St. Petersburg.
Giáo sư Pease (bằng tuổi ông Putin) cho biết: “Lúc đó, chúng tôi có 7 người, học viên nào trông cũng nghiêm nghị, ngầu và họ mang súng. Tôi vừa sợ vừa phấn khích. Tôi dạy họ cách tỏ ra thân thiện hơn trên TV, cách loại bỏ những cử chỉ hung hăng.
Ông Putin lúc bấy giờ là trợ lý của thị trưởng, là một học viên rất thông minh và có khả năng”.
Phân tích Putin trong 15 năm nắm quyền lực, để hiểu được tư tưởng của ông là một thử thách lớn đối với các nhà nghiên cứu về chính phủ Nga, với các chính phủ nước ngoài và dân thường.
Nổi tiếng là người rất thích sự kín đáo riêng tư, ông Putin vừa được ngưỡng mộ vì khuôn mặt lạnh lùng, ít giơ tay cùng ánh mắt kiên quyết của ông.
Nhưng Giáo sư Peace đánh giá cao các động tác và sự biểu cảm của khuôn mặt ông Putin, lưu ý rằng 60-80% thông điệp của ông Putin được chuyển tải qua ngôn ngữ cơ thể mỗi khi ông nói chuyện đối mặt với người khác.
Giáo sư Pease nói: “Tôi chú ý ông ấy ngay từ lần đầu gặp ông Sobchak. Khi ông Putin vào phòng, mọi người khác bỗng yên lặng. Ai cũng biết ông ấy từng làm việc cho KGB. Các điệp viên luôn có tài năng và sự chuẩn bị kỹ lưỡng”.
"Chôn các cử chỉ ùng oàng"
Điều đầu tiên giáo sư Pease dạy ông Putin là “chôn” các cử chỉ “ùng oàng” mà các cán bộ thời Liên Xô ưa thích, như vung bàn tay, đập bàn, hoặc như lãnh tụ Nikita Khrushchev từng lột giày đập lên mặt bàn khi dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 1960 để phản đối một bài diễn văn.
Giáo sư Pease nói: “Thay vì nhờ cậy các động tác ấy, bạn nên mở lòng bàn tay hoặc úp hai lòng bàn tay lại với nhau. Cử chỉ này được gọi là vươn đỉnh” và chúng đều giúp bạn tự tin”.
Ngày nay, ông Putin thường dùng hai cử chỉ này khi diễn thuyết và trong các cuộc họp giao ban với chính phủ Nga.

 
Những cử chỉ tay của Tổng thống Putin 

Giáo sư Peace kể ông từng trông thấy ông Putin sử dụng cử chỉ “vươn đỉnh” hiệu quả khi gặp Tổng thống Mỹ George Bush hồi những năm 2000:
“So với ông Putin, ông Bush nhí nhố như mới hết bệnh. Ông Putin hành xử trầm tĩnh và tự tin, nắm lòng bàn tay theo thế “vươn đỉnh”. Ông ấy thậm chí đang nghĩ chuyện câu cá vào lúc đó”.
Giáo sư Pease nói ông Putin còn một “quy tắc vàng” khác, mà ông sử dụng hiệu quả khi nói chuyện mặt đối mặt với các lãnh đạo khác:
Ông Putin nghiêng nhẹ đầu qua một bên và gật đầu với người đối diện:  “Nghiên cứu cho thấy 3 lần gật đầu buộc người mà bạn đang nghe sẽ phải nói tiếp, từ đó, người ấy hiểu bạn đang quan tâm cuộc chuyện trò”.
Dù khen ông Putin nhiều, giáo sư Pease vẫn nói Tổng thống Nga còn giữ một nét không thay đổi từ khóa học năm 1991:
“Bộ mặt lạnh lẽo kiểu Liên Xô. Đó là một nét đặc trưng của ngôn ngữ cơ thể mà người Nga sử dụng, nhất là nam giới. Đó là bộ mặt kiểu Liên Xô và là nét đặc biệt của ông Putin.
Bạn càng già thì bạn càng sử dụng nét ấy. Thay vì cười như người Mỹ hoặc châu Âu, bạn khóa đôi môi lại rồi thì thầm: “ Này, mình là bạn cậu, cậu có thể tin mình”.
Thật ra, với kiểu mặt đó, bạn có thể giấu cảm xúc. Điều kỳ khôi là ở nhiều nền văn hóa, người ta chọn kiểu mặt lạnh ấy để tồn tại”. 
Ông Putin từng gặp Tổng thống Mỹ Ronald Reagan
Năm 2009, thợ chụp ảnh chính thức của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Pete Souza kể về một bức ảnh ông chụp trên Quảng trường Đỏ hồi hè 1988, với kênh National Public Radio:  
Lúc đó, ông Reagan thăm Nga, cùng Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev tham quan Quảng trường Đỏ.
Souza lúc đó là thợ ảnh của ông Reagan, nên có mặt trong chuyến tham quan này. Ông kể: ông Reagan được dẫn đến một nhóm du khách Nga, và những người này đặt câu hỏi về chuyện nhân quyền ở Mỹ. 
Và người thanh niên đeo máy ảnh ở ngực chính là ông Putin, theo Souza. 

 

Souza còn nói: một mật vụ Mỹ trong đoàn nói với ông: các du khách Nga "thực tế đều là người của KGB". 
Điện Kremlin thường công bố nhiều ảnh ông Putin, như ảnh ông cởi trần cỡi ngựa, câu cá, đi săn. Nhưng có tin các quan chức Nga phẫn nộ với tấm ảnh của Souza. 
Các nguồn tin nói: Điện Kremlin nhận định chính phủ Obama chấp thuận việc Souza công bố tấm ảnh, nhằm bôi nhọ ông Putin. 
Các chuyên gia Nga thì khẳng định người thanh niên đeo máy ảnh không phải là ông Putin. 
Lúc đó, điệp viên KGB Putin còn đang làm việc ở Dresden (Đông Đức cũ) thuộc diện cán bộ trung cấp, nên ông chưa đủ tầm quan trọng để được  lệnh trở về Nga, giả làm một du khách và gặp Tổng thống Mỹ Reagan tại Moscow, trừ phi ông đang nghỉ phép. 
Mặt khác, người thanh niên trong ảnh xem ra có mái tóc vàng dày hơn tóc của ông Putin. Người thanh niên xem ra cũng "mỏng cơm" hơn. Theo báo Telegraph (Anh), ông Putin từng nói  khi trú đóng ở Dresden, ông nặng cân hơn vì mỗi tuần ông uống 3 - 8 lít bia hơi. 

Giáo sư Pease là con trai của một người bán bảo hiểm, Pease từng đi cùng cha và quan sát cách “dụ” người mua bảo hiểm của cha.
Rồi ở tuổi 21, Pease trở thành nhân biên bán bảo hiểm trẻ nhất bán được hơn 1 triệu USD trong năm bảo hiểm nhân thọ đầu tiên, theo “lý lịch trích ngang” của ông.
Vào những năm 1960, Pease viết các cuốn cẩm nang huấn luyện cách hiểu hành vi của người khác, rồi tập hợp thành cuốn sách “Ngôn ngữ cơ thể” bán rất chạy năm 1981. Tiếp sau đó là 9 đầu sách khác cũng bán rất chạy, và Pease có các thân chủ lớn như IBM, McDonald's, BBC, hai hãng sản xuất xe Mazda và Suzuki. 

Giáo sư Pease 
Bảo Vĩnh (theo The Age, Telegraph)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét