Thời báo Kinh tế Sài Gòn tuần này có hai bài quan trọng về hậu quả mà Vinashin đang gây ra cho hệ thống ngân hàng trong nước.
Đó là bài “Phá sản Vinashin, tại sao không?” của Hải Lý và bài “Nỗ lực lội ngược dòng của PVFC” của Ngọc Lan.
Lâu nay nói đến Vinashin chúng ta đều hình dung một cục nợ khổng lồ nhưng hầu như không có thông tin gì cụ thể về cục nợ này. Chỉ đến khi các ngân hàng hay công ty liên quan có vấn đề, phải sáp nhập, hợp nhất hay nói chung có động thái gì đó phải công khai thông tin thì “cục nợ Vinashin” mới dần lộ diện. Quy mô và sự độc hại của một Vinashin đang trên bờ phá sản có thể vượt quá sự hình dung của mọi người.
Nổi lên gần đây nhất là chuyện đảo nợ. Toàn bộ số tiền 600 triệu đô-la nợ của các tổ chức tài chính nước ngoài được Vinashin đề xuất hoán đổi thành trái phiếu kỳ hạn 12 năm, có sự bảo lãnh của Bộ Tài chính Việt Nam. Trước đó khoản trái phiếu quốc tế 750 triệu đô-la thì chắc chắn Nhà nước phải gánh vì do Chính phủ phát hành lấy tiền về giao cho Vinashin.
Bài báo của Hải Lý viết: “Nếu tính cả khoản trái phiếu quốc tế 750 triệu đô la Mỹ mà Chính phủ đã phát hành dành cho Vinashin, từ nay ngân sách nhà nước có khả năng phải gánh1,35 tỉ đô la Mỹ nợ của tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy. Số tiền này gần bằng 30.000 tỉ đồng mà Ngân hàng Nhà nước dự tính sẽ tái cấp vốn cho 5 ngân hàng, do Nhà nước nắm quyền chi phối, trong ba năm để hỗ trợ viên chức, bộ đội mua, thuê nhà ở xã hội”.
Với những khoản nợ trong nước, nạn nhân đầu tiên của Vinashin là Habubank, phải sáp nhập với SHB vì không gánh nổi khoản nợ xấu hơn 3.345 tỉ đồng của Vinashin để lại. Rồi đến Tổng công ty cổ phần Tài chính dầu khí (PVFC) và Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) lên kế hoạch sáp nhập, phải xin phép Ngân hàng Nhà nước cho phép không tính hai khoản nợ xấu của Vinashin và Vinalines trị giá hơn 2.800 tỉ đồng vào tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất.
Bài báo của Ngọc Lan kể lại: “Đầu năm 2010, khi công bố báo cáo tài chính năm 2009, PVFC đã phải giải trình về khoản dư nợ tín dụng 1.305 tỉ đồng cho các khách hàng thuộc nhóm Vinashin vay quá hạn thanh toán mà không tính vào nợ xấu. Tại thời điểm đó, PVFC viện dẫn tất cả các quyết định của Chính phủ và NHNN cho phép khoanh, cơ cấu lại các khoản nợ cũ của Vinashin, chưa đưa vào nợ xấu nhằm “giữ” được lợi nhuận hơn 500 tỉ đồng của năm tài chính 2009. Kết quả kinh doanh những năm tiếp theo cũng không khá hơn vì cục nợ này vẫn còn nguyên đó”.
Ngoài trường hợp cụ thể này, bài báo còn cho biết hàng chục ngân hàng chủ nợ khác cũng được Chính phủ chỉ đạo khoanh nợ, không yêu cầu nhận nợ bắt buộc, không phát mãi tài sản đối với con nợ Vinashin. Đổi lại, tất cả các khoản vay, mua trái phiếu của Vinashin tại các ngân hàng được hoán đổi thành trái phiếu đảo nợ có bảo lãnh của Chính phủ, thời hạn 10 năm nhưng có giá trị bằng 30% dư nợ gốc mà các tổ chức tín dụng đã cho Vinashin vay.
Các ngân hàng thiệt hại đến 70%, rồi 10 năm nữa không biết sẽ nhận về được bao nhiêu. Mỗi ngân hàng thiệt hại cả ngàn tỷ đồng nhưng chưa biết sẽ hạch toán ra sao như “BIDV đã trích tới gần 4.000 tỉ đồng [dự phòng rủi ro đối với các khoản vay của Vinashin] mà vẫn chưa hết nợ”.
Chính vì thế bài của Hải Lý cho rằng cần phải để Vinashin phá sản vì “sự phá sản của Vinashin là một bài học cảnh tỉnh cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, buộc họ phải đẩy nhanh cải cách, tự nâng cao hiệu quả kinh doanh, vì nếu không họ sẽ bị đào thải”.
Dù còn chưa đi vào chi tiết, hai bài báo cũng bước đầu làm rõ cái tác hại của Vinashin lên nền kinh tế.
* * *
Vấn đề đặt ra ở đây là vì sao không công khai thông tin giải quyết cục nợ Vinashin để xã hội giám sát? Sau khi vụ việc Vinashin nổ ra từ năm 2010, đã có nhiều văn bản liên quan đến chuyện tái cơ cấu tập đoàn này, trong đó luôn nhấn mạnh đến yêu cầu minh bạch thông tin nhưng tình hình làm ăn của Vinashin những năm gần đây, cách giải quyết nợ nần, cách sắp xếp tổ chức lại tập đoàn này ra sao thì hoàn toàn thiếu vắng thông tin.
Lúc trước các quan chức nói cũng có phần đúng là Vinashin nợ 86.000 tỷ đồng nhưng tiền không mất đi đâu, tiền nằm trong tài sản của Vinashin. Lúc mới nổ ra vụ việc, dù giá trị thật của tài sản Vinashin thấp hơn nợ nần nhưng dù sao cũng có giá trị nào đó. Nay bên nợ thì khoanh lại, không cho đòi, lại giải quyết theo kiểu “đẩy về tương lai” thì chắc chắn bên tài sản do không ai giám sát, không ai đòi quyết liệt, sẽ hao hụt theo ngày tháng. Lẽ ra đã phải cho Vinashin phá sản từ lâu để chủ nợ chăm lo việc thanh lý tài sản, biết đâu thu về còn nhiều hơn bây giờ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét