Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Được ưu đãi tột cùng, Formosa đầu tư gì tại Hà Tĩnh?

 Cập nhật lúc 08:36  

TT - Mặc dù đề xuất thành lập khu kinh tế không được chấp nhận, Formosa Hà Tĩnh vẫn đang là dự án được hưởng các ưu đãi đụng trần pháp luật. Để được hưởng ưu đãi đặc biệt như vậy, cho đến nay Formosa đã triển khai đầu tư gì tại Hà Tĩnh? PV Tuổi Trẻ vào tìm hiểu tại “đại công trường” của dự án. 


Hiện nay tại công trường dự án Formosa có khoảng 24.000 lao động, trong đó có 2.000 lao động nước ngoài, chủ yếu từ Đài Loan với 1.200 người và Trung Quốc khoảng 450 người - Ảnh: Hồng Quý



Lò gió nóng và lò cao đang được tích cực lắp đặt. Riêng lò cao số 1 này đã hoàn thành 71,5%, dự kiến đi vào sản xuất cho ra các sản phẩm thép vào cuối tháng 5-2015. Ảnh: Đình Dân
Với vốn đầu tư gần 10 tỉ USD, cho đến thời điểm này dự án Formosa đã giải ngân hơn 4 tỉ USD. Những thay đổi có thể dễ dàng nhận thấy, từ khu dân cư gần dự án cho đến trung tâm đại công trường này.
Nhà trọ cho lao động nước ngoài
Chế tạo và mua bán gang thép
Có 11 ngành nghề đăng ký kinh doanh, một số ngành nghề quan trọng như: chế tạo và mua bán gang thép; kinh doanh cảng; sản xuất ximăng; kinh doanh nhà máy nhiệt điện và nhà máy xử lý nước; xây dựng, lắp đặt, vận hành và kinh doanh nhà máy khí, bán các khí nén và các khí chất lỏng sử dụng trong công nghiệp như oxy, nitơ...; chế tạo, gia công, sản xuất, mua bán và xuất nhập khẩu các sản phẩm liên quan quá trình luyện than cốc, hắc ín, dầu thô nhẹ...
Ngành nghề cuối cùng trong danh mục hoạt động của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê (mã ngành 68100).
Từ ven quốc lộ 1A đi một đoạn ngắn, nhiều người có thể vào ngay khu vực bên ngoài của dự án Formosa. Những đoàn xe chở nguyên vật liệu, chở các kiện hàng khổng lồ nối đuôi nhau vào dự án.
Điều thay đổi lớn nhất kể từ khi có dự án này theo nhiều người dân địa phương đó là giá đất ở đây tăng vùn vụt và kèm theo là sự xuất hiện của các phòng trọ dành cho người nước ngoài. “Anh em bọn tôi và nhiều người dân ở Kỳ Anh đã bỏ tiền túi cũng như vay mượn khá nhiều để xây nhà trọ, mua xe chuyên chở phục vụ chuyên gia Trung Quốc và Đài Loan” - anh Hà, một người dân địa phương đang kiếm sống bằng những dịch vụ phục vụ người lao động ở công trường Formosa, cho hay.
Anh Hà cũng cho biết đất nơi đây giờ rất có giá. “Giờ dân ở đây có đất chẳng ai bán. Họ vay tiền xây nhà trọ đón chuyên gia và công nhân cho thuê rồi mở quán nhỏ ngay đó để bán hàng tạp hóa, ăn uống. Nhà nào gấp quá, cực chẳng đã phải bán thì cũng với giá tầm trên 250 triệu một mét dài” - anh Hà cho biết. Một mét dài tương đương 50m2. Tính ra mỗi mét vuông đất ở đây có giá khoảng 5 triệu đồng. Anh Hà cho hay mức này cao gấp nhiều lần so với trước năm 2008. Giá thuê phòng nghỉ khách sạn ở đây cao hơn hẳn giá thuê ngoài trung tâm thành phố Hà Tĩnh và ngang ngửa giá thuê khách sạn 2-3 sao tại TP.HCM.
Đi vào bên trong công trường an ninh được kiểm soát nhiều lớp nghiêm ngặt,  camera ghi hình, tất cả người ra vào đều phải có thẻ. Giữa cái nắng gần 40oC của trời hè miền Trung, hàng chục ngàn chuyên gia, công nhân từ nhiều nước đang gấp rút lắp đặt máy móc, xây dựng hạ tầng.
Gấp gáp trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Chu Xuân Phàm - trưởng đại diện của Formosa tại Hà Nội - nói: “Công việc hết sức vất vả. Bây giờ chỉ có làm và làm thôi, không thể nói gì hơn”.
Trong khi đó, theo ông Ngô Đình Vân - phó trưởng Ban quản lý các khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, dự án đang được xây dựng rất nhanh theo tiến độ mà phía chủ đầu tư Đài Loan cam kết. “Đến nay theo con số từ phía ngành thuế báo lại dựa trên khoản thuế Formosa đóng vào ngân sách, họ đã giải ngân được 3,5 tỉ USD. Còn theo ước tính của chúng tôi, họ đã giải ngân hơn 4 tỉ USD vào Vũng Áng” - ông Vân khẳng định.
Từ số vốn giải ngân đó, đến nay theo đại diện Ban quản lý các khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, khoảng 65% hạng mục của dự án đã hoàn thành. “Dự án có ba mảng chính là nhà máy nhiệt điện, cảng và tổ hợp gang thép. Tháng 9 này nhà máy nhiệt điện số 1 sẽ phát điện, công suất 150 MW và 11 cầu cảng đã xây xong, có cảng nước sâu đón tàu lớn ra vào. Về tổ hợp gang thép, các hạng mục quan trọng đều đã cơ bản hoàn thành” - ông Vân thông tin.
Trên cơ sở tiến độ xây dựng đó, ông Vân cho biết ông Vương Văn Uyên - chủ tịch Formosa - khẳng định trong năm 2015 sẽ ra mẻ thép đầu tiên.
Chuyên về sản phẩm thép
Ghi nhận thực tế trên công trường cho thấy đã có khá nhiều hạng mục của dự án đang trong giai đoạn hoàn thành. Với diện tích được cấp phép lên đến 2.025ha đất liền nên chúng tôi phải dùng xe máy di chuyển trong nhiều giờ mới có thể tiếp cận hết các khu vực khác nhau của đại công trường này. Từ quốc lộ 1A đi vào là tòa nhà văn phòng lớn đã hoàn thành, chỉ còn vài mảng sân đang lát đá ốp vỉa hè. Sát bên là tòa nhà khách lớn với rất nhiều phòng để phục vụ những đoàn khách số lượng lớn tới đây trong tương lai.
Ngay bên cạnh là các tòa nhà làm chỗ ở cho chuyên gia, được đánh dấu A, B, C, D. Các tòa nhà từ 5-10 tầng này được xây theo kiến trúc châu Âu. Tại khu vực nhà máy chế biến thép, các lò cao đã được lắp đặt đứng sừng sững. Chạy dọc các lò cao là những hệ thống khung thép từ nhà xưởng cán nóng, xưởng luyện cốc, lò vôi và các hệ thống đường dẫn cũng đang được đấu nối. Theo thuyết minh của Formosa, từ lò cao này sẽ cho ra các sản phẩm như phôi thép vuông, phôi dẹt, thép cuộn cán nóng, thép cuộn làm sạch và ngâm dầu, thép kiện cán nóng, băng thép cán nóng.
Để chuẩn bị cho mẻ thép đầu tiên sẽ ra lò vào tháng 5-2015, theo ông Vân, dự kiến trong giai đoạn một sẽ có 6.000 cán bộ công nhân vận hành nhà máy, trong đó 1.000 người từ Đài Loan sang. Số còn lại là lao động VN. Hiện tại phía Formosa đang tuyển lao động và tới thời điểm này đã tuyển được 4.000 người.
Theo giấy phép đầu tư dự án chia làm hai giai đoạn, giai đoạn một có công suất 7,5 triệu tấn/năm, giai đoạn hai 15 triệu tấn/năm và cảng Sơn Dương phục vụ nhà máy gang thép, với tổng vốn đầu tư gần 10 tỉ USD. Cơ cấu sản phẩm nhà máy liên hợp gang thép giai đoạn một với 7,5 triệu tấn gồm: phôi thép vuông 1,5 triệu tấn/năm, phôi dẹt 2,25 triệu tấn/năm, thép cuộn cán nóng 2 triệu tấn/năm, thép cuộn làm sạch và ngâm dầu 450.000 tấn/năm, thép kiện cán nóng 250.000 tấn/năm, băng thép cán nóng 1,05 triệu tấn/năm.
Ông Vân khẳng định hiện nay cơ cấu sở hữu vốn của dự án Formosa không thay đổi, các thông tin chủ đầu tư bán cổ phần cho Trung Quốc là không có thật. Đây là dự án do nhiều cổ đông người Đài Loan sáng lập. “So với bản đầu tiên các cổ đông không có gì thay đổi mà chỉ thay từ 7,9 tỉ lên 10 tỉ USD, đây là những yếu tố tính trượt giá, còn quy mô dự án không có gì thay đổi so với ban đầu. Giờ Formosa đang xin điều chỉnh công suất dự án lên 21,5 triệu tấn thép/năm, tức gấp ba lần so với công suất đăng ký ban đầu cả giai đoạn một và giai đoạn hai chỉ 15 triệu tấn/năm, tương ứng với 28 tỉ USD” - ông Vân cho biết.
Theo thuyết minh của phía Formosa, sản phẩm chủ chốt của họ sắp tới sẽ là các loại thép tấm để phục vụ làm khung sườn ôtô và họ muốn nhắm đến các trung tâm sản xuất ôtô lớn ở Thái Lan, Malaysia.
Nhập máy móc từ Đài Loan, Trung Quốc
Mặc dù Formosa tuyên bố sản phẩm chính của họ sẽ là thép tấm, với dây chuyền sản xuất hiện đại, nhưng theo ghi nhận máy móc thiết bị phục vụ cho dự án chủ yếu từ Trung Quốc. “Công ty chúng tôi nhận bốc dỡ hàng hóa ở cảng Sơn Dương. Hàng nhập về của Formosa phần lớn là hàng có xuất xứ Trung Quốc” - ông Paul Yeh, phó tổng giám đốc Công ty VietGlory đóng tại Kỳ Anh, cho biết.
Theo thông tin từ Chi cục Hải quan Vũng Áng, dự án Formosa bắt đầu nhập khẩu máy móc, thiết bị từ năm 2010. Các mặt hàng này phục vụ chủ yếu cho các dự án lò luyện thép, nhà máy nhiệt điện đang triển khai xây dựng. Trong đó trên 90% được nhập về từ Đài Loan và Trung Quốc, phần còn lại là từ nhiều quốc gia khác như Đức, Bỉ, Úc...
Điều khá bất ngờ là hàng hóa nhập khẩu của dự án Formosa đang được hưởng ưu đãi rất lớn như miễn thuế đối với các mặt hàng tạm nhập tái xuất, chưa kể Formosa là đối tượng đầu tư trong khu vực được ưu tiên nên tiếp tục được miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng tạo tài sản cố định...
Tại khu vực làm thủ tục thông quan, nhân viên ra vào nhộn nhịp. Quan sát trên danh mục hàng nhập khẩu và hàng ngàn tờ khai hải quan trên hệ thống điện tử, có thể thấy máy móc linh kiện nhập khẩu vào dự án Formosa chủ yếu đến từ Đài Loan và Trung Quốc. Ngoài các cấu kiện lớn về máy móc, thiết bị thì cũng có những mặt hàng nhỏ lẻ như bulông, ốc vít để lắp ráp. “Hàng nhập khẩu đầu tư về làm tài sản cố định đối với các hạng mục chính trong dự án Formosa như lò cao, lò luyện, nhà máy thép tới trên 90% là từ Đài Loan, Trung Quốc” - một nhân viên hải quan tại đây cho biết.
(Theo Tuổi trẻ) ĐÌNH DÂN - HỒNG QUÝ - VĂN ĐỊNH


Nhiều lao động nước ngoài đang làm việc tại dự án Formosa - Ảnh: Đình Dân
24.000 lao động từ 31 quốc gia, vùng lãnh thổ
Theo Ban quản lý các khu kinh tế Hà Tĩnh, hiện trên công trường Formosa có 24.000 lao động đến từ 31 quốc gia, vùng lãnh thổ đang làm việc, trong đó có khoảng 22.000 lao động VN. Số lao động nước ngoài đến nay có 2.000 người, trong đó phần lớn là chuyên gia Đài Loan với khoảng 1.200 người, Trung Quốc đứng thứ nhì với khoảng 450 lao động... Theo giấy chứng nhận đầu tư hiện hành thì Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh có diện tích cả hai giai đoạn hơn 3.318ha. Trong đó, diện tích đất liền hơn 2.025ha và diện tích mặt nước hơn 1.293ha.
Dự án của Formosa bắt đầu từ năm 2008 với vốn đăng ký ban đầu là 7,9 tỉ USD. Đến năm 2013, do thay đổi trong kế hoạch đầu tư mà chủ yếu là do tính toán trượt giá nên dự án được chủ đầu tư phía Đài Loan điều chỉnh lên mức gần 10 tỉ  USD. Số vốn này đều thuộc 10 cổ đông là những công ty thuộc quyền kiểm soát của những doanh nhân Đài Loan. Trong số các cổ đông lớn, có Công ty CPHH công nghiệp nhựa Đài Loan 14,7%, Công ty CPHH công nghiệp nhựa Nam Á 14,7%, Công ty CPHH sợi hóa học Đài Loan 14,7%, Công ty CPHH hóa dầu Formosa 14,7%, Công ty CPHH gang thép Trung Quốc 5%...

Yêu cầu đánh giá tác động đến thị trường thép VN
Văn phòng Chính phủ vừa có thêm thông báo mới truyền đạt kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ và giải quyết kiến nghị của Formosa Hà Tĩnh. Về các kiến nghị “cần tiếp tục được giải quyết”, Văn phòng Chính phủ nêu Bộ Tài chính thực hiện hoàn thuế VAT cho Formosa trước rồi kiểm tra sau. Đồng thời, Bộ Tài chính phải tạm ứng 250 tỉ đồng cho ngân sách Hà Tĩnh để hoàn trả tiền thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đã thu của Formosa vì một phần thuế, phí đã thu thuộc diện tích được giảm và miễn thuế môi trường.
Không ít ý kiến lo ngại thép Formosa với nhiều ưu đãi khi đi vào sản xuất sẽ bóp nghẹt các doanh nghiệp thép trong nước. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công thương triển khai đánh giá tác động của dự án Formosa đến thị trường thép VN khi dự án bắt đầu có sản phẩm. Khoản tiền 80 triệu USD Formosa cho rằng đã ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng công trình cấp nước, Phó thủ tướng cho phép Formosa được trừ vào khoản tiền thuê đất, tiền nước... phải nộp hằng năm.
Văn bản của Văn phòng Chính phủ là văn bản chính thức đầu tiên đưa kết luận của Phó thủ tướng nêu đề xuất lập khu kinh tế đặc thù riêng của Formosa là không phù hợp với quy định của VN.
C.V.KÌNH

Dù to lớn, hoành tráng tới đâu thì nói nôm na đây cũng chỉ là một dự án “đào tài nguyên lên, chế biến thô rồi bán kiếm lời”. Thứ tài nguyên quặng sắt này thì TQ cũng còn khá nhiều nhưng có lẽ vì khai thác tốn phí nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường lớn nên họ không thích làm trong nước (hoặc họ để dành tài nguyên cho con cháu dùng sau này?). Lẽ ra với những dự án “đào mỏ bán tài nguyên” không nên cho quá nhiều ưu đãi vì chủ trương của nhà nước là hạn chế khai thác, xuất thô tài nguyên. Sự ưu đãi thái quá này thật khó hiểu!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét