Đây là nước Mỹ
Cập nhật lúc 09:50
Có quá nhiều
thứ khiến nước Mỹ có thể bùng lên ngay lúc này: thất nghiệp hàng loạt, đại
dịch COVID-19 làm bộc lộ sự bất bình đẳng về kinh tế và y tế, vấn nạn bạo lực
của cảnh sát, tình trạng phân biệt sắc tộc kéo dài...
Người biểu tình bị cảnh sát bắt ở Los Angeles ngày 30-5 - Ảnh: Reuters
Những cảnh tượng bạo lực xảy ra tại nước Mỹ
mấy ngày qua khiến tôi nhớ đến ca khúc This is America (Đây là nước Mỹ) của nhạc
sĩ - ca sĩ rap da màu Childish Gambino. This is America ra mắt năm 2018 - tức
dưới thời Tổng thống Donald Trump - lập tức trở thành hiện tượng với hơn 12
triệu lượt xem trong 24 giờ trên YouTube và đạt mốc 100 triệu chỉ trong một tuần.
Bài hát nói về tình trạng phân biệt
sắc tộc đối với người Mỹ da màu, tình trạng sử dụng vũ khí tự do và nạn bạo
lực của cảnh sát. Bài hát được cho là phản ứng của Childish Gambino với cách
ông Trump xử lý các vấn đề nêu trên trong giai đoạn đầu cầm quyền của mình.
Những hình ảnh về các vụ việc nổi cộm
liên quan nạn nhân là người da màu trong thời gian gần đây được thể hiện trực
tiếp hoặc mô phỏng trong bài hát trên nền của thông điệp "Mày chỉ là một
gã da đen trong thế giới này".
Với những cuộc biểu tình lớn và bạo
lực liên tiếp trong nhiều ngày qua sau vụ người đàn ông da màu 46 tuổi tên
George Floyd thiệt mạng vì hành vi bạo lực của cảnh sát thành phố
Minneapolis, bang Minnesota, nước Mỹ hợp chủng quốc một lần nữa lại bị thử
thách về dân chủ, tự do, công bằng.
Thông điệp của biểu tình ở nhiều nơi
tại nước Mỹ giống nhau và giống với những cuộc tương tự từng xảy ra trước
đây: hãy dừng ngay tình trạng bạo lực của cảnh sát nhắm chủ yếu vào cộng đồng
người da màu (hay nói đúng hơn là da đen) ở Mỹ.
“Mọi người đều đau khổ nên mới xảy ra biểu tình như thế. Tôi đã chán
thấy những người da đen bị chết rồi. Tôi mong muốn người biểu tình thể hiện
ôn hòa, nhưng tôi không thể buộc họ làm như thế được”.
Philonise Floyd (anh trai của nạn
nhân George) nói trên đài CNN.
Theo ông Didier Combeau - chuyên gia
về Mỹ, tác giả cuốn sách Cảnh sát Mỹ, vụ việc này cũng như các vụ việc tương
tự trước đây, là hệ quả của nhiều triệu chứng: tình trạng bạo lực của cảnh
sát cũng phản ánh hình ảnh bạo lực của toàn xã hội Mỹ, trên nền tảng của nạn
phân biệt sắc tộc cá nhân và thể chế tồn tại ở Mỹ từ rất lâu, và tùy tình
hình sẽ bùng phát ở mức độ nào, như lần này có ảnh hưởng từ cuộc bầu cử sắp
tới.
Những triệu chứng đó là có thật, được
minh chứng bằng các con số. Theo số liệu từ báo chí Mỹ, mỗi năm có 1.000 -
1.200 người thiệt mạng do các hoạt động trấn áp của cảnh sát, trong đó nạn
nhân người da đen chiếm 25%. Người ta cho là có phân biệt đối xử bởi tỉ lệ
người Mỹ da đen chỉ vào khoảng 13% trong dân số Mỹ.
Một nghiên cứu khác của liên minh các
nhà báo Fatal Encounters và National Vital Statistics System công bố hồi năm
2019 cho thấy người Mỹ da đen có nguy cơ bị cảnh sát giết nhiều gấp 2,5 lần
người Mỹ da trắng, và cứ 1.000 người Mỹ da đen có vụ việc với cảnh sát thì 1
người sẽ chết.
Vụ việc xảy ra với George vào tối
25-5 gây bùng nổ biểu tình khắp nơi không chỉ vì nguyên cớ khá nhỏ (George bị
nghi ngờ xài tờ 20 USD tiền giả) mà còn vì nó xảy ra chỉ khoảng ba tháng sau
một vụ việc cũng liên quan cái chết của người da đen.
Ngày 23-2, ở Brunswick, bang Georgia,
Ahmaud Arbery, 25 tuổi, bị một viên cảnh sát về hưu cùng con trai bắn chết vì
bị nghi là một tên trộm cắp. Vụ việc xảy ra với George cũng rất giống vụ Eric
Garner bị cảnh sát đè chết tại New York ngày 17-8-2014 với lời cuối cùng cũng
là "Tôi không thở được nữa".
Những cuộc biểu tình lần này lan ra
nhanh chóng, theo nhận định của nhiều nhà phân tích, là có liên quan đến
những bức bối của tình trạng thất nghiệp đột ngột ở quy mô lớn cùng sự mơ hồ
của tương lai sau đại dịch COVID-19.
Cũng đã xuất hiện nhiều bạo lực, đã
có cảnh sát lẫn người biểu tình bị bắn chết, nhưng chính quyền cũng thể hiện
sự cứng rắn trong việc trừng trị những người vi phạm (4 cảnh sát liên quan đã
bị sa thải lập tức) lẫn việc răn đe trấn áp biểu tình quá khích.
Điều này được cho là có liên quan đến
cuộc bầu cử sắp diễn ra. Ông Trump không để cho tình hình vượt mức kiểm soát,
khi mà những hậu quả của dịch bệnh còn chưa giải quyết xong.
“Chúng ta không thể và không được cho phép một nhóm nhỏ tội phạm cùng
những kẻ phá hoại tàn phá các thành phố, hủy hoại các cộng đồng dân cư chúng
ta”.
Ngày 29-5, cựu sĩ quan cảnh sát Derek
Chauvin liên quan đến cái chết của nạn nhân Floyd đã bị buộc tội giết người
cấp độ 3 và ngộ sát. Tội danh nêu trên có thể phải chịu mức án tù 25 năm ở
bang Minnesota. Hiện cựu sĩ quan Chauvin đã bị bắt giam. Thượng nghị sĩ bang
Minnesota, Amy Klobuchar, đã gọi vụ bắt giữ Chauvin là "bước đầu tiên
hướng tới công lý".
Nếu chính quyền muốn thực thi trọn
vẹn công lý trong vụ George cũng như tránh để mất kiểm soát các cuộc biểu
tình, tình hình sẽ sớm yên ổn.
Như nhận định của nhà nghiên cứu lịch
sử của Đại học Michigan, bà Heather Ann Thompson - người từng giành giải Pulitzer
năm 2016 với cuốn sách về các cuộc biểu tình bạo loạn ở Mỹ trong thập niên
1960: "Tôi nghĩ rằng chúng ta thật sự đang ở giai đoạn mà mọi thứ sẽ
căng thẳng hơn rất nhiều, trước khi mọi thứ ổn định".
1.400
Đó là số
người biểu tình đã bị bắt tại 17 thành phố kể từ ngày 28/5, theo Hãng thông
tấn AP. Con số này chắc chắn đã cao hơn khi làn sóng biểu tình lan rộng trong
hai ngày cuối tuần.
Nhiều thành phố áp đặt lệnh giới
nghiêm
Tại 3 thành phố Los Angeles, Philadelphia và Atlanta, lệnh giới
nghiêm đã được áp đặt trong ngày 30-5. Lệnh giới nghiêm trong 2 đêm
(áp đặt từ 17h chiều) cũng được thực thi tại thành phố Louisville,
Kentucky và Seattle.
Thị
trưởng TP Minneapolis cũng đã ban bố lệnh giới nghiêm bắt đầu từ tối 29-5, từ
20h hôm trước đến 6h hôm sau, tại tất cả các địa điểm công cộng, bao gồm mọi
ngả đường trong thành phố. Vi phạm lệnh giới nghiêm có thể bị phạt tiền đến
1.000 USD hoặc bị phạt tù 90 ngày. TP St. Paul giáp Minneapolis cũng áp đặt
giới nghiêm từ ngày 29-5, sau sắc lệnh tình trạng khẩn cấp địa phương.
(Theo Tuổi trẻ) LÊ KIM (từ Mỹ)
|
Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét