Kế “viễn giao cận
công” của TQ sẽ không lòe bịp được tất cả
Cập nhật lúc 08:13
Chiến lược “xung đột có kiểm soát” của
Trung Quốc
Đã từ lâu rồi, nhiều nhà nghiên cứu chiến lược quốc tế đã
dần manh nha nghe ngóng, tìm hiểu, rồi nghiên cứu và đi đến nhận định: sự
“trỗi dậy” của Trung Quốc sẽ bao gồm cả việc giành giật các lợi ích với các
nước trên thế giới.
Trong đó, các địch thủ đầu tiên sẽ là các nước lân cận
theo kế sách “viễn giao cận công” đã có từ thời Xuân Thu - Chiến Quốc. Đến
cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, họ đã phát triển kế sách ấy lên thành chiến
lược “xung đột có kiểm soát”. Chiến lược “xung đột có kiểm soát” ấy là gì? Nó
có chắc chắn thành công trong thế kỷ XXI này?
Thứ nhất, kiểm soát về phạm vi xung đột
Bản thân kế sách “viễn giao cận công” đã ẩn chứa mầm mống
của chiến lược “xung đột có kiểm soát”. Bởi lẽ, “viễn giao” tức là giao hòa,
giao hiếu thân thiện với các nước ở xa.
Từ đó, đặt các nước ở xa ra ngoài vòng xung đột, thực hiện
kiểm soát phạm vi đầu tiên của xung đột, đó là chỉ với một (hoặc một vài)
nước lân cận. Và “cận công” tức là chỉ tấn công địch thủ ở gần, càng nói rõ
hơn sự mong muốn kiểm soát xung đột ấy về phạm vi.
Bước tiếp theo trong kiểm soát về phạm vi, đó là dự kiến
và tiến hành xung đột xảy ra trong phạm vi một vùng lãnh thổ nhất định (đất
liền, biển, đảo, không gian…). Chứ hoàn toàn không phải là một cuộc xung đột
tổng lực với đối phương. Vì họ còn phải để dành và củng cố lực lượng cũng như
các tài sản quân sự của họ cho các lần “cận công” tiếp theo.
Thứ hai, là kiểm soát về thời gian xung
đột
Thời gian họ thích thường càng ngắn càng tốt, không hề
mong muốn kéo dài. Vì còn phải dành thời gian cho các lần “cận công” tiếp
theo. Đồng thời, thời gian xung đột kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy
tín ngoại giao, sức chịu đựng của dân chúng và binh lính cũng như nền kinh tế.
Thứ ba, là kiểm soát về mức độ thiệt
hại
Thiệt hại do xung đột trong giới hạn chịu đựng được: sẽ dự
kiến và chấp nhận thiệt hại bao nhiêu về nhân mạng binh lính của họ, về số
tài sản quân sự (máy bay, tàu chiến, xe tăng, pháo binh, tên lửa…), về chi
phí kinh tế, về sự ổn định kinh tế, chính trị trong nước, về tổn hại uy tín
trước thế giới (chúng ta không nên nghĩ họ không sợ tổn hại uy tín, vì họ đã
phải dùng rất nhiều tiền bạc và công sức để mua chuộc và lừa bịp cả thế giới,
để “viễn giao” tạo uy tín giả cho họ).
Tuy nhiên, chiến lược “xung đột có kiểm soát” mới chỉ là ý
muốn chủ quan của kẻ tính toán sẽ chơi với luật chơi do mình tạo ra. Nhưng
các địch thủ đang chịu sự “cận công” của họ có cho họ kiểm soát xung đột hay
không, có chấp nhận luật chơi do Trung Quốc đặt ra hay không lại là chuyện
hoàn toàn khác.
Điểm yếu xuyên suốt của chiến lược “xung đột có kiểm soát”
trong thế kỷ XXI này là tính bất khả thi của ý tưởng kiểm soát xung đột.
Khi nào các địch thủ của Trung Quốc không cho Trung Quốc kiểm soát được xung
đột ấy (trên ba tiêu chí kiểm soát xung đột đã nêu ở trên) Trung Quốc sẽ thất
bại. Thực tiễn cuộc chiến tranh Xô - Trung năm 1969 đã chứng minh điều đó.
1, tính bất khả thi về kiểm soát phạm
vi xung đột
Các nước bị “cận công” sẽ tìm đến các liên minh, các sự hỗ
trợ khác, họ cũng sẽ “viễn giao” với các nước khác vì ai cũng biết rằng Trung
Quốc có quá nhiều kẻ thù và ít nhất thì trong chiến tranh, không có một sự hỗ
trợ nào là thừa và kẻ thù của kẻ thù là bạn.
Đồng thời, các nước mà Trung Quốc muốn “viễn giao” cũng
nhận ra rằng với sự bành trướng bá quyền không ngừng của kẻ muốn “bình thiên
hạ” thì không mấy thời gian mà họ sẽ không còn là “viễn” với Trung Quốc nữa.
Khi ấy, họ sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo của kẻ luôn lấy “cận công” làm lẽ
sống.
Khi cỗ máy chiến tranh đã vận hành thì khó có ai có thể
ngăn nó lại, khi chủ nghĩa dân tộc đã lên cao, nó sẽ dẫn đến cuộc chiến tổng
lực. Ý tưởng kiểm soát xung đột trong một phạm vi lãnh thổ nhất định sẽ trở
nên bất khả thi.
2, tính bất khả thi về kiểm soát thời
gian xung đột
Sẽ không có địch thủ nào của Trung Quốc có ý định “dốc túi
đánh một trận cuối” với Trung Quốc, để Trung Quốc có thể kiểm soát về thời
gian xung đột theo cách càng ngắn càng tốt mà họ muốn.
Cuộc xung đột sẽ dai dẳng, một vài tháng, một vài năm, một
vài đời người. Thế giới đã chẳng từng chứng kiến người Do Thái đã giành lại
được quê hương, đất nước sau hơn 2000 năm lưu lạc đó sao; hay như dân tộc
Việt Nam đã đánh đuổi được bọn phong kiến phương Bắc xâm lược và giành lại
được nền độc lập tự chủ sau cả ngàn năm anh dũng, kiên cường nổi dậy đấu
tranh chống Bắc thuộc đó sao.
Và khi
ấy, ai cũng biết, một con voi cần nhiều bao nhiêu thức ăn, nước uống để sống
qua một ngày so với một con hổ.
Xung đột nổ ra, các tuyến đường biển sẽ bị phỏng tỏa, kinh
tế Trung Quốc sẽ suy sụp nhanh hơn nhiều so với các địch thủ của họ, Trung
quốc sẽ sa lầy, như bao cuộc chiến sa lầy khác. Thế giới sẽ phản ứng, nhân
dân Trung Quốc sẽ phản ứng…
3, tính bất khả thi về kiểm soát mức độ
thiệt hại
Mức độ thiệt hại trong xung đột của một bên luôn tỉ lệ
nghịch với sức mạnh tổng hợp của bên đó và tỷ lệ thuận với sức mạnh tổng hợp
của đối phương (gồm cả lực lượng, phương tiện, nghệ thuật tác chiến, ý chí
chiến đấu…).
Tuy nhiên, sức mạnh tổng hợp của một quốc gia chỉ thực sự
bộc lộ khi xung đột đã nổ ra, không thể tính toán trước được. Ngay như lịch
sử Trung Quốc cổ đại cũng đã chứng kiến trong trận chiến Phì Thủy, hơn 100
vạn quân của nước Tần đã bị 10 vạn quân của nước Tấn đánh cho tan tác …
Tóm lại, nếu xung đột nổ ra, các địch thủ của Trung Quốc
sẽ rất khó khăn để thắng được người khổng lồ Trung Quốc. Nhưng họ cũng sẽ
không bao giờ thua, vì chắc chắn nó sẽ là một cuộc xung đột không thể kiểm
soát.
Xung đột sẽ không giải quyết được vấn đề tranh chấp lãnh
thổ, dù sao đi nữa, cuối cùng, các bên sẽ vẫn phải ngồi lại với nhau, để đàm
phán song phương hoặc để trọng tài phân xử. Khi ấy, tranh chấp mới được giải
quyết triệt để.
|
Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét