20:26
Chưa rõ ràng, không hợp lý
SGTT.VN - Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vừa có văn bản góp ý bốn điểm đối với bản dự thảo lần 4 thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở (theo nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7.1.2013 của Chính phủ) do ngân hàng Nhà nước (NHNN) soạn thảo. Theo bản kiến nghị này, NHNN cần phải làm rõ nhiều vấn đề thì những người nghèo mới có cơ hội được vay mua nhà lãi suất thấp.
Những người nghèo muốn mua nhà xã hội không thuộc nhóm được vay theo bản dự thảo. Ảnh: Thanh Hảo
|
Cụ thể, theo hiệp hội Bất động sản TP.HCM, dự thảo chỉ quy định: “Người tiêu dùng vay trong mười năm và được áp dụng lãi suất vay 6% trong ba năm, đến 15.4.2016. Sau thời điểm này, NHNN sẽ công bố mức lãi suất cho vay phù hợp để tiếp tục hỗ trợ khách hàng đã vay vốn”. Hiệp hội nhận thấy việc NHNN không nói rõ lãi suất mới sau 15.4.2016 như thế nào sẽ khiến người tiêu dùng không yên tâm và không dám vay. Do vậy, đề nghị NHNN nên quy định, sau 15.4.2016, nếu lãi suất mới thấp hơn 6%, người tiêu dùng được hưởng theo mức lãi suất mới, nếu lãi suất mới cao hơn 6% thì người tiêu dùng vẫn được hỗ trợ vay với mức 6%.
Hiệp hội cũng đề nghị thời hạn cho người tiêu dùng vay cần nâng lên 20 năm vì như vậy mới phù hợp với khả năng tài chính của người tiêu dùng, và số tiền trả hàng tháng cho ngân hàng ở mức hợp lý.
Về nội dung tài sản đảm bảo, hiệp hội cũng cho rằng, dự thảo có những quy định làm khó người nghèo. Cụ thể, đó là quy định yêu cầu người thuê, thuê mua nhà xã hội, người mua căn hộ thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá dưới 15 triệu đồng phải có tài sản thế chấp đảm bảo mới được vay, trong khi thực tế ai cũng biết những người cần những căn nhà để ở dạng này thì lấy đâu ra tài sản thế chấp để đảm bảo. Do vậy, hiệp hội đề nghị quy định rõ với cá nhân thuê mua, mua nhà, tài sản đảm bảo chính là căn hộ cá nhân mua hoặc thuê mua. Với doanh nghiệp thì tài sản đảm bảo chính là dự án nhà ở của doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đề nghị NHNN chỉ nên dùng số tiền 30.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho người tiêu dùng. Có như vậy mới hỗ trợ được đông đảo người tiêu dùng có thu nhập thấp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Nên tách ra một gói tín dụng khoảng từ 10.000 – 15.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Nhầm đối tượng?
Ngày 19.3, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết các nhóm đối tượng được cho vay ưu đãi, theo dự thảo bao gồm: người thu nhập thấp, cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội; người thu nhập thấp, cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2… Điều này có nghĩa là chỉ những người thuê nhà xã hội, hoặc thuê rồi mua trả góp nhà xã hội hoặc mua nhà thương mại (điều kiện như trên) mới được vay nguồn vốn này, còn những người nghèo muốn mua nhà xã hội không thuộc nhóm được vay.
Bình luận về nội dung này, ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành nói thẳng đây là một dự thảo phi lý. Theo ông Đực, đối tượng thực sự cần nguồn vốn lãi suất thấp là những người có thu nhập thấp chứ không phải là những đối tượng doanh nghiệp hoặc người mua nhà thương mại. Trên thực tế, lượng hàng tồn kho hiện nay chủ yếu rơi vào những dự án có diện tích căn hộ lớn chứ không phải là căn hộ nhỏ từ 70m2 trở xuống. Ông Đực kiến nghị, nếu NHNN không xem lại quy định này thì cũng rất khó để giải cứu thị trường như mục đích mà nghị quyết 02 đã đưa ra.
Tương tự, một cán bộ quản lý ngành bất động sản (đề nghị giấu tên) cũng cho rằng dự thảo đề án loại đối tượng cần mua nhà xã hội ra khỏi đối tượng vay mà chỉ cho nhóm đối tượng thuê, thuê mua mới được vay là “thiếu sót” và “không thực tế”. Theo ông này, người thuê nhà xã hội mỗi tháng tiền thuê ít nên hỗ trợ lãi suất cho họ là không cần thiết. Còn nhóm đối tượng “thuê rồi mới mua” hiện nay chưa có dự án nào đáp ứng.
(Theo SGTT) TÙNG QUANG
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét