15:08
“Bước hai chân vào thị trường”:
EVN vẫn phải được giám sát chặt
TT - Nếu để Tập đoàn điện lực VN (EVN) “bước hai chân vào thị trường”, theo ý thị trường tự điều tiết và doanh nghiệp tự do hành động thì dân sẽ chịu thiệt hại.
Bởi đây là doanh nghiệp có tính độc quyền tự nhiên.
Đã có ý kiến cho rằng nếu ngành điện vận hành theo cơ chế thị trường như ngành viễn thông thì EVN một ngày có thể điều chỉnh tăng giá ba lần, người dân cũng không bị tác động tâm lý nhiều đến vậy, vì ngay sau khi tăng sẽ có đối thủ cạnh tranh giảm giá và người dân có quyền lựa chọn. Theo tôi, ngành điện không giống ngành viễn thông, điện không thể chào giá như các mặt hàng thông thường khác, vì ngành điện lực có tính độc quyền tự nhiên.
Sinh ra vốn đã độc quyền
Ai cũng biết quy luật cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường là động lực hàng đầu để phát triển kinh tế, đồng thời cũng là yếu tố số một để giúp nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thân cho người tiêu dùng. Ngược lại độc quyền dẫn đến lũng đoạn kinh tế, gây thiệt hại đến đời sống người dân. Hiện nay có lẽ hầu hết các nước đều có luật chống độc quyền.
Tuy nhiên, ngay trong nền kinh tế thị trường vẫn luôn tồn tại loại doanh nghiệp, hay cụ thể hơn là một số loại hàng hóa “trời sinh ra vốn đã độc quyền” (hoặc hầu như độc quyền). Các nhà kinh tế gọi đó là các doanh nghiệp độc quyền tự nhiên. Trong số đó là các doanh nghiệp có cấu trúc hệ thống mạng lưới thuộc về cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Cấp điện, cấp nước, thoát nước là các doanh nghiệp tiêu biểu loại này.
Độc quyền tự nhiên là do không thể có nhiều doanh nghiệp cùng đầu tư nhiều mạng lưới đường dây, đường ống tốn kém đến một hộ tiêu thụ để chào giá cạnh tranh, nghĩa là khó thể cạnh tranh bán lẻ như bán sim điện thoại di động hay hàng hóa tiêu dùng thông thường khác. Cũng có thể có cạnh tranh giữa máy phát điện riêng lẻ với mạng lưới điện, nhưng dễ thấy là khó có khả năng, vì giá điện mạng vừa rẻ vừa thuận tiện hơn.
Giả sử có nhà đầu tư giành được hợp đồng cấp điện (sau khi đấu giá) cho một khu dân cư nào đó thì rồi nhà đầu tư đó cũng trở thành độc quyền, ai dám chắc quyền lợi người dân ở đó được tôn trọng?
Cần quản lý chặt
Do tính chất đặc biệt của loại doanh nghiệp độc quyền tự nhiên, nên với vai trò của Nhà nước vì dân không vụ lợi, rất cần Nhà nước có chế độ quản lý chặt chẽ loại doanh nghiệp này. Không giống các doanh nghiệp bình thường khác lấy mục tiêu lợi nhuận làm đầu, mục tiêu của các doanh nghiệp độc quyền tự nhiên là phục vụ phát triển kinh tế và đời sống nhân dân (đó cũng chính là mục tiêu của Nhà nước).
Để tạo động lực cho các doanh nghiệp độc quyền tự nhiên và khuyến khích cạnh tranh, người ta thường sử dụng cơ chế đấu thầu, khoán gọn. Ví dụ đấu thầu dự án xây dựng nhà máy thủy điện để bán điện cho lưới điện quốc gia. Với cùng các điều kiện ràng buộc chung, ai đưa ra giá thấp nhất sẽ được đầu tư dự án. Lúc đó chúng ta phải hiểu nếu EVN có lợi thì toàn dân có lợi.
Về nhân sự quản lý, với mức lương và trách nhiệm do Nhà nước quy định, Nhà nước tạo điều kiện cạnh tranh bằng cách thực hiện thi tuyển (hay đấu chọn) nhân sự cho các chức vụ quản lý trong tập đoàn. Khi doanh nghiệp đã độc quyền tự nhiên thì không thể tự định giá cũng như tự định mức thu nhập. Công khai, minh bạch và dân chủ là phương thức hỗ trợ Nhà nước quản lý tốt các doanh nghiệp độc quyền tự nhiên.
Các doanh nghiệp độc quyền tự nhiên có vai trò nền tảng của nền kinh tế - xã hội. Đó không phải là các doanh nghiệp kinh doanh để thu lợi nhuận cho Nhà nước, mà là hoạt động để tạo nên lợi nhuận cho các doanh nghiệp kinh doanh khác. Từ đó tăng thu nhập cho người lao động và tăng lượng thuế thu được vào ngân sách quốc gia. Quản lý, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp độc quyền tự nhiên sẽ giúp đảm bảo định hướng kinh tế - xã hội. Nếu thả cho các doanh nghiệp này “bước hai chân vào thị trường”, theo ý để họ tự do hành động, họ sẽ hưởng lợi nhuận độc quyền chứ không thể có cạnh tranh tự do được, lúc đó người dân sẽ chịu thiệt hại.
(Theo TTO) Ts VÕ KIM CƯƠNG
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét