15:21
Quan thuế có biết ngượng!?
Đất nước đang trải qua thời kỳ hết sức khó khăn, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho sự phát triển kinh tế – xã hội đang hết sức thiếu thốn, vậy nên, mỗi cán bộ ngành thuế cần phải thấy có lỗi với nhân dân, với đất nước vì đã không làm tròn bổn phận, trách nhiệm và nghĩa vụ mà Đảng, Chính phủ cũng như nhân dân giao phó!
Các doanh nghiệp FDI liên tục kêu lỗ nhưng sau mỗi năm, mạng lưới chi nhánh, quy mô sản xuất của nhiều doanh nghiệp cỡ bự ở Việt Nam vẫn cứ mở rộng. Và khi nghi vấn chuyển giá nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp tại những doanh nghiệp này được phanh phui, người ta mới biết về cái hiện tượng bất thường, hiện tượng kỳ lạ này.
Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, thu ngân sách Nhà nước trong năm 2012 hiện hết sức khó khăn do những tác động tiêu cực từ nền kinh tế mang lại như tồn kho, nợ xấu, sản xuất kinh doanh đình trệ, ế ẩm… Tính đến hết tháng 11, tổng thu ngân sách nội địa mới chỉ đạt khoảng 628.645 tỉ đồng, bằng 84,9% kế hoạch năm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trong tháng 12, thu ngân sách Nhà nước phải đạt trên 15% (gấp gần 2 lần số thu bình quân của 11 tháng đầu năm), đây có thể xem là nhiệm vụ vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là “ảo tưởng”.
Còn nhớ, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII vừa qua, bài toán tìm đâu ra nguồn tiền để thực hiện lộ trình tăng lương vốn đã được xây dựng từ trước đã được bàn thảo rất nhiều. Và sau rất nhiều ngày tranh cãi, nhấc lên đặt xuống, mức tăng 100 ngàn đồng/tháng cho khoảng 8 triệu cán bộ, công nhân viên… bắt đầu từ 1/7/2013 mới được Quốc hội thống nhất thông qua.
Và giờ đây, khi câu chuyện chuyển giá để trốn thuế tại nhiều doanh nghiệp đang dần lộ rõ, rất nhiều điều giá như đã được nhắc tới. Giá như ngành thuế hoàn thành tốt trách nhiệm “gác gôn” của mình thì chắc chắn ngân sách Nhà nước sẽ có thêm hàng ngàn, chục ngàn tỉ đồng để đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội… Chính vì vậy, những nghi vấn trốn thuế tại Coca-Cola, Metro, Adidas hay Keangnam – ViNa… và được xác định diễn ra trong một thời gian dài phải được nhìn nhận là nỗi đau của ngành thuế vì rất có thể đó là sự “bất lực” hoặc tiêu cực trong đội ngũ cán bộ ngành thuế. Nhưng dù có là thế nào đi chăng nữa, sự yếu kém của ngành thuế đã làm ngân sách Nhà nước mất đi một khoản không nhỏ và nó cần phải được nhìn nhận và mổ xẻ.
Chúng tôi xin lấy nghi án trốn thuế ở Coca-Cola làm ví dụ. Theo những thông tin được phản ánh trên báo chí, mặc dù doanh thu từ năm 2006 đến nay liên tục tăng nhưng báo cáo hoạt động kinh doanh của công ty này lại liên tục thua lỗ. Sự bất thường này được thể hiện ở chỗ, trong khi doanh thu của công ty tăng từ 1.026 tỉ đồng lên 2.712 tỉ đồng vào năm 2011 nhưng công ty vẫn lỗ và số lỗ chỉ giảm nhẹ từ 253 tỉ đồng xuống 188 tỉ đồng. Như vậy, tính lũy kế đến năm 2011, Coca-Cola đã lỗ tổng cộng 3.768 tỉ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỉ đồng.
Ở một trường hợp khác, thống kê của Cục Thuế TP HCM, doanh thu của Metro Việt Nam tăng liên tục qua các năm, nhưng rồi, kết quả kinh doanh cuối năm của công ty này lại luôn lỗ. Ví như: Năm 2007 doanh thu hơn 6.607 tỉ đồng, nhưng số lỗ là 157 tỉ đồng; Năm 2008 doanh thu vọt lên 8.175 tỉ đồng, số lỗ lên đến hơn 190 tỉ đồng; Năm 2009 doanh thu đạt 8.728 tỉ đồng, số lỗ cũng rất ấn tượng: 160 tỉ đồng; Năm 2011 cũng lỗ 89 tỉ đồng…
Sự bất thường trên diễn ra tại 2 công ty này kéo dài nhiều năm và điều mà dư luận quan tâm là liệu ngành thuế có biết một khoản tiền thuế không nhỏ đã bị “đánh cắp” khỏi ngân sách hay không? Đáp án cho câu hỏi này dù đúng hay sai thì nó cũng cho thấy ngành thuế có vấn đề.
Nếu đúng ngành thuế biết nhưng “im lặng đáng sợ” thì tiêu cực trong ngành là không nhỏ. Đây là điều có thể hoàn toàn xảy ra bởi từ nhiều năm nay, xã hội đã nghe, đã thấy rất nhiều những trường hợp sách nhiễu người dân, doanh nghiệp của bộ máy công quyền rồi.
Cũng có không ít cán bộ thoái hóa, biến chất, nhận tiền đút lót rồi im lặng, che giấu cho những sai phạm của doanh nghiệp.
Nếu đáp án cho câu hỏi trên là không đúng thì nó cho thấy chất lượng đội ngũ cán bộ ngành thuế có vấn đề về năng lực cũng như trình độ chuyên môn. Và nếu điều này là đúng thì một lần nữa, vấn nạn “chạy chức, chạy quyền”, “chạy việc làm”, “chạy công chức”… ở nước ta vốn vẫn được nhắc lâu nay cần phải tiếp tục báo động.
Sự yếu kém của đội ngũ cán bộ ngành thuế làm thất thoát một khoản tiền không nhỏ ngân sách quốc gia. Và dù đúng hay sai thì câu chuyện trốn thuế của các doanh nghiệp ở Việt Nam, ngành thuế phải chịu trách nhiệm!
Đất nước đang trải qua thời kỳ hết sức khó khăn, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho sự phát triển kinh tế – xã hội đang hết sức thiếu thốn, vậy nên, mỗi cán bộ ngành thuế cần phải thấy có lỗi với nhân dân, với đất nước vì đã không làm tròn bổn phận, trách nhiệm và nghĩa vụ mà Đảng, Chính phủ cũng như nhân dân giao phó!
Theo Petrotimes
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét