Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012


 07:06

Cắt giảm chi tiêu


Không phải là vốn, không phải là lãi suất, vấn đề sống còn với các doanh nghiệp lúc này chính là tồn kho. Hàng ngàn doanh nghiệp đang chết lâm sàng trên đống hàng hóa chất cao như núi tại các kho - bãi. Niềm hy vọng cuối cùng của họ là những tháng cuối năm, cao điểm của tiêu thụ nhưng niềm hy vọng này đang có nguy cơ tan vỡ.

Bởi thay vì có giải pháp tăng thu nhập cho người dân nhằm kích thích sức mua trên thị trường, chúng ta lại một lần nữa "đi ngược".
Đi ngược khi tăng giá điện, thu phí bảo trì đường bộ, tăng phí cầu đường... Tất cả những cái tăng, cái thu này sẽ đều dẫn đến một kết cục, giá sản phẩm - dịch vụ bị đẩy lên và người dân chỉ có một giải pháp duy nhất là tiếp tục cắt giảm tối đa chi tiêu.
Sức mua vốn đã yếu, được "bồi" thêm một lần "thắt lưng buộc bụng", chắc chắn thị trường sẽ trở nên tê liệt. Điều này không phải còn là cảnh báo mà ngay lập tức được phản ánh lên thị trường phục vụ lễ Noel khi hàng hóa ế ẩm, các ông già Noel thất nghiệp... Hậu quả của việc "đi ngược" là doanh nghiệp sẽ chết, sản xuất đình đốn và kinh tế có nguy cơ rơi vào giảm phát. Vì vậy, đây là lúc phải triển khai đồng bộ các giải pháp tăng tổng cầu, kích thích sức mua trong nền kinh tế.
Chúng ta đều biết, sức mua phụ thuộc vào "ngân sách" của mỗi gia đình nên để tăng sức mua, phải tăng thu nhập cho họ. Nên nhanh chóng miễn thuế thu nhập cá nhân cho người lao động từ nay đến khi thực hiện ngưỡng thuế mới vào ngày 1.7.2013 tới để tăng thu nhập cho đối tượng này. Miễn thuế GTGT cho doanh nghiệp để giảm giá hàng hóa, kích thích chi tiêu. Tổ chức các hệ thống phân phối để đưa hàng hóa - sản phẩm của doanh nghiệp trong nước về vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa cùng với chương trình giảm giá thật mạnh để tăng tiêu thụ. Thực tế cho thấy, không chỉ ở thành thị mà ở nhiều làng quê hẻo lánh, hàng Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường. Làm được điều này không chỉ giải quyết được tồn kho mà còn giành lại được thị trường từ hàng Trung Quốc. Đây là những giải pháp có tác dụng nhanh, dễ thực hiện, cần phải triển khai gấp.
Một giải pháp vừa có tác dụng kích cầu sản xuất, vừa kích cầu tiêu dùng là ưu đãi lãi suất cho người có nhu cầu tiếp cận với nhà ở. Tại cuộc họp giữa Chính phủ với UBND TP.HCM mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã công bố, sẽ dành 40.000 tỉ đồng lãi suất ưu đãi 8% cho người mua nhà. Như vậy, chủ trương đã có, vấn đề còn lại là phải thực hiện ngay và phải có cơ chế minh bạch. Ngân hàng nào sẽ thực hiện cho vay, điều kiện vay ra sao, thủ tục thế nào... phải cụ thể để vốn phải thực sự đến tay người có nhu cầu chứ không mập mờ như vốn dành cho cá tra đang lùm xùm hiện nay. Bởi đây tuy là giải pháp kích cầu tiêu dùng nhưng lại có tác động trực tiếp đến kích cầu sản xuất các ngành vật liệu xây dựng; giải quyết việc làm cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công chức, người nghèo...
Một vấn đề không thể bỏ qua là phải chấm dứt ngay các quyết định "đi ngược" như nói trên. Nguồn thu ngân sách, chỉ cần chúng ta tăng cường chống trốn thuế, chuyển giá... cũng thừa sức cân đối chi - thu.
Các giải pháp kích cầu nếu được thực hiện đồng bộ, vào đúng mùa cao điểm tiêu thụ thì hiệu quả sẽ gấp đôi. Cứu cánh của doanh nghiệp trong việc tháo tồn kho đang phụ thuộc vào sự quyết liệt của các Chính phủ và các bộ ngành có liên quan.
(Theo Thanh niên) Nguyên Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét