Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012


 06:54

Khó lường


Không như ở nhiều nước phương Tây, từ lâu đời, người tiêu dùng nước ta vẫn sử dụng vàng như một phương tiện giao dịch, thanh toán trong làm ăn, tích lũy căn cơ làm tài sản. Giá trị “của ăn, của để” ấy hiện đang dao động khó lường...

Tháng 10.2011 thực hiện chương trình bình ổn giá vàng theo Thông tư 32/2011/TT-NHNN, NHNN cho rằng giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới 400.000 đồng/lượng là có dấu hiệu đầu cơ, cần can thiệp, bình ổn. Đến khi không thực hiện được việc đó thì lại có chính sách thay đổi: thị trường vàng không cần bình ổn, không cần liên thông với thị trường nước ngoài.
Cũng một năm trước (tháng 11.2011), trước Quốc hội, lãnh đạo NHNN cho rằng SJC là thương hiệu vàng quốc gia. Nhưng đến tháng 4.2012, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (NHNN tham mưu), quy định: Cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán; rồi không cần chuyển đổi sang vàng miếng SJC (!).
Nhu cầu cất giữ tài sản bằng vàng để tránh lạm phát bào mòn tài sản tích lũy là nhu cầu chính đáng của người dân. Trước kia ngân hàng không huy động vàng, người dân vẫn tích lũy, khi NHNN không cho phép các ngân hàng huy động vàng người dân cũng không vì thế mà từ bỏ cất giữ vàng. Giá vàng SJC luôn cao hơn thương hiệu khác cùng chất lượng, tới hơn 3 triệu đồng/lượng, thì không thể nói là quyết định độc quyền vàng miếng không ảnh hưởng đến việc sử dụng, tích cóp vàng của người dân.
Một trong những nguyên tắc cơ bản của việc ban hành quyết định là cần bảo đảm tính hợp pháp và hợp lý, dựa trên nguyên tắc và thủ tục xác định. Đồng thời những nguyên tắc đó không thể bị sửa đổi giữa chừng. Đối chiếu với nguyên tắc này, việc ban hành các quyết định trên thị trường vàng thật khó lường.
Bất kỳ quốc gia nào cũng cần có sự quản lý, giám sát của nhà nước đối với thị trường vàng. Tuy nhiên, NHNN chỉ thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách (điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng, luật NHNN, luật Các tổ chức tín dụng) mà không tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các doanh nghiệp.
Nhà nước cũng chỉ quản lý chất lượng (tuổi vàng), trọng lượng, nhãn hiệu như các doanh nghiệp đăng ký và cho phép nhiều thương hiệu tồn tại thay vì độc quyền. Thị trường trong nước cần liên thông với thị trường thế giới, phải loại bỏ yếu tố giá cách biệt như hiện nay bằng các giải pháp thị trường, bằng chính sách thuế.
Nếu thực hiện được các chính sách như thế, thị trường vàng, “tâm lý vàng” chắc chắn sẽ dần ổn định và góp phần cho việc làm lành mạnh, phát triển nền kinh tế.
(Theo Thanh niên) An Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét