Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Sự thực về quân đội Trung Quốc (tiếp theo)
Cập nhật lúc 17:17          
      
Đội quân khổng lồ
Theo giới quân sự, quân đội Trung Quốc từng có thời điểm nuôi tới 6 triệu người và tuy đã trải qua nhiều đợt cắt giảm, nhưng quân số hiện vẫn khoảng 2,3 triệu và là lực lượng quân đội đông nhất thế giới. Hơn 1 năm trước (17/4/2013), lần đầu tiên Trung Quốc tiết lộ phương thức bố trí của Hải, Lục, Không quân và Lực lượng tên lửa chiến lược (còn gọi là Quân đoàn pháo binh số 2). Theo đó, các đơn vị tác chiến của Lục quân bao gồm 18 quân đoàn, cùng các sư đoàn tác chiến hỗn hợp, độc lập bổ sung với tổng quân số khoảng 850.000 người. 18 quân đoàn kể trên được phân bổ tới 7 quân khu: Thẩm Dương (quân đoàn 16, 39 và 40), Bắc Kinh (quân đoàn 27, 38 và 65), Lan Châu (quân đoàn 21 và 47), Tế Nam (quân đoàn 20, 26 và 54), Nam Kinh (quân đoàn 1, 12 và 31), Quảng Châu (quân đoàn 41 và 42) và Thành Đô (quân đoàn 13 và 14).
Lực lượng hải quân có khoảng 235.000 người và được biên chế vào 3 hạm đội (Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải). Mỗi hạm đội đều có các cơ quan chỉ huy hàng không hạm đội, các căn cứ hỗ trợ, đội tàu, đơn vị đồn trú trên biển cũng như các sư đoàn hàng không và lữ đoàn hàng hải. Gần 2 năm trước (tháng 9-2012), tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh được biên chế cho hải quân và được coi là có ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình xây dựng và đảm bảo an ninh hàng hải.
Lực lượng không quân hiện có khoảng 398.000 người và dưới mỗi sở chỉ huy không quân là các căn cứ, sư đoàn hàng không (lữ đoàn), các sư đoàn tên lửa đất đối không (lữ đoàn) và các lữ đoàn radar cùng những đơn vị khác.
Lực lượng tên lửa chiến lược được thành lập ngày 1/7/1966 và là lực lượng sở hữu những tên lửa đạn đạo thuộc loại hàng đầu thế giới. 100% tên lửa đạn đạo đều do Trung Quốc tự phát triển, sản xuất và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, với độ chính xác ngày càng được cải thiện. Hiện lực lượng này sở hữu hơn 1.500 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung, tầm xa và liên lục địa. Trung Quốc cho rằng, việc sở hữu tên lửa đạn đạo đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ cuộc chiến tranh khu vực nào. Ngày 25/4, trang Strategy Page có trụ sở tại Washington cho biết, sau khi những binh sĩ nữ đầu tiên được tuyển chọn vào làm việc trong lữ đoàn tên lửa đạn đạo DF-15 thuộc Lực lượng tên lửa chiến lược, các đơn vị khác cũng đang xem xét để tuyển dụng thêm binh sĩ nữ. Được biết, mới có khoảng 8% binh sĩ trong quân đội Trung Quốc là nữ.


Tàu sân bay Liêu Ninh.
Giới quân sự cho rằng, Trung Quốc đang cố gắng luyện tập kỹ thuật tấn công phủ đầu các bệ phóng tên lửa đạn đạo di động của đối phương. Đây là một việc rất khó vì các bệ phóng tên lửa đạn đạo có kích thước nhỏ và rất cơ động. Theo giới chuyên môn, mỗi lữ đoàn DF-21 được biên chế gồm 6 tiểu đoàn tên lửa (với 2 xe phóng tên lửa cho mỗi tiểu đoàn), 2 tiểu đoàn bảo dưỡng, sửa chữa, 1 tiểu đoàn chỉ huy, 1 tiểu đoàn trinh sát và 1 tiểu đoàn đối kháng điện tử (ECM). Và số đơn vị sử dụng tên lửa DF-21 của lực lượng này đã lên tới 10 lữ đoàn, cùng với một số lữ đoàn sử dụng các loại tên lửa đạn đạo khác. Tên lửa DF-21D được cho là để chống lại các hàng không mẫu hạm của quân đội Mỹ.
Gần 5 năm trước (21-9-2009), ông Lương Quang Liệt khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng từng tuyên bố, quân đội Trung Quốc hiện sở hữu hầu hết các hệ thống vũ khí tối tân có trong kho vũ khí của các nước phương Tây phát triển. Những loại vũ khí đó bao gồm vệ tinh quân sự, máy bay tiêm kích J-10, xe tăng thế hệ mới nhất, các khu trục hạm, tuần dương hạm cùng các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa hành trình đều đã hoặc gần đạt tiêu chuẩn của các quốc gia hàng đầu thế giới. Ông Lương Quang Liệt cũng nhấn mạnh, mục tiêu của quân đội Trung Quốc là hoàn tất quá trình cơ giới hóa và vi tính hóa vào năm 2020, đồng thời xây dựng một lực lượng hoàn toàn hiện đại trước năm 2050.
Trước đó (20/8/2009), Bộ Quốc phòng Trung Quốc chính thức khai trương trang web tại địa chỉ www.mod.gov.cn, với nội dung được đăng tải bằng 2 thứ tiếng (Trung và Anh). Trước đó, nhân kỷ niệm 82 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc (1/8/1927 - 1/8/2009), Chính phủ Trung Quốc đã mở trang web chính thức của quân đội nước này tại địa chỉ www.chinamil.com.cn bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh. Quân ủy Trung ương đã phê chuẩn việc này nhằm cung cấp thông tin chính thức về chính sách quốc phòng và công tác xây dựng quân đội Trung Quốc. Thông qua trang web này, thế giới sẽ hiểu hơn về chính sách quốc phòng của Trung Quốc, đồng thời phục vụ việc tăng cường trao đổi, hợp tác với nước ngoài.
Hơn 3 năm trước (hạ tuần tháng 6/2011), sau khi thành lập lực lượng đặc nhiệm chiến tranh mạng, quân đội Trung Quốc đã phát triển trò chơi chiến tranh trực tuyến đầu tiên nhằm nâng cao kỹ năng chiến đấu và nhận thức về chiến tranh. Theo đó, Sứ mệnh vinh quang (Glorious Mission) là trò chơi trong đó người chơi được trang bị các loại vũ khí công nghệ cao để thực thi nhiệm vụ độc lập hoặc theo nhóm. Các loại vũ khí được sử dụng trong trò chơi Sứ mệnh vinh quang đều có trong kho vũ khí của quân đội Trung Quốc.
Trước đó (1/6/2011), binh sỹ Trung Quốc bị cấm sử dụng mạng xã hội bởi Bắc Kinh cho rằng, việc kết bạn trên mạng có thể vô tình tiếp tay cho kẻ thù. Bởi việc cung cấp thông tin cá nhân như địa chỉ nơi đóng quân cùng nhiệm vụ hoặc địa chỉ liên lạc có thể có nguy cơ để lộ vị trí các căn cứ quân sự. Do đó, Quân uỷ Trung ương quyết thực thi nghiêm lệnh cấm kể trên (cấm binh sỹ tạo trang web hoặc viết blog) nhằm bảo vệ bí mật quân sự cũng như sự thuần khiết và đoàn kết trong quân đội.
Tờ China Daily vừa cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử quân đội Trung Quốc đã dỡ bỏ nhiều hạn chế đối với tân binh, khi cho phép những người thấp, cận thị, nặng cân hơn và thậm chí có bệnh tâm thần phân liệt cũng được nhập ngũ nhằm thu hút tầng lớp trẻ có trình độ học vấn cao. Ngoài ra, những ai mang hình xăm không quá 10cm và không lộ ra ngoài quân phục quá 2cm cũng được tham gia nghĩa vụ quân sự. Tờ Time coi đây là động thái nhằm mở rộng chương trình vũ khí để nâng cấp tàu chiến, tên lửa, máy bay… khi Trung Quốc muốn thực hiện giấc mộng độc bá Biển Đông và biển Hoa Đông.

Cuộc chiến Trung - Ấn năm 1962
Giới phân tích cho rằng, bóng ma của cuộc chiến Trung-Ấn năm 1962 vẫn in sâu trong tâm trí hai quốc gia này, đặc biệt là Ấn Độ.
Gần 3 năm trước (26/10/2011), tờ China News từng dự kiến, trong 50 năm tới, Trung Quốc sẽ phát động 6 cuộc chiến tranh. Thứ nhất, thống nhất Đài Loan (giai đoạn 2020-2025). Thứ hai, thu hồi các đảo tại Biển Đông (giai đoạn 2025-2030). Thứ ba, thu hồi Nam Tây Tạng (giai đoạn 2035-2040). Thứ tư, thu hồi đảo Điếu Ngư và Lưu Cầu (giai đoạn 2040-2045). Thứ năm, thống nhất Ngoại Mông (giai đoạn 2045-2050). Thứ sáu, thu hồi lãnh thổ bị Nga xâm chiếm (giai đoạn 2055-2060). Và sau khi kết thúc 6 cuộc chiến tranh kể trên, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc kinh tế và quân sự duy nhất trên thế giới, tái lập trật tự thế giới mới do Bắc Kinh làm chủ.
Chiến tranh Trung-Ấn (còn gọi là xung đột biên giới Trung-Ấn), bùng phát bởi những tranh chấp tại khu vực biên giới Aksai Chin và bang Arunachal Pradesh (Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng). Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác như Ấn Độ trao qui chế tị nạn chính trị cho Đạt Lai Lạt Ma, thiết lập một số tiền đồn dọc biên giới, bao gồm một số vị trí nằm ở phía Bắc tuyến McMahon, là phần phía Đông của đường kiểm soát trên thực tế do Trung Quốc tuyên bố năm 1959.
Cuộc chiến khai hoả ngày 20/10/1962 (là cuộc chiến sơn cước quy mô lớn ở độ cao trên 4250 mét, cả 2 bên đều không sử dụng không quân và hải quân) khi Trung Quốc phát động 2 cuộc tấn công với chiều dài hơn 1000 km từ Đông sang Tây cùng một lực lượng áp đảo. Và kết thúc khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố ngưng bắn vào ngày 20/11/1962, đồng thời rút khỏi phần lớn các khu vực chiếm được trước đó. Trung Quốc tuyên bố ngừng bắn ngay sau khi Ấn Độ yêu cầu Mỹ hỗ trợ không quân (19/11/1962) và các tàu sân bay của Mỹ đã nhận lệnh áp sát bờ biển Ấn Độ.
Sau cuộc chiến kể trên, Ấn Độ đã thay đổi toàn diện quân đội để chuẩn bị cho các xung đột trong tương lai. Nhưng những nguyên nhân địa-chính trị dẫn đến cuộc chiến Trung-Ấn vẫn chưa được giải quyết. Giới phân tích cho rằng, bóng ma của cuộc chiến Trung-Ấn năm 1962 vẫn in sâu trong tâm trí hai quốc gia này, đặc biệt là Ấn Độ. Hạ tuần tháng 3/2014, tờ India Today và một số tờ báo của Ấn Độ đã đăng phần lớn trong báo cáo Henderson Brooks - Bhagat, lấy từ trang web cá nhân của nhà báo Australia Neville Maxwell.
Ông Neville Maxwell là phóng viên khu vực Nam Á của tờ The Times of London vào năm 1962, và là một trong rất ít người từng đọc báo cáo Henderson Brooks - Bhagat (dài khoảng 200 trang).


Tàu khu trục tên lửa Thanh Đảo

Ngày 23/2/1972, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã đề cập đến cuốn sách của nhà báo Neville Maxwell khi có cuộc thảo luận với Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Tiến sĩ Henry Kissinger tại Bắc Kinh. Tác phẩm mà Thủ tướng Chu Ân Lai đề cập đến là cuốn sách “Cuộc chiến với Trung Quốc của Ấn Độ” được ông xuất bản năm 1970. Thông tin trong cuốn sách “Cuộc chiến với Trung Quốc của Ấn Độ” chủ yếu lấy từ báo cáo Henderson Brooks - Bhagat.
Báo cáo Henderson Brooks - Bhagat được cho là bản cáo trạng gay gắt về những thất bại tình báo và tính toán chính trị sai lầm dẫn đến chiến tranh của chính phủ Ấn Độ khi đó. Theo nhận định của nhà báo Neville Maxwell, chính sách tiến tới (Forward Policy) của chính phủ Ấn Độ khi đó đã khiêu khích Trung Quốc sử dụng vũ lực và là điều Thủ tướng Jawaharlal Nehru không lường trước do tin tức tình báo lạc hậu. Và đó là một trong những lý do dẫn đến thất bại của Ấn Độ trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Theo nhà báo Neville Maxwell, chính sách tiến tới đã được vận dụng lần đầu tháng 12/1961 tại Phân khu Đông và đặc biệt là gần Dhola Post, nơi Trung Quốc cũng coi là lãnh thổ của họ.
Năm 2007, R.D. Pradhan, thư ký của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Y.B. Chavan (dưới thời Thủ tướng Jawaharlal Nehru), đã xuất bản một tài liệu khái quát lịch sử ra đời của báo cáo Henderson Brooks - Bhagat. Theo đó, ông Y.B. Chavan đã thành lập Ủy ban điều tra về thất bại ở Vùng biên giới Đông Bắc (NEFA - bây giờ là bang Arunachal Pradesh) và Trung tướng Henderson Brooks cùng Chuẩn tướng P.S. Bhagat là người thực hiện. Ngày 12/5/1963, báo cáo của họ được trình lên Bộ tham mưu Lục quân và ngày 2/7/1963, báo cáo Henderson Brooks - Bhagat xuất hiện trên bàn làm việc của ông Y.B. Chavan. Theo báo cáo Henderson Brooks - Bhagat, Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã quá gắn bó với Hiệp định Panchsheel (năm 1954) nên để bỏ qua ý đồ đen tối của Trung Quốc.
Đến bài học khó quên
Theo tờ Times of India, ngày 2/7, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố sẽ tổ chức các khóa huấn luyện quân sự cho người dân sống ở khu vực gần biên giới với Trung Quốc để đề phòng nguy cơ xâm lấn. New Delhi có thể cung cấp vũ khí cho người dân để họ sử dụng trong tình huống khẩn cấp. Theo tờ India Express, Ấn Độ dự tính chi khoảng 830 triệu USD để thực hiện kế hoạch này.
Trước đó (30/6), tờ India Today đưa tin về lễ kỷ niệm 60 năm ngày Trung Quốc và Ấn Độ ký 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, nhưng có người nói rằng, 5 nguyên tắc chung sống hòa bình này là sự nhạo báng của Trung Quốc. Bởi ngày 20/10/1962, chiến tranh biên giới Trung-Ấn đã nổ ra cho dù trước đó 2 nước ký 5 nguyên tắc chung sống hòa bình.
Ngày 29/6, tờ Daily India News (Ấn Độ) đăng bài viết của chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề quan hệ quốc tế Rajeev Sharma, đánh giá về việc Trung Quốc phát hành bản đồ mới và những thách thức đặt ra cho Ấn Độ. Trong đó cho rằng, Ấn Độ đã hết ảo tưởng về Trung Quốc sau khi Bắc Kinh phát hành bản đồ mới và đây là thách thức không nhỏ đối với tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Bởi việc phát hành bản đồ mới diễn ra tại thời điểm Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari có chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc (từ 26 đến 30/6), dự lễ kỉ niệm 60 năm Trung Quốc tuyên bố “5 nguyên tắc chung sống hòa bình” với Ấn Độ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin đã chỉ trích hành động kể trên của Trung Quốc, đồng thời khẳng định, mọi mô tả trên bản đồ không thể thay đổi thực tế trên thực địa. Sự thực Arunachal Pradesh là một phần không thể tách rời của Ấn Độ.
(Theo Năng lượng mới) Tân Hồng - Tiên Du

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét