Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012


10:01
 Thu phí bảo trì đường bộ:
Các Bộ thừa nhận xây dựng Nghị định chưa nắm rõ thực tiễn

SGTT.VN - Mặc dù chỉ còn hơn mười ngày nữa là tiến hành thu phí bảo trì đường bộ, nhưng tới thời điểm hiện tại, đại diện bộ Tài chính, bộ Giao thông vận tải (GTVT) lại thừa nhận, hai bộ này đã chưa lường hết các yếu tố phát sinh khi đưa nghị định 18 (quỹ bảo trì đường bộ) vào thực thi, khiến không ít doanh nghiệp vận tải bức xúc.

Đó là những gì diễn ra trong suốt buổi hội nghị triển khai việc thu phí bảo trì đường bộ, do bộ GTVT và bộ Tài chính tổ chức tại TP.HCM vào sáng 19.12, với sự tham dự của các hiệp hội vận tải, trung tâm đăng kiểm, doanh nghiệp vận tải ở khu vực phía Nam.
Nói "cho vừa lòng nhau"! 
Mở đầu cho buổi chất vấn, ông Đinh Nam Dinh (hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM) đã nêu ra hàng loạt các bất cập trong thông tư 197/2012/TT-BTC của bộ Tài chính về quỹ bảo trì đường bộ. Theo đó, ngoài những bất cập qui định sơ mi rơ móc là ô tô, phương thức thu, các trường hợp được miễn đóng do xe gặp tai nạn,… mà Sài Gòn Tiếp Thị đã phản ánh trong suốt thời gian qua.
Ở hội nghị này, ông Dinh còn yếu cầu hai bộ GTVT và bộ Tài chính trả lời rõ một thực tế: Có không ít doanh nghiệp vận tải dù có vài chục xe nhưng lại có đến cả trăm sơ mi rơ móc (đặc biệt ở TP.HCM có doanh nghiệp chỉ có 200 đầu kéo nhưng có tời gần 1.000 sơmi rơmóc). Vậy, việc thu phí sơ mi rơ móc, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng thu oan?
Liên quan đến câu hỏi này của ông Dinh, đại diện bộ GTVT, cụ thể là thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, ông Dinh nói hơi quá, bởi bản thân ông (tức ông Trường – PV) biết "chả ai sắm sơ mi rơ móc bỏ trong kho cả", gần như cứ một đầu kéo chỉ tương đương với một sơmi rơmóc mà thôi (?). “Sơmi rơmóc có nghỉ (tức không bị kéo ra đường) thì cũng chỉ một vài ngày mà thôi, cho nên không có chuyện bị đóng phí oan”, ông Trường khằng định.
Cũng câu hỏi này, thì đại diện bộ Tài chính lại thừa nhận, trong quá trình xây dựng thông tư hướng dẫn, bộ này đã nhận được rất nhiều kiến nghị liên quan đến sơmi rơmóc từ các hiệp hội vận tải. Và qua xác minh con số từ cục đăng kiểm đã cho thấy số sơmi rơmóc cao hơn số đầu kéo là 20%.
“Có rất nhiều đầu kéo, sơ mi rơ móc chỉ lưu thông trong khu vực nội bộ cảng biển, vùng mỏ hay trong các nhà máy xí nghiệp. Các đầu kéo và sơmi rơmóc này không đăng ký biển số (vì không lưu thông trên đường) nhưng lại phải đăng kiểm. Mà theo thông tư hướng dẫn của bộ Tài chính thì rõ ràng đầu kéo và sơmi rơmóc này phải đóng phí bảo bảo trì đường bộ. Như vậy là không đúng, thu sai đối tượng. Đề nghị các bộ liên quan cho biết quan điểm”, đại diện tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn bức xúc.
Ở thắc mắc này, cả đại diện hai bộ GTVT và bộ Tài chính đều thừa nhận mình đã chưa lường hết các yếu tố phát sinh nên xin ghi nhận ý kiến của Tân Cảng để tiếp tục có văn bản hướng dẫn cho phù hợp. Tuy thừa nhận mình “yếu” nhưng đại diện bộ GTVT còn cố “vặt” lại đại diện công ty Tân Cảng Sài Gòn là muốn không phải đóng phí bảo trì đường bộ thì phải “lập danh sách và đến cơ quan công an xác nhận rồi gửi lên bộ. Làm như thế mới đảm bảo đầu kéo và sơmi rơmóc của Tân Cảng không chạy ra đường được”.
Liên quan đến đòi hỏi này của vị đại diện bộ GTVT, đại diện công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho đây là "một đòi hỏi vô lý, mang tính hạch sách".
“Đầu kéo, sơ mi rơ móc không có biển số đố bảo ai dám chạy ra ngoài đường mà còn cần đến công an xác nhận”, đại diện công ty Tân Cảng Sài Gòn lắc đầu ngao ngán.
Như để chữa cháy, đại diện bộ Tài chính đưa ra giải pháp: “Nếu từ nay đến ngày thu phí (1.1.2013) mà bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn thì những xe đầu kéo, sơ mi rơ móc chỉ phục vụ trong cảng cứ đóng bình thường, đợi đến khi có văn bản thì hoàn lại phí sau. Các doanh nghiệp không có gì phải lo mình bị thu oan, thu sai”.
Chưa xử phạt xe không đóng phí 
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị bên lề hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, tới thời điểm hiện tại thông tư 197/2012/TT-BTC của bộ Tài chính về quỹ bảo trì đường bộ còn quá nhiều bất cập. Vậy mà theo nghị định 71/2012/NĐ-CP (về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ) quy định: Chủ xe môtô, xe gắn máy không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông sẽ bị phạt từ 800.000 - 1.200.000 đồng. Chủ xe ôtô con đăng ký cá nhân, mức phạt đối với hành vi không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông là từ 6 - 8 triệu đồng (cả hai mức phạt trên đều cao cao gấp 6 đến 8 lần mức phí sử dụng đường bộ lẽ ra chủ phương tiện phải nộp theo quy định từ ngày 1.1.2013).
Như vậy coi chừng xảy ra hệ lụy cảnh sát giao thông chỉ chăm chăm vào kiểm tra phí bảo trì đường bộ, mà theo ông Nguyễn Văn Thanh (hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam) thì điều này rất dễ xảy ra vì mức phạt cho hành vi này quá cao (thực tế đã chứng minh thông qua chuyện xe không chính chủ, cảnh sát giao thông rất “khoái” phạt lỗi này vì mức cao. Đến nay việc này đã phải dừng sáu tháng để người dân sang tên, đổi chủ). Quan điểm của các bộ thế nào?
“Để các chủ phương tiện không phải bị đóng phạt oan, năm 2013 chưa áp dụng mức xử phạt đối với phương tiện chưa đóng phí bảo trì đường bộ”, cả lãnh đạo hai bộ kể trên khẳng định.
Liên quan đến mức phí đối với xe môtô, gắn máy, theo bộ Tài chính, đến thời điểm hiện tại do chưa có địa phương nào họp HĐND để thông qua mức phí. Theo đó, bộ Tài chính yêu cầu các tỉnh, thành phố xây dựng mức thu phí, tỷ lệ để lại tiền phí thu được cho đơn vị thu phí đối với xe mô tô phù hợp với khung mức thu tại Thông tư 197 và điều kiện kinh tế - xã hội cũng như đặc thù trong công tác thu phí của từng địa bàn để trình HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định vào kỳ họp gần nhất.
Trên cơ sở Nghị quyết của HĐND, UBND các tỉnh, thành phố kịp thời ban hành Quyết định về mức thu phí đối với xe môtô, tỷ lệ để lại tiền phí thu được và chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai việc hướng dẫn kê khai; tổ chức thu, nộp phí và lập hồ sơ quản lý số lượng xe mô tô hiện có ở địa phương làm cơ sở cho việc quản lý thu, nộp phí cho các năm sau.
“Đến ngày thu phí mà HĐND vẫn chưa quyết định mức thu thì mức thu sẽ được áp dụng ở khung thấp nhất mà ở thông tư hướng dẫn đã đề ra. Cụ thể, xe dưới 100 phân khối sẽ thu 50.000 đồng (dù thông tư nêu loại xe dưới 100 phân khối sẽ có mức thu 50 - 100.000 đồng), xe trên 100 phân khối sẽ thu 100.000 đồng (loại xe này trong thông tư qui định từ 100 - 150.000 đồng).
(Theo Sài Gòn tiếp thị, tựa của Thương Giang) ĐÀO LÊ – Đ.QUÝ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét