Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013


 07:04
 Ham xuất khẩu, quên trong nước

Trong khi trữ lượng than của Việt Nam không còn nhiều, nhu cầu trong nước tăng mạnh trong những năm tới, ngành than lại hướng đến xuất khẩu

Để đáp ứng nhu cầu trong nước, năm 2015, Việt Nam sẽ phải nhập 6 triệu tấn than và đến năm 2025 là 60-70 triệu tấn. Trong khi đó, từ nay đến thời điểm buộc phải nhập khẩu than và sau đó, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vẫn phải xuất khẩu than để bù lỗ giá than tiêu thụ nội địa cũng như duy trì và phát triển sản xuất. Nhiều chuyên gia cho rằng lộ trình giảm xuất khẩu than cần được tính đến.
Nên tăng thuế xuất khẩu
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2012, Vinacomin xuất khẩu khoảng 14,3 triệu tấn than, tương đương 1,2 tỉ USD. Ông Lê Minh Chuẩn, Tổng Giám đốc Vinacomin, cho biết kế hoạch năm 2013, Vinacomin đặt mục tiêu tiêu thụ 43 triệu tấn than, tăng 3,7 triệu tấn so với năm 2012, tổng doanh thu tăng 15%, lợi nhuận giữ ở mức năm 2012, tức 2.500 tỉ đồng. Trong đó, xuất khẩu 16 triệu tấn, tăng 1,7 triệu tấn so với năm 2012.
Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan cho rằng Nhà nước nên xem xét tăng thuế xuất khẩu than vì sau khi giảm thuế xuất khẩu (từ 20% còn 10%), lượng than xuất khẩu tăng mạnh. Cụ thể 9 tháng đầu năm 2012, bình quân mỗi tháng Vinacomin xuất khẩu 1.138.000 tấn với giá bình quân 77,7 USD/tấn nhưng 2 tháng cuối năm, bình quân mỗi tháng xuất đến 1.617.000 tấn với giá bình quân giảm còn 71 USD/tấn.
Công nhân ngành than phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt nhưng hiệu quả của ngành lại không cao. Ảnh: ĐÔNG BẮC
Trước đó, trong 9 tháng đầu năm 2012, lượng than tồn kho khoảng 7 triệu tấn do xuất khẩu chậm. Để thoát khỏi tình cảnh này, theo đề nghị của Vinacomin, tháng 10-2012, Bộ Tài chính đã có thông tư hướng dẫn giảm thuế xuất khẩu than từ 20% còn 10%.
Vinacomin cho rằng xuất khẩu than lỗ là do các đối tác nước ngoài đưa ra giá thấp hơn giá thành. Trước thực trạng này, đã có giai đoạn Vinacomin phải tạm dừng xuất khẩu than. Vinacomin cho cho rằng với mức thuế xuất khẩu than kịch trần là 20% thì than Việt Nam khó cạnh tranh với các nước khác như Indonesia có thuế xuất khẩu than là 0%, Nga 5%, Mông Cổ 7%, Trung Quốc 10%...
Nhìn nhận về phương án giảm thuế xuất khẩu để giải cứu Vinacomin, TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Vinacomin, cho rằng: “Giảm thuế xuất khẩu than chỉ có cái lợi cho Vinacomin”.
Hướng đến khách hàng trong nước
Tháng 2-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu Vinacomin giai đoạn 2012-2015.
Góp ý về tái cơ cấu ngành than, TS Nguyễn Thành Sơn nhìn nhận hiện ngành này đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Sau cuộc khủng hoảng thừa than năm 1999, đến 2012, ngành này lại bị tồn kho lớn. Song do thiếu tầm nhìn chiến lược, ngành than đang mất định hướng phát triển thị trường, cơ cấu/chất lượng sản phẩm, áp dụng khoa học công nghệ, đầu tư phát triển, tổ chức sản xuất…
Theo TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lýcác dự án than đồng bằng sông Hồng:
“Do thiếu tầm nhìn chiến lược, ngành than đang mất định hướng phát triển thị trường...” Ảnh: THẾ DŨNG
Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn, vấn đề rất hệ trọng hiện nay là chất lượng than Việt Nam ngày càng thấp và kém hấp dẫn. Thêm vào đó, quản lý ngành than lại không theo quy luật thị trường mà vẫn duy trì hoạt động theo “kế hoạch phối hợp kinh doanh” nhưng thực chất là thủ tiêu cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nội bộ Vinacomin, cũng như với doanh nghiệp ngoài ngành. “Cách làm này đi ngược với cơ chế thị trường bởi chỉ nhằm phân chia thị trường, sản phẩm, dịch vụ và lợi nhuận” - ông Sơn phê phán.
TS Nguyễn Thành Sơn cảnh báo: Điều đáng lo ngại là trong khi các nhà máy nhiệt điện và xi măng trong nước sẽ là những khách hàng chủ yếu và lâu dài của ngành than nhưng Vinacomin lại tập trung xuất khẩu. Trong khi đó, gần 100% than xuất khẩu vừa qua có thể dùng để phát điện và sản xuất xi măng, đây là những loại than dự kiến sẽ thiếu trong tương lai gần.
Tính toán lại đầu tư
Về các biện pháp kỹ thuật, ông Sơn cho rằng Vinacomin đã buông lỏng quản lý kỹ thuật trong khai thác than lộ thiên, kém hiệu quả trong khai thác than hầm lò. Ông Sơn mổ xẻ: Hiện hơn 99% lợi nhuận của Vinacomin có được là từ khai thác than nhưng số vốn tự có này lại bị đầu tư dễ dãi vào đa lĩnh vực dẫn đến không hiệu quả. Theo kế hoạch năm 2013 của Vinacomin, tổng doanh thu từ than là 59.912 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế của các mỏ than là 4.399 tỉ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế của toàn Vinacomin chỉ có 2.500 tỉ đồng. Như vậy, gần 1.900 tỉ đồng lợi nhuận đã được dự tính để bù lỗ dưới nhiều hình thức cho các lĩnh vực kinh doanh đa ngành khác.
Theo ông Sơn, hiện khả năng huy động vốn của các mỏ than gần như không còn. Tỉ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu của các mỏ than, đặc biệt là các mỏ hầm lò, đều vượt mức báo động, có mỏ tới 5-8 lần.
Bình quân mỗi người Việt Nam chỉ có 25 tấn than
Theo Bộ Công Thương, căn cứ vào quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, có xét đến năm 2030 thì đến 2020, sẽ có 46 nhà máy điện đi vào hoạt động với nhu cầu 77 triệu tấn than/năm, trong đó có 25 nhà máy sẽ dùng than trong nước với 29 triệu tấn/năm, 21 nhà máy dùng than nhập khẩu với 48 triệu tấn/năm. Đến 2030, sẽ có 70 nhà máy nhiệt điện sử dụng than, với tổng nhu cầu lên đến 160 triệu tấn/năm, trong đó 24 nhà máy dùng than nội địa, còn lại nhập khẩu 130 triệu tấn/năm.
Trữ lượng than toàn thế giới hiện nay là trên 900 tỉ tấn, bình quân mỗi người là 150 tấn. Trong khi trữ lượng than Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 2 tỉ tấn/80 triệu người (chưa kể bể than đồng bằng sông Hồng), bình quân mỗi người Việt Nam chỉ có 25 tấn. Tỉ lệ này cho thấy Việt Nam không phải là nước còn nhiều than.
(Theo NLĐ) THẾ DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét