18:20
"Ngư ông" Trung Quốc trước sự chết yểu của liên minh lúa gạo ASEAN
SGTT.VN - Tờ Bangkok Post vừa qua đưa tin không có một hiệp định nào về liên minh lúa gạo năm nước ASEAN được thống nhất, bất chấp Thái Lan đã nỗ lực rất lớn nhằm hướng đến OPEC lúa gạo gồm nước này và bốn nước: Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Lào như đã “hứa hẹn” hồi tháng 8.2012. Việc liên minh lúa gạo chính thức “chết yểu” một lần nữa cho thấy các nước lúa gạo ASEAN chưa tìm được tiếng nói chung ở mặt hàng lúa gạo. Bên cạnh đó, bài toán “chảy máu gạo” từ ASEAN sang Trung Quốc lại được cảnh báo mạnh mẽ.
Thực tế hiện nay, “để vượt qua rào cản lợi ích” là một thách thức dường như quá sức với mỗi quốc gia. Hơn ai hết, Thái Lan là nước mong muốn làm “đầu tàu” nhằm “thanh lý” những khó khăn từ lượng gạo trữ trong kho kỷ lục phát sinh từ chính sách trợ giá gạo. Tuy nhiên, bộ trưởng Tài chính Campuchia Cham Praseth trong một cuộc đàm phán kéo dài 30 phút với bốn nước còn lại, đã chính thức tuyên bố “kế hoạch hợp tác lúa gạo giữa các nước ASEAN bị đóng băng” vì các nước này chưa sẵn sàng cho một “cuộc chơi chung”. Ông Chao Phraya thuộc Chiến lược hợp tác kinh tế Mekong cho biết các nước sẽ tiếp tục quay về với cách thức “gạo làng ta” như mỗi bên vẫn làm trong mười năm qua, thay vì rụt rè bước vào một liên minh.
Như vậy, chưa kể đến tham vọng tăng giá gạo 10% mà năm nước này đưa ra hồi tháng 8, thì việc góp sức tạo tiếng nói chung cho thương hiệu lẫn chất lượng gạo ASEAN đến thời điểm này đã thất bại. Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Boonsong Teriyapirom đã thể hiện thành ý khi ông “chắc chắn” rằng nước này sẽ tiếp tục vận động, thúc đẩy các nước thành viên quay lại bàn đàm phán cho một liên minh lúa gạo đã “chết yểu” vào năm tới. Tuy nhiên, cần nhớ rằng để đạt được mục tiêu trên, nhất thiết phải có sự đồng thuận mạnh mẽ của các nước mà Việt Nam là yếu tố quan trọng nhất khi gạo Việt Nam vươn lên vô địch thế giới về xuất khẩu. Hiện nay chưa có một tiền đề nào cho thấy dự báo của ông Boonsong Teriyapirom mang tính khả thi.
Hệ quả “cay đắng” hiện nay vẫn không gì khác là bài ca “giá gạo” mà không ai khác ngoài năm nước phải gánh chịu, đó là thực trạng “gạo nhiều tiền ít”. Trang MCOT Online (Thái Lan) dẫn lời ông Chookiat Opaswong, chủ tịch hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan, bày tỏ lo ngại khi Thái Lan bị Việt Nam và Campuchia “chiếm” thị trường nhờ vào gạo giá rẻ. Ông Chookiat Opaswong đề xuất Thái Lan nên tăng cường quan hệ với Trung Quốc thông qua các hợp đồng xuất khẩu gạo liên chính phủ. Trong khi đó, tờ Bangkok Post ngày 21.11 đưa tin cho hay Chính phủ Thái Lan đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) về doanh số xuất khẩu gạo với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu nhìn lại mười tháng đầu năm 2012, Trung Quốc cũng chỉ nhập 90.000 tấn gạo, chủ yếu là gạo thơm chất lượng cao từ Thái Lan, trong khi năm 2011, nước này nhập đến 267.846 tấn. Như vậy, dường như Trung Quốc chỉ tìm đến Thái Lan ở phân khúc thị trường cấp cao, hoặc giả với mục đích “giữ mối quan hệ truyền thống” bởi ở ASEAN, gạo nước này đang giữ giá cao ngất ngưởng.
Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo khổng lồ với 500.000 tấn đến 1 triệu tấn mỗi năm từ các nước khu vực ASEAN. Theo dự báo mới nhất của bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, năm 2013 Trung Quốc sẽ nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo. Câu hỏi đặt ra là khi lượng gạo nhập từ Thái giảm đáng kể, tình hình xuất khẩu gạo tại Trung Quốc gặp khó khăn vì hạn hán thì lượng gạo thiếu hụt lấy từ đâu? Không ai khác ngoài Việt Nam, Myanmar và một số nước ASEAN còn lại. Một nguồn tin từ ngành công nghiệp gạo Thái Lan còn cho thấy, trong khi giá mỗi tấn ngũ cốc Thái Lan cao hơn giá Việt Nam 100 USD, thì giá gạo Myanmar lại còn thấp hơn gạo Việt Nam 30 – 40 USD cho mỗi tấn. Theo tin từ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, giá lúa gạo nội địa tăng mạnh ngay sau khi Việt Nam giành tiếp được hợp đồng xuất khẩu 300.000 tấn gạo sang Indonesia mới đây nay đã giảm mạnh trở lại. Điều này có thể không nằm ngoài khả năng gạo Việt Nam lo ngại gạo Thái “xả kho” với Trung Quốc, sau MoU giữa Thái Lan – Trung Quốc được ký kết trong không khí Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đến thăm Thái Lan ngày 20.11 vừa qua. Như vậy, Trung Quốc có quá nhiều lựa chọn cho các phân khúc, nhu cầu khác nhau về gạo thông qua sự phân chia giá của thị trường gạo ASEAN mà ba đại diện lớn là Việt Nam, Thái Lan và Myanmar.
Việc đàm phán hình thành liên minh lúa gạo ASEAN thất bại càng mở đường cho Trung Quốc cùng các nước nhập khẩu gạo có cơ hội nhập gạo giá rẻ theo cơ chế thị trường. Trong khi đó, như đã được phân tích và dự báo trước đó, liên minh lúa gạo ASEAN được kỳ vọng sẽ là chỗ dựa cho tất cả các nước lúa gạo trong khu vực theo lộ trình: i) hỗ trợ cải tiến kỹ thuật, quy trình sản xuất hướng tới sự đồng bộ tương đối về chất lượng gạo khu vực; ii) xây dựng thương hiệu gạo ASEAN; iii) nâng cao, đưa hạt gạo về với đúng giá trị của nó. Khi đó, gạo ASEAN không còn lo ngại những chỉ trích của dư luận thế giới về việc tự ý thâu tóm giá gạo thế giới, càng không để mất những giá trị đáng quý mà hạt gạo mang lại.
Theo hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính từ đầu năm đến ngày 15.11, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 6,7 triệu tấn, trị giá 2,99 tỉ USD. Trong khi đó, bà Pranee Siriphand, vụ trưởng vụ Ngoại thương Thái Lan, dự báo Thái Lan sẽ xuất khẩu khoảng 8,5 triệu tấn gạo trong năm 2013. Như vậy, với doanh số xuất khẩu khổng lồ thì thặng dư hạt gạo đã mất đi đáng kể, và hơn ai hết, ASEAN là người lãnh đủ. Nghịch lý “những ông trùm lúa gạo” lại bị tên nhập khẩu chi phối là trường hợp không hiếm. Suy cho cùng, các “ông trùm” vẫn chưa thể hiểu làm thế nào để hai bên cùng thắng (win – win).
(Theo SGTT) Đỗ Thiện
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét