Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012


 23:04

Nữ sinh Việt từ chối ĐH Harvard


Được cả 6 đại học ở Mỹ cấp học bổng toàn phần, cựu nữ sinh THPT chuyên Hà Nội Amsterdam đã phát khóc khi phải lựa chọn ĐH Harvard hay Stanford. Cuối cùng, cô từ bỏ Harvard để đến với ước mơ ở Stanford.


Trước khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Hoàng Quyên gửi hồ sơ đến 6 trường đại học danh giá của Mỹ, gồm: Harvard, Stanford, Yale, Brown, ColumbiaChicago. Trong đó Harvard, Stanford là 2 trường mà Quyên "không hy vọng". Thế nên hôm nhận điện thoại của trường Harvard gọi tới chúc mừng, Quyên lặng người vì... sốc.
Stanford, ngôi trường ước mơ từ năm lớp 10 của Quyên cũng khiến cô bất ngờ không kém vì không có bất kỳ tin tức gì từ sau khi nộp hồ sơ. Nhưng rồi cuối cùng niềm vui cũng đến khi bất ngờ cả 6 trường đều đồng ý cấp học bổng 100%.
Hoàng Quyên (giữa) chụp cùng bạn tại THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Trước khi quyết định cấp học bổng, các trường cử người đại diện ở Hà Nội tới phỏng vấn Quyên trực tiếp. Cô chia sẻ, buổi phỏng vấn diễn ra tại quán cà phê, trong không khí thoải mái đúng kiểu "chuyện trò".
"Trường Yale hơi căng, các trường còn lại em đều thấy thoải mái. Em ưng ý nhất buổi phỏng vấn với ĐH Harvard mặc dù lúc đầu hơi run. Họ hỏi những câu đơn giản và đời thường mục đích là để xác nhận xem con người thực của ứng viên có đúng như những gì đánh bóng trong hồ sơ không", Quyên kể.
Lần lượt nhận được giấy báo của các trường, Hoàng Quyên rơi vào trạng thái stress vì phải lựa chọn. Nhớ lại thời điểm đó, cô nàng có phong thái tự tin và cách nói chuyện nhẹ nhàng tâm sự: "Có lúc em phát khóc vì không biết chọn trường trường nào. Harvard là ước mơ của bao người và bố mẹ em cũng thích. Nhưng sau khi tham khảo, em quyết định đi theo mong ước của mình".
Hoàng Quyên chia sẻ, một trong số những người bạn từng học ở cả hai trường Harvard và Stanford đã giúp cô so sánh và đánh giá trước khi ra quyết định. Theo Quyên, Harvard và Stanford ngang nhau về chất lượng cũng như tiếng tăm. Nếu Harvard thiên về học thuật và nghiên cứu thì Stanford tạo môi trường thoải mái với nhiều hoạt động sôi nổi cho sinh viên. Nhận thấy đặc điểm ấy phù hợp với tính cách của bản thân, cộng với tình yêu Stanford, Quyên mạnh dạn từ chối Harvard.
Hiện tại, Quyên tham gia Dự án Việt Nam 2012 của Mạng lưới lãnh đạo trẻ Đông Nam Á SEALNET tại TP HCM.
Quyên chia sẻ, để sẵn sàng cho hồ sơ du học cần có quá trình tích lũy và chuẩn bị. Ước mơ du học được nữ sinh này ấp ủ từ năm lớp 10, khi tham gia Mạng lưới lãnh đạo trẻ Đông Nam Á SEALNET trụ sở ở Việt Nam (do ĐH Stanford sáng lập) với vai trò tình nguyện viên.
Là thành viên của SEALNET, Quyên có cơ hội làm quen với nhiều du học sinh Việt Nam đang học tại các trường nổi tiếng. Những câu chuyện về môi trường học tập, hoạt động ngoại khóa và sinh viên Stanford từ các anh, chị khiến Quyên mê mẩn rồi yêu ngôi trường ấy từ đó. Sau thời gian dài cùng thực hiện các dự án với SEALNET, hiện tại, cô đã là co-leader của Dự án Việt Nam 2012 ở TP HCM.
Năm ngoái, Quyên sang Singapore thực hiện dự án về người lao động nhập cư. Tại đây, cô tiếp xúc với những hoàn cảnh lao động bị bạo hành hoặc lạm dụng. Những chuyến đi cùng SEALNET giúp Quyên trải nghiệm và trưởng thành.
Năm lớp 11, khi đang là học sinh chuyên Anh của Hà Nội - Amsterdam, Quyên nhận được học bổng du học một năm tại trường Latin School of Chicago ở Mỹ. Quyên sống cùng gia đình người bản địa và thân với một cô bạn người Italy. Ngoài những môn văn hóa, Quyên còn được học nhiếp ảnh, lịch sử nghệ thuật. Cựu học sinh trường Ams cho hay, cô phải đọc rất nhiều và tự tìm hiểu các chủ đề lịch sử. Nhờ đó, điểm tổng kết của Quyên đạt 4.2 trong khi thang điểm cao nhất là 4.0.
Kết thúc một năm ở Latin School of Chicago, Quyên trở về học lớp 12 tại trường Amsterdam. Cô nàng tiết lộ, bạn bè, thầy cô ở Mỹ giúp đỡ rất nhiều để Quyên hoàn thành hồ sơ xin học bổng.
Có nền tảng tiếng Anh từ hồi còn học trường thực nghiệp, lên cấp 3 Quyên đỗ cả Hà Nội - Amsterdam và thủ khoa đầu vào chuyên Anh của trường Chuyên ngữ. Theo Quyên, ngoài tiếng Anh, các ứng viên cần chuẩn bị bài luận tốt và tích lũy các hoạt động xã hội. Với sinh viên Stanford tương lai, thế mạnh của cô cũng chính là những đặc điểm này.
"Hội đồng xét duyệt hồ sơ rất tinh nên chỉ cần nói quá những gì mình không làm hoặc chưa làm đều bị phát hiện. Họ đánh giá cao những ứng viên trưởng thành từ hoạt động xã hội. Có lẽ trong hồ sơ, hội đồng thấy mình phấn đấu từ thành viên lên leader ở SEALNET nên ấn tượng", Quyên chia sẻ.
Bố Quyên làm việc cho một tổ chức văn hóa của Nhật Bản nên từ nhỏ, cô đã được bố uốn nắn và khuyên đọc nhiều sách. Nhờ đó Quyên có phông kiến thức nền và không bị sốc khi sống ở một môi trường văn hóa khác. Quyên tự nhận không biết làm việc nhà bởi đã có mẹ làm giúp. Ở nhà, cô chỉ việc học và tham gia các hoạt động tình nguyện.
Cởi mở và dễ gần nhưng Quyên hiếm khi tâm sự cùng bố hoặc mẹ. Khi có chuyện buồn, cô thích viết blog, đọc sách hoặc đi chụp ảnh cùng bạn bè. Trước khi sang Mỹ nhập học vào tháng 9 này, Quyên đang tận dụng thời gian bên gia đình, bạn bè và hối hả chuẩn bị cho dự án trong TP HCM.
Hiện, Quyên vẫn chưa quyết định chuyên ngành của mình tại ĐH Stanford nhưng cô nàng muốn sau này làm công việc được đi đây đó và gặp gỡ nhiều người.
(Theo VnExpress) Bình Minh

21:10

'Sẽ không có công ty nào nhận thầu mà Trung Quốc mời'

 

Nhiều học giả và quan chức quốc tế khẳng định khu vực mà Trung Quốc mời thầu dầu khí thuộc vùng đặc quyền của Việt Nam, vì thế các công ty nước ngoài sẽ không quan tâm đến lời mời phi pháp của Trung Quốc.
 

Phần lớn các ý kiến được đưa ra tại hội thảo An ninh Hàng hải tại Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức tại thủ đô Washington của nước này những ngày qua.

9 lô dầu khí Trung Quốc mời thầu đều thuộc Việt Nam

Ông Carlyle Thayer, giáo sư của Học viện Quốc phòng Australia nêu ra hành động của Trung Quốc trong phiên thảo luận về các diễn biến gần đây trên Biển Đông.
Học giả này khẳng định rằng các lô dầu khí do CNOOC mời thầu đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Theo ông Thayer, Trung Quốc đã trả đũa việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển bằng cách mời thầu thăm dò, khai thác tại các lô, "tất cả đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam." Ông cũng cho rằng đây là một hành động chính trị, nhiều hơn là một hành động có tính thương mại.
Nhận xét về Luật Biển mới được Quốc hội Việt Nam thông qua, giáo sư Thayer khẳng định đây là một "diễn biến rất tích cực" vì Việt Nam muốn và cần thiết phải khai thác biển của mình. Ông nói "đến năm 2025, một nửa GDP của Việt Nam là từ biển, vì vậy Việt Nam cần luật để điều chỉnh và xác định rõ ràng nhiệm vụ của các cấp, các ngành".
Giàn khoan công nghệ trung tâm mỏ Bạch Hổ của Việt Nam. Ảnh: Petrotimes

Trung Quốc khiêu khích Việt Nam

Cũng tại hội nghị về Biển Đông do CSIS tổ chức, Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Lieberman cũng có phát biểu về hành động của phía Trung Quốc.
Theo ông Lieberman, việc Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu thăm dò - khai thác tại 9 lô trên Biển Đông là tuyên bố vô căn cứ và chưa hề có tiền lệ. Ông khẳng định các lô dầu khí này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được luật pháp quốc tế thừa nhận.

"Đây là hành động khiêu khích, nhằm trả đũa việc Việt Nam khẳng định các quyền pháp lý của mình trong luật quốc nội vào tuần trước. Những lời lẽ khiêu khích như vậy phải chấm dứt", Thượng nghị sĩ Lieberman nói.

Cần phải nghĩ kỹ trước khi tham gia thầu với Trung Quốc

Đó là cảnh báo của tiến sĩ Bonnie Glasser, chuyên gia về châu Á của Trung tâm CSIS. Theo lời phát biểu của bà Glasser tại hội nghị của CSIS, bất cứ công ty dầu khí nước ngoài nào có ý định tham gia thầu với Trung Quốc tại các lô nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam đều phải thấy mức độ rủi ro rất cao và phải "suy nghĩ kỹ càng" trước khi quyết định.

Sẽ không có công ty nước ngoài nào nhận thầu

Đó là nhận định của ông Laban Yu, giám đốc nghiên cứu dầu khí tại Jefferies Hong Kong Ltd., một công ty ngân hàng đầu tư và chứng khoán.
"Sẽ chẳng có công ty nước ngoài nào tới đó (khu vực Trung Quốc chào thầu)", Financial Times dẫn lời ông Yu nói. "Chính quyền trung ương (Trung Quốc) chỉ muốn sử dụng hành động của CNOOC để đưa ra một tuyên bố chính trị".
Bản đồ chào thầu 9 lô dầu khí trái luật của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC).

Nhật Nam

20:01
375.000 doanh nghiệp đang hoạt động thực tế

Tổng cục Thống kê vừa công bố kết quả rà soát số lượng doanh nghiệp năm 2012. Theo đó, cả nước có trên 375.000 doanh nghiệp đang hoạt động thực tế, chiếm 83,7% số doanh nghiệp hiện có.

Việc rà soát số lượng doanh nghiệp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành từ đầu năm 2012 với mục tiêu thu thập số liệu thống kê đầy đủ và thống nhất về số lượng doanh nghiệp hiện có và tình trạng hoạt động trên phạm vi toàn quốc cũng như từng địa phương, từng loại hình doanh nghiệp.
Theo kết quả rà soát, tổng số doanh nghiệp tính đến thời điểm 1-1-2012 tồn tại về mặt pháp lý là trên 541.000. Tuy nhiên, nếu loại trừ gần 93.000 doanh nghiệp không thể xác minh được, thì toàn nền kinh tế có hơn 448.000 doanh nghiệp.
Trong số 448.000 doanh nghiệp này, có trên 375.000 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động sản xuất kinh doanh, có gần 16.000 doanh nghiệp đã đăng ký nhưng chưa đi vào sản xuất kinh doanh,  gần 24.000 doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất kinh doanh (chiếm 5,3%), hơn 31.000 doanh nghiệp chờ giải thể.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, con số 83,7% doanh nghiệp hiện có của nền kinh tế đang hoạt động thực tế là một tỷ lệ hợp lý, thể hiện chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý và điều kiện sản xuất kinh doanh khá thuận lợi của nền kinh tế nước ta.
Tỷ lệ doanh nghiệp chờ giải thể hiện chiếm 7% so với tổng số doanh nghiệp hiện có thể hiện các quy định của pháp luật về phá sản và quy trình, thủ tục phá sản doanh nghiệp còn nhiều điểm chưa phù hợp, cần tiếp tục rà soát, đổi mới công tác quản lý cho phù hợp hơn.
Gần 93.000 doanh nghiệp không thể xác minh được, chiếm 20,6% doanh nghiệp hiện có, Tổng cục Thống kế cho rằng điều này thể hiện sự tuân thủ pháp luật thấp của một bộ phận trong cộng đồng doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp không thực hiện “khai tử” khi doanh nghiệp không còn tồn tại trong thực tế.
Trong thời gian tới, các Bộ ngành và địa phương cần rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp lý và đổi mới hoạt động quản lý, giải thể doanh nghiệp để giải quyết tình trạng nợ đọng nhiều năm trên sổ sách đăng ký, nhưng thực tế doanh nghiệp đã không còn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thêm 9.000 doanh nghiệp mới trong 6 tháng
Cũng theo công bố của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp thành lập mới ước đạt trên 36.000 với số vốn đăng ký hơn 232.000 tỷ đồng. Cùng thời gian, có hơn 26.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Như vậy, tính theo con số tuyệt đối,  toàn bộ nền kinh tế có thêm khoảng hơn 9.000 doanh nghiệp mới.
Theo Tổng cục Thống kê, số lượng đăng ký mới trong 6 tháng giảm 12,5% và số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng 5,4% so với cùng kỳ đã phản ánh thực trạng khó khăn của doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo kết quả điều tra mẫu hơn 9.000 doanh nghiệp, từ đầu năm tới thời điểm 1-4-2012, có 8,4% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, phá sản, giải thể.
Tuy nhiên, đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các nước trên thế giới và khu vực trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy các yếu tố cản trở lớn nhất với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gồm lãi suất vay vốn cao, lạm phát, khả năng tiếp cận vốn, chi phí vận tải, nguồn điện cung cấp…
Đây cũng là những vấn đề được các doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý tiếp tục tập trung hỗ trợ, cải thiện để hoạt động sản xuất kinh doanh được thuận lợi hơn nữa trong thời gian tới.
Theo Chinhphu.vn

19:50
Thượng nghị sĩ Mỹ:
Các lô dầu khí là của VN


Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Liberman cho rằng việc Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc mời thầu thăm dò, khai thác tại 9 lô dầu khí trên biển Đông là hành động “vô căn cứ và chưa hề có tiền lệ”.


Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Liberman - Ảnh: AP

Ngày 28-6, phát biểu tại Hội thảo quốc tế về biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức tại Washington (Mỹ), thượng nghị sĩ Mỹ Joe Liberman khẳng định các lô dầu khí này đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được luật pháp quốc tế thừa nhận.
Trong bài phát biểu, Thượng nghị sĩ Liberman khẳng định mối quan tâm của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và biển Đông nói riêng.
Ông nhấn mạnh mặc dù Mỹ không phải là một bên trực tiếp tham gia vào tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, nhưng những hành động của Trung Quốc tại biển Đông ảnh hưởng tới Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Theo ông, những hành động gần đây của Trung Quốc ở biển Đông đang làm mất lòng tin của các nước trong khu vực và làm gia tăng căng thẳng tại đây.
Ông cho rằng tất cả các bên cần thừa nhận rằng các bất đồng chỉ có thể giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế. ASEAN cần cố gắng để đưa ra được một bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông nhằm giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, có lợi cho tất cả các bên theo luật pháp quốc tế.
Sau phát biểu của Thượng nghị sĩ Liberman, các học giả quốc tế đã thảo luận vấn đề áp dụng luật quốc tế trong việc giải quyết và kiểm soát các tranh chấp. Các học giả đều thống nhất sự cần thiết phải áp dụng công ước quốc tế về luật biển trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.
Trước đó, tại hội thảo, một số học giả quốc tế đã khẳng định rằng các lô dầu khí mà Trung Quốc mời thầu thăm dò, khai thác tại biển Đông đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
TTXVN

12:00

Hầm bí mật dưới lòng Hoàng thành Thăng Long


ANTĐ - Khi Hoàng thành Thăng Long chính thức mở cửa đón khách tham quan, lần đầu tiên, hầm ngầm D67 - phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã được đông đảo du khách biết đến. Và trong lòng Di sản thế giới còn có một căn hầm bí mật khác nữa - hầm Chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu.

Hoàng thành không chỉ có D67

Lối xuống hầm Tác chiến

Những năm 1965-1966 Mỹ bắt đầu leo thang đánh phá miền Bắc, Bộ Tổng tham mưu lập kế hoạch bảo đảm an toàn cho cơ quan đầu não tại Thành cổ với ba mức: báo động, xuống hầm và di tản. Hệ thống hầm ngầm sẽ được sử dụng ở mức báo động 2. Căn hầm rộng nhất, được trang bị đầy đủ và hiện đại nhất mà chúng ta vẫn biết đến lâu nay là hầm D67 (nằm dưới khoảng sân nối giữa điện Kính Thiên và nhà D67 dành cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương).

Ít được biết đến hơn là hầm gần khu làm việc của Cục Tác chiến. Mặc dù có quy mô nhỏ hẹp, đơn giản hơn nhưng căn hầm này đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta. Hầm có kết cấu nửa nổi nửa chìm bằng bê tông nguyên khối, với ba lớp nóc - hai lớp bê tông và ở giữa là lớp cát có thể chịu đựng được bom tấn, tên lửa. Nội thất hầm tương đối hiện đại, đồng bộ với hệ thống tiêu đồ, hệ thống thông tin liên lạc, còi báo động, loa phóng thanh thông báo về máy bay địch.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, người từng làm việc trong căn hầm từ những năm 1968 nhớ lại: Lúc bấy giờ, nhiệm vụ thiết kế, xây dựng nhà, hầm được giao cho Bộ Tư lệnh Công binh. Một số bộ phận như máy thông hơi, lọc khí, cửa sắt, điện đài, loa truyền thanh… được nhập từ Liên Xô. Khoảng 300 cán bộ, chiến sĩ từ nhiều trung đoàn chuyên môn được huy động đào, xây hầm từ cuối năm 1965 đến giữa năm 1966 thì đưa vào hoạt động. Để giữ bí mật, Bộ Tư lệnh Công binh đã được lệnh phá sập toàn bộ tầng 2 tòa nhà Cục Tác chiến để ngụy trang, che mắt máy bay do thám của địch. Dưới đống đổ nát hoang tàn đó, các cơ quan, đơn vị vẫn âm thầm hoạt động, đảm bảo hoàn toàn bí mật.

Đầu não tác chiến


4 phòng nhỏ này là nơi liên lạc với các chiến trường

Với vai trò là nơi đầu tiên tiếp nhận những thông tin quân sự, kíp trực ban dưới hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu (BTTM) có nhiệm vụ đưa ra những phương án tác chiến, bảo vệ miền Bắc, Thủ đô Hà Nội đưa ra những đề nghị xử lý tình huống tác chiến trên các chiến trường B, C, K khi đó. Do phải đảm bảo tính bí mật, chỉ có 3 người trong kíp trực ban mỗi ngày cùng với các tiêu đồ viên, 1 liên lạc viên (lo việc truyền tin, cấp dưỡng) cùng các chỉ huy cấp cao mới được phép vào hầm. Khi có tình hình khẩn cấp mới tăng cường thêm người trong kíp trực.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh bồi hồi kể lại: “Khoảng thời gian từ năm 1965 đến 1973, giặc Mỹ điên cuồng thực hiện hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Cuối năm 1972, nhiều tin tức tình báo quân sự cho thấy, Mỹ đang tập trung lực lượng quân sự không quân và hải quân để thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2. Tình hình ngày càng căng thẳng, cán bộ Cục Tác chiến được yêu cầu trực 24/24h dưới hầm. Ngày 18-12-1972, đồng chí Phùng Thế Tài sau khi đón đồng chí Lê Đức Thọ mới từ Paris trở về có dặn tôi: “Hội nghị bế tắc, ta phải cảnh giác cao độ. Cậu phải ở lỳ dưới đây mà trực”.

Tối 18-12-1972, nhận được thông tin B52 đã cất cánh từ Guam, Utapao (Thái Lan), nhiều tốp bay dọc sông Mekong lên phía bắc. Các lực lượng chiến đấu sẵn sàng, vào cấp 1 xong... tôi đã điện thoại báo cáo đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng. Lúc này, nhận thấy thời gian cấp bách, sợ bị động trước cuộc tấn công bất ngờ, tôi liều xin phép được bấm nút báo động phòng không trước quy định vì tình hình diễn biến quá nhanh. Được sự đồng ý của đồng chí Văn Tiến Dũng, tôi đã bấm nút báo động máy bay địch ném bom trước thời hạn 5 phút. Tiếng còi báo động vang lên trên nóc tòa nhà Quốc hội rồi từ từ lan ra toàn thành phố. Trong hầm, điện thoại liên tục đổ chuông. Cả kíp trực ban gồm ba người chúng tôi chỉ kịp nhấc máy và trả lời cùng một câu: “Yêu cầu đồng chí xuống ngay hầm phòng không”.

19h45 hàng đoàn pháo đài bay B-52 bắt đầu trút bom xuống Hà Nội và các vùng phụ cận, cả Hà Nội rung chuyển trong tiếng bom, căn hầm cũng nhiều lần chao đảo. Lưới lửa phòng không giăng sáng rực cả bầu trời. Thông tin chỉ huy và báo cáo tình hình được truyền đi liên tục. Mọi người vẫn thấp thỏm lo âu vì chưa nhận được bất cứ tin tức gì về những chiếc B-52. 20h13, các đồng chí trên đài quan sát ở Kỳ Đài trong Hoàng thành hò reo: máy bay bị bắn rơi phía Đông Anh, cháy rất lớn. 3 phút sau, thông tin báo về Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không Không quân, một máy bay B52 đã bị bắn rơi tại Phù Lỗ. Đem hôm đó, trời vào đông rét mướt, vậy mà vai áo của tất cả những cán bộ trong phòng đều ướt sũng mồ hôi”.

Mở cửa, đón khách tham quan

Các ổ điện cùng hệ thống lọc khí của hầm

Câu chuyện của Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nói trên, chỉ là một trong vô vàn những kỷ niệm, sự kiện đáng nhớ gắn với hầm chỉ huy tác chiến - BTTM. Căn hầm được sử dụng cho đến năm 1975, nhưng sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, căn hầm cùng bao chiến tích lịch sử đã trở thành di tích. Mới đây, với nỗ lực bảo tồn những di tích cách mạng kháng chiến, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long đã lên kế hoạch nghiên cứu, phục dựng căn hầm.

Lần đầu tiên, sau mấy chục năm căn hầm mở cửa, những trang thiết bị đa phần đã hỏng hóc, hệ thống lọc gió, làm mát đã không còn hoạt động, đường điện bị cắt… Các cán bộ của Trung tâm đã tìm hiểu, nghiên cứu những tư liệu cũ, gặp mặt các cán bộ chiến sĩ năm xưa từng làm việc tại đây, dần dần làm sống lại căn hầm khi xưa với trọn vẹn tầm quan trọng lịch sử. Từ chiếc điện thoại số 1 chỉ dùng để nghe điện từ Bác Hồ, cho tới nút nhấn chuông báo động trên nóc tòa nhà Quốc hội hay hệ thống điện đàm, vô tuyến điện, loa phóng thanh, tiêu đồ đều đang được cẩn trọng phục dựng. Ông Trần Việt Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long cho biết, nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không - tháng 12-2012, căn hầm sẽ mở cửa đón khách tham quan, thông qua di sản này người dân và du khách quốc tế hiểu thêm về lịch sử dân tộc Việt Nam. 
(An ninh thủ đô) Đỗ Nguyễn Đệ

10:09

Xóa bỏ nhập nhèm giữa… công íchkinh doanh


(Tamnhin.net) - Nếu chức năng làm nhiệm vụ công ích và kinh doanh đang rất lẫn lộn như hiện tại không được phân định rạch ròi, thì mục tiêu buộc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cạnh tranh theo cơ chế thị trường trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ sẽ trở nên không khả thi.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nhấn mạnh luận điểm này với dẫn chứng, thực tế là khi làm ăn thua lỗ, DNNN dễ lấy nhiệm vụ công ích ra làm “bia đỡ đạn”, chứ không thừa nhận do kinh doanh yếu kém, thậm chí cố tình làm thất thoát để tư túi, tham ô… Sự nhập nhèm này khiến rất khó quy trách nhiệm cho ban điều hành DNNN khi xảy ra thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của dân, của Nhà nước.

Bà cho rằng,“Để khắc phục tình trạng trên, tới đây cần có quy định phân biệt rạch ròi giữa nhiệm vụ công ích và kinh doanh của DNNN. Nếu điều này quá khó, thì nên bỏ nhiệm vụ công ích đối với loại hình DN này, để minh bạch hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, cũng như kết quả sản xuất, kinh doanh của DNNN…”.

Minh bạch hơn hoạt động của DNNN, đặc biệt là các DN đang nắm lượng tài sản lớn của nhà nước như các tập đoàn, tổng công ty, thông qua nghĩa vụ định kỳ công bố một loạt thông tin quan trọng, là giải pháp đáng chú ý được đưa ra trong Đề án.

Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty phải công bố các thông tin: sứ mệnh và các mục tiêu cụ thể hàng năm; báo cáo tài chính hợp nhất có kiểm toán của tập đoàn, tổng công ty và báo cáo tài chính có kiểm toán của các công ty con; danh mục các dự án đầu tư và tiến độ thực hiện các dự án; các giao dịch quy mô lớn, khoản vay hay cho vay lớn và các giao dịch bất thường khác… Đặc biệt, các tập đoàn, tổng công ty còn phải công bố thông tin về các bên có liên quan, giao dịch với bên liên quan; nhân thân, trình độ chuyên môn, các vị trí quản lý đã nắm giữ, cách thức được bổ nhiệm, công việc quản lý được giao, cách thức trả lương và những lợi ích khác của các cán bộ chủ chốt; thông tin về những người có liên quan và lợi ích có liên quan của họ với công ty… Nội dung và chất lượng thông tin được công bố, cách thức công bố thông tin phải phù hợp với thông lệ tốt, ít nhất tương đương với các công ty niêm yết…

Bà Lan nhìn nhận, nếu triển khai được những giải pháp nêu trên, thì lần đầu tiên không chỉ người dân, mà chính cơ quan quản lý sẽ tiếp cận được gần như toàn bộ những thông tin quan trọng liên quan trực tiếp đến tiền, tài sản, mối quan hệ giữa các nhân sự chủ chốt với những người có liên quan tại DNNN. Lâu nay các DNNN chưa chịu áp lực phải minh bạch các thông tin này, nên dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực. Điều này được minh chứng qua một số vụ việc sai phạm đã bị phanh phui, khi lãnh đạo DNNN tìm cách rút ruột tài sản của nhà nước thông qua chuyển các hợp đồng, dự án hay các lợi ích kinh tế khác vào tay các DN sân sau nhằm tư túi, tham ô. Điều này phần nào lý giải tại sao nhiều DNNN thường xuyên làm ăn thua lỗ, nhưng lãnh đạo DNNN giàu lên trông thấy. Tại sao sự bất thường kéo dài này không được làm rõ?

“Để nghĩa vụ minh bạch hoạt động của DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty không chỉ là quy định trên giấy, các giải pháp nêu ra trong Đề án cần được luật hóa với các chế tài đủ mạnh, để tạo sự răn đe đối với các DNNN cố tình không chấp hành. Nếu tư tưởng “nuông chiều” DNNN không được dứt khoát đoạn tuyệt, thì khó tạo đột phá trong tiến trình tái cơ cấu DNNN”, bà Lan cảnh báo.

Tái cơ cấu DNNN là một trong các trụ cột trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, vừa được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Theo Đề án, tái cơ cấu DNNN phải được thực hiện đồng thời trên 3 nội dung: sắp xếp, phân loại, cơ cấu lại danh mục đầu tư và ngành nghề kinh doanh, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính, CPH, đa dạng hóa sở hữu các DNNN mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% sở hữu; đổi mới, phát triển và áp dụng khung quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; thay đổi các điều kiện kinh doanh bên ngoài để áp đặt đầy đủ kỷ cương nhà nước và kỷ luật thị trường, buộc các DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường...

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, muốn áp đặt hiệu quả kỷ cương nhà nước và kỷ luật thị trường đối với DNNN, thì gốc rễ là cần rạch ròi được phạm vi kinh doanh của các DNNN, cụ thể hơn là của các tập đoàn, tổng công ty; họ có vai trò, chức năng gì trong nền kinh tế. Khi định vị rõ vị trí của họ trong mối tương quan với các lực lượng khác trong nền kinh tế, thì mới có thể thiết kế được hệ thống chính sách đủ đồng bộ và chặt chẽ buộc khối DN này thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động.
(Tamnhin.net) Hải Hà

10:04

Thư gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng từ chuyện nhà công vụ


TuanVietNamnet- "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Việc nhà công vụ, ngỡ đơn giản nhưng lại không minh bạch, đặt lợi ích nhóm lên đầu dễ khiến người dân đặt câu hỏi, lòng dân không thuận.

Giờ đây tin tức nơi nơi cho biết BĐS đang đóng băng, các chủ đầu tư đắp chiếu các dự án của mình. Nhưng vẫn đây đó có tin mừng: "Chủ đầu tư A sẽ khởi công dự án vốn đắp chiếu lâu nay; bà nọ, ông kia rút tiền tiết kiệm mua nhà vì giá đã xuống đáy; ngân hàng A, B, C đang hạ lãi suất để người mua nhà có thể vay dễ dàng... hay chủ dự án D, E, G đang bảo lãnh cho khách hàng mua chịu nhà..." Những tin mừng ấy có làm cho thị trường BĐS khởi sắc?
Cho dù các dự đoán trên báo chí đưa ra dựa trên nhận định của các "chuyên gia/ chuyên vào" mù mờ về độ tin cậy thì đó cũng không đáng lo ngại bởi tạo nên hiệu ứng tâm lý lạc quan yêu đời trong thời buổi kinh tế khó khăn âu cũng là việc nên làm. Nhưng những giải pháp đề xuất dùng tiền ngân sách để "mua nhà công vụ từ nhà ở xã hội ..." trong lúc này thì rất cần đem ra bàn thảo cho cặn kẽ.
Không bàn đến sự cần thiết của những ngôi nhà dùng vào việc công, nhưng nhà công vụ là tài sản công và mua nhà ắt là tiền ngân sách... Khi kinh tế không thuận lợi, cả nước cắt giảm chi tiêu công thì có phải lúc thuận tiện để bàn chuyện dùng ngân sách để mua nhà ở. Trong khi những động thái cắt giảm chi phí mua "xe công", dừng khởi công xây dựng "công sở"... thậm chí các dự án chưa cấp thiết khác cũng giãn tiến độ... đang được bà con tán thưởng, bàn chuyện mua nhà công vụ lúc này hẳn là không "hợp thời".
Thành công và hạn chế của các dự án đã thực hiện tại CT1-CT2 (Green Park Tower) - khu đô thị mới Yên Hòa hay "Nhà ở xã hội giá rẻ tại quận Hà Đông" và "nhà ở công vụ của các cơ quan Chính phủ" tại khu Đoàn ngoại giao tại xã Xuân Đỉnh-huyện Từ Liêm-Hà Nội đang được dư luận quan tâm thì rất cần bàn thảo rộng rãi, nhằm chỉ ra được những sáng kiến "giải cứu thị trường BĐS" của Bộ Xây dựng và các ngành liên quan có tác dụng tới đâu đến cuộc sống dân sinh dân kế, đến tâm lý thị trường, đến công nghiệp vật liệu xây dựng, đời sống của công nhân, công chức... Nếu thực sự là hiệu quả thì nhân rộng nó lên. Đó là cách làm thế nào cho phù hợp, hay là chuyện "hợp cách".
Báo chí đặt câu hỏi về sự việc đất 20% CT1, CT2 Yên Hòa bị hô biến, nhường cho nhà thương mại và chỉ còn một phần nhỏ tái định cư, rồi lại từ phần tái định cư nhỏ bé biến thành nhà công vụ với giá cao ngất (24,765 triệu). Người dân thắc mắc tại sao nhà tái định cư vốn chỉ tính giá rất thấp, cũng căn đó, bán sang tên thành nhà công vụ mà lại lên giá trên trời. Trong lúc đó, Bộ Xây dựng hoàn toàn lặng tiếng... Đó là chuyện không "hợp lý".
Chưa kể, Bộ Xây dựng mới được Thủ tướng phê duyệt Chiến lược nhà ở tầm cỡ Quốc gia, trong đó mục tiêu chủ yếu là đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Thế nhưng, động thái đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Xây dựng là ký văn bản yêu cầu Thành phố Hà Nội lấy nhà tái định cư xây trên quỹ đất 20% (đất phục vụ nhu cầu tái định cư, nhà ở xã hội của thành phố) để làm nhà công vụ!
Bố trí "công vụ" thì cần thiết nó phải gần nơi "công sở" ví dụ như khu gia đình quân đội phải gần đơn vị đóng quân, giống như nơi ở của lính cứu hỏa thì cần gần trạm xe cứu hỏa thì mới nên làm. Nhà cho cán bộ mà cách xa công sở đến hàng chục cây số để mỗi ngày chen chúc cả tiếng mới đến nơi... thì thà hỗ trợ tiền nhà cho công chức có lẽ còn tốt hơn.
Trung tâm hành chính hiện ở quanh khu vực quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, bố trí nhà công vụ tận khu Yên Hòa (Cầu Giấy) thì cán bộ cao cấp chắc cũng toát mồ hôi tham gia giao thông cả tiếng trên đường để đến công sở.
Lấy nhà tái định cư của người dân mà làm "công vụ", xẻ lợi ích của dân để cho quan, đó chẳng phải là chuyện "hợp tình".
Chưa kể bố trí cho các lãnh đạo cao cấp ở lẫn khu tái định cư cũng không phải là cách làm "hợp lý".
Chuyện không "hợp tình", "hợp lý", "hợp cách" sẽ khiến dân không đồng lòng.
"Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Việc nhà công vụ, ngỡ đơn giản nhưng lại không minh bạch, đặt lợi ích nhóm lên đầu dễ khiến người dân đặt câu hỏi, lòng dân không thuận.
Nhà ở xã hội cho công nhân cũng vậy, nó chỉ hay khi gần nhà máy. Trong lúc nhiều nhà máy, khu công nghiệp đang sản xuất cầm chừng, công nhân bỏ việc về quê, bỏ cả đống tiền mua nhà xã hội lúc này rồi cũng chỉ để xếp xó!
Vấn đề là làm thế nào để cho nhà công vụ - nhà xã hội được đầu tư " hợp lý"
Kinh tế phát triển không thuận lợi, khó khăn không chỉ riêng thị trường BĐS, cái  nghèo không chỉ gõ cử mấy nhà đầu tư BĐS nghiệp dư mà tới khắp nơi. Thiết nghĩ, dù có mạnh tay chi tiền vào mấy dự án BĐS chuyển tên, đổi mầu cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Cái quan trọng là tài chính từ ngân sách vốn hiếm và quý được sử dụng thế nào để cứu giúp nhóm cư dân yếu kém nhất vượt qua khó khăn hàng ngày, trước mắt chứ không phải vào chuyện đại sự cả đời là mua nhà...
Chưa kể, trong lúc Chính phủ đang muốn công khai, minh bạch mọi chuyện để dân cùng đồng thuận, Bộ Xây dựng "áo gấm đi đêm", chỉ định thẳng đơn vị A bán nhà tái định cư thành nhà công vụ cho mình dễ khiến lòng dân nhiễu loạn. Không có đấu thầu, không công khai thông tin, một đơn vị xây dựng tư nhân bỗng dưng lên đời nhà tái định cư nhờ chữ ký của Bộ trưởng đề nghị Thành phố Hà Nội bán căn nhà đang xây dở dang, ế ẩm thành nhà công vụ sẽ khiến các đơn vị xây dựng B, C, E khác cho rằng, Bộ xây dựng "yêu đặc biệt" chủ đầu tư A, còn dân hoang mang quanh chữ "lợi ích nhóm".
Trong lúc thị trường BĐS trầm lắng, cần bình tĩnh suy nghĩ xem đã lỡ làm hỏng ở khâu nào/ chỗ nào, để xử lí phù hợp. Trong khi không gian cộng cộng, cây xanh mặt nước trong đô thị phục vụ đại chúng thì thiếu hụt, khu ăn chơi, nghỉ dưỡng cao cấp nhiều mà ế ẩm thì trường học công lập, bệnh viện bình dân luôn quá tải, thiếu chỗ  nghiêm trọng?
Nên chăng, nhân cái lúc nơi nơi BĐS "lỡ thời" ế ẩm này mà dùng ngân sách công mua rẻ lại để hoán cải thành các khu giáo dục đại học tập trung, khu dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng quy mô lớn? Lấy chỗ thừa bù cho chỗ thiếu một cách công tâm, minh bạch và trí tuệ, biết đâu lại biến "bĩ" thành "thái, huy động được nỗ lực, sự đồng thuận của cả xã hội.
Tuy nhiên, việc này không thể trông vào mấy "ông" ngồi trong phòng kín mà nghĩ ra kế sách hay. Phải công khai hoàn cảnh, dự tính giải pháp tháo gỡ, trưng cầu rộng rãi trước bàn dân thiên hạ... Việc chưa có tiền lệ, đương nhiên làm sẽ khó. Nhưng kết quả tốt thì thấy ngay trước mắt.
Ông Đào Trung Chính, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường: Nhà tái định cư thì đừng nên xâm phạm. Đâu có thiếu chỗ để làm. Bao nhiêu đất trống của các dự án được giao mà ko triển khai đúng tiến độ, sao không mạnh tay thu hồi để xây dựng. Có thể khi đưa ra vấn đề này còn thiếu cân nhắc".
Ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng cục Công sản, Bộ Tài chính: Dứt khoát không có chuyện lấy nhà Dân để ưu tiên cho nhà Quan.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT: Đây là việc không nên làm. Hà Nội luôn nói thiếu nhà tái định cư và Hà Nội cũng nhiều lần hứa rằng cố gắng ở trong vòng 1 - 2 năm nữa sẽ tạo điều kiện để người được tái định cư có quyền lựa chọn một vài địa điểm phù hợp với cuộc sống của mình. Bây giờ, quỹ nhà tái định cư lại bán đi làm nhà công vụ cho Trung ương sẽ làm cho mọi người có những suy nghĩ nhất định.
Khu vực tái định cư là để đền bù cho những người bị thiệt hại về nhà ở do Nhà nước thu hồi đất. Đấy là việc mang tính an sinh xã hội, không phải thuộc kênh của thị trường.
Ưu tiên cho cán bộ công nhân viên Nhà nước cũng gây nên suy nghĩ không thuận lắm khi chúng ta lấy quỹ nhà đang bồi thường cho những người bị thiệt hại để chuyển cho cán bộ công nhân viên Nhà nước.
Trần Huy Ánh

10:00
TP. Hồ Chí Minh:
Trẻ em mẫu giáo là… khổ nhất*


Chỉ còn hai tháng nữa là học sinh bước vào năm học mới. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 nháo nhào đưa con đến phòng khám của các bệnh viện Nhi Đồng 1, 2 để xin “giấy chứng nhận sức khoẻ tâm lý, tâm thần” để nộp vào trường. Riêng với những trẻ không được học tập đọc, viết trước khi vào lớp 1 thì “chới với” và được đánh giá là có vấn đề về trí tuệ, cần phải khám...

Trẻ không biết đọc, viết trước khi vào lớp 1: “Coi chừng bị cho là tâm thần”

Năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng tháng 4 trở đi là khoa tâm lý của các BV lại xuất hiện tình trạng bố mẹ đưa con đến khám để xin giấy chứng nhận nộp cho trường. Chị Trần Thị Mỹ Anh - trú tại quận Bình Thạnh cho biết: “Tôi có con 6 tuổi và học kỳ 1, 2 vừa rồi cô giáo đề nghị gia đình cho cháu đi khám về tâm thần do cháu học quá chậm so với các bạn trong lớp. Gia đình tôi theo chủ trương là không cho trẻ học trước khi vào lớp 1. Vì học trước đến khi vào lớp 1 thì cháu đã biết và sẽ lười học, không tập trung. Tuy nhiên, đến khi vào được trường thì tôi mới thấy hối hận vì đã không cho cháu học trước. Ngay từ đầu năm học, cô giáo đã cho các cháu kiểm tra phân loại trẻ nào đã biết đọc, biết đếm số, thậm chí biết cộng trừ. Nếu chưa biết gì cả thì sẽ bị loại vào danh sách “học chậm” hoặc có vấn đề về trí tuệ...”.

Thạc sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà - khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2 cho biết: “Nhiều phụ huynh đến khám nằng nặc đòi tôi phải cấp cho giấy chứng nhận là cháu bị khyết tật. Tôi không thể cấp được vì qua thăm khám thì cháu hoàn toàn bình thường”. 

80% bị kết luận oan là... tâm thần!

Bình quân, mỗi tháng, ba chuyên viên tâm lý của khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2 tiếp nhận hơn 40 học sinh, nhưng 80% số này bị kết luận oan. Trước thực tế trên, chuyên giá tâm lý Kiều Thanh Hà cho biết: “Tôi đã từng khám cho nhiều trường hợp bị “tâm thần oan”. Trào lưu ép học sinh 4 - 5 tuổi phải đọc thông, viết thạo, làm toán tốt trước khi vào học lớp 1 mặc dù đã được ngành giáo dục phản đối và báo chí lên tiếng nhiều lần nhưng vẫn không xoay chuyển được.
Thậm chí, trẻ mới học mẫu giáo chưa đọc tiếng Việt thông thạo đã được gia đình và nhà trường tổ chức dạy tiếng Anh phụ đạo. Trẻ khi học hết lớp lá chuẩn bị sang lớp một mà đọc thông viết thạo, làm toán giỏi... thì sẽ được liệt vào danh sách thông minh. Tuy nhiên ở một góc độ khác, chính vì cho học trước nên khi vào lớp 1 trẻ chán học và không chịu tập trung vì học toàn những kiến thức đã được học từ lúc mẫu giáo. Và đến lúc này thì cô giáo lại phê... lười học, học trước quên sau. Những trường hợp này chúng tôi “sửa” rất mệt, có bé phải tận lớp 4 mới lấy lại được hứng thú học tập.

Vậy đâu là nguyên nhân gây ra vấn đề trên? Bà Hà khẳng định: “Tôi từng là hội trưởng hội phụ huynh nên hiểu rõ, đi họp ở trường tôi biết nhiều thầy cô do bệnh thành tích mà kết luận oan cho trẻ. Thông thường, bước vào đầu năm học, giáo viên thường đăng ký điểm thi đua (chiến sĩ thi đua) với nhà trường rằng năm nay lớp chỉ có một học sinh yếu, nên nếu lại gặp phải 2 – 3 trẻ đọc lắp, đọc ngọng, đọc lí nhí hoặc cô giao bài tập về không làm bài liên tục... cũng được coi là chậm phát triển trí tuệ, có vấn đề tâm thần. Cô giáo sợ sẽ mất điểm thi đua nên yêu cầu cha mẹ đến xin giấy chứng nhận sức khoẻ tâm lý, tâm thần".

Theo bà Hà, việc BV cấp giấy chứng nhận cũng chỉ là theo nguyện vọng của phụ huynh trước áp lực của thầy cô giáo. Giấy chứng nhận này chỉ có giá trị khi bác sĩ tâm lý kết hợp với ngành giáo dục lập ra hội đồng để đánh giá cụ thể và kết luận mới thực có giá trị. Nếu ngành giáo dục không ngăn chặn tình trạng trên chắc chắn sẽ có hàng loạt trẻ bị tâm thần oan.    
Võ Tuấn
* Sau vụ từ chối khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi không có thẻ BHYT, nay lại đến nạn học trước khi vào mẫu giáo, khám bệnh tâm thần… trước khi nhập học, tôi không ngờ ở một thành phố văn minh, hiện đại nhất VN như TP HCM mà trẻ em lại khổ đến thế. Phấn đấu để giàu sang, hiện đại nhưng lại không quan tâm đến trẻ em thì mục đích cuối cùng của TP HCM là gì?
Thương Giang

Chuyện vui:

09:01
To và bé
   
     Hai ông Nông và Công nói chuyện với nhau quanh chuyện sự phát triển của các thành phố. Ông Nông phàn nàn:
      - Những năm gần đây tôi thấy các thị trấn, thị xã, thành phố trên cả nước phát triển nhanh quá, thị trấn thì chạy để lên thị xã, thị xã thì vươn lên thành thành phố, thành phố loại 2 thì xin lên loại 1... Chả bù cho lĩnh vực kinh tế, nhịp độ tăng trưởng cứ chậm dần, chẳng mấy mà đình đốn, dậm chân tại chỗ!
      Ông Công:
      - Ở xứ ta đang mắc chứng bệnh “đầu to” mà ông. Tuy nhiên nhiều người lại thích chứng bệnh này.
      - Đã gọi là bệnh thì có ai lại thích được? Đơn vị hành chính càng lên cấp thì công tác quản lý đô thị càng khó khăn, phức tạp hơn chứ? - Ông Nông căn vặn.
      - Ông có thấy từ khi thị xã ta lên thành phố, cán bộ, công chức có phải tăng giờ làm không?
      - Cái đó thì theo luật lao động, sao tăng được? Tôi nghĩ mọi thứ vẫn thế thôi, có chăng chỉ thay đổi cái tên.
     - Thế mà có cái lại tăng đấy, chẳng hạn như tiền lương chức vụ, tiền trách nhiệm của cán bộ, công chức, rồi chi ngân sách vv… đều tăng cả. Cho nên bệnh “đầu to” nó cũng kéo theo chứng “bụng to”, cái chứng mà nhiều anh cán bộ rất thích! Chỉ có mấy ông chủ Nhân dân bụng ngày một tóp lại là không thích thôi.
(Theo dongquanho.blogspot,com) Đinh Hoàng

09:00
Quỹ tiết kiệm nhà ở:
“Giấc mơ” của người nghèo*

SGTT.VN - Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ phê duyệt đề án quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở với hai mô hình khác nhau, đó là tiết kiệm nhà ở cho người thu nhập thấp và cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu mua nhà ở thương mại. Dự kiến quỹ này sẽ vận hành thí điểm từ năm 2013 tại TP.HCM và Hà Nội.
       Giấc mơ có nhà ở của người nghèo xem ra còn quá xa. Ảnh: L.Q.Nhật
Riêng mô hình thứ nhất, theo Bộ Xây dựng, là quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, hộ nghèo tại đô thị vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội và doanh nghiệp trong nước vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Điều kiện vay ở mô hình này là cá nhân, hộ gia đình phải đóng vào quỹ ít nhất khoảng 30% tổng số tiền dự kiến vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội với mức tối thiểu trong thời gian năm năm. Mức tiền được vay thêm tối đa bằng hai lần tổng số tiền đã đóng vào quỹ. Việc cho vay được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên, ai có thời gian đóng dài hơn thì được ưu tiên vay trước. Thời gian trả nợ trong vòng 15 năm với mức lãi suất cho vay trong khoảng 6,5 – 8,5%.
Trường hợp người tham gia không có nhu cầu vay để tạo lập hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì sẽ được quỹ thanh toán cả gốc và lãi, nhưng mức lãi suất được hưởng sẽ cao hơn lãi suất huy động ban đầu là 2% mỗi năm.
Ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành cho rằng, đề án lần này đã có tính thực tế hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để đề án khả thi, người dân có thể tiếp cận được với quỹ thì phải đi kèm nhiều cơ chế chính sách khác. Cụ thể, với quy định muốn vay tiền từ quỹ người dân phải đóng 30% tổng số tiền dự kiến vay trong vòng năm năm. Nếu căn hộ đó khoảng 1 tỉ đồng thì người dân phải đóng được 300 triệu đồng trong vòng năm năm. Tức là mỗi tháng người dân phải đóng vào quỹ 5 triệu đồng. Đây là một điều hết sức khó khăn với thu nhập hiện tại của người dân chưa có nhà ở và cần nhu cầu mua nhà xã hội. Bởi thu nhập của người dân hiện nay 90% đã phải chi phí vào những thứ như ở, ăn, mặc…
Do vậy, theo ông Đực, để người dân có thể tiếp cận được quỹ và mua nhà thì giá trị căn hộ ấy phải có giá từ 500 triệu đồng trở xuống, theo đó bình quân mỗi tháng người dân chỉ phải đóng quỹ 2,5 triệu đồng, hoặc diện tích căn hộ phải nhỏ hơn.
Tương tự, một doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM cũng cho rằng, quỹ tiết kiệm nhà ở là rất cần thiết trong tình trạng người dân chưa có nhiều điều kiện mua nhà như hiện nay. Tuy nhiên, với đề án mà Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ, vị này lo ngại tính khả thi không cao. Bởi lẽ, ngoài lý do rất ít người dân có thể dư 5 triệu đồng/tháng để đóng quỹ, thì người dân còn bức xúc về nhu cầu nhà ở nhưng phải chờ đến năm năm mới đủ điều kiện được vay mua nhà thì quá lâu. Người mua nhà cũng không thể yên tâm đóng tiền khi hoàn toàn mù tịt thông tin về nơi ở của mình.
Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cũng kiến nghị nên có một khoảng mở cho những người tham gia vào quỹ này. Ví như, người dân đã tham gia vào quỹ này được năm năm nhưng số tiền người ta cần phải mua nhà cao gấp năm lần đã đóng, thì cũng nên xem xét để cho người dân được vay chứ không nhất thiết phải theo mô hình hai lần số tiền đóng vào quỹ. Mặt khác, cũng nên xem xét tính bức bách của từng trường hợp để có cơ chế giải quyết phù hợp.
Còn theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, để đề án khả thi, trước hết bộ Xây dựng nên khảo sát thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM. Cuộc khảo sát cần làm rõ các tiêu chí: chuẩn thu nhập thấp ở mỗi thành phố là bao nhiêu tiền/tháng/gia đình? Số lượng gia đình thu nhập thấp ở mỗi thành phố? Giá thấp nhất của một căn hộ 50m2 cho người thu nhập thấp là bao nhiêu?... Từ những số liệu thu thập được, chúng ta sẽ ước tính được khả năng góp vốn của người thu nhập thấp, thời gian để họ có thể trả hết nợ mua nhà, để từ đó có phương án, giải pháp hợp lý.
Vũ Nguyên (Tựa đề của Thương Giang)
Ưu đãi nhưng còn quá cao
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng trong bối cảnh địa ốc đắt đỏ như Việt Nam thì mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở xã hội do bộ Xây dựng đề xuất tạo điều kiện cho những người có thu nhập thấp tiếp cận được với nhà ở, nhưng đến nay mới đề xuất “là hơi muộn”.
Việc những người có nhu cầu mua nhà phải đóng góp 30% tổng số tiền cần vay buộc những người thu nhập thấp phải có trách nhiệm với căn hộ của mình, tránh tình trạng bao cấp, chờ cơ chế phân phát của Nhà nước. Vấn đề duy nhất khiến ông Võ lo ngại là cơ chế vận hành làm sao để tránh tham nhũng, xin cho.
Phó tổng giám đốc một công ty địa ốc tại Hà Nội cho rằng, thực hiện đề án là không đơn giản. Đơn cử, một ngôi nhà thu nhập thấp ở khu vực Hà Nội cũng phải 800 triệu đồng mỗi căn. Giả sử đóng 30% giá trị căn hộ trong vòng năm năm thì mỗi tháng một hộ gia đình cần phải nộp 4 triệu đồng, đúng bằng tổng mức thu của người thu nhập thấp. Như vậy, họ phải nhịn ăn, nhịn mặc và không mua sắm thì mới đủ tiền mua nhà.
Mặc dù là ưu đãi, nhưng lãi suất cho vay từ 6,5 – 8,5%, theo nhiều người là quá cao so với người thu nhập thấp. Theo tính toán, nếu vay 70% tương đương khoảng 560 triệu đồng trong vòng 15 năm thì mỗi hộ sẽ phải trả tiền gốc khoảng 3 triệu đồng một tháng chưa tính lãi. Một chuyên gia cho hay, khi mang ý nghĩa an sinh xã hội thì nhà thu nhập thấp nên được ưu đãi với mức lãi suất bằng 0%, tuy nhiên điều này không đơn giản vì sẽ làm nặng gánh ngân sách nhà nước. Bởi vậy, số đông các chuyên gia cho rằng, giải bài toán nhà thu nhập thấp cho người dân sẽ còn là “câu chuyện dài kỳ”.
Thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, đề án được xây dựng sau khi tham khảo các nước và lắng nghe ý kiến đóng góp của các bộ ngành. Lãnh đạo bộ cũng cho biết, năm 2010, bộ đưa ra ý tưởng đề xuất bắt buộc mỗi người dân phải đóng góp khoảng 1 – 2% mức lương tuy nhiên nhận được nhiều quan điểm trái chiều. Do đó bộ đã xây dựng đề án theo hướng người dân đóng góp tự nguyện và Nhà nước sẽ gánh bớt áp lực tài chính cho người dân bằng việc hỗ trợ lãi suất ưu đãi. “Trước mắt, có thể nhiều người chưa hiểu rõ đề án. Khi được thông qua, bộ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể sau”, ông Nam nói.
Trần Tiến
* Hình như Bộ  Xây dựng đang ngồi trên mây khi làm đề án này. Liệu Bộ có biết thu nhập của người thu nhập thấp hiện nay là bao nhiêu không. Những người có thể bỏ ra 5 triệu mỗi tháng góp quỹ (trong khi đã đóng 300 triệu ban đầu vào quỹ) thì có phải là thu nhập thấp? Đề án này chỉ là một "giấc mơ đẹp" của người nghèo!
Thương Giang

08:22

Ngoại tình, Bí thư Đảng ủy xã mất chức


(NLĐO) – Xác định hành vi của ông Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Phú Riềng vi phạm những điều cấm đảng viên không được làm, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy Bù Gia Mập (Bình Phước) đã thống nhất đề nghị cách chức về mặt Đảng đối với ông này.


Ngày 28-6, nguồn tin từ UBKT Huyện ủy Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước cho biết vào ngày 27-6, đã họp và thống nhất đề nghị cách mọi chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Quang Sinh (SN 1963, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Phú Riềng) vì tha hóa trong lối sống.

Liên quan đến vụ việc, trước đó, vào ngày 21-6, chi bộ đảng nơi ông Sinh sinh hoạt cũng họp nhưng chỉ đưa ra hình thức… cảnh cáo.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, từ năm 2004, khi còn là Chủ tịch UBND xã Phú Riềng, dù đã có vợ và 3 con trai nhưng ông Sinh vẫn ngoại tình với bà Bùi Thị T. (SN 1966), Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Phú Thành, xã Phú Riềng. Mặc dù nghi ngờ nhưng chồng bà T. là ông Bùi Thanh P. (SN 1961) không có bằng chứng nên đành ôm hận trong thời gian dài.

Mãi đến chiều 3-5, bà T. lấy cớ về thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) để khám bệnh, ông P. cùng bạn bí mật theo dõi bà T. Khi về đến thị xã Đồng Xoài, cả hai thấy bà T. cùng ông Sinh vào nhà trọ Bảo Ngọc ở phường Tân Xuân (TX Đồng Xoài).

Khoảng 20 phút sau, ông P. cùng bạn tông cửa xông vào bắt quả tang ông Sinh đang "khám bệnh" cho vợ ông P. trên giường. Do chủ nhà trọ Bảo Ngọc sợ ảnh hưởng đến người khác nên can ngăn và ông Sinh đã quỳ xuống lạy, chắp tay xin lỗi nên ông P. cho về nói chuyện sau.

Sau đó một tuần, khi dư luận trong xã bàn tán, biết không thể giấu được, ông Sinh đành đến nhà ông P. để tiếp tục xin bỏ qua và viết tường trình thừa nhận đã ngoại tình với bà T. từ năm 2004! 

Sau khi đã có đủ chứng cứ, ông P. viết đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước lẫn Huyện ủy Bù Gia Mập. Đến ngày 15-6, các cơ quan chức năng huyện Bù Gia Mập công bố việc ông Nguyễn Quang Sinh quan hệ bất chính với vợ người khác là đúng sự thật.
T. Tiến

 08:07

Ngân hàng Nhà nước:

Không được thu phí rút tiền ATM nội mạng


Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 28.6 yêu cầu tất cả tổ chức phát hành thẻ không được thu phí rút tiền ATM nội mạng, giữ nguyên mức phí ATM ngoại mạng (3.300 đồng/lần) trong năm 2012.

Quyết định này được đưa ra sau khi NHNN họp với các ngân hàng thương mại, nhằm thực hiện chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và để ổn định tình hình thu phí ATM. NHNN cũng yêu cầu các công ty chuyển mạch thẻ không thay đổi bất kỳ mức phí nào đối với giao dịch ATM.
Các tổ chức phát hành thẻ phải thông báo công khai biểu phí dịch vụ thẻ tại điểm giao dịch ATM để khách hàng biết. Hội thẻ ngân hàng phối hợp chặt chẽ với NHNN nghiên cứu để xây dựng chính sách phí ATM hợp lý nhằm đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa khách hàng và tổ chức phát hành thẻ.
Anh Vũ - T.Xuân

07:33

Đánh sập đường dây cá độ của băng xã hội đen


Đường dây cá độ này không chỉ làm đại lý cho nước ngoài, phân phối theo hệ thống chân rết với số tiền lên hàng trăm ngàn USD mà còn có đội cầm đồ, tín dụng đen trang bị đầy đủ vũ khí để “thanh toán” con nợ


Vào khoảng 8 giờ ngày 28-6, Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C45) phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50-  Bộ Công an), Công an TP Hà Nội, Công an tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành khám xét, thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Phạm Văn Cường, một trùm cho vay tín dụng đen ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, về hành vi tổ chức cá độ bóng đá trên mạng internet.
Đại lý lớn cho “nhà cái” quốc tế
Cùng lúc đó, lực lượng công an cũng bắt 6 đối tượng khác gồm: Ngô Văn Đáng, Lê Văn Nhuận (đều trú tại thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), Đào Ngọc Linh (trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội), Võ Thành Tâm (trú tại phường Bạch Đằng, Hà Nội), Nguyễn Minh Tú (trú tại phường Hoàng Văn Thụ, Hà Nội) và Đỗ Nghiêm Thành An (trú tại quận Hà Đông, Hà Nội). Phạm Văn Cường được xác định là đối tượng cầm đầu đường dây cá độ bóng đá.
Các đối tượng bị bắt giữ cùng với nhiều tang vật ô tô, vũ khí
Cơ quan công an  đã thu giữ 6 ô tô các loại, trong đó có 2 xe Toyota Land Rover, 1 xe hiệu Audi; gần 1 tỉ đồng tiền mặt, 17 điện thoại di động, 3 máy fax, 8 máy tính xách tay, 6 thẻ tín dụng trị giá hàng tỉ đồng. Đáng chú ý, cơ quan công an đã thu giữ được cả một “kho vũ khí” tại nhà các đối tượng này (chủ yếu ở nhà Cường và Đáng) gồm nhiều loại súng như: 3 khẩu súng Colt, hàng trăm viên đạn; 3 khẩu súng bắn hơi cay (cùng hàng chục viên đạn); nhiều loại súng hoa cải cùng hàng chục loại đao, mã tấu, dao găm.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng C45, cho biết chuyên án đã được theo dõi trong  thời gian rất dài. Ngoài Cường làm trùm, Đáng và Tâm là đại lý cấp 2 để phân phối cho các chân rết. Các đối tượng trực tiếp làm việc với các “nhà cái” lớn ở nước ngoài. Tại Việt Nam, các đối tượng này đóng vai trò trung gian, phục vụ cho các con bạc chơi cá độ qua mạng.
Lộ mặt băng xã hội đen
Theo đại tá Tiến, sở dĩ các đối tượng trong đường dây cá độ của Phạm Văn Cường  có nhiều vũ khí là vì ngoài tổ chức cá độ, các đối tượng này còn hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cầm đồ. Xác định đây là một tổ chức cá độ bóng đá mang tính xã hội đen, khi thua sẵn sàng tổ chức vũ lực để đòi nợ, xiết nợ nên chúng tôi đã tính toán rất kỹ để bắt các đối tượng, thu toàn bộ vũ khí các đối tượng giấu tại nhà” - đại tá Tiến nói.
Về nguồn gốc của số vũ khí, đại tá Tiến cho biết C45 sẽ tiếp tục làm rõ có hay không việc các đối tượng này nằm trong một đường dây buôn bán vũ khí.
Được biết, để bắt các đối tượng này, tránh sự kháng cự bằng vũ khí, C45 cùng các lực lượng đã phải huy động 10 ô tô, gần 100 chiến sĩ công an đồng loạt vây bắt 8 điểm.
Đồng Tháp: Bắt hàng chục đối tượng cá độ bóng đá
Cùng ngày, lực lượng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Tháp kết hợp với Công an TP Cao Lãnh bắt quả tang gần 30 đối tượng đang cá độ bóng đá tại quán cà phê Phố Cổ (phường Hòa Thuận, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Bước đầu, các đối tượng thừa nhận tham gia cá cược ăn tiền trong trận bán kết Euro giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Trước đó, ngày 25-6, Cơ quan CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã bắt 12 đối tượng ngụ tại tỉnh Đồng Tháp có hành vi tổ chức cá độ bóng đá thông qua mạng internet với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi trận.
N.Huynh
NGUYỄN QUYẾT