Đường sắt Việt Nam nhiều sai phạm,
Cập nhật lúc 16:20
Việc thực hiện nhiều dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt của Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) và Ban Quản lý dự án (BQLDA) đường sắt có nhiều sai phạm.
Nhiều sai phạm tại Tổng công ty đường sắt Việt
Nam, song việc xử lý kỷ luật còn chậm
Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm toán vừa kiến nghị Chính phủ xem xét việc kiểm điểm xử lý trách nhiệm của nhiều đơn vị trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước do sai phạm liên quan tới sử dụng ngân sách, vốn vay ODA đầu tư các dự án công. Trong đó, nổi lên là việc thực hiện nhiều dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt của Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) và Ban Quản lý dự án (BQLDA) đường sắt. Đối với dự án (DA) cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, sau 2 lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư từ hơn 3.400 tỉ đồng đã tăng lên khoảng 5.809 tỉ đồng, bao gồm vốn đối ứng trong nước và vốn vay ODA. Quá trình thực hiện DA mắc nhiều sai phạm, các cơ quan kiểm tra đã đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo VNR, BQLDA đường sắt kiểm điểm, làm rõ và xử lý theo quy định đối với nhiều nội dung; trong đó có việc không tuân thủ quy định của Bộ Tài chính và chỉ đạo của chủ đầu tư trong công tác quản lý chi phí huy động công trường, quản lý điều hành thi công của các nhà thầu gói thầu CP1, CP2, CP3 và chi phí mua sắm thiết bị cho tư vấn với giá trị hơn 41,46 tỉ đồng và 257.273 USD. Ngoài ra, việc lập, thẩm định tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư điều chỉnh không tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho DA điều chỉnh. Trong khi đó, sử dụng hơn 138 tỉ đồng và hơn 8,6 triệu USD tiền thuế GTGT (đã có ở Quyết định 2742/2007/QĐ-BTGVT ngày 10.9.2017 của Bộ GTVT) chi cho các nội dung tăng thêm (giải phóng mặt bằng, chi phí ban quản lý, chi khác…) không báo cáo cấp có thẩm quyền. Duyệt dự toán gói thầu, nghiệm thu thanh toán công trình không có thuế GTGT sai với quy định của luật Thuế GTGT năm 1997, luật Thuế GTGT năm 2008 và các văn bản hướng dẫn luật đối với các DA sử dụng vốn vay ODA. Nghiêm trọng hơn, BQLDA đường sắt còn ra quyết định cử 7 đoàn đi kiểm tra vật tư nhập khẩu tại Pháp, gây lãng phí hơn 3,1 tỉ đồng.
Nhiều đơn vị của PVN chưa kiểm điểm, xử lý cán bộ vi phạm
Đối với Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), các cơ quan thanh tra,
kiểm toán cũng xác định một số tập thể, cá nhân có liên quan trong việc tham
mưu giúp việc phê duyệt các nghị quyết liên quan đến việc ủy thác cho vay qua
OceanBank, PVCombank tại các đơn vị PVC, PVShipyard, PVTex và PVB để đầu tư
không phát huy được hiệu quả, khó có khả năng thu hồi, tiềm ẩn mất vốn.
Tại các đơn vị thành viên, Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đã ký kết hợp đồng, tạm ứng, thanh toán tại Công ty CP thủy điện Đắkđrinh; Tổng công ty dầu (PVOil) kiểm điểm trách nhiệm trong việc chấp thuận chủ trương cho thuê đất và cơ sở vật chất khác xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu condensate/naptha trên đất hành lang an toàn tại Công ty CP dầu khí Mê Kông (Petromekong). Ngoài ra, Tổng công ty CP dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) phải kiểm điểm, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ nhiều năm qua tại Công ty TNHH khảo sát địa vật lý PTSC-CGGV.
Đáng nói, mặc dù cơ quan chức năng đã kiến nghị, nhưng PVN chưa
tổ chức kiểm điểm, xử lý những tập thể và cá nhân trên.
Chậm kiểm điểm, kỷ luật sai phạm
Tại DA nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP.HCM (VNR là chủ đầu tư, BQLDA đường sắt là đại diện chủ đầu tư), sử dụng vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, tổng mức đầu tư là 37,153 tỉ yen và 1.054 tỉ đồng (tương đương 9.284 tỉ đồng), các cơ quan chức năng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo VNR kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan đối với việc thẩm định, phê duyệt kết quả đấu thầu các gói thầu CP1A, CP1B, CP1C, CP1D, CP2 và CP4 có giá trúng thầu cao hơn giá gói thầu được phê duyệt hơn 1.065 tỉ đồng. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT chỉ đạo, xử lý đối với phần chi phí tăng thêm bị giảm trừ hơn 1.031 tỉ đồng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cần xác định đầy đủ, chi tiết nguyên nhân chủ quan, khách quan làm chậm tiến độ của DA (đặc biệt là ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu) và sự ảnh hưởng của từng nguyên nhân đến tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của DA để tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan, xử lý theo quy định. Kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm liên quan đến việc phê duyệt giá khởi điểm tài sản vật tư thu hồi tại gói thầu CP1C không đúng thẩm quyền; nếu có vi phạm gây thiệt hại thì xử lý theo quy định của pháp luật. Về những nội dung này, mặc dù cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị nhưng đến nay VNR và BQLDA đường sắt vẫn chưa tiến hành kiểm điểm, xử lý hết trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm nêu trên. Anh Vũ |
Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét