‘Ăn vặt’ của cán bộ
Hai vị
khách đầu tiên ghé thăm khi gia đình tôi khai trương quán cà phê nhỏ ở khu
phố cổ Hà Nội là chị cán bộ thuế và anh công an phường.
Không hẹn
trước, cả hai xuất hiện trong sự luống cuống và sợ hãi của các nhân viên. Sau
màn chào hỏi, họ đi thẳng vào vấn đề. Anh công an khu vực bày tỏ nguyện vọng
làm quen để sau này "doanh nghiệp ủng hộ kinh phí cho anh em trực đêm và
đi du lịch". Trong khi đó, nữ nhân viên thuế của quận viện dẫn các quy
định và gợi ý "nếu không biết khai thuế sẽ giúp cho".
Từng nhiều lần
tiếp xúc với cơ quan thuế, chúng tôi bình tĩnh giải thích rằng công ty gia
đình đã đăng ký kinh doanh và báo cáo thuế đầy đủ. Nói chuyện loanh quanh một
lát, thấy chúng tôi không hồ hởi và cũng không có ý định gửi phong bì, cả hai
đành cáo lui.
Đó là năm 2010.
Trước đó không lâu, chúng tôi từng chạm trán nảy lửa với cơ quan thuế nên
tích cóp được vài kinh nghiệm. Năm đó công ty tới kỳ quyết toán thuế. Đoàn
công tác thuế của quận hẹn 8 giờ sáng làm việc nhưng tới 11 giờ trưa mới xuất
hiện. Chúng tôi không nhận được lời xin lỗi nào. Có hôm đoàn đến hai người
vào buổi sáng, buổi chiều lại phát sinh tới bốn người. Suốt ba ngày, công ty
phải cắt cử nhân viên đưa đoàn đi ăn trưa. Nhưng việc đó còn dễ chịu hơn
nhiều so với việc phải nghe vị trưởng đoàn hù dọa. Đó là nữ cán bộ có giọng
nói ồm ồm và vẻ mặt kẻ cả. Nhiều chi phí thực tế của doanh nghiệp như tiếp
thị quảng cáo, tái đầu tư, công tác phí bị thẳng tay loại khỏi "bảng chi
phí hợp lý". "Tiền phạt ít nhất vài chục triệu", chị liên tục
nói.
Tôi và chồng
không khỏi lo lắng. Công ty chúng tôi thuộc dạng khởi nghiệp, doanh thu vừa
đủ trả lương cho đội ngũ nhân viên và đầu tư vào hệ thống. Số tiền vài chục
triệu Đồng có thể làm doanh nghiệp điêu đứng. Với tâm thế mình không sai nhất
định không để mất tiền oan, chúng tôi quyết định đánh một ván bài lớn. Vào
ngày cuối đợt kiểm tra, vị trưởng đoàn được chồng tôi mời vào phòng làm việc.
Anh bày tỏ sự bức xúc vì thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp của các cán bộ
thuế và nói rằng toàn bộ các hành vi đó đã được camera và máy ghi âm của công
ty ghi lại.
Không ngờ chiêu
"đấu tranh trực diện" phát huy hiệu quả. Vị trưởng đoàn xuống nước,
hứa sẽ làm đúng quy định và không áp đặt các mức phạt vô lý nữa.
Nếu có một chỉ số mà Việt Nam chưa bao giờ có thể tự hào, đó là
Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) khởi xướng. Chỉ
số này lấy ý kiến của lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia nhằm đo lường mức
độ tham nhũng trong khu vực công. Năm 1997, lần đầu tiên được TI xếp hạng,
Việt Nam đứng vị trí 43/52 - gần "đội sổ". Kể từ đó, danh sách các
quốc gia và lãnh thổ liên tục mở rộng nhưng thứ hạng của Việt Nam luôn loanh
quanh mức 100-110/170-180, nằm trong số những quốc gia thuộc vùng trũng tham
nhũng của thế giới. Qua hơn hai thập kỷ, sự cải thiện chậm trễ trong lĩnh vực
này được một số quan chức khoác lên một tấm áo mơ hồ: "tham nhũng ổn
định".
Tuy nhiên, có lẽ đó chỉ là cách nói biện minh. Tôi đã có gần 10
năm theo sát các hội nghị tài trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam.
Tại các sự kiện này, tham nhũng và hiệu quả của khu vực công luôn là đề tài
nóng hổi. Những năm đầu thập kỷ 2000, ông Vũ Khoan, khi ấy là Phó Thủ tướng
dùng từ "tham nhũng vặt" để chỉ tình trạng hối lộ hải quan, thuế
vụ, công an giao thông, bồi dưỡng y tá và bác sĩ... Đầu năm 2006, vụ bê bối
liên quan đến tham nhũng tại dự án PMU18 của Bộ Giao thông Vận tải làm choáng
váng toàn bộ cộng đồng các nhà tài trợ. Giám đốc Ngân hàng Thế giới lúc đó,
ôngKlaus Rohland cho
rằng "việc công chức biển thủ và cá cược bóng đá tới 1,8 triệu đô là
việc không bình thường ở bất kỳ đâu trên thế giới".
Những năm sau
đó, quy mô, sự tinh vi và trắng trợn của các vụ tham nhũng, tham ô tăng tiến
với cấp số nhân. Rất nhanh, những đại án tại các doanh nghiệp nhà nước, các
mối quan hệ thân hữu giữa khu vực tư nhân và giới quan chức, các nhóm lợi ích
trở thành chuyện không còn khiến dư luận ngạc nhiên.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước
Liên hợp quốc về chống tham nhũng vào năm 2003. Hàng loạt khuôn khổ thể chế
đã được cải thiện nhằm phục vụ việc thực thi Công ước, trong đó có việc sửa
đổi toàn diện và ban hành Luật Phòng chống Tham nhũng, sửa đổi Luật Tố cáo và
đưa vào hiệu lực Luật Tiếp cận thông tin năm 2018. Tuy vậy, có lẽ tư duy coi
hành vi nhũng nhiễu của các cán bộ nhà nước là "ăn vặt" hoặc
"nước trong quá thì cá chết" đã và đang góp phần mang lại sự
"ổn định" chết người của tệ nạn này. Ở các nước có chỉ số tham
nhũng thấp, luật pháp và người dân áp dụng cách tiếp cận "không dung
thứ" (zero tolerance) đối với các hành vi lạm quyền, hối lộ, tham ô. Đó
là các quốc gia nhận thức rất rõ tham nhũng có thể làm xói mòn nguồn lực đất
nước, giảm sút tính cạnh tranh, và trong nhiều trường hợp, đe dọa tính chính
danh của chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đề nghị khẩn trương làm rõ thông
tin liên quan tới việc Công ty Tenma của Nhật Bản bị cáo buộc hối lộ cơ
quan thuế và hải quan Việt Nam sau khi báo chí hai nước vào cuộc. Bộ Tài
Chính cũng đã chỉ đạo đình chỉ công tác các cán bộ liên quan để kiểm tra. Bộ
trưởng Đinh Tiến Dũng từng thừa nhận hành vi "ăn vặt" của cán bộ trong ngành hải quan và hạ
quyết tâm cải cách.
Trong nỗ lực để
tham nhũng không trở thành lực cản phát triển, vai trò của báo chí, các tổ
chức dân sự và người dân càng được phát huy bao nhiêu, việc giám sát và chống
tham nhũng càng hiệu quả bấy nhiêu. Đổi thay bắt đầu từ việc không dung thứ
với những hành vi "ăn vặt", dù nhỏ nhất.
(Theo
VnExpress) Cẩm Hà
|
Thứ Ba, 2 tháng 6, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét