Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012


 08:00
 Những lỗ hổng gây bất ổn thị trường xăng dầu

TP - Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, trình Chính phủ trong tháng 12 này. Hàng loạt lỗ hổng dẫn tới những bất ổn trên thị trường xăng dầu được các DN và chuyên gia chỉ ra.
DN đòi cơ chế thị trường
Theo đánh giá của các doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối và các chuyên gia trong ngành, có nhiều lỗ hổng trong Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu khiến thị trường luôn bị méo mó, chậm bám kịp diễn biến của thị trường.
Theo đại diện một DN đầu mối, trong chừng mực nào đó quy định “cứng” trong Nghị định về việc buộc tổng đại lý, đại lý chỉ được ký hợp đồng với một DN đầu mối, chỉ được mua bán xăng, dầu với các DN trong cùng hệ thống phân phối đã khiến các đơn vị không có cửa để chọn các DN có điều kiện cung ứng hàng với giá tốt nhất, dù thấy rõ giá mình đang mua chưa phải là tốt nhất trên thị trường.
“Quy định này không chỉ hạn chế cạnh tranh mà còn tạo ra những đặc quyền cho DN đầu mối, tạo kẽ hở cho việc đầu cơ, găm hàng, ép buộc nhau trong mua bán, trong việc trả hoa hồng..., tạo ra những bất ổn của thị trường trong toàn hệ thống” - vị này khẳng định.
Còn theo một chuyên gia trong ngành, Nghị định 84 chưa quy định cơ chế cho DN tiếp cận với các phương thức kinh doanh như mua bán theo hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, “mua trước, bán trước” và các biện pháp phòng, chống rủi ro về giá cả; chủ động và linh hoạt trong xác định giá, giúp ổn định lợi nhuận của DN.
“Ngay cả hai yếu tố đáng nhẽ phải là quyền quyết định đương nhiên thuộc về DN là chi phí kinh doanh và lợi nhuận trong kinh doanh xăng, dầu cũng đang do Nhà nước quy định. Điều này đồng nghĩa quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN không tồn tại trên thực tế” - một cựu lãnh đạo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nhận định.
Đại diện một DN đầu mối cho biết, để tạo sự cạnh tranh, giảm thiểu tình trạng thống lĩnh thị trường, cần xem xét các điều kiện quy định về kinh doanh xăng, dầu (về kho tàng, cầu cảng, phương tiện vận chuyển, hệ thống phân phối...) để tạo điều kiện cho nhiều thành phần kinh tế cùng gia nhập thị trường, cùng cạnh tranh. Có thể xem xét cho các tổng đại lý, đại lý được ký hợp đồng với ít nhất ba đầu mối để có mức giá cạnh tranh tốt nhất cho người tiêu dùng.
“Quên” quản tổng đại lý
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Quản lý giá, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, cần chuyển cho DN quyền chủ động tính toán phương án và quy định giá bán theo tín hiệu của thị trường, theo nguyên tắc lấy gần bù xa.
Trong điều kiện Nhà nước vẫn phải hướng dẫn công thức tính giá thì cần đi theo hướng tất cả các yếu tố cấu thành giá phải là giá thị trường, không quy định cụ thể định mức chi phí, lợi nhuận.
Cùng với đó, giảm thời gian tính giá bình quân xuống 10 ngày phù hợp tần suất giữa hai lần điều chỉnh giá để bám sát diễn biến giá thế giới, giúp DN có ứng xử phù hợp với biến động của thị trường, giảm thiểu các nguy cơ gây sốc của giá thế giới, tỷ giá, lãi suất...
“Không nên gắn thời gian tính giá theo thời gian dự trữ lưu thông; các chi phí bắt buộc DN phải dự trữ lưu thông cũng cần phải có cơ chế xử lý và Nhà nước cũng phải chia sẻ trách nhiệm với DN. Nhà nước tập trung sự kiểm soát về kinh doanh, về giá là chủ yếu đối với DN có thị phần lớn” - ông Thỏa kiến nghị.
Theo một chuyên gia trong ngành, một lỗ hổng thấy rõ là hiện các tổng đại lý kinh doanh xăng dầu đang là đối tượng bị “bỏ quên” nằm ngoài vùng quản lý của các bộ ngành.
Hiện việc cấp phép hoạt động cho đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu được giao cho UBND và Sở Công Thương các tỉnh thành, trong khi các tổng đại lý thì không thuộc quyền quản lý của bất cứ ai.
Các tổng đại lý chỉ việc ký hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp và cứ như vậy ung dung hoạt động. Điều này dẫn đến việc không cơ quan nào chịu trách nhiệm về chất lượng, nguồn hàng và hoạt động của các tổng đại lý này mỗi khi giá thế giới lên cao, doanh nghiệp bị lỗ nặng.
Về sửa đổi Nghị định 84, mới đây Sở Công Thương Bình Dương có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị “vá” một số lỗ hổng bất hợp lý như cần phải giảm thời gian dự trữ xăng dầu, điều chỉnh quy định về tỷ lệ hoa hồng cho đại lý, điều chỉnh mức chi phí kinh doanh định mức đã lỗi thời.
Theo đại diện Sở này, quy định DN kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu bằng 30 ngày là quãng thời gian dự trữ dài nên gây áp lực về vốn cũng như lãi suất tiền vay đối với DN đầu mối.
Trong thực tế, chi phí kinh doanh định mức, theo quy định là 600 đồng/lít xăng dầu đã được thực hiện trong gần ba năm qua, trong khi đó giá cả thị trường luôn biến động theo chiều hướng tăng và hiện chỉ có thể đảm bảo cho chi phí quản lý của doanh nghiệp đầu mối còn chi phí thù lao dành cho tổng đại lý, đại lý do doanh nghiệp đầu mối tự cân đối trong lợi nhuận của mình.
“Thù lao đại lý là vấn đề được nhiều người quan tâm. Trong giai đoạn lỗ giá vốn các DN đầu mối giảm thù lao đến mức thấp nhất khiến đại lý lỗ, kéo theo tình trạng bán cầm chừng. Khi có lãi, các DN đầu mối tìm mọi cách tăng thù lao, giành giật, lôi kéo các đại lý ở hệ thống phân phối khác về với mình dẫn đến thị trường bất ổn, cạnh tranh gay gắt. Do đó, Nhà nước cần quy định mức thù lao tối thiểu để các đại lý đảm bảo được chi phí và có lãi nhằm tổ chức kinh doanh lành mạnh, tuân thủ pháp luật và mức thù lao tối đa để tránh tình trạng các đầu mối đẩy thù lao quá cao gây mất ổn định thị trường”- Sở Công Thương Bình Dương kiến nghị.
DN lãi 200 đồng/lít xăng
Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex xác nhận, hai tuần trở lại đây giá xăng A92 nhập khẩu tại Singapore đã có xu hướng giảm, dao động trong mức 111 USD -113 USD/thùng nên mặt hàng xăng đang lãi gần 200 đồng/lít, các mặt hàng dầu lãi khoảng 500 đồng/lít, kg.
Đại diện Petrolimex cho rằng hiện đã có Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nên giảm thời gian dự trữ lưu thông từ 30 ngày hiện nay xuống 20 ngày để giá xăng dầu trong nước bám sát giá thế giới hơn.
(Theo Tiền phong)  Phạm Tuyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét