Phát lộ đường nước khổng lồ dưới Hoàng thành Thăng Long
Gần cổng Đoan Môn,
các nhà khảo cổ khai quật thêm nhiều di tích của các thời Lý, Trần, Lê,
Nguyễn chồng xếp lên nhau. Đặc biệt có một đường nước bằng gạch khổng lồ chưa
từng thấy trong di tích khảo cổ nào ở Việt Nam.
Theo khuyến nghị của UNESCO nên tiếp
tục nghiên cứu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long sau khi được công nhận di sản
thế giới, các nhà khảo cổ đã khai quật 500 m2, hố đào sâu nhất là 4,2 m tại
trung tâm Cấm Thành trong 6 tháng qua.
Theo kết quả khai quật của Viện Khảo cổ
học công bố sáng 26/12, các di tích phát lộ cho thấy nhiều tầng văn hóa từ
thời Lý đến thời Nguyễn đan xen nhau. Dấu tích kiến trúc thời Lý gồm đường
nước lớn được xây bằng gạch vuông, gạch bìa và cọc gỗ chạy suốt chiều Đông -
Tây, bề rộng 2 m, cao 2 m, cùng nhiều móng tường.
Dấu tích kiến trúc thời Trần gồm những
dải trang trí hoa chanh nằm trên móng tường thời Lý, hệ thống cống thoát
nước, gạch bìa hình chữ nhật. Các dấu tích thời Lê còn sót lại trên nền gạch
vuông và gạch vồ ở phía tây của hố khai quật. Các nền gạch này cũng từng xuất
hiện từ khu vực nền điện Kính Thiên đến Đoan Môn.
Thời Nguyễn còn để lại dấu ấn với những
cống thoát nước, gồm 2 thành cống được xếp bằng đá xanh và gạch vồ xám.
|
Các nhà khoa học
khảo sát đường nước khổng lồ trong khu vực khai quật. Ảnh: Đoàn Loan.
|
Theo PGS. TS Tống Trung Tín, Viện
trưởng Viện Khảo cổ học, trước đây đã có nhiều giả thiết khu vực khảo cổ là
không gian của chính điện Thiên An thời Lý - Trần và chính điện Càn Nguyên
thời Lý. Trong các hố đào năm 2011 mới phát hiện dấu tích móng trụ của nền
điện Kinh Thiên, còn khu vực nền điện thì vẫn là bí ẩn.
Với lần khai quật này, các nhà khảo cổ
đã phát hiện sân nền gạch vồ lát từ khu vực Đoan Môn lan rộng trên toàn bộ
không gian lớn đến điện Kính Thiên. Ngoài ra, còn có cấu trúc móng "Ngự
đạo" của thời Lê với nhiều mảnh gốm thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng. Phát lộ
khảo cổ cũng cho thấy quá trình xây móng tôn nền sân Đại triều thời Lê Sơ ở
bên dưới lớp gạch vồ.
Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy dấu tích
kiến trúc thời Lý ở khu vực bắc Đoan Môn với đường nước lớn xây bằng gạch
vuông. Song song với đường nước này có dấu tích móng sành của móng tường thời
Lý rộng 1,6 m. Đường nước rộng 2 m, cao 2 m, có cắm cọc gỗ để gia cố. Đây là
đường nước khổng lồ xây bằng gạch chưa từng thấy trong bất cứ di tích khảo cổ
nào ở Việt Nam.
PGS. TS Tống Trung Tín nhận định có khả
năng đường nước này dùng để thoát nước trong Cấm thành thời Lý hoặc là dấu
tích tâm linh liên quan đến phong thủy trong trung tâm Hoàng cung thời Lý.
Về hướng bảo tồn khu vực phát lộ, ông
Tống Trung Tín cho rằng, để không hư hỏng các di tích thì sẽ phải lấp đất,
song cũng có ý kiến nên để cho người dân xem khu vực khảo cổ để làm giàu vốn
văn hóa tại trung tâm Hoàng thành.
Nhiều chuyên gia sử học đã đưa ra phán
đoán về đường nước ngầm và đề nghị bảo tồn các hố khai quật bằng cách lắp
kính hoặc có mái che để người dân được tham quan. Theo GS Nguyễn Quang Ngọc,
Chủ tịch hội Sử học Hà Nội, trước đây trung tâm Hoàng thành không tìm thấy
dấu tích thời Lý song hiện đã tìm thấy đường nước thời Lý nên khả năng vua Lý
Thái Tổ xây dựng điện Càn Nguyên ở khu vực này cùng với sân Long Trì. Để làm
rõ hơn chính điện cần mở rộng khai quật ra phía đường Nguyễn Tri Phương.
"Chúng ta có thể nhận diện đây là
khu chính điện của Hoàng thành, nên khu vực khảo cổ nên giữ lại cho mọi người
đến xem cũng là một hình thức giữ lại di tích này", ông Nguyễn Quang
Ngọc phát biểu.
TS Trần Đức Cường, nguyên Phó chủ tịch
Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng đường nước lớn có thể là đường dẫn
nước, song cũng có thể là nơi chứa nước hay một công trình phong thủy.
"Vào khu di tích nổi tiếng mà không được nhìn thành quả của giới nghiên
cứu thì rất tiếc, nên phải có cách bảo tồn như lắp kính, mái che để bảo tồn
lâu dài. Lấp đất là biện pháp bất đắc dĩ. Di tích của chúng ta nằm giữa thủ
đô nên không có gì phải hạn chế cho người dân thưởng ngoạn", ông Trần
Đức Cường nhận xét.
(Theo
VnExpress) Đoàn Loan
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét