Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

16:40
 Hầm Thủ Thiêm chi chít vết nứt
 (TNO) Hầm Thủ Thiêm (hầm vượt sông Sài Gòn) lại bị nứt. Lần này là những vết nứt dọc ngang, dài ngoằn ngoèo trên nền đường đi của cả hai đường hầm.
Ghi nhận của Thanh Niên Online tại hầm Thủ Thiêm sáng nay (21.12), những vết nứt này xuất hiện ở cả làn đường dành cho xe hai bánh và ô tô, cả hai bên đường hầm (chiều đi từ Q.2 và chiều đi từ Q.1).
Các vết nứt bắt đầu từ khoảng giữa hầm, có độ dài ngắn khác nhau, từ 0,5 m đến hơn 1 m. Ở một số đoạn, các vết nứt có mật độ dày đặc, một số đoạn thì mật độ nứt thưa hơn.
Nhiều vết nứt đã được trám lại. Tuy nhiên, có thể nhận thấy nhiều vết nứt mới nằm xen kẽ với các vết nứt cũ bởi những vết trám hiện rõ màu đậm nhạt khác nhau.
Trong sáng nay, phóng viên của nhiều báo đã liên tục liên lạc với Trưởng ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông Đô thị TP.HCM và Giám đốc Trung tâm Quản lý Đường hầm sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) nhưng đều chưa nhận được hồi âm.
 

 Những vết nứt ở nhiều vị trí với mật độ và chiều dài khác nhau xuất hiện trong hầm Thủ Thiêm - Ảnh Nguyên Mi

Các vết thấm, nứt trong hầm Thủ Thiêm đã xuất hiện nhiều lần. Gần đây nhất là vào ngày 6.8, đã có nhiều vết ố đen, nước đọng ở một số vị trí trong hầm Thủ Thiêm. Ngoài ra, còn có nhiều vết keo và một số miếng nhựa (giống như nút nhựa) được gắn vào đốt hầm.
Khi đó, ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) thừa nhận, các vị trí thấm này đã xuất hiện sau khi thông xe và không trùng lắp với các vị trí thấm đã được sửa chữa trước đây.
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM đã yêu cầu nhà thầu Obayashi tiến hành đợt sửa chữa bổ sung từ ngày 2.11-2.12 để xử lý các vị trí thấm còn lại ở công trình đường hầm Thủ Thiêm.

Vết thấm trong hầm Thủ Thiêm đầu tháng 8.2012 - Ảnh: Minh Anh
Không chỉ thế, theo thống kê của Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (thuộc Sở GTVT) báo cáo với UBND TP.HCM ngày 15.8.2012, từ khi đưa đường hầm vượt sông Sài Gòn vào sử dụng (21.11.2011) đến nay đã xảy ra 85 lỗi hệ thống thiết bị.
Các lỗi này xuất hiện ở hệ thống điện, hệ thống thông gió, thoát nước và chữa cháy. Ngay cả hệ thống thông tin liên lạc và quan sát đường hầm (CCTV) cũng xảy ra hàng loạt lỗi, trong đó nổi bật là các camera không thể quan sát được hết đường hầm.
Trước đó, trong quá trình thi công hầm Thủ Thiêm, vào ngày 4.7.2010, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước cũng kết luận việc kết nối giữa hầm dẫn phía Thủ Thiêm với đốt hầm dìm số 1 và đốt hầm dìm số 2 quan sát bằng mắt thường đã phát hiện một số vị trí bị thấm cục bộ tại đầu đốt hầm số 1, đầu hầm số 2 trong phạm vi bản nắp hầm, gần sát vành thép của mỗi đốt hầm và tại một vài vết nứt đứng thành hầm...
Đến chiều ngày 19.11.2011 (tức trước khi khánh thành 1 ngày), Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và các nhà thầu, đơn vị tư vấn thi công hầm Thủ Thiêm đã có buổi họp báo về chất lượng công trình trước khi tuyến hầm này khánh thành. Trong đó, ông Ryuji Manai, Giám đốc dự án Công ty tư vấn Oriental, khẳng định tất cả các điểm thấm nước của hầm Thủ Thiêm đã hoàn toàn hết.
Hầm Thủ Thiêm là hạng mục quan trọng nhất của dự án xây dựng đại lộ Đông Tây. Hầm có tổng chiều dài 1.490 m, bao gồm 2 đoạn hầm dẫn phía Q.1 (dài 585 m), phía Thủ Thiêm (535 m) và đoạn hầm dìm (370 m) chia làm 4 đốt hầm. Tổng mức đầu tư của gói thầu hầm Thủ Thiêm là 2.083 tỉ đồng.
Trong đó, đoạn hầm dìm dưới sông dài hơn 370 m. Gói thầu có tổng trị giá 2.083 tỉ đồng, do nhà thầu Obayashi (Nhật Bản) thực hiện.
Hầm Thủ Thiêm được đánh giá là hầm dìm vượt sông đầu tiên của Đông Nam Á. Hầm Thủ Thiêm đã được khánh thành và chính thức đưa và sử dụng từ ngày 20.11.2011. Hầm được bảo hành 1 năm.
Tuy nhiên, trong lần trả lời báo chí vào giữa tháng 8.2012, sau khi xuất hiện các vết nứt trong hầm, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Liên, Phó chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, khẳng định: “Chuyện ngày 20.11.2012 hết thời hạn bảo hành chỉ có thể hiểu là cách đó một năm công trình đã được nghiệm thu. Thế nhưng, công trình hầm vượt sông sài Gòn đã được nghiệm thu đâu mà tính thời gian bảo hành? Tôi xin nói rõ rằng, bảo hành chỉ được tính từ sau thời gian nghiệm thu xong. Hiện nay trách nhiệm vẫn là của nhà thầu thi công. Vì vậy, nếu những vết thấm trong hầm Thủ Thiêm không được khắc phục hết thì đương nhiên Hội đồng nghiệm thu nhà nước sẽ không nghiệm thu cho đến khi nào các vết thấm được khắc phục triệt để".
(Theo TNO) Nguyên Mi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét