Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Trung Quốc không dấu giếm hành vi sai trái trên Biển Đông
Cập nhật lúc 18:02

 (Tình hình Biển Đông - Vấn đề Biển Đông) - Một số tờ báo Trung Quốc đã "tự thú" khi đưa tin một tàu Ngư chính TQ đã hơn 160 lần đâm va, cản phá tàu thực thi pháp luật Việt Nam.
Trang tin của đài Phượng Hoàng (Hong Kong) và một số trang tin Trung Quốc như Sina, Sohu... ngày 1/7 đưa tin, tàu Ngư chính 33006 đã quay trở về cảng Châu Sơn (Chiết Giang) sau khi hoàn thành nhiệm vụ “tuần tra” ở Biển Đông.
Theo các nguồn tin trên, tàu Ngư chính 33006 nhận lệnh của Cục Hải cảnh Trung Quốc, xuất phát ngày 4/5 từ cầu tàu Định Hải (Châu Sơn, Chiết Giang), thực hiện hành trình 1300 hải lý tới khu vực Biển Đông.
Nhiệm vụ của Ngư chính 33006 được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ 11-26/5) với nhiệm vụ là truy đuổi tàu Việt Nam tại khu vực mà Trung Quốc gọi là “khu cảnh giới số 1 đến số 3”; Giai đoạn 2 (từ 27/5-22/6), tiến hành cảnh giới tại khu vực 5, 10 và 15.
Trong thời gian đó, tàu Ngư chính 33006 đã tiến hành tuần tra 1.120 giờ trên Biển Đông, hơn 160 lần cản phá tàu của Việt Nam tác nghiệp tại Biển Đông.
Ngư chính 33006 là tàu thực thi pháp luật lớn nhất, có tốc độ nhanh nhất, được trang bị hệ thống thông tin liên lạc và định vị hiện đại bậc nhất tại Châu Sơn.
Hiện tại, Trung Quốc đã điều tàu Hải giám 7018 tới để thay thế cho Ngư chính 33006, thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đông.
 Tàu Trung Quốc đâm thẳng vào tàu KN-951 của Việt Nam
Tàu Trung Quốc đâm thẳng vào tàu KN-951 của Việt Nam
Trả lời trên báo Sydney Morning Herald vào ngày 2/7, Giáo sư Thời Ân Hoành thuộc khoa Quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh cho rằng, các chính sách của chính quyền Bắc Kinh sẽ khiến tranh chấp trên Biển Đông ngày càng tồi tệ hơn.
Theo ông, Trung Quốc không thể thay đổi quỹ đạo do chủ nghĩa dân tộc gia tăng trong nước, sức ép từ quân đội và quan điểm cá nhân mỗi lãnh đạo cấp cao. Đó là lý do tại sao các tranh chấp quân sự trên biển Hoa Đông, Biển Đông cũng như khu vực dọc theo dãy Himalaya ngày một tồi tệ hơn.
Theo Giáo sư Thời Ân Hoành, "căng thẳng giữa Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ sẽ ngày càng xấu hơn thay vì cải thiện. Có thể Trung Quốc sẽ áp dụng một số thay đổi chiến thuật theo hướng ôn hòa, nhưng tôi không thấy bất kỳ thay đổi cơ bản nào trong định hướng chiến lược".
“Bắc Kinh luôn phủ nhận trách nhiệm trong tranh chấp căng thẳng với Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và Ấn Độ. Họ luôn cáo buộc Mỹ cùng các nước lân cận gây rắc rối để “kiềm chế” sự vươn lên của Trung Quốc.
 Giáo sư Thời Ân Hoành
Giáo sư Thời Ân Hoành
Trong hai năm trở lại đây, Trung Quốc thực hiện nhiều hành động khiến căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ leo thang với các nước như Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ. Mỹ và các đồng minh, điển hình như Australia và Nhật Bản đã bày tỏ lo ngại về chính sách “cưỡng ép” bằng kinh tế và quân sự của Trung Quốc, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông và biển Hoa Đông”.
Trước đó, ông Lê Oa Đằng, một tác giả mạng Trung Quốc đã có mấy chục bài viết với lập trường nhất quán: phản đối, bác bỏ những quan điểm sai trái, phê phán hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế và mưu đồ độc chiếm Biển Đông của giới cầm quyền Trung Quốc.
Ngày 3/6, ông đã đăng bài “Trung Quốc cần xem xét lại sách lược tuyên truyền đối ngoại”,  bày tỏ thái độ về Diễn đàn đối thoại Shangri La vừa qua.
Ông viết: Trong hơn 1 năm qua, Trung Quốc đã tiến hành “tiến công dư luận quy mô rất lớn” với 4 nội dung: phê phán Nhật là “quỷ mai phục” trên quốc tế; tuyên truyền Trung Quốc là “Sư tử văn minh, thân thiện dễ gần”; đưa ra mô hình “Cộng đồng cùng chung vận mạng” với các nước Đông Nam Á; đề xuất học thuyết Monro kiểu Trung Quốc “ Việc của châu Á do người châu Á tự giải quyết”.
Tuy nhiên, tại Diễn đàn Shangri La lần này người ta có thể thấy rõ nỗ lực tấn công ngoại giao của Trung Quốc không những không thành công mà hình ảnh Trung Quốc còn xấu thêm qua vấn đề Biển Đông.
Ông viết: "Suy cho cùng vấn đề cốt lõi là Trung Quốc có muốn giải quyết tranh chấp về lãnh thổ và lãnh hải với các nước láng giềng trên cơ sở luật quốc tế hay không. Không muốn giải quyết các bất đồng bằng luật quốc tế chính là nguyên nhân căn bản khiến Trung Quốc thường xuyên ở thế bên dưới trong cộng đồng quốc tế và dư luận quốc tế.
Anh cứ nói mình có lẽ phải, nhưng lại không chịu tranh luận đàng hoàng với người khác thì sao có thể nói lẽ phải thuộc về mình được?"
Trong bài báo nhan đề “Đường 9 đoạn mới là vấn đề trung tâm của Biển Đông”, học giả Lê Oa Đằng đã phê phán mạnh mẽ quan điểm coi Đường 9 đoạn là đường biên giới biển của Trung Quốc.
Điều lo ngại lớn nhất của họ là: Chính phủ Trung Quốc cố ý trì hoãn không đưa ra định nghĩa về Đường 9 đoạn, nhưng trên thực tế lại không ngừng thực hiện khống chế thực tế Biển Đông, đợi đến khi đủ năng lực gạt quốc tế sang một bên mới tuyên bố Biển Đông thuộc về Trung Quốc, cuối cùng đạt tới mục tiêu coi Đường 9 đoạn là lãnh hải của mình (thực tế hiện nay Trung Quốc đã bắt đầu tạo thế).
Các nước trên thế giới không phải là kẻ ngốc. Trung Quốc có trỗi dậy hòa bình hay không, không ở chỗ Trung Quốc nói, mà là ở việc làm thế nào.
Học giả Lê Oa Đằng thẳng thắn bày tỏ: “Tôi cho rằng, cách làm đó của Trung Quốc là vô trách nhiệm, đi ngược lại chính sách hòa mục láng giềng do chính mình đề xướng”.
(Theo Đất Việt) Lan Anh  tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét