Năm 2013 cần ưu tiên mục tiêu
kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời hướng tới hài hòa với mục
tiêu trung hạn: hỗ trợ xuất khẩu, cần bằng đối ngoại. Do vậy chưa cần thiết
và chưa nên đặt vấn đề điều chỉnh tỷ giá, khi xuất khẩu vẫn tăng khá và kiểm
soát lạm phát vẫn còn không ít thách thức.
Đó là kiến nghị
từ bản báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2013 của
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong đó có những nhận định đáng chú ý về
tăng trưởng và lạm phát.
Tuy nhiên, cũng theo Ủy ban, khi mục tiêu kiểm soát lạm phát trở nên hiện
thực hơn, thì cần thiết xem xét điều chỉnh tỷ giá để giảm bớt sức ép điều
chỉnh tỷ giá trong trung hạn.
Phối hợp với chính sách tiền tệ, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng
chính sách tài khóa cũng cần được điều hành theo hướng cần phải đẩy nhanh hơn
nữa tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ tổng cầu, đặc biệt là
tập trung đẩy mạnh giải ngân trong 2 quý đầu năm cho những dự án đã có kế
hoạch hoàn thành trong năm 2013. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thu ngân sách
Nhà nước khó khăn, cần tiếp tục thực hiện quản lý chi thường xuyên tiết kiệm
và hiệu quả hơn trong năm 2013.
Theo cơ quan này, năng lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong
tháng đầu năm 2013 “chưa cho thấy nhiều cải thiện so với những tháng cuối năm
2012. Nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, tổng cung và
tổng cầu vẫn còn yếu”.
Năng lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong tháng đầu năm 2013 chưa
cho thấy nhiều cải thiện so với những tháng cuối năm 2012. Nền kinh tế tiếp
tục phải đối mặt với nhiều thách thức, tổng cung và tổng cầu vẫn còn yếu.
Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu cải thiện nhưng chưa chắc chắn, với chỉ số
sản xuất công nghiệp bình quân 2 tháng đầu năm 2013 tăng 6,8% so cùng kỳ, cao
hơn mức 3,9% của 2 tháng đầu năm 2012, nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức 10,3% của
2 tháng đầu năm 2011.
Theo thông tin từ các doanh nghiệp được khảo sát, các điều kiện thị trường
nhìn chung vẫn yếu, phản ánh ở việc giảm số lượng đơn đặt hàng cả trong nước
và xuất khẩu. Đặc biệt, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm tháng thứ 9
liên tiếp và tốc độ giảm ở mức độ ngày càng lớn.
Từ thực tế hiện nay, Ủy ban cho rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2013 thấp
hơn năm 2012 sẽ là “rất khó khăn trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước
cũng như thế giới còn nhiều biến động”.
Do đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý để hình thành một
“gói bình ổn giá” trong đó bao gồm các loại lộ trình tăng giá xăng, dầu, giá
điện, giá dịch vụ công…, nhằm phân bổ hợp lý hơn việc tăng giá (nếu cần
thiết) theo phương thức tăng giá chia đều cho các tháng, tránh tập trung vào
các tháng có CPI tăng cao theo tính chất mùa vụ hoặc vào những thời điểm nhạy
cảm làm gia tăng kỳ vọng lạm phát.
(Theo VnEconomy) HOÀI NGÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét