Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012


11:15

 Giải mã “Cẩm nang bìa đỏ”


(Chinhphu.vn) – Việc vận dụng những nội dung ghi trong “Cẩm nang bìa đỏ” cộng với sự mưu trí, quả cảm, bộ đội tên lửa Việt Nam đã dẫn tới thành công trong đánh trả B52 góp phần làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” oai hùng của 40 năm về trước.
Cẩm nang bìa đỏ. Ảnh: Phương Liên 
Cẩm nang bìa đỏ” - cuốn sách chỉ dày 30 trang đánh máy nhưng là sự tổng hợp, đúc kết kinh nghiệm trong quá trình nhiều năm chiến đấu với B52 và các thủ đoạn của Không quân Mỹ của Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam.
Tập tài liệu là kết quả của cả một quá trình xây dựng hết sức gian khổ, công phu gắn với tài trí và công lao của hàng loạt sĩ quan có trình độ kỹ thuật, chiến thuật giỏi, dày dạn trong chiến đấu đặc biệt tại chiến trường Quảng Trị và Khu 4 của Quân chủng Phòng không Không quân. Tài liệu này đã được đưa ra bàn bạc kỹ tại hội nghị của Quân chủng Phòng không Không quân ngày 31/10/1972 (sau này gọi là Hội nghị tháng 10).
Đại tá Nguyễn Xuân Minh – nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật Phòng không Không quân, là người lưu giữ toàn bộ tài liệu ghi trong “Cẩm nang bìa đỏ”. Ông đã trao tặng Bảo tàng Phòng không Không quân và kể rằng: “Cuối tháng 10/1972, Tư lệnh Lê Văn Tri sau khi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thông báo tình hình hết sức khẩn trương, phải gác lại mọi vấn đề để tập trung vào nghiên cứu và thống nhất cách đánh B52 của bộ đội tên lửa. Lúc này nội dung cách đánh B52 đã được nhóm nghiên cứu chúng tôi tổng hợp thành tập tài liệu”.
 Phân biệt Bê “thật”, Bê “giả”
Trước khi diễn ra chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Hà Nội, vào tháng 11/1972, Quân chủng Phòng không Không quân đã phát hành cuốn Cẩm nang dạy cách đánh B52 để phân tích và hướng dẫn toàn quân chủng bí quyết hạ gục B52. Cuốn cẩm nang chính là kinh nghiệm trí tuệ của bộ đội Phòng không Không quân được chắt lọc, tổng hợp lại ngay sau khi bắn hạ chiếc B52 đầu tiên trên bầu trời Vinh, Nghệ An trong tháng 10/1972.
Trong cuốn “Cẩm nang bìa đỏ”, các chuyên viên kỹ thuật, đặc biệt là “Tiểu đoàn nhiễu”, đã đóng góp cách phân biệt “Bê” thật, “Bê” giả trước màn hiện sóng để bộ đội tên lửa có thể ngắm trúng mục tiêu.
Để bắn trúng B52 quan trọng nhất là tìm trong dải nhiễu tín hiệu của B52. Khái niệm này bộ đội ta vẫn gọi là “vạch nhiễu tìm thù”. B52 không phải là hoàn toàn vô hình, nếu tinh mắt vẫn có thể phát hiện được mục tiêu một cách gián tiếp. Đó là các đám nhiễu tín hiệu sáng và mịn trôi dần theo tốc độ di chuyển của B52.
Đồng thời trong “Cẩm nang bìa đỏ” cũng đề ra các hướng dẫn cụ thể cho các cấp chỉ huy các tiểu đoàn tên lửa về công tác chỉ huy, cách chọn, cách thống nhất dải nhiễu, chọn thời cơ phát sóng, cự ly phóng đạn, phương pháp bắn, phương pháp bám sát mục tiêu trong nhiễu.
Ở thời điểm đó, lãnh đạo Quân chủng đã khẳng định: Ta có cơ sở chiến thắng không quân Mỹ nếu chúng dám đưa B52 đánh phá Thủ đô Hà Nội. Toàn bộ Quân chủng sẵn sàng đón chờ B52.
Những “gánh hát rong” lưu động
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng tiếp theo là tổ chức cho bộ đội luyện tập theo phương án đã được thông qua, tiếp tục theo dõi âm mưu địch, phát động cán bộ chiến sỹ  tìm cách đánh địch tốt hơn, trên cơ sở đó bổ sung cho phương án ngày càng hoàn chỉnh. Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không Không quân và Bộ tư lệnh Phòng không Hà Nội đã thành lập các đội huấn luyện lưu động mà thành phần chủ yếu là các sĩ quan từng tham gia biên soạn cuốn “Cẩm nang bìa đỏ”.
Những “gánh hát rong” xuất hiện. Đó không phải đoàn văn công hay những đội văn nghệ quần chúng đi ca hát phục vụ mà là các đội huấn luyện lưu động do Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không Không quân và Bộ tư lệnh Phòng không Hà Nội thành lập. Thành viên phần lớn là các sĩ quan đã từng tham gia biên soạn cuốn sách. “Gánh hát rong” là cách gọi vui của bộ đội tên lửa dành cho đội huấn luyện vì họ di chuyển liên tục, hết đơn vị này đến đơn vị khác ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng…. Họ đã tới các tiểu đoàn tên lửa trực tiếp truyền đạt, hướng dẫn cách đánh B52 cho các kíp chiến đấu. Nhờ đó khi vào chiến dịch, bộ đội tên lửa đã bình tĩnh tự tin bẻ gãy các đợt tấn công của Không quân Mỹ. Thậm chí, có những đơn vị chưa từng chạm trán B52 cũng bắn rơi pháo đài bay như trung đoàn 257 và 261.
Đại tá Nguyễn Xuân Minh kể, mấy ngày sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ trên không kết thúc, tại hội trường của Quân chủng Phòng không Không quân, trước đông đảo cán bộ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giơ cao cuốn “Cẩm nang bìa đỏ” và nói: "Chúng ta thắng được B52 Mỹ là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đóng góp hết sức quan trọng của cuốn sách này".
Việc vận dụng những nội dung ghi trong “Cẩm nang bìa đỏ” cộng với sự mưu trí, quả cảm, bộ đội tên lửa Việt Nam đã thành công trong việc tìm và diệt B52, góp phần làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” oai hùng của 40 năm về trước.
(Theo Chinhphu.vn) Liên Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét