Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012


 11:01

 Không quân đã nghiên cứu cách đánh B52 thế nào?

TuanVietNamnet-Cựu Thư ký của Đại tướng Lê Đức Anh viết về những ngày quân đội nghiên cứu cách đánh B52, ngay từ những năm 1965.
B52 là loại máy bay ném bom khổng lồ, hiện đại và rất khó đánh. Từ ngày ra đời (1952), B52 đã được mệnh danh là pháo đài bay. Qua nhiều lần cải tiến, được coi là "vũ khí răn đe" chiến lược trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ (tên lửa chiến lược, tàu ngầm hạt nhân chiến lược, máy bay chiến lược B52).
Năm 1965, lần đầu tiên loại máy bay này được Mỹ sử dụng ở chiến trường miền Nam. Nhưng từ năm 1962, với tầm nhìn chiến lược, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Phùng Thế Tài, Tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân "...phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B52 này". Chấp hành chỉ thị của Bác, quân chủng Phòng không - Không quân đã chủ động, tích cực chuẩn bị về mọi mặt đặc biệt là nghiên cứu cách đánh B52.
Từ giữa năm 1965, tin về máy bay B52 ném bom ở chiến trường miền Nam, hàng ngày được các cơ quan Bộ tư lệnh quân chủng tổng hợp, nghiên cứu. Thời gian này, chúng ta vừa mới thành lập một trung đoàn tên lửa Sam - 2 đang khẩn trương huấn luyện để ra quân. Đây là loại vũ khí duy nhất chúng ta có trong tay để xử lí B52.
Ngày 19/7/1965, khi đến thăm quân chủng Phòng không - Không quân, trước ngày bộ đội tên lửa ra quân lần đầu tiên, Bác Hồ đã khẳng định: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền. Dù chúng có B57, B52 hay "bê" gì đi chắng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy lính Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng"1 . Người chỉ thị : "Miền Bắc chúng ta cần chuẩn bị để đối phó với B52 và nhiệm vụ này, chủ yếu giao cho bộ đội phòng không. Bất kể trong tình huống nào, chúng ta cũng phải đánh thắng B52".
Tên lửa Sam. Ảnh tư liệu.
Tháng 4/1966, Mỹ sử dụng B52 đánh ra miền Bắc, ném bom ở đèo Mụ Dạ. Chấp hành lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, quân chủng Phòng không - Không quân giao nhiệm vụ cho trung đoàn tên lửa 238 vào chiến đấu ở chiến trường quân khu 4 làm nhiệm vụ bảo vệ giao thông vận chuyển, đồng thời, nghiên cứu cách đánh B52. Tiếp đến, quân chủng điều động các trung đoàn tên lửa 274, 236 và một số biên đội không quân tiêm kích vào tham gia chiến đấu trên vùng trời quân khu 4, tìm cách đánh B52.
Trong những trận đánh B52 tại Vĩnh Linh, Quảng Bình trung đoàn tên lửa 238 đã gặp những trường hợp nhiễu rất phức tạp. Để bảo vệ máy bay B52, Mỹ đã tăng cường đến mức độ cao các thiết bị điện tử, trang bị máy gây nhiễu nhiều kiểu loại, có cường độ cực mạnh, lại có thêm những máy bay E.66 đi gây nhiễu hỗ trợ. Mỗi máy bay B52 có 16 máy gây nhiễu tích cực bằng điện tử, 2 máy gây nhiễu tiêu cực, tạo thành những đám mây nhiễu che lấp đội hình máy bay trên đường bay vào đánh phá mục tiêu.
Không những thế, họ còn tổ chức hoạt động nhằm giành yếu tố bất ngờ, tổ chức yểm hộ chặt chẽ, dùng nhiều tầng nhiều hướng đột nhập, kết hợp giữa B52 ở tầng trung và F.111 ở tầng thấp để đánh phá mục tiêu, gây khó khăn cho việc phán đoán và sử dụng lực lượng của bộ đội phòng không.
Để giải quyết khó khăn này, quân chủng đã liên tiếp cử nhiều đoàn cán bộ tham mưu do đồng chí Hoàng Văn Khánh- Phó tư lệnh binh chủng tên lửa phụ trách vào bám sát các đơn vị tên lửa, chỉ đạo chiến đấu, làm công tác nghiên cứu đánh B52, đồng thời chuẩn bị trước để sẵn sàng đối phó khi địch leo thang dùng B52 đánh ra Hà Nội, Hải Phòng.
Binh chủng ra đa đã cử đoàn cán bộ vào tuyến lửa giúp các đơn vị ra đa "bắt B52", nhằm xây dựng một quy trình bắt B52 hoàn chỉnh để phổ biến kinh nghiệm cho toàn binh chủng.

Ảnh tư liệu.
Phong trào nghiên cứu đánh B52 và máy bay cường kích của không quân, hải quân Mỹ trong điều kiện nhiễu nặng, phức tạp, cách chống tên lửa tự dẫn "không đối đất" phóng theo cánh sóng điều khiển của rađa phát triển rộng rãi từ đơn vị đến các cơ quan quân chủng. Kết quả nghiên cứu được tổng kết, rút kinh nghiệm, giúp đảng uỷ, thủ trưởng quân chủng trong chỉ đạo tác chiến. Quân chủng còn tổ chức các hội nghị chuyên đề, thảo luận về cách đánh phù hợp với tình hình và các bước phát triển tiếp theo.
Mới đầu, các đơn vị tên lửa vào Vĩnh Linh đánh B52 bị thương vong và bị đánh hỏng nhiều bộ khí tài, có đơn vị hầu như bị mất sức chiến đấu (tiểu đoàn 83, 84, trung đoàn 238). Thế nhưng, dù bom đạn của máy bay địch dội xuống, pháo tầm xa từ bờ Nam bắn sang, pháo hạm từ ngoài biển bắn vào, ta vẫn quyết tâm phục bắn bằng được B52.
 Trong việc nghiên cứu đánh B52, trên lĩnh vực vô tuyến điện tử cái khó nhất đối với bộ đội tên lửa là trang bị chưa đáp ứng với sự phát triển và cải tiến nhiễu thường xuyên của địch. Sự quan tâm giúp đỡ của nhiều cơ quan trên Bộ, đặc biệt là Viện kỹ thuật quân sự đã giúp bộ đội tên lửa hiểu thêm về cấu tạo, nguyên lý làm việc của máy gây nhiễu, các loại cánh sóng ra đa..., kết hợp với thông tin thu được của địch, tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu B52 có cơ sở thuận lợi hơn.
Sau nhiều hội nghị rút kinh nghiệm, hiệu suất chiến đấu của các đơn vị tên lửa được nâng lên. Hồi 17 giờ 3 phút ngày 17/9/1967, tại trận địa T-5 nông trường Quyết Thắng (Vĩnh Linh), tiểu đoàn 84 phóng 2 đạn vào 1 tốp B52 tiêu diệt 1 chiếc.
Tiếp đó, 17 giờ 54 phút phóng 2 đạn vào 1 tốp B52 khác, tiêu diệt thêm 1 chiếc. Để có được kết quả bắn rơi 2 chiếc B52 này, cán bộ và chiến sĩ trung đoàn 238 đã phải trải qua 18 tháng huấn luyện, chiến đấu đầy gian nan thử thách (từ tháng 4 - 1966 đến tháng 9 - 1967).
Để xây dựng cách đánh B52, trên cơ sở tổng kết, thu thập kinh nghiệm đánh B52 của trung đoàn 238 ở Vĩnh Linh, Quảng Bình và những tài liệu về B52 của các đơn vị ra đa, Bộ tham mưu quân chủng từng bước nghiên cứu tiến tới biên soạn bản dự thảo "Dự thảo cách đánh máy bay chiến lược B52". Ngày 7-1-1969, bản Dự thảo được hoàn thành phục vụ bộ đội tên lửa huấn luyện các kíp chiến đấu.
Những năm 1969,1970,1971, cuộc chiến đấu đánh trả máy bay B52 trên các cửa khẩu, các tuyến hành lang diễn ra ngày càng quyết liệt. Địch sử dụng nhiều B52 đánh phá giao thông vận chuyển trên đường Trường Sơn. Thực hiện chỉ thị của Thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức các đơn vị tên lửa 237, 238, 275 vào Trường Sơn đánh B52, góp phần giải toả giao thông, vân chuyển, chi viên chiến trường.
Ngày 19 - 12 - 1969, trên tuyến đường Trường Sơn, tiểu đoàn 84 (trung đoàn 238) phóng những quả đạn tên lửa đầu tiên.
Ngày 18 - 3 - 1971, từ những bệ phóng trên đỉnh Ta Păng, giữa lúc đại quân ta đang ào ạt tiến vào Bản Đông, tiểu đoàn 69 trung đoàn 237 đã phóng đạn, tiêu diệt 1 B52.
Phòng tác chiến huấn luyện tên lửa được quân chủng giao nhiệm vụ gấp rút tổng kết kinh nghiệm đánh B52 ở Trường Sơn, kinh nghiệm trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.
Ngày 6 - 4 - 1972, Mỹ gây lại chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc. Quy mô và cường độ hoạt động của B52 ngày càng tăng; với nhiều trang bị, vũ khí hiện đại hơn, đặc biệt là phương tiện điện tử. Mỹ dùng B52 ném bom rải thảm thành phố Hải Phòng (16 - 4 - 1972). Giới quân sự Mỹ tuyên bố: "B52 có thể đánh bất kỳ mục tiêu nào ở miền Bắc Việt Nam".
Những vũ khí mới, thủ đoạn mới về chiến thuật, kỹ thuật của không quân Mỹ gây khó khăn lớn về tác chiến đối với các binh chủng tên lửa, ra đa, pháo phòng không và không quân. Bộ đội tên lửa bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng đã đánh nhiều trận nhưng hiệu suất chiến đấu thấp, phần lớn đạn vượt qua mục tiêu, tự huỷ trên không và rơi xuống đất.
Việc nghiên cứu đánh B52 trở thành nhiệm vụ trung tâm, cấp bách của toàn quân chủng. Các đồng chí Bộ tư lệnh quân chủng nhiều đêm thức trắng để nghiên cứu, chỉ đạo đánh B52. Cán bộ chiến sĩ bộ đội tên lửa không quản hy sinh, anh dũng đánh trả máy bay địch, và tích cực tìm tòi nghiên cứu đánh B52. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã đổ máu trên các chiến trường để có đước kinh nghiệm, có thêm tư liệu mới, bổ sung vào "hồ sơ B52".
Qua nghiên cứu dải nhiễu trên các màn hiện sóng của các trắc thủ, sĩ quan điều khiển tên lửa, kết hợp với quan sát mắt bên ngoài, đơn vị và các cơ quan nghiên cứu đã kiến nghị cải tiến đài điều khiển, kết hợp cải tiến hai phương pháp bám sát bằng quang học và trên dải nhiễu. Hiệu suất chiến đấu trong một số trận đánh đựơc nâng lên rõ rệt. Nhiều máy bay mang nhiễu đã bị bắn rơi tại chỗ.
Trong chiến dịch tiến công Trị - Thiên (từ 30 - 3 đến 27 - 6 - 1972), với quy mô tác chiến hợp đồng quân binh chủng, nhiều đơn vị ra đa, pháo phòng không và tên lửa thuộc các trung đoàn 236, 274, 275 trực tiếp chi viện cho đội hình binh chủng hợp thành tấn công vào Quảng Trị, bảo vệ hậu phương chiến dịch. Nhờ được tập huấn cách đánh B52 trong nhiễu, trước khi bước vào chiến dịch trong một số trận đánh, các đơn vị tên lửa đã bắn rơi 3 B52, nhưng chưa có chiếc nào rơi tại chỗ, có trận bắn nhầm vào mục tiêu B52 giả.
Tuy vậy, đây là những kinh nghiệm quý báu, giúp bộ đội tên lửa nghiên cứu, phát hiện ra những dải nhiễu của máy bay tiêm kích đi trước bảo vệ đội hình B52 (lúc đó bộ đội tên lửa gọi là B52 giả).
Qua nghiên cứu công phu, bộ đội tên lửa đã phân biệt được trên màn hiện sóng đâu là giải nhiễu của các tốp tiêm kích đi trước bảo vệ B52 để tìm cách đối phó. Trên cơ sở của những kinh nghiệm này, khi chuẩn bị cho chiến dịch chống địch tập kích vào Hà Nội, bộ đội tên lửa đã xác định được những địa hình đặc biệt địch có thể lấy đó làm chuẩn và tính toán đường bay cuối cùng, trước khi đánh bom vào Hà Nội, chủ động dự kiến các đường bay B52 có thể bay qua để đánh vào Hà Nội. Từ đó, bố trí đội hình các đơn vị tên lửa thích hợp trên mỗi hướng, vừa bảo đảm an toàn mục tiêu bảo vệ, vừa đánh rơi được nhiều B52.
Thành công nhất trong quá trình nghiên cứu là bộ đội tên lửa đã xác định được các phương pháp điều khiển tên lửa để đánh B52 trong điều kiện nhiễu phức tạp.
Kinh nghiệm đánh B52 ở các chiến trường của bộ đội tên lửa đã có cơ sở thực tiễn để biên soạn thành tài liệu, thống nhất cách đánh B52 trong điều kiện nhiễu phức tạp. Phòng khoa học quân sự được Bộ tư lệnh quân chủng giao nhiệm vụ trực tiếp cùng các phòng quân báo, huấn luyện, tác chiến biên soạn tài liệu "cách đánh B52". Những tin tức mới nhất về không quân địch và những trận đánh B52 ở khu 4 được điện về nhanh chóng. Bộ phận biên soạn đều là những người đã qua chiến đấu với B52, tập trung suy nghĩ đúc kết những kinh nghiệm quý từ trước đến nay và nắm bắt những thủ đoạn về kỹ thuật, chiến thuật mới nhất của không quân địch, trong các trận gần đây để biên soạn tài liệu "cách đánh B52" mới. Sau một thời gian làm việc rất khẩn trương, ngày 9 - 10 - 1972 bộ phận biên soạn đã hoàn thành tài liệu "cách đánh B52"
Ngày 31 - 10 - 1972, Bộ tư lệnh quân chủng chỉ đạo hội nghị rút kinh nghiệm chiến đấu và thông qua tài liệu "cách đánh B52". Sau hội nghị, tài liệu được vận dụng ngay vào huấn luyện bộ đội chiến đấu.
Để khảo sát cách đánh, đầu tháng 11 - 1972, quân chủng tổ chức một đoàn cán bộ và một số kíp chiến đấu vào Nghệ An cùng trung đoàn tên lửa 236 đánh B52. Đêm 22 - 11 - 1972, hai tiểu đoàn 43 và 44 (trung đoàn 236) phóng 4 quả đạn diệt 2 B52, trong đó có một chiếc rơi ở vùng biên giới Lào - Thái Lan, cách trận địa 200 km.
Kinh nghiệm đánh B52 của trung đoàn 236 được phổ biến đến các đơn vị tên lửa và tài liệu "cách đánh B52" được bổ sung thêm một số chi tiết trong thao tác, chính thức phổ biến trong toàn quân chủng.
Sau khi được tập huấn tài liệu "cách đánh B52", các đơn vị tên lửa đã tổ chức luyện tập thành thạo từng tình huống, từng phương án để sẵn sàng đón đánh B52.
Bộ tham mưu quân chủng tổ chức đoàn cán bộ tham mưu do đồng chí Phó tham mưu trưởng quân chủng dẫn đầu xuống trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị tên lửa huấn luyện cách đánh B52 trong điều kiện nhiễu phức tạp và cách chống tên lửa "sơ - rai" không đối đất của địch.
Tài liệu "Cách đánh B52" được xây dựng từ tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng , Bác Hồ và là kết quả tổng kết một chặng đường dài chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ của bộ đội tên lửa phòng không chống cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Tháng 10 - 1972, khi cầm tập tài liệu trên tay, các đồng chí chỉ huy cao cấp của ta đã khẳng định: "Đây là bảo bối của chúng ta đánh thắng B52". Những sự kiện lịch sử cuối tháng 12 - 1972 đã chứng minh hoàn toàn cho lời khẳng định ấy.
Riêng bộ đội tên lửa đã bắn rơi 37 máy bay các loại (trong đó có 30 máy bay B52), góp phần đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng B52 của địch. Đúng như J.TGreen Wood đã nhận xét: "Các chiến thuật gây nhiễu điện tử bằng nhiều biện pháp và các khí tài hiện đại nhất của không lực Mỹ đều bị thất bại".
Thắng lợi to lớn của trận "Điện Biên Phủ trên không" là kết quả quá trình nghiên cứu đánh B52 của bộ đội tên lửa Phòng không. Quá trình nghiên cứu đánh B52 là quá trình khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách quyết liệt để chống lại cuộc chiến tranh vô tuyến điện tử của địch, mà đỉnh cao là cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng, cuối tháng 12 - 1972.
Đại tá Nguyễn Trọng Dinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét