Tham nhũng trong
giáo dục: Đánh cắp tương lai
Cập nhật lúc 20:43
(DĐDN) -
Không phải buột miệng mà vị đại diện cho giáo dục thủ đô, Phó Giám đốc
Sở GD-ĐT Hà Nội - ông Nguyễn Hiệp Thống thừa nhận: “Phải nói thật sẽ không
bao giờ hết chuyện “chạy trường”.
Các bậc phụ huynh chạy đôn chạy đáo lo xin
học cho con trước mỗi mùa tuyển sinh
Ông Thống biện giải, nhiều gia đình do hoàn cảnh địa lí nơi cư
trú và làm việc xa nhau không có điều kiện đưa đón. Rồi tâm lý muốn con được
các thầy cô dạy học tốt…
Khi chuyện bất thường trở thành bình thường
Điều ông Thống biện giải hoàn toàn không vô lý khi sự đầu tư
trường học, cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên chưa theo kịp tốc độ
tăng dân và nhà ở của các đô thị hiện nay.
“Một vài nghìn USD để có một suất ở trường tiểu học “điểm”,
300-800 USD để được vào trường “thường thường bậc trung” - Những con số được
công bố tại “Báo cáo tham nhũng toàn cầu về giáo dục” do Tổ chức Minh bạch
Quốc tế (IT) thực hiện công bố từ ngày 1/10/2013 đến nay có lẽ vẫn còn nguyên
tính thời sự, với mặt bằng “giá” có vẻ khá ổn định trong một vài năm qua.
Khảo sát về “Tham nhũng trong giáo dục phổ thông” tại Báo cáo
tham nhũng toàn cầu về giáo dục đã ghi nhận: “Việc khoảng 30% phụ huynh
tìm cách xin cho con vào học ở “trường điểm” trái tuyến, dẫn tới sự hình
thành một hệ thống ngầm có liên quan tới những người môi giới thứ 3 xúc tiến
cho quá trình này”.
Để có bản báo cáo trên, 50 chuyên gia quốc tế đã tiến hành khảo
sát và kết luận: 67% phụ huynh coi chuyện “chạy trường” là bình thường, có
phụ huynh đã phải hối lộ 3.000 USD để giành một chỗ học ở trường tiểu học
“điểm” và khoảng 300-800 USD để con họ được vào trường “thường thường bậc
trung”.
Một phụ huynh khi được hỏi cho biết mức giá 1.000 USD để “chạy”
vào 1 trường tiểu học hàng đầu là “hợp lý”, “chấp nhận được”, bởi “mong muốn
con cái được giáo dục tốt là bình thường” và “gia đình nào cũng mong con em
mình được học ở môi trường danh tiếng”.
Cũng theo Báo cáo này, 7,4% phụ huynh có con học đúng tuyến vẫn
cần và phải tìm đến sự hỗ trợ (kể cả đưa hối lộ) để đăng ký cho con học
trường điểm; 4,5% phụ huynh ở diện đúng tuyến cần sự hỗ trợ để đăng ký cho
con vào học những trường bình thường.
Đó mới chỉ là chuyện “chạy trường”. Những hình thức tham nhũng
khác dù tiềm ẩn nguy cơ nhưng vẫn chưa được nghiên cứu. Tuy nhiên, chỉ xét
góc độ ở các vấn đề như “chạy trường”, lạm thu, dạy thêm, học thêm... cũng đã
thấy mức độ tham nhũng trong giáo dục ở nước ta rất đáng quan ngại.
Quyền bình đẳng
Nếu cứ để tình trạng “chạy
trường” sống ngày một mãnh liệt trong xã hội, thì chẳng khác nào hành vi
“đánh cắp tương lai” của chính đối tượng thụ hưởng là học sinh, sinh
viên...
|
Theo các chuyên gia, một trong những
tác động lớn nhất của vấn nạn “chạy” vào các trường phổ thông là làm gia tăng
sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Với những chi phí lớn và liên tục
phát sinh trong các trường phổ thông, sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên khi hiện
tượng này dẫn tới sự gia tăng bất bình đẳng xã hội.
Để hạn chế tình trạng chạy trường, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
- GS Phạm Minh Hạc cho rằng, ngành giáo dục phải làm sao để tất cả các trường
đều phải là trường chuẩn quốc gia. Muốn lựa chọn nhân tài thì cần tính toán
từ cấp nào mới cần trường chuyên lớp chọn.
GS Phạm Minh Hạc đưa ra lời khuyên đối với các bậc phụ huynh
không nên quá tham vọng - đừng vội thấy con mình đọc viết được sớm mà cho là
thần đồng ! “Trong tâm lý học và giáo dục học người ta đều nói, sự học của
mỗi người không tịnh tiến theo một đường thẳng phương trình bậc nhất. Cuộc
đời của các cháu những năm lớn lên, rồi tuổi vị thành niên quan trọng nhất là
sự chăm sóc, yêu thương của gia đình” - GS Phạm Minh Hạc chia sẻ.
Ở góc độ khác, theo GS Nguyễn Lân Dũng: Cần coi việc đưa và nhận
phong bì là vi phạm Bộ luật Hình sự và cần được xử lý thật nghiêm để làm
gương. Cần có sự kiểm tra chặt chẽ của các cấp quản lý giáo dục về chuyện
này. Đó là hành động thiết thực để nâng cao uy tín thầy cô giáo cũng như uy
tín của toàn ngành giáo dục. Còn, nếu cứ để tình trạng “chạy trường” sống
ngày một mãnh liệt trong xã hội, thì chẳng khác nào hành vi “đánh cắp tương
lai” của chính đối tượng thụ hưởng là học sinh, sinh viên...
“Bỏ của chạy lấy trường...”
Câu chuyện “chạy trường” đang sôi sục trong những ngày gần
đây, đặc biệt tại các TP lớn đặt ra câu hỏi về tiêu chuẩn chất lượng của
các trường học cũng như giáo dục hiện nay
TS Trịnh Hòa Bình - Viện xã hội học VN:
Thiết lập cơ chế giám sát công minh
Có thể nói, “chạy trường” đã trở thành vấn nạn ở tất
cả các bậc học, ngành học, từ bậc mầm non, tiểu học, THCS hay THPT cho đến
các giảng đường đại học. Và hàng năm, “cuộc đua chạy trường, chọn lớp” đã
rục rịch từ sau Tết. Và cho đến thời điểm này, khi mùa tuyển sinh chưa
chính thức bắt đầu, thì các “suất” chạy trường đều đã ngã ngũ.
Điều làm dư luận hết sức bức xúc và đặt câu hỏi là,
việc “chạy trường” từ các bậc phụ huynh, các giáo viên, đến các nhà quản
lý, thậm chí nó được nhiều lần đề cập tại các hội thảo của ngành Giáo dục
và cả trên bàn nghị sự,nhưng dường như câu chuyện “chạy trường” chưa bao
giờ dừng lại, thậm chí ngày càng gia tăng với những thủ đoạn tinh vi, quyết
liệt hơn.
Để giải quyết tình trạng “chạy trường” cần phải đồng
bộ giải quyết hai vấn đề: Thứ nhất, chúng ta cần phải nâng chất lượng giảng
dạy của các thầy, cô giáo trong các trường tiến dần đến mức đồng đều. Nghĩa
là, các Sở, Phòng giáo dục của các TP cần thiết lập cơ chế giám sát “công
minh”, chặt về chất lượng đầu vào của đội ngũ giáo viên, không vì mối quan
hệ, hơn nữa đội ngũ giáo viên của các trường không vì chạy theo thành tích
mà có thể nhắm mắt cho điểm học sinh “đẹp” học bạ…Tóm lại cần thiết lập
tiêu chuẩn hóa giáo viên để ai chưa đủ tiêu chuẩn phải xuống dạy lớp thấp
hơn hặc cử đi bồi dưỡng thêm. Thậm chí cần có chiến lược đào tạo giáo viên
giỏi, điều chuyển những người tài, giáo viên giỏi ở các trường điểm về làm hạt
nhân cho các trường không phải là điểm; Thứ hai phải đầu tư xây dựng thêm
cơ sở vật chất các trường học để các trường đều đạt tiêu chuẩn như nhau,
nghĩa là không phân biệt giữa các trường trung tâm và xa trung tâm mà có sự
chênh lệch trong ưu đãi đầu tư. Ngoài ra, cần lưu ý đến các giải pháp kỹ
thuật mà các Phòng Giáo dục cần thực hiện là việc điều tiết số học sinh ở
trường này sang trường kia giúp các trường khó tuyển sinh có đủ học sinh
thay vì biết một trường nào đó có nhiều học sinh trái tuyến thì Phòng cũng
chấp nhận sĩ số học sinh cao hơn quy định.
Tôi cũng đề nghị việc điều tra số trẻ cần đến trường
phải chính xác hơn nữa, làm căn cứ vững chắc để giao chỉ tiêu tuyển sinh.
PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế
Vinh Hà Nội:
Xử lý mạnh tay
Một thầy giỏi từng dạy ở Trường THPT Lương Thế Vinh
đã có ý định rời trường sau khi trúng tuyển công chức. Sau đó, thầy đã quay
trở lại vì tuy đỗ công chức rồi nhưng nếu muốn được nhận vào trường A, B
thì phải chi ra 400 triệu đồng. Thầy còn tiết lộ: “Có cử nhân sư phạm tâm
sự với tôi rằng muốn xin vào dạy ở trường công lập phải mất mấy trăm triệu
đồng”.
Kể câu chuyện này để thấy, việc giáo viên phải “đầu
tư” một khoản tiền lớn để vào được vào dạy ở trường công lập “kích thích”
họ gỡ lại chi phí ban đầu, và đây cũng là một trong những nguyên nhân “tiếp
sức” cho vấn nạn ‘“chạy trường” ngày một “sôi động” hơn.
Ngoài ra, “chạy trường” là do tâm lý đám đông. Phụ
huynh nghe nói trường này, trường kia tốt nên đua nhau tìm mọi cách cho con
em vào. Nhưng tôi khẳng định là không phải trường nào được đồn đều tốt.
Nhiều trường cũng PR tên tuổi của mình để thu hút học sinh nhưng sau đó thì
chất lượng chẳng bằng những trường khác.
Câu chuyện chạy trường, chạy lớp đã nói hết năm này
qua năm khác nhưng vẫn không giảm, thậm chí có thể nói là nhiều nơi còn
tăng cao hơn về mức độ. Tuy nhiên, để xóa bỏ ngay vấn nạn này là điều chưa
thể làm ngay. Vấn đề là phải có biện pháp chống thật quyết liệt để hạn chế
nó.
Ví dụ ở bậc trung học phổ thông, việc tổ chức công
khai thi tuyển vào các trường đã hạn chế khá tốt chuyện chạy trường. Ở bậc
trung học cơ sở nhiều trường dân lập đã tổ chức thi tuyển và đã đạt được
hiệu quả. Tuy nhiên, đối với các trường công lập khối trung học cơ sở thì
khó có thể tổ chức thi tuyển vì vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nhưng
suy cho cùng, để trẻ phải thi nhiều quá là không phù hợp. Nhất là thi tuyển
vào lớp 1, lớp 2 thì thật vô lý.
Để giải quyết vấn đề này, mấu chốt vẫn là công khai,
minh bạch. Từ vấn đề công khai, minh bạch phải có quy chuẩn, quy định, giám
sát chặt chẽ. Trường nào và ai làm chưa đúng, chưa chuẩn thì phải có biện
pháp, chế tài xử lý thật nghiêm khắc, mạnh tay.
Lâu nay, hầu như trường nào cũng nói là mình đã công
khai, minh bạch, nhưng thực chất chỉ là hình thức chứ chưa thực chất.
|
(Theo Diễn đàn
doanh nghiệp) Anh Tú
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét