Quân đội Trung Quốc mạnh cỡ nào?
Các năng lực quân sự ngày càng tinh vi của Trung Quốc tiềm tàng làm thay đổi một cách cơ bản cán cân chiến lược của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nhân dịp ra mắt cuốn thứ 12 trong tập sách Châu Á Chiến lược của NBR (Cục Nghiên cứu Quốc gia về Châu Á) - với tựa đề Châu Á Chiến lược 2012-13: Thách thức Quân sự của Trung Quốc, chúng tôi đã trò chuyện với Giám đốc Nghiên cứu Châu Á Chiến lược, ông Ashley J. Tellis (Carnegie Endowment for International Peace). Trong cuộc phỏng vấn này, Tiến sĩ Tellis thảo luận về những kết luận chính trong cuốn sách và lập luận rằng các năng lực quân sự ngày càng tinh vi của Trung Quốc tiềm tàng làm thay đổi một cách cơ bản cán cân chiến lược của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
- Cuốn Châu Á Chiến lược năm ngoái đã nghiên cứu sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ, những tác động đối với châu Á-Thái Bình Dương, và phản ứng của các nước châu Á khác và Mỹ. Trọng tâm của cuốn sách năm nay thu hẹp ở phạm vi các tác động về năng lực quân sự tiến bộ của Trung Quốc. Tại sao ông lại quyết định chỉ tập trung vào khía cạnh sức mạnh của Trung Quốc?
Chúng tôi chủ ý thu gọn trọng tâm của cuốn sách năm nay bởi vì các năng lực quân sự của Trung Quốc giờ đã trở thành một yếu tố quan trọng đối với sự ổn định của châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi muốn nghiên cứu các quy mô cụ thể của tiến trình hiện đại hóa đó, đặc biệt là các khả năng từ chối - tiếp cận của Trung Quốc, bởi vì dường như chúng tôi thấy rằng các yếu tố đó có tiềm năng lớn nhất làm thay đổi sự cân bằng chiến lược của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tôi luôn quan điểm rằng sự thành công của châu Á là một hàm gồm ít nhất 2 hệ số chủ chốt. Thứ nhất là khả năng của Mỹ trong việc đảm bảo một môi trường khu vực bình yên nhờ khả năng phóng chiếu sức mạnh của nước này tới các vùng ven biển châu Á. Thứ hai là năng lực quân sự của các nước trong khu vực tiếp tục trong trạng thái cân bằng.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc đầu tư vào các năng lực từ chối chiến lược trong thập niên qua rõ ràng đã khiến cho hệ số thứ nhất thay đổi. Và mặc dù người ta không chú ý nhiều đến điều đó, tôi nghĩ năng lực của Trung Quốc cũng đang ảnh hưởng tới hệ số thứ 2 và phá vỡ sự ổn định của các cán cân trong khu vực mà chúng ta vốn cho là hiển nhiên.
Nếu các năng lực từ chối của Trung Quốc thực sự đe dọa triệt tiêu cả hai hệ số này - khả năng phóng chiếu sức mạnh của Mỹ và các cán cân trong khu vực vốn đang dần đông cứng lại trong 30-40 năm qua - thì phạm vi giờ đã được đặt ra cho một số chuyển đổi hệ quả ở châu Á - Thái Bình Dương.
Vì vậy, chúng tôi cảm thấy chủ đề này đáng được nghiên cứu sâu hơn. Lần cuối cùng chúng tôi nghiên cứu các năng lực quân sự của Trung Quốc là cách đây 6 năm. Trong cuốn Châu Á Chiến lược 2005-06, chúng tôi đã trình bày một đánh giá sâu rộng về chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc. Năm nay, chúng tôi nghĩ nên tập trung vào các mức độ năng lực cụ thể để đánh giá chúng ảnh hưởng như thế nào đến hai hệ số nêu trên. Và chúng tôi thấy rằng các năng lực từ chối tiếp cận của Trung Quốc đang tác động rất lớn dọc theo cả hai yếu tố này. Các chương của cuốn sách đưa ra nhiều đánh giá thấu đáo về mức độ thế nào và tại sao lại như vậy.
- Liệu sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc có đe dọa đến sự ổn định khu vực? Các láng giềng của Trung Quốc đã nỗ lực điều chỉnh những lo lắng chiến lược như thế nào cho phù hợp với sự phụ thuộc kinh tế ngày càng lớn của họ vào Trung Quốc?
Liệu các năng lực quân sự của Trung Quốc có đe dọa ổn định hay không là vấn đề về các yếu tố cấu trúc chứ không phải các yếu tố ngoại giao. Trong khi Trung Quốc tiếp tục đưa ra các cam kết ngoại giao với khu vực, những cam kết này tự thân chúng không đủ để làm thay đổi các yếu tố quan trọng trên thực tế.
Đúng vậy. Hầu hết các nước châu Á đang phản ứng theo cách đó - tức là, họ đang nhận các cam kết ngoại giao cho những gì họ xứng đáng. Tuy nhiên, vẫn có những lo lắng cao độ giữa các láng giềng của Trung Quốc, bởi họ biết rằng cán cân quyền lực đang thay đổi theo hướng bất lợi cho họ. Sự thay đổi đó đang diễn ra giữa một thời điểm mà họ thấy sức mạnh quân sự của Mỹ đang ngày càng bị thách thức ở châu Á, sức mạnh kinh tế của Mỹ đang ngày càng yếu đi, và năng lực quân sự của chính họ ngày càng nhỏ bé so với Trung Quốc. Chính những thay đổi quan trọng này đang tác động đến những toan tính của các láng giềng của Trung Quốc hơn là những gì đang diễn ra trên lĩnh vực ngoại giao.
Hơn nữa, các nước châu Á rõ ràng đang bị trói buộc. Thậm chí họ đã thấy rõ những thay đổi quan trọng trong cán cân quyền lực, họ cũng biết rõ thực tế có một sự tương thuộc kinh tế ngày càng lớn với Trung Quốc. Các láng giềng của Trung Quốc không muốn gì hơn là có điều tốt nhất của cả hai thế giới - cũng là hợp lý đối với bất kỳ chủ thể nào trong tình huống này. Họ muốn tất cả các lợi ích thương mại có được từ sự tương thuộc đó, nhưng họ cũng muốn những miễn trừ xuất phát từ việc có một cán cân quyền lực có lợi. Thật không may, không có cách nào dễ dàng để điều chỉnh chu trình đó.
Ở mức độ mà sự tương thuộc kinh tế ngày càng tăng giữa Trung Quốc và khu vực có thể dẫn tới những đồng cảm lớn hơn giữa các chủ thể trong khu vực thì chắc chắn đó là một diễn tiến tích cực. Tuy nhiên, phải nói rằng thực tế tiến trình này xảy ra đồng thời với những gì là sự chuyển đổi các năng lực quan trọng đã khiến nhiều đối tác khu vực do dự về việc liệu các lợi ích kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc, rốt cuộc, có đạt tới nhận thức về các khả năng quân sự mạnh mẽ hơn hay không.
Về mặt lịch sử, khu vực đã giải quyết vấn đề này bằng cách dựa vào Mỹ. Ngay cả nếu các cán cân quân sự suy giảm trong một số trường hợp cụ thể, thì các nước châu Á đã tìm được sự an ủi từ thực tế rằng Mỹ đã cung cấp cho họ sự bảo vệ. Bởi vì sự bảo vệ này rất mạnh, các chủ thể trong khu vực có thể tiếp tục trao đổi mậu dịch với Trung Quốc, ngay cả khi cuối cùng Trung Quốc phát triển nhanh hơn họ.
Tuy nhiên, những gì hiện đang phá vỡ tính toán truyền thống này là việc Mỹ dường như đang lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế, mà điểm kết thúc của nó vẫn còn chưa rõ ràng. Do vậy, sự chắc chắn về tương lai của cường quốc quân sự Mỹ ngày càng giảm đi, đặc biệt là khi Trung Quốc phát triển thành công các năng lực từ chối. Vì thế, chúng ta hiện đang sống ở một thời khắc chuyển giao quan trọng, nơi mọi quốc gia trong khu vực đều thấy lo phiền vì bất trắc về tương lai.
Ai cũng hy vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ trở lại bình thường và Mỹ sẽ chứng kiến một thời kỳ phục hồi tăng trưởng kinh tế sau khi tác động khủng hoảng kinh tế kết thúc. Mọi người đều hy vọng Mỹ sẽ có thể thực hiện một cuộc hồi sinh với các năng lực kinh tế lớn hơn. Và hy vọng nhờ một sự kết hợp đổi mới công nghệ, các chế độ vận hành mới, và các mối quan hệ đối tác chiến lược, Mỹ sẽ có thể phục hồi khả năng về các đảm bảo an ninh. Nếu hy vọng đó trở thành sự thật, sẽ có một sự đảo ngược về trạng thái cân bằng truyền thống. Nhưng nếu có bất kỳ yếu tố nào trong số này không trở thành hiện thực theo cách mà khu vực kỳ vọng, thì khi đó, chúng ta nhiều khả năng sẽ tiến vào một thời kỳ bất ổn nghiêm trọng trong những năm sắp tới.
- Trong phần giới thiệu cuốn sách, ông nói rằng, với vai trò là một cường quốc dẫn đầu thế giới, Mỹ đối mặt với một thế tiến thoái lưỡng nan: khi bảo đảm cho sự ổn định của hệ thống quốc tế và khuyến khích sự tương thuộc kinh tế, Mỹ cho phép sự trỗi dậy của các đối thủ tiềm năng - chẳng hạn như Trung Quốc - mà sự trỗi dậy này có thể làm mất ổn định hệ thống khi họ tìm cách đảo lộn hoặc thay đổi trật tự hiện thời theo ý mình. Liệu có cách nào tránh được hoặc giảm bớt những tác động của nghịch lý này không?
Theo tôi nghĩ, thế tiến thoái lưỡng nan mà Mỹ đang đối mặt với hy vọng quản lý được sự tương thuộc và an ninh sẽ là thế khó chủ đạo trong ít nhất nửa đầu tiên của thế kỷ. Không có giải pháp dễ dàng nào cho điều này.
Giải pháp duy nhất sẽ làm thỏa mãn cả về tư duy lẫn thực tiễn là giải pháp bắt nguồn từ việc củng cố quyền bá chủ của Mỹ. Nếu Mỹ tìm ra một cách để trở lại dưới dạng phục hồi kinh tế của chính nước này, nếu họ tìm được một cách để có những phát kiến mới cho phép nước này chi phối nền kinh tế toàn cầu thêm một thế hệ nữa, thì khi ấy, theo tôi, kết quả này sẽ mang lại những giải pháp tốt nhất cho thế khó đó. Đặc biệt, nó sẽ có tác động phục hồi nguyên trạng như trước. Nó tái tạo những điều kiện đã tồn tại khi Mỹ đặt hệ thống thương mại toàn cầu vào đúng vị trí - hệ thống mà sau đó trở thành nền tảng cho sự tương thuộc toàn cầu.
Nếu Mỹ không thể làm được như thế, nếu họ không thể trở lại và tái thiết các nền tảng cho sức mạnh kinh tế của mình, thì nước này sẽ phải triền miên đứng trước các lựa chọn không hề dễ chịu. Trung tâm của vấn đề sẽ là các câu hỏi: Liệu Mỹ có thể tiếp tục gánh chịu phí tổn duy trì một thể chế toàn cầu mà sẽ ngày càng tạo ra nhiều đối thủ cạnh tranh hơn? Thêm nữa, liệu điều này có thể là một sự đầu tư vững chắc?
Như thế có nghĩa là Mỹ có thể không đạt được nhiều lợi ích như các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là khi các đối thủ cạnh tranh bắt đầu tạo ra những thách thức ngày càng lớn hơn trong đấu trường quân sự. Thế khó này sẽ ngày càng cấp bách và gây rắc rối nếu Mỹ không thể thực hiện một sự phục hồi kinh tế. Tin tốt là không gì ngăn được Mỹ thực hiện điều này. Mỹ vẫn là quốc gia đổi mới nhất trong tất cả các nền kinh tế toàn cầu.
Nếu Mỹ xoay xở được điều đó, trong số nhiều điều khác, thì không có lý do gì mà những chuyển đổi đang diễn ra trong nền kinh tế thật ở Mỹ không được đáp lại bởi sự đúng đắn trong nền kinh tế tiền tệ. Nói về nền kinh tế thật, có rất nhiều tin tức thú vị tiềm ẩn. Mỹ hiện đang trở nên độc lập cao điểm về năng lượng lần đầu tiên trong rất nhiều thập niên; nước này đang trên đỉnh của một cuộc cách mạng công nghiệp mới với các công nghệ như sản xuất 3-D; nước này vẫn dẫn đầu xuất sắc về các công nghệ quân sự then chốt; và Mỹ vẫn là trung tâm đơn lẻ lớn nhất về sản xuất khoa học và công nghệ trên thế giới.
Vì vậy trong một nền kinh tế thật, mọi thứ trông không tồi tệ như đôi khi chúng được mô tả. Nhưng bí quyết sẽ là thiết lập một trạng thái tài chính bền vững để có thể tạo ra một môi trường thân thiện hơn nhằm nuôi dưỡng các cuộc cách mạng này trong nền kinh tế thật. Nếu chính trị của chúng ta cho phép chúng ta thực hiện các lựa chọn khôn ngoan về chiến lược, chúng ta rốt cuộc sẽ có thể tạo ra một môi trường quốc gia cực kỳ thuận lợi cho một sự lặp lại của thành công Schumpeterian trong nền kinh tế toàn cầu. Và đó thực sự là những gì tôi nghĩ các mục tiêu trung hạn và ngắn hạn nên hướng tới.
- Hồi tháng 1, chính phủ Mỹ thông báo một chính sách "tái cân bằng chiến lược" để thích nghi với những chuyển đổi sức mạnh địa chính trị trên toàn cầu về phía châu Á-Thái Bình Dương. Ông có nghĩ chiến lược này sẽ thành công, và theo ông nước Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức nào?
Quyết định của chính phủ Mỹ nhằm tái cân bằng hướng tới Thái Bình Dương là điều vừa cần thiết vừa không thể tránh khỏi. Cần thiết là bởi vì khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay là trung tâm về chính trị và kinh tế toàn cầu. Không tránh khỏi là bởi vì mọi nước đều sẽ buộc phải chuyển hướng các nguồn lực của họ tới những nơi mà họ có thể thu về những lợi ích lớn nhất và đối mặt với những thách thức lớn nhất. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương rõ ràng chứa đựng cả hai yếu tố này. Vì vậy tôi nghĩ nếu chính quyền Obama không tuyên bố tái cân bằng thì chính quyền kế nhiệm sẽ làm vậy.
Nên nhớ rằng khi chính quyền George W. Bush nhậm chức, đã có nhận thức rằng Mỹ sẽ phải tập trung vào châu Á - Thái Bình Dương. Thực tế, nếu bạn nhớ tất cả các tuyên bố chính thức của chính quyền trước ngày 11/9 thì sẽ thấy chúng đều tập trung vào cách thức kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Định hướng đó cho thấy cốt lỗi của cân bằng chiến lược. Chính quyền đã nhận ra từ rất sớm rằng các khoản đầu tư lớn được thực hiện ở bên trong châu Âu và Trung Đông sẽ dần dần bị thay thế thiên về một sự ràng buộc mới với châu Á.
Thật không may, sự kiện 11/9 đã xảy ra và Mỹ đã dính líu vào các khu vực Nam Á và Trung Đông nhiều hơn bao giờ hết. Những can thiệp ở Nam Á và Trung Đông là kém khôn ngoan, bởi vì chúng là những ép buộc xuất phát từ sự cần thiết tạm thời chứ không phải là bộ điều khiển của xu hướng bền vững nào đó. Động lực lâu dài vẫn là châu Á, bởi vì đó là nơi có lịch sử tăng trưởng. Thực vậy, nếu các sự kiện quanh 11/9 không xảy ra, nước Mỹ đã dịch chuyển năng động hơn nhiều theo trọng tâm hướng tới châu Á - Thái Bình Dương của mình. Chính quyền Obama chỉ đơn giản là tìm lại được điểm mà những cơn bốc đồng ban đầu của chính quyền Bush đã dẫn đến. Đó là điều đúng đắn cần làm.
Trở ngại lớn nhất đối với tái cân bằng là các nguồn lực bị hạn chế. Các ý định là đúng, đường hướng là chuẩn, nhưng liệu Mỹ có đủ các nguồn lực để thực thi một sự cân bằng thành công hay không là điều còn chưa rõ. Theo tôi, để tái cân bằng thành công, nước Mỹ phải hoàn thành 3 nhiệm vụ chiến lược.
Thứ nhất, Mỹ phải duy trì quyền bá chủ khu vực của mình thông qua áp dụng sức mạnh quốc gia toàn diện - quân sự, kinh tế và chính trị... Thứ hai, Mỹ phải đủ sức loại bỏ được những thách thức từ chối mà một số nước như Trung Quốc ở Viễn Đông và Iran ở Vịnh Ba Tư thể hiện. Thứ ba, Mỹ phải duy trì các năng lực quân sự hùng mạnh toàn diện trong khu vực để làm tiêu tan bất kỳ một sự cạnh tranh an ninh cục bộ nào giữa các nước trong khu vực - và đôi khi là giữa chính các đồng minh của nước này.
Liệu Mỹ sẽ có các nguồn lực để thực thi hiệu quả một chiến lược mà sẽ đạt được 3 mục tiêu này, theo tôi, vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải. Chưa có lời giải là bởi vì chúng ta chưa chắc chắn liệu Mỹ có thành công trong sự chuyển đổi kinh tế của chính nước này hay không. Chúng ta sẽ biết vào cuối thập niên này rằng liệu Mỹ có đủ khả năng ổn định tình hình tài chính và vận hành chính trị hiệu quả để cho phép nước này ra các quyết định sáng suốt nhằm đưa đất nước tới đích mong muốn.
- Do mối quan hệ vốn đã sóng gió mà điển hình là những nhận thức sai và hồ nghi chiến lược ngày càng tăng, làm sao Mỹ và Trung Quốc có thể tránh được một thế khó về an ninh vốn đang leo thang thành xung đột?
Không may là Mỹ và Trung Quốc đã bị kẹt trong một thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh. Đó là một thế khó mà cả hai bên sẽ phải giải quyết trong vài thập niên, và không hề có một lối thoát dễ dàng.
Chừng nào Trung Quốc còn tiếp tục tăng cường các năng lực của mình, Mỹ sẽ vẫn phải lo lắng về những gì mà sự phát triển đó báo hiệu cho cả an ninh khu vực lẫn vị trí đứng đầu khu vực của chính Mỹ. Trung Quốc sẽ tiếp tục lo âu về việc liệu Mỹ có đầu tư vào các chiến lược quyết đoán hơn nhằm chế ngự sự phát triển của mình hay không. Đây là bản chất của con người, và không phải là thứ có thể giải quyết một cách thần kỳ. Cả hai bên phải xử lý thế khó theo các cách ngăn cho tình hình biến thành xung đột mở.
Sự vươn dậy của các cường quốc lớn luôn dẫn tới những thời kỳ bất an trong chính trị quốc tế. Chúng ta đã có nhiều ví dụ lặp đi lặp lại trong quá khứ, khi mà sự vươn dậy của các cường quốc góp phần làm gia tăng ngờ vực và thậm chí cả xung đột. Nếu may mắn, chúng ta có thể tránh được những tác động nặng nề nhất - một cuộc xung đột không giới hạn quyết liệt và lan truyền.
Tôi nói rằng "nếu chúng ta may mắn" một phần bởi vì mức độ tương thuộc kinh tế luôn cản trở tiềm năng xung đột. Sự hiện diện của các vũ khí hạt nhân là một trở ngại nữa đối với tiềm năng và mức độ xung đột. Mặc dù vậy, tình hình sẽ vẫn cần rất nhiều nỗ lực từ cả hai phía nhằm ngăn chặn một sự bùng phát chiến tranh thực sự. Hơn nữa, cả hai bên sẽ phải làm rất nhiều điều đúng đắn để tiết chế cuộc cạnh tranh của họ. Tuy nhiên, tôi nghĩ cuộc cạnh tranh này sẽ tiếp tục tồn tại trong một thời gian dài.
Sam Nguyễn theo NBR
*Tác giả Greg Chaffin là một chuyên gia về các vấn đề an ninh và chính trị tại NBR (Cục Nghiên cứu Quốc gia về Châu Á - The National Bureau of Asian Research).
(Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt)
|
Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013
15:11
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét